Thế trận hậu cần nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Tổng Quân ủy nhận định: “Để tiến hành chiến dịch rất lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất là cung cấp mà chủ yếu là vấn đề đường sá”.
Vậy mà, chủ yếu bằng xe đạp thồ, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành Hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng, bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên tới 20.000 tấn.
Hình ảnh xe đạp thồ trưng bày tại triển lãm “Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ – giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954-7/5/2019)”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh, 65 năm trước, thực hiện kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954 của Bộ Chính trị, trên cánh đồng Mường Thanh giữa núi rừng Tây Bắc, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo nên “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta.
Hơn hai vạn xe đạp thồ được huy động phục vụ chiến dịch
“…Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến.
Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu… quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng, chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá.
Thiếu tướng Lê Hồng Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cho biết, dự kiến nhu cầu hậu cần chiến dịch gồm: 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm, cứu chữa 5.000 thương binh và ngày 20/1/1954 phải hoàn thành chuẩn bị về hậu cần.
Vào lúc 17h5 ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng trận đánh vào Him Lam. Các tuyến hậu cần bước vào phục vụ bộ đội chiến đấu. Để vận chuyển khối lượng lớn vật chất lên mặt trận, hậu cần chiến dịch thực hiện phương châm “lấy vận tải cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ.
Toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp được huy động. Phong trào thi đua “Vượt cung, tăng chuyển, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt” phát triển sâu rộng trong các đơn vị. Tuyến vận tải chiến dịch bố trí 18 trạm điều chỉnh giao thông… Hơn hai vạn xe đạp thồ được các địa phương huy động phục vụ chiến dịch.
Để bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trong điều kiện nuôi dưỡng rất khó khăn, hậu cần chiến dịch chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp như: Chế biến các loại thực phẩm khô, ướp muối thịt, muối dưa… gửi lên mặt trận, Hậu cần Đại đoàn 316 đưa được nhiều đàn bò từ Thanh Hoá lên Điện Biên Phủ, Hậu cần Đại đoàn công pháo 351 ướp muối hàng chục tấn thịt, Đại đoàn 312 tổ chức đội xe thồ 100 chiếc vận chuyển thực phẩm từ Phú Thọ lên mặt trận.
Video đang HOT
Đại đoàn 308 khai thác tại chỗ 52 tấn củ mài, 32 tấn rau rừng, đánh bắt 32 tấn cá. Đợt 2 chiến dịch, bộ đội đào hào đánh lấn dưới làn hoả lực ác liệt của địch, trời mưa, chiến hào lầy lội… hậu cần chiến dịch chỉ đạo các đơn vị đào bếp Hoàng Cầm, tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, củi khô, nước sinh hoạt tại trận địa; củng cố hầm ngủ nghỉ, nhà vệ sinh dã chiến; luân phiên tắm giặt… nên sức khoẻ bộ đội dần khôi phục và ổn định.
Do thương bệnh binh tăng gấp đôi dự kiến, ngành Quân y đã huy động toàn bộ lực lượng của 7 đội điều trị (Cục Quân y), 4 đội điều trị của các đại đoàn lên chiến dịch. Trong đó 5 đội điều trị được xây dựng thành bệnh viện mặt trận, 3 đội triển khai ở tuyến hậu cần hoả tuyến. Nhiều giáo viên, sinh viên Trường Đại học Y dược được Chính phủ điều động lên phục vụ chiến dịch.
Đồng bào Tây Bắc đã đóng góp gần 1,3 triệu ngày công
Đại tá Đặng Huy Cương – Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Quân khu 2 cho biết, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của, góp phần cùng với quân và dân cả nước giành thắng lợi, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
Đồng bào Tây Bắc đã đóng góp hơn 7.143 tấn gạo; 389 tấn thịt, khoảng 700-800 tấn rau xanh; động viên hơn 31.818 dân công ngắn hạn, gồm 1.296.078 ngày công làm cầu đường, kho lán.
