Thể thao giúp trẻ tự tin, vượt chướng ngại
Môn bóng rổ, bóng chày, bơi lội rèn sự tự tin, bền bỉ, quyết tâm, vượt khó… cho các bé nhà MC Thanh Thảo, Thùy Minh.
MC Thanh Thảo nhớ mãi lần bé Dâu tập luyện thể thao đến xước cả đầu gối, bầm tím vài ngày. Xót con nhưng bà mẹ 8X tin rằng chính trải nghiệm đáng nhớ đó, có cả mồ hôi và nước mắt đã cho con nhiều bài học đáng quý. Thể thao dạy cho Dâu tinh thần bền bỉ vượt chướng ngại, quyết tâm chinh phục đam mê. 11 tuổi, Dâu có thể chơi nhiều môn thể thao như bơi lội, bóng rổ, bóng chày, cầu lông dù trước đó con rất sợ nước, thể lực chưa tốt như bạn bè.
Bé Dâu vượt qua chướng ngại và chinh phục đam mê bơi lội.
Còn với bé Linh và MC Thùy Minh, dịp Tết năm nay rất khó quên. Đó là lần đầu tiên, cậu bé 7 tuổi tự tin nhảy xuống nước, bơi một mạch hai vòng hồ khiến cả nhà mắt tròn mắt dẹt. “Tôi đã cùng con trải qua nhiều cung bậc cảm xúc buồn bã, thất vọng, nhụt chí… Vậy nên, khi chứng kiến khoảnh khắc con tự tin bơi lội, tôi muốn òa khóc”, Thùy Minh trải lòng.
Chứng kiến khoảnh khắc bé Linh tự tin bơi lội, MC Thùy Minh muốn òa khóc vì hạnh phúc.
Khi con sợ bơi
Thùy Minh kể, bé Linh mất 6 năm để học bơi chỉ vì nhát nước. MC tìm mọi cách để con biết bơi và đã có lúc chị nản chí muốn bỏ cuộc.
Mỗi năm học mới, trường có lớp bơi ngoại khóa, chị đều đăng ký cho Linh. Mùa hè, con học bơi với thầy giáo tại nhà. Đi đâu thấy có kính bơi đẹp, mẹ đều sắm về cho con. Thậm chí, bản thân không biết bơi nhưng 35 tuổi, MC Thùy Minh quyết tâm học một khóa để làm gương, tiếp động lực cho bé.
Nhưng mẹ biết bơi rồi, con vẫn mãi ở vạch xuất phát. Có khi cao hứng Linh khoe “con làm được chứ” nhưng ra hồ bơi lại bám lấy chỗ nước nông nhất. Đối mặt với nỗi sợ, cậu bé thường trốn tránh, liệt kê đủ lý do như “hôm nay, nước lạnh quá, đợi một chút cho mặt trời lên cao…”.
“Có lúc thất vọng, tôi tặc lưỡi hay có những bé như Linh, bản chất không hợp với vận động và thể thao? Nó cũng như một loại trí thông minh mà không phải ai sinh ra cũng đã có năng khiếu?”, MC Thùy Minh nhớ lại.
Bé Linh 2 tuổi, được mẹ dẫn đi bơi nhưng lại sợ nước.
Giống như bé Linh, từ khi 6 tuổi, bé Dâu được mẹ cho học bơi nhưng Dâu lại sợ nước, sợ độ sâu, thường tưởng tượng ra đủ thứ chuyện. MC Thanh Thảo nhớ có lần, con đứng tần ngần trước hồ bơi vài tiếng đồng hồ. Đến cả trong giấc mơ, bé còn thường xuyên giật mình tỉnh giấc vì sợ.
Vào cấp một, dù thích thể thao nhưng dáng người mảnh khảnh, Dâu lại e ngại khi các bạn trong đội bóng rổ cao to hơn. Trước mỗi trận đấu, cô bé lo lắng, nghĩ ra nhiều cách để giành bóng từ phía đối thủ đáng gờm.
Video đang HOT
Con trưởng thành nhờ thể thao
Sau hàng giờ tự trấn an bản thân, Dâu lấy hết sức xuống hồ bơi. Kết quả là con chìm nghỉm, tìm mọi cách quẫy đạp để nổi lên mặt nước. Dù trải nghiệm đầu đời không mấy tốt đẹp nhưng cho con thấy rằng “nước không đáng sợ như mình nghĩ”.
Dần dần tìm thấy niềm đam mê, Dâu kiên trì tập bóng rổ, vã mồ hôi để đánh cầu chính xác. Trong giờ bóng rổ tại trường, con luôn nghiêm túc và cố gắng hơn khả năng có thể. Sau giờ học, có thời gian, con lại ra vườn nhà rèn luyện thêm kỹ thuật ném, tưng bóng…
Trong những trận đấu, cô bé với dáng người mảnh khảnh nhất đội phăng phăng tiến về phía trước giành lấy thế chủ động. Đứng trước đối thủ mạnh, con không hề tỏ ra nao núng nhờ rèn giũa, khổ luyện. Con kết hợp nhịp nhàng cùng đồng đội và ghi bàn quyết định.
