Thế khó của ông Tập khi đối phó với Triều Tiên
Dù chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên có thể đe dọa tới Trung Quốc, ông Tập không có nhiều lựa chọn để ứng phó.
Ông Tập trong chuyến thăm Hong Kong hồi tháng 6. Ảnh: NYTimes.
Chủ tịch Tập Cận Bình được coi là người quyền lực nhất Trung Quốc, có thể ra quyết sách hàng ngày trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị cho tới quân sự, đối ngoại. Nhưng với vấn đề Triều Tiên, nhà lãnh đạo nổi tiếng với sự cương quyết và chính xác này dường như đang bế tắc, theo NYTimes.
Triều Tiên hôm 4/7 phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14, bất chấp những lời cảnh báo, răn đe của cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Vụ thử này làm dấy lên nghi ngờ về việc Trung Quốc đã vạch ra “giới hạn đỏ” nào với đồng minh Triều Tiên và đây có phải là “giọt nước tràn ly” buộc ông Tập phải hành động kiên quyết với Bình Nhưỡng theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Tập được tin Triều Tiên phóng ICBM khi đang gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow. Hai nhà lãnh đạo sau đó ra tuyên bố chung, kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán nhằm ngừng chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên để đổi lấy những hạn chế trong động thái quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.
Theo Wu Riqiang, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, Bắc Kinh, ông Tập trong thời gian tới chắc chắn sẽ không có những quyết sách lớn với Triều Tiên, nếu không muốn nói là không làm gì cả.
Trung Quốc không thực sự coi ICBM của Triều Tiên là một mối đe dọa. Điều Bắc Kinh quan tâm là những biện pháp đối phó mà Mỹ sẽ triển khai ở khu vực Đông Á, chẳng hạn như những tổ hợp phòng thủ THAAD có hệ thống radar cực mạnh vừa được đưa tới Hàn Quốc.
Điều khiến lãnh đạo Trung Quốc “đau đầu” hơn vụ phóng ICBM chính là nguy cơ Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên nằm gần với biên giới Trung Quốc đến mức người dân ở thành phố Diên Cát lo sợ họ có thể bị nhiễm xạ.
Video đang HOT
“Với Trung Quốc, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 là mối đe dọa nghiêm trọng hơn ICBM”, Feng Zhang, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Australia, nói. “ICBM Triều Tiên chủ yếu là để đe dọa Mỹ, nhưng việc thử vũ khí hạt nhân gần biên giới là mối đe dọa về chiến lược và môi trường với Trung Quốc”.
“Vụ phóng thử tên lửa không gây nhiều sức ép với Trung Quốc giống như nguy cơ về vụ thử hạt nhân”, ông Wu nói.
Nhưng dù Triều Tiên có làm gì, ông Tập cũng sẽ rất khó khăn để vạch ra “lằn ranh đỏ” với Bình Nhưỡng, cả chính thức lẫn không chính thức, theo Cheng Xiaohe, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin.
“ICBM không phải là lằn ranh đỏ của Trung Quốc, ngay cả Mỹ cũng không vạch ra một giới hạn rõ ràng như vậy”, Cheng nói. Ông cho rằng nếu Trung Quốc vạch ra lằn ranh đó, “Bắc Kinh và Washington đều phải tự động có hành động đáp trả”, chẳng hạn như việc Trung Quốc cắt nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên.
Nhưng Bắc Kinh không thể gây sức ép quá lớn như vậy với Bình Nhưỡng, bởi việc ngừng cung cấp dầu hay cắt giao thương có thể đẩy Triều Tiên vào tình trạng bất ổn, khiến người dân nước này ồ ạt tràn qua biên giới vào Trung Quốc.
Ngoài việc cắt giảm thương mại song phương, ông Tập không còn nhiều lá bài để tung ra với Triều Tiên cũng như không có nhiều lựa chọn ngoài “sự do dự chiến lược” với Bình Nhưỡng, Shi Yinhong, chuyên gia phân tích Trung Quốc từng tham vấn về đối ngoại cho chính phủ nước này, cho biết.
Ông Kim Jong-un vui mừng sau vụ phóng tên lửa. Ảnh: KCNA.
Dù nhà lãnh đạo này không ủng hộ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, điều khiến ông lo sợ hơn là sự bất ổn ở quốc gia láng giềng cũng như nguy cơ quân đội Mỹ, Hàn xuất hiện trước ngưỡng cửa nước mình, cùng với đó là dòng người tị nạn đổ vào biên giới khi xung đột nổ ra.
“Là một chiến lược gia, ông Tập đang đối mặt với lựa chọn không mấy dễ chịu là sử dụng hết các biện pháp có thể với Kim Jong-un, trong khi không hề tự tin rằng các biện pháp này sẽ phát huy hiệu quả”, Shi nói. “Chiến lược gia này còn có thể làm gì nữa? Sự do dự là điều không thể tránh khỏi”.