Đồng bào dân tộc tỉnh tỉnh Lai Châu đã huy động vượt mức được giao 43 tấn gạo, hàng chục tấn thịt, rau xanh, 348 ngựa thồ, hàng chục nghìn cây gỗ chống lầy, làm đường cho xe cơ giới và bộ đội hành quân vào mặt trận.
Tỉnh Yên Bái đã huy động hàng chục nghìn lượt dân công, thanh niên xung phong đi mở đường, tải đạn, tiếp lương cho bộ đội, đảm bảo giao thông thông suốt tuyến đường số 13. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp 300 tấn gạo, 105 tấn thịt và hàng vạn tấn rau xanh; hàng nghìn thanh niên được động viên nhập ngũ, bổ sung cho các đơn vị chủ lực.
Tỉnh Sơn La bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch Đường 13 (nối từ tỉnh Yên Bái đến tỉnh Sơn La, dài hơn 100 km) và Đường 41 (từ cao nguyên Mộc Châu lên Tuần Giáo, Lai Châu, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc); tỉnh đã huy động được hàng chục nghìn dân công, hàng nghìn tấn gạo, thịt và rau xanh.
Tỉnh Phú Thọ đã tuyển chọn 1.434 thanh niên lên đường nhập ngũ bổ sung vào đơn vị chủ lực; huy động một lực lượng lớn dân công với hàng chục nghìn ngày công tham gia vận tải, làm đường, bảo đảm giao thông thông suốt. Hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm được nhân dân địa phương đóng góp, kịp thời chuyển tới mặt trận.
Quân và dân Hà Giang vừa phải trực tiếp chiến đấu bảo vệ hậu phương, vừa huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch, với hàng chục nghìn lượt dân công, đóng góp 250 tấn thóc cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tỉnh Tuyên Quang cùng với Việt Bắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ địa cách mạng, trung tâm của cuộc kháng chiến chống Pháp, ATK của Trung ương. Đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã huy động hàng chục nghìn dân công, đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm; duy trì thông suốt tuyến đường 37, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc v.v…
Lam Hạnh
Theo PLVN
"Cõng chữ" lên Khe Chữ
Hơn 1 năm trước, vào chiều tối 6-11-2017, một ngọn núi bất ngờ bị sạt lở đổ xuống ầm ầm, đá lăn dữ dội, tang thương bao trùm ngôi làng dưới chân núi ở Khe Chữ vùi lấp 6 ngôi nhà tại thôn 2, khiến 4 người chết, 144 ngôi nhà của đồng bào dân tộc nơi đây hư hỏng.
Ngay sau đó, chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Nam, lực lượng vũ trang Quân khu 5 nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ đồng bào dọn về ngôi làng Khe Chữ mới, cách làng cũ khoảng 4km. Sau ngày xảy ra sự cố đau thương này, một năm sau, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao, đưa vào sử dụng điểm trường học Khe Chữ tại thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Lớp ghép 1 (13 em), lớp 2 (8 em) do cô Võ Thị Trinh phụ trách
Làng dân cư kiểu mẫu
Ngôi trường khởi công xây dựng từ tháng 8-2018, được thiết kế với 2 phòng học, 1 phòng công vụ, 1 khu nhà vệ sinh với tổng giá trị 1,5 tỷ đồng và hơn 130 triệu đồng đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. Ngôi trường Khe Chữ khang trang đảm bảo việc học hành cho con em trong làng.
Chính quyền huyện Nam Trà My cũng triển khai nhiều phương án hỗ trợ bà con cải thiện đời sống; khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, nhất là trồng cây dược liệu ngắn ngày, 3 tháng thu hoạch/lần.
Về lâu dài, những giống cây như: dổi rừng, đinh lăng, quế Trà My... cũng được chính quyền và ngành chức năng địa phương khuyến khích, hỗ trợ để bà con tham gia trồng sau khi đã ổn định đời sống tại nơi ở mới. Những ngôi nhà và nhiều công trình dân sinh được xây dựng giúp nơi đây trở thành làng dân cư kiểu mẫu.