“Sau mấy năm ròng rã, giờ Dâu đã bơi rất giỏi, được mệnh danh là ‘tia chớp’ của đội bóng chày và đánh cầu lông quyết đoán. Nhìn Dâu và các bạn vỡ òa trong từng bàn thắng mà ba mẹ xúc động”, Thanh Thảo chia sẻ.
Bé Dâu, con của MC Thanh Thảo (thứ hai từ phải sang) trở thành “tia chớp” của đội bóng chày.
Còn với Linh, để vượt chướng ngại tâm lý, Linh tự tìm ra cách sáng tạo mang đồ chơi xuống hồ bơi. Thay vì bắt buộc bản thân nhảy xuống bơi, Linh thả đồ chơi dưới nước trước, rồi tự mình xuống hồ để nhặt các thứ. Môn bơi chỉ như hành trình nhặt đồ chơi và Linh cứ nhảy ùm xuống nước đến quên nỗi sợ.
Trong hành trình giúp con chinh phục bơi lội của Linh luôn có bóng dáng của mẹ. MC Thùy Minh luôn bên cạnh động viên, truyền cảm hứng cho con bằng sự kiên trì học bơi ở tuổi 35. Cậu bé còn nỗ lực, không bỏ cuộc để vượt qua nỗi sợ. Nhờ tập luyện thể thao, Linh tự tin, quyết tâm hơn. Với Thùy Minh, không cần con bơi giỏi nhất, chỉ cần biết bơi là đủ. Sự kiên trì, nỗ lực của Linh vượt qua nỗi sợ đó cũng là “thành tựu”, bài học đáng quý trong tuổi thơ của con.
Giờ đây, nhìn lại chặng đường dài, bé Linh và MC Thùy Minh không giấu niềm vui. Mỗi cuối tuần, hai mẹ con dắt nhau ra hồ bơi, đắm mình trong dòng nước mát lành.
“Sự tự tin, lòng quyết tâm, tinh thần bền bỉ vượt chướng ngại để theo đuổi đam mê là trải nghiệm mà Dâu học được từ thể thao. Thể thao giúp con tìm thấy chính mình, tự tin hơn”, Thanh Thảo nói.
Để tương lai của con không bị thụt lùi so với các bạn, mẹ cũng phải học cách xin lỗi khi lỡ mắng con
Nếu không kịp thời xoa dịu, an ủi con, những câu mắng nhiếc đó sẽ thành vết thương khiến con tủi thân suốt đời. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách và sự tự tin của mỗi đứa trẻ.
Khi nuôi con, mẹ khó có thể tránh khỏi những phút giây mất bình tĩnh, lỡ lời quát mắng, thậm chí đánh con vì tội nghịch phá hay mè nheo. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ học cách xin lỗi và kết nối lại sợi dây yêu thương với con theo cách dễ dàng và hiệu quả nhất.
Bước 1. Hãy hít thở
Trước khi làm bất cứ điều gì, mẹ phải chắc chắn rằng cảm xúc của mình đã ổn định trở lại. Cố gắng sửa chữa trong khi mẹ vẫn đang ở tình trạng tức giận giống như cố gắng sửa chữa một chiếc máy bay trong khi nó đang bay, điều đó sẽ gây ra phản ứng ngược và mọi chuyện sẽ tệ hơn nhiều. Hít thở sâu, nói một câu thần chú, uống một cốc nước hay bất kỳ điều gì giúp mẹ bình tĩnh lại.
Khi tâm lý, cảm xúc của mẹ và cả con đã bình ổn trở lại, cùng chuyển sang bước tiếp theo.
Nếu không kịp thời xoa dịu, an ủi con, những câu mắng nhiếc đó sẽ thành vết thương khiến con tủi thân suốt đời.
Bước 2. Nói lời xin lỗi chân thành
Đây là lúc để mẹ nói một lời xin lỗi chân thành. Chân thành có nghĩa là mẹ chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hành động của mình.
Sai lầm lớn nhất mà các mẹ thường mắc phải khi xin lỗi là sử dụng các từ "nhưng", "nếu":
"Mẹ xin lỗi vì đã hét lên, NHƯNG đó là vì mẹ đã nói nhắc con đến 3 lần là không đánh anh nữa mà con vẫn làm"
"Mẹ xin lỗi vì đã mắng con. NẾU như con không mè nheo nữa thì mẹ sẽ không mắng con như thế"
ĐỪNG NÓI THẾ! Một lời xin lỗi thực sự không bao gồm các từ "nhưng" hay "nếu". Lời xin lỗi không phải sự biện minh cho lỗi lầm của bố mẹ. Lời xin lỗi là sự chân thành, mong muốn được chịu trách nhiệm hoàn toàn từ người nói.
