Thế nào là nền tảng (platform) tạo nên các dòng xe?
Hệ thống khung gầm nền tảng (platform) là một trong những cấu trúc phức tạp và quan trọng nhất tạo nên một chiếc xe. Đây là hệ thống quyết định khả năng vận hành của xe, độ an toàn, tính ổn định và thậm chí là quyết định cả hình dáng cơ bản của chiếc xe.
Platform (hay nền tảng) có thể hiểu là cấu trúc sơ bộ của 1 chiếc ô tô. Hệ thống này bao gồm phần khung gầm, đi cùng với đó là 1 phần thân vỏ, tuỳ thuộc vào từng loại nền tảng mà có thể đi cùng với các chi tiết khác như hệ thống lái, cột chịu lực,…
Nền tảng MQB của Volkswagen. Ảnh: Internet
Có thể nói, Platform giúp định hình tính chất chiếc xe từ thương hiệu/ khả năng vận hành/độ bền/giá cả…hay nói cách khác, platform được ví như bộ xương của một chiếc ô tô. Bộ xương này không quyết định hoàn toàn diện mạo của chiếc xe, tuy nhiên nó đóng vai trò quyết định trong việc quyết định hình dáng cơ bản và các đặc tính khác như động cơ đặt ngang hay dọc, dẫn động cầu trước hay cầu sau, chiều dài cơ sở là bao nhiêu.
Tại sao các hãng lại sử dụng chung nền tảng?
Chi phí và thời gian các hãng xe cần bỏ ra cho việc nghiên cứu và phát triển thành công một nền tảng là rất tốn kém. Vì thế ngày nay, các hãng xe thường đưa ra giải pháp chia sẻ nền tảng, tức là 2 hãng xe có thể hoàn toàn độc lập với nhau nhưng có sản phẩm sử dụng cùng một Platform với nhau.
Ví dụ Audi TT và Wolkswagen Golf là hai mẫu xe có hình dáng khác biệt nhưng lại có chung một nền tảng. Hay một số mẫu xe và thương hiệu khác có chung nền tảng như Audi Q7 với Bentley Bentayga, RollsRoyce Ghost với BMW 7 Series, Ford Mondeo với Mazda 6…
Audi Q7 chia sẻ khung gầm với Bentley Bentayga. Ảnh: Carwow
Điều này có tác dụng rất lớn trong việc giảm chi phí sản xuất, giúp đưa ra thị trường các mẫu xe có kết cấu được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng có giá thành phù hợp. Theo một số thông tin, Mercedes Benz và BMW sẽ tham gia cùng phát triển nền tảng dùng chung cho xe điện tương lai, ước tính việc hợp tác có thể giúp tiết kiệm 7-8 tỷ USD cho 2 hãng xe đến từ Đức này. Nissan cũng hợp tác cùng Mitsubishi để sử dụng chung khung gầm cho 2 mẫu bán tải Mitsubishi Triton 2020 và Nissan Navara 2021.
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả kinh tế khi các hãng xe lựa chọn quyết định sử dụng chung nền tảng với một hãng khác, hãy cùng đến với Lamborghini – hãng xe thể thao hiệu năng cao hàng đầu thế giới.
Dù có lịch sử phát triển các mẫu xe thể thao hàng đầu thế giới, tuy nhiên Lamborghini chưa từng sản xuất xe SUV. Do đó khi bắt tay vào nghiên cứu mẫu Lamborghini Urus, hãng xe này cần quyết định 1 trong 2 lựa chọn: hoặc là hãng tự nghiên cứu sản xuất nền tảng dành riêng cho mẫu xe mới của mình, hoặc là bắt tay sử dụng chung nền tảng với một hãng xe khác.
Lamborghini Urus và Porsche Cayenne là 2 mẫu xe sở hữu chung platform. Ảnh: Internet
Nếu lựa chọn tự phát triển nền tảng cho Urus, Lamborghini có thể tiêu tốn rất nhiều kinh phí và thời gian để phát triển, có thể kéo dài tới hàng năm trời và kéo theo giá thành của một chiếc xe thành phẩm tăng thêm đáng kể, có thể lên tới hàng trăm ngàn USD. Bên cạnh đó, họ còn phải đối mặt với các vấn đề kỹ thuật như độ cứng vững, an toàn…để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, hiệu năng của nền tảng để có một mẫu SUV nhanh và mạnh mẽ.
Trong khi đó, khi lựa chọn sử dụng nền tảng của Porsche Cayenne, bài toán của Lamborghini đã được giải quyết phần nào, đặc biệt ở mặt thời gian.
Tại sao không nghiên cứu và sử dụng chung 1 nền tảng tốt nhất cho mỗi dòng xe?
Câu hỏi này giống với tại sao cùng là xe 7 chỗ, Toyota Rush không sử dụng chung nền tảng với Audi Q7?
Vấn đề quyết định ở đây nằm ở giá thành. Nếu 2 mẫu xe trên sử dụng chung một nền tảng, giá thành của Toyota Rush sẽ lên tới cả tỷ đồng thay vì vài trăm triệu. Cấu tạo khung gầm, hệ thống treo trên một chiếc xe như Audi Q7 có tới hàng chục chi tiết phức tạp sẽ có giá thành cao hơn rất nhiều hệ thống treo đơn giản được sử dụng trên những dòng xe phổ thông.