Giao thông thông suốt đến tận làng. Lưới điện quốc gia cũng được kéo đến tận làng, phục vụ cấp điện ổn định cho 144 hộ dân với hơn 430 nhân khẩu. Với hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội như trên, việc người dân nâng cao đời sống của bản thân và gia đình sẽ thuận lợi hơn trước.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, hiện nay nhà cửa, đời sống và đất sản xuất của người dân cơ bản ổn định; đường sá, hệ thống điện đã được đầu tư.
"Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cho các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trong đó, chú trọng sắp xếp các khu dân cư, tái định cư tại những vùng có nguy cơ sạt lở cao. Đề nghị chính quyền xã Trà Vân nói riêng và huyện Nam Trà My nói chung tiếp tục khảo sát, quan tâm hỗ trợ cho người dân tại những vùng đặc biệt khó khăn như làng Khe Chữ, không để người dân nào thiếu ăn, trẻ em phải được đến trường", ông Đinh Văn Thu nói.
10 năm lên non
Tại điểm trường cũ có 2 giáo viên, khi chuyển sang trường mới cũng vẫn 2 cô giáo đó đảm trách việc giảng dạy. Lớp mầm non có 35 em do cô Hồ Thị Ngọ phụ trách. Còn lớp ghép (13 em lớp 1 và 8 em lớp 2) do cô Võ Thị Trinh đảm nhận.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, cô Võ Thị Trinh chia sẻ trong xúc động khi chuyển sang điểm trường mới: "Trên này đường sá dễ đi hơn, chứ nơi dạy cũ phải đi bộ lên mấy nóc (núi - PV), mất 2 - 3 giờ, vì không thể chạy xe lên tận nơi được. Nhớ ngày trước đi bộ lên lớp, vai thì cõng ba lô, tay xách thức ăn, dầu, mắm muối... đủ thứ, trông giống đi buôn chứ không giống giáo viên chút nào. Nhà thì dựng tấm ván trống trước trống sau, xin được mấy tấm tôn che lại cho mùa mưa đỡ ướt lạnh. Thức ăn như thịt kho có khi dùng đến 2 tuần, kho đi kho lại muốn "lủng" nồi nhưng vẫn cứ ăn. Cuối tuần, cán bộ, nhân viên điểm trường về nhà hết, một mình tôi ở lại. Lúc đầu có xuống nhà dân ngủ nhưng thấy mưa gió đi lại bất tiện nên đành thui thủi một mình ở trường. Riết thành quen, nên hơn cả tháng mới "xuống núi" đi hơn 100km về nhà một lần".
Cô Trinh năm nay 42 tuổi, quê ở huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), đã có chồng nhưng vì cuộc sống hiện tại còn khó khăn nên cô chưa tính được chuyện sinh con. Cô Trinh tâm sự: "Hiện nay thu nhập cũng chỉ đủ chi tiêu cho bản thân. Nếu sinh con nữa chắc rất khó khăn. Khi dạy ở trường cũ, tuy có cực nhọc nhưng bên cạnh đó cũng có niềm vui riêng. Nhìn những em học sinh từ lúc đến trường không biết chữ, được thầy cô tận tâm dạy dỗ, bây giờ đã biết đọc, biết viết và thậm chí có nhiều em đã học hết cấp 3, nên tôi thấy rất vui. Sau vụ sạt lở núi, để các em tiếp tục học tập, điểm trường chuyển sang bên này mượn trạm của công trình đang xây dựng học tạm và học sinh gọi là "trường tấm bạt" vì chỉ được che bằng bạt xung quanh. Bây giờ có trường bê tông thì quá sướng rồi".