Ngồi xuống bên cạnh con và nói lời xin lỗi chân thành với con.
Một lời xin lỗi thực sự cần có đủ 5 yếu tố:
1. Chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hành động của mình trong cuộc xung đột với con
2. Đưa ra một lời giải thích trung thực cho hành vi của mình.
3. Đặt mình vào vị trí của con.
4. Truyền đạt sự đồng cảm cho cảm xúc của con.
5. Thể hiện sự hối hận thực sự cho hành động của mình.
Ví dụ như thế này: "Mẹ rất xin lỗi khi hét lên như thế, con không đáng bị như vậy. Đôi khi, mẹ rất khó giữ bình tĩnh và cư xử không đúng như thế. Mẹ biết mình trông rất đáng sợ khi hét lên và con cũng rất sợ khi mẹ như thế. Thực sự là mẹ yêu con rất nhiều. Mẹ rất xin lỗi vì đã làm con tổn thương. Con tha lỗi cho mẹ nhé? Con có thể ôm mẹ một cái được không?".
Bước 3: Trò chuyện và lắng nghe con
Sau khi xin lỗi, mẹ hãy hỏi con đã cảm thấy thế nào. Con có cảm thấy sợ hãi khi mẹ hét lên không? Con cảm thấy buồn, thấy bực bội? Và nhẹ nhàng tìm hiểu lý do khiến con có những hành vi làm mẹ tức giận. Không phải tự nhiên con đánh anh trai và không nghe lời mẹ. Bất kỳ điều gì cũng có nguyên nhân đằng sau. Mẹ cần tìm hiểu kỹ để giúp con giải quyết và tránh mắc phải tình trạng sai lầm sau này.
Khi nghe con nói, đừng nói chen vào, giải thích hay bác bỏ ý kiến của con. Thay vào đó hãy lắng nghe một cách tích cực, đồng cảm với những cảm xúc và trải nghiệm của con với những điều vừa diễn ra.
Ôm con một cái thật chặt để con biết dù thế nào mẹ cũng luôn yêu con.
Bước 4: Ôm con
Chạm vào cơ thể là cách tốt nhất để mẹ có thể kết nối lại với con mình, một cái ôm ấm áp thường có thể loại bỏ những cảm giác tiêu cực nảy sinh trong quá trình tương tác căng thẳng. Tại sao? Bởi vì tiếp xúc vật lý giải phóng một loại hormone gọi là oxytocin giúp thúc đẩy niềm tin và sự an toàn.
Khi hai mẹ con rúc rích, âu yếm, ôm ấp, vỗ về và hôn con, con cảm thấy yên tâm về tình yêu của mẹ và được nhắc nhở rằng mẹ luôn ở bên con, bất kể điều gì xảy ra.
Bước 5. Hãy để mọi việc trôi qua nhẹ nhàng
Khi mẹ đã trải qua 4 bước trên và đã thiết lập lại kết nối với con bạn, đã đến lúc để câu chuyện tiêu cực ra đi. Không có ích gì khi mẹ cứ nghĩ ngợi và dằn vặt vì nó cả.
Khi mẹ học được cách tự tha thứ cho bản thân, mẹ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những đứa trẻ của mình: Rằng mẹ chấp nhận sự không hoàn hảo của chính mình và điều đó ổn. Tất cả chúng ta đều đang cố gắng hoàn thiện hơn. Mục tiêu là vượt qua những sai lầm của chúng ta và học hỏi từ những sai lầm đó.
Hãy để mọi việc trôi qua nhẹ nhàng, đừng tự dằn vặt mình.
Thời điểm mà cha mẹ học và thực hành nghệ thuật xin lỗi, cha mẹ đã tạo ra một lớp bảo vệ cho việc nuôi dạy con thành công. Làm cha mẹ, ai cũng có những khoảnh khắc tồi tệ nhất và điều cần thiết là chúng ta biến khoảnh khắc đó thành cơ hội để chịu trách nhiệm cho bản thân, đồng cảm và tự yêu thương mình - 3 trong số những điều quan trọng nhất mà con trẻ cần học từ cha mẹ.
Hãy luôn yêu thương, thành thật và dũng cảm nhận sai, sửa lỗi với con. Đó là điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm cho con!
7 điều đơn giản để trở nên tự tin, ghi điểm trong mắt mọi người Nhiều người cho rằng sự tự tin, mạnh mẽ vốn là tính cách trời sinh, song bạn hoàn toàn có thể tập luyện để có được điều này. Theo nhiều nghiên cứu gần đây, những người tự tin kiếm được nhiều tiền hơn và thành công hơn. Phớt lờ những phán xét Những người tự tin luôn có nhiều lợi thế hơn những...