Shi cho rằng ông Tập đang phải đối mặt với ông Kim “ngày càng quyết tâm và quyết đoán”, cùng với một tổng thống Mỹ khó lường. “Ông Tập và ông Trump không phải lúc nào cũng cùng nhìn về một hướng. Ngay cả khi đạt được đồng thuận, họ cũng rất khó đối phó với ông Kim”, chuyên gia này nhận định.
Trí Dũng
Theo VNE
Hwasong-14, mẫu tên lửa lai đột phá công nghệ của Triều Tiên
Hwasong-14 có thể là sự kết hợp của tên lửa Hwasong-13 và KN-17, sử dụng loại động cơ tiên tiến do Triều Tiên tự phát triển.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 được Triều Tiên phóng thử hôm 4/7 có thể được ghép từ hai loại tên lửa khác nhau nhưng sử dụng loại động cơ tiên tiến do Triều Tiên tự phát triển, khiến quan chức quốc phòng Mỹ coi Hwasong-14 là loại vũ khí hoàn toàn mới, theo CNN.
Tình báo Mỹ cho biết trước khi Triều Tiên phóng tên lửa, vệ tinh do thám của họ đã phát hiện một tên lửa đạn đạo tầm trung KN-17 đang được nạp nhiên liệu lỏng. Đây là lý do Mỹ và Hàn Quốc ban đầu tưởng rằng tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng thử là tên lửa tầm trung, không phải ICBM.
Tuy nhiên, khi tên lửa được chở bằng xe tải ra bãi phóng, nó đã được gắn thêm một tầng đẩy thứ hai, giúp nó đạt tầm bay 7.000 km, đủ tiêu chuẩn để xếp vào dạng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Triều Tiên mới chỉ trưng bày hai loại tên lửa với kích cỡ của ICBM. Đầu tiên là mẫu Hwasong-13 với ba tầng đẩy, xuất hiện trong một cuộc duyệt binh hồi năm 2012. Tới năm 2015, nước này tiếp tục ra mắt phiên bản Hwasong-14 với hai tầng đẩy.
Tên lửa Triều Tiên vừa thử thành công được nước này định danh là Hwasong-14, nhưng nó không giống với mẫu Hwasong-14 xuất hiện vào năm 2015. Theo các chuyên gia quân sự, tầng đẩy thứ hai của mẫu Hwasong-14 mới nhất có nhiều đặc điểm của tầng ba trên tên lửa Hwasong-13. Đây có thể là kết quả của quá trình nghiên cứu nhiều năm, nhằm kết hợp ưu điểm của mẫu KN-17 và Hwasong-13, cho ra đời mẫu ICBM đầu tiên của Bình Nhưỡng,
Mục tiêu hàng đầu của tình báo Mỹ hiện nay là tìm hiểu tính năng của tầng đẩy thứ hai, cũng như cách nó tăng tầm bắn và biến Hwasong-14 thành một ICBM đúng nghĩa.
Một đặc điểm đáng chú ý nữa của mẫu ICBM Hwasong-14 chính là động cơ đẩy. Trước đây, Mỹ cho rằng Triều Tiên phải sử dụng hai động cơ cho tầng đẩy đầu tiên của ICBM. Nhưng trong video do Triều Tiên công bố, tên lửa Hwasong-14 lại chỉ có một động cơ chính và 4 động cơ nhỏ để điều chỉnh đường bay. Thiết kế này từng được sử dụng trong vụ thử động cơ tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 3.
Thiết kế một động cơ đẩy của tên lửa Hwasong-14. Ảnh: KCNA.
Chuyên gia quân sự Uzi Rubin cho rằng điều này đánh dấu bước nhảy vọt lớn so với các loại tên lửa trước đây của Bình Nhưỡng. Việc thay đổi hệ thống đẩy trên tên lửa đạn đạo là công việc có quy mô lớn, phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro. Nó đòi hỏi điều chỉnh cấu trúc và hệ thống phần mềm điều khiển, tương đương với việc tạo ra một mẫu tên lửa mới, ông Rubin nhấn mạnh.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Phóng tên lửa liên lục địa - bước ngoặt nguy hiểm của Triều Tiên Việc Triều Tiên thử thành công tên lửa liên lục địa được cho là bước ngoặt nguy hiểm bởi nó đe dọa an ninh khu vực và thế giới. Kênh truyền hình trung ương Triều Tiên hôm 4/7 ca ngợi vụ phóng tên lửa cùng ngày của nước này là "thành công rực rỡ". Nhưng đối với Mỹ, đây giống như bất ngờ...