Ở vùng miền núi, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chuyện đi học của con em không được cha mẹ quan tâm lắm. Thầy cô vận động học sinh đến lớp không dễ chút nào. Cô Trinh phải cùng học sinh đến tận nhà để vận động các em khác đi học. Khi đến nhà, nếu không gặp học sinh mà chỉ gặp phụ huynh thì họ thường bảo: "Mình không biết, tối nó không ngủ với mình nên mình không biết nó đi đâu. Mình nói nó không được, cô giáo thích làm gì thì cô làm".
Ngoài việc khuyên nhủ, nhiều lúc cô giáo phải "xuống nước" năn nỉ. Nếu được cha mẹ đồng ý thì cõng học sinh đi liền, vì lo họ đổi ý và nếu để các em nghỉ học một buổi thì sẽ có đà nghỉ tiếp. "Chuyện thiếu thốn vật chất thì thầy cô san sẻ được, nhưng chuyện các em không chịu đi học, phụ huynh không hợp tác là vấn đề đau đầu nhất hiện nay. Đặc biệt, có những phụ huynh nghiện rượu, muốn con em họ đến lớp thì phải đem rượu đến mời họ uống để nói chuyện. Nhưng là phụ nữ, chúng tôi không uống nhiều được. Tuy nhiên, cũng có một số cha mẹ rất quan tâm đến việc học của con em và đây chính là niềm vui lớn nhất của giáo viên chúng tôi", cô Trinh trải lòng.
Nhà trường khuyến khích thầy cô bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh vào chiều thứ ba và thứ năm hàng tuần, nhưng chỉ có trò giỏi ở lại học, còn số trò tiếp thu bài chậm thì không muốn đi. Đa số học sinh vùng cao tiếp thu kiến thức rất chậm nên công tác giảng dạy của giáo viên cũng cần có phương pháp riêng, dễ hiểu hơn.
Nói về phương pháp giảng dạy cũng như kinh nghiệm dạy học sinh đồng bào dân tộc, cô Trinh chia sẻ: "Hiện nay, trình độ học sinh không đồng đều, vậy nên trên giấy tờ có 2 trình độ lớp 1 và lớp 2, nhưng thực tế tôi phải phân chia đến 6 trình độ. Một số em đọc tốt, số đọc chậm, số chỉ đánh vần, số chưa biết chữ cái, số biết đọc nhưng không biết viết... Giáo viên thì kiêm hết tất cả các môn: tiếng Việt, toán, thể dục, múa hát, vẽ... nhưng đâu phải môn nào giáo viên cũng biết sâu và có năng khiếu. Vì vậy, chúng tôi phải tập luyện và tự nghiên cứu rất nhiều, làm sao để các em có thể tiếp thu một cách tốt nhất".
Cũng là cô giáo cắm bản, vừa dạy học vừa đến từng nhà khảo sát, vận động phụ huynh đưa các em ra lớp, cô Hồ Thị Ngọ tâm sự: "Tôi gắn bó điểm trường Khe Chữ từ khi người dân chuyển về đây. Cơ sở vật chất thiếu thốn, phải học ở ngôi trường tạm. Năm nay, cô trò đều vui mừng khi được học trong ngôi trường mới kiên cố, an toàn".
Thầy Hồ Văn Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Vân, cho biết: "Điểm trường mới hoàn thành và được đưa vào sử dụng, giúp học sinh vùng sâu vùng xa thuận lợi hơn trong học tập, phụ huynh an tâm hơn, nhất là vào những mùa mưa bão, sạt lở núi. Mong rằng sự quan tâm đầu tư này sẽ góp phần giúp các em phấn đấu học tập, đặc biệt phụ huynh là việc động viên con em không bỏ học giữa chừng".
NGỌC PHÚC
Theo SGGP
Tướng Pháp thốt lên: Đối phương cao hơn chúng ta! Vào 17h30 ngày 7/5/1954, quân Pháp giương cờ trắng đầu hàng. Chỉ ngày hôm sau, Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về tương lai Đông Dương. Bài toán thời gian của tướng Giáp thật tình cờ, nhưng ở một số khía cạnh không thể tính toán hay hơn thế. Trong lịch sử ít có những người thành đạt quân sự sánh kịp ông....