Nền tảng của Tata Harrier. Ảnh: Internet
Ngoài ra, trên các mẫu xe hiệu năng cao, vật liệu cao cấp được sử dụng nhiều và cấu tạo phức tạp giúp hấp thụ xung lực tốt, có khả năng trang bị khối máy lớn, cảm giác lái thể thao và có thể đạt đến tốc độ cao, đây là điều mà những người sử dụng xe vào mục đích kinh doanh không quan tâm nhiều. Do đó, các hãng xe phổ thông sẽ tự phát triển một hệ nền tảng đơn giản và đảm bảo tiêu chí bền cho mục đích của mình.
Như vậy, nền tảng (hay platform) được chế tạo dựa trên triết lý thiết kế và sản xuất của hãng xe, cũng như nhóm đối tượng khác hàng mà hãng xe nhắm đến. Có những platform sinh ra với mục đích chiếc xe bền, rẻ dễ bán, có những platform lại phục vụ mục đích khác như an toàn, thể thao…
Vinh Nguyen
Acura MDX dùng 4 năm, rao bán 3,4 tỷ ở Sài Gòn
Sau khi được đưa về Việt Nam vào năm 2016 dưới dạng nhập khẩu tư nhân, chiếc Acura MDX 2016 thế hệ thứ 3 duy nhất tại Việt Nam đang tìm chủ nhân mới với mức giá thách cưới 3,4 tỷ đồng.
Xe sang Acura MDX là dòng xe khá quen thuộc với nhiều người, cách đây hơn 10 năm, trong giai đoạn từ năm 2007 - 2011 là thời hoàng kim tại Việt Nam của MDX khi nó rất được ưa chuộng. Tại thời điểm đó, người tiêu dùng trong nước có ít sự lựa chọn SUV 7 chỗ hạng sang, khi giá bán của của các mẫu SUV Đức như BMW X5, Audi Q7, Mercedes ML khá đắt đỏ với chi phí nuôi cao khiến mẫu xe Nhật như Acura MDX lên ngôi.
Chiếc Acura MDX thế hệ thứ 3 này thuộc phiên bản đời 2016 được đưa về Việt Nam một đại lý nhập khẩu xe tư nhân tại TP HCM. Xe thuộc phiên bản cao cấp được trang bị gói tùy chọn nâng cấp "Advance & Entertainment" trị giá lên tới 10.000 USD. Theo thông tin rao bán, chiếc MDX này mới lăn bánh được 1 năm và số km khoảng 10.000.
Xe sử dụng động cơ xăng V6 dung tích 3.5L, cam đơn SOHC, i-VTEC, hút khí tự nhiên (N/A) cho công suất tối đa 290 mã lực tại 6.200 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 362 Nm đạt được từ 4.700 vòng/phút. Sức mạnh được truyền xuống bốn bánh SH-AWD (Super Handling All-Wheel Drive) thông qua hộp số tự động 9 cấp (9AT; đời 2016 trở về sau sử dụng hộp số này thay cho hộp số tự động 8 cấp).
Ra đời từ 2013 cho đến nay, thế hệ thứ 3 của Acura được "lột xác" về thiết kế với form xe lớn hơn. Phần đầu xe nổi bật với cụm lưới tản nhiệt nẹp thanh crôm cỡ lớn, trang bị đèn pha full-LED với 5 bóng đèn LED riêng biệt.
Tổng thể chiếc SUV nổi bật hơn với bộ mâm hợp kim nhôm kích thước lên đến 20 inch (245/50R20), đây là một tùy chọn trong gói trang bị "Advance Package" trong khi bảng tiêu chuẩn dùng mâm 18 inch.
Acura là thương hiệu xe sang của hãng xe Honda, nội thất MDX được trang bị khá đầy đủ tiện nghi cao cấp với ghế ngồi bọc da, hàng ghế trước chỉnh điện, trang bị cửa sổ trời. Nội thất được thiết kế 3 hàng ghế với hàng ghế thứ 3 khá rộng rãi tương đương với hàng ghế thứ 3 trên mẫu Honda Pilot.
Bảng táp-lô MDX được thiết kế tối giản, trang bị một cặp màn hình cảm ứng trung tâm kích thước 7 inch bố trí phía dưới bảng điều khiển trung tâm và một màn hình 8 inch ở phía trên, điều hòa tự động 3 vùng độc lập, hệ thống giải trí cho hàng ghế sau với màn hình ốp trần kích thước 16,2 inch
Tại Việt Nam, ở thế hệ cũ dòng xe Acura MDX được nhiều người yêu thích bởi thiết kế nam tính, vận hành bền bỉ, động cơ lành tính và chi phí bảo dưỡng vừa phải dễ dàng chấp nhận. Mức giá xe Acura MDX 2016 bán lại 3,4 tỷ đồng, nó dễ dàng tiếp cận với số đông nhưng sẽ là một lựa chọn độc đáo dành cho các khách hàng muồn tìm kiếm một mẫu xe đặc biệt.
Video: Chi tiết Acura MDX - chiếc SUV hạng sang tại Hà Nội.
Nguyễn Bắc
Hãng độ Novitec "hô biến" Maserati Levante Trofeo thành SUV nhanh bậc nhất thế giới Với việc sức mạnh tăng thêm và thân hình cơ bắp, chiếc SUV Maserati Levante Trofeo giờ đây nhanh hơn cả Bentley Bentayga! Hãng độ Novitec đã đặt bàn tay "phù thủy" của mình lên chiếc SUV mới nhất của Maserati, Levante Trofeo và cho nó một bước ngoặt cách mạng từ trong ra ngoài. Được gọi là Levante Esteso V2, chiếc xe...