Thế khó của Israel khi đàm phán thả các con tin còn lại
Các nguồn tin cho biết sau khi đạt được thỏa thuận thả 50 con tin là phụ nữ và trẻ em bị Hamas giam giữ ở Dải Gaza, trọng tâm sẽ chuyển sang các nhóm con tin khác.
Những con tin còn lại sẽ khiến Israel gặp khó khăn hơn trong đàm phán với Hamas thông qua các quốc gia trung gian.
Người biểu tình cầm ảnh của các con tin biểu tình bên ngoài văn phòng UNICEF ở Tel Aviv, Israel ngày 20/11. Ảnh: AFP
Theo kênh CNN ngày 23/11, thả phụ nữ và trẻ em là ưu tiên hàng đầu và nếu quá trình trao trả con tin diễn ra thành công, nhóm con tin còn lại gồm nam giới, binh lính Israel và thi thể của những người thiệt mạng. Những thi thể này có thể đã được đưa vào Gaza vào ngày 7/10 hoặc của những người chết sau khi vào Gaza.
Tất cả 50 người dự kiến được thả trong giai đoạn đầu đều là phụ nữ và trẻ em Israel, một số người trong số đó còn có quốc tịch khác ngoài Israel. Người ta cho rằng có 236 con tin đang bị giam giữ ở Gaza, trừ đi 50 người dự kiến được thả, sẽ còn 186 con tin.
Một nguồn tin cho biết các quan chức Mỹ và Israel coi đàn ông lớn tuổi là nhóm người tiếp theo có thể dễ dàng rời khỏi Gaza nhất, tiếp theo là đàn ông mang quốc tịch nước ngoài.
Nguồn tin cho trên biết thêm rằng cả binh sĩ nam và nữ của Israel đều bị coi là những đối tượng khó đàm phán nhất. Ngoài ra, các bên cũng cần nỗ lực tìm kiếm thi thể của những người đã chết mà Hamas có thể đang giữ.
Cuộc đàm phán về các nhóm con tin nói trên vẫn chưa bắt đầu do tính chất phức tạp. Một yếu tố phức tạp liên quan 186 con tin còn lại là có thể họ không bị Hamas mà bị các nhóm và cá nhân khác giam giữ ở Gaza.
Video đang HOT
Lính Israel bị bắt làm con tin có thể mang lại lợi thế to lớn cho Hamas trong các cuộc đàm phán. Năm 2011, binh sĩ Israel tên là Gilad Shalit đã được trao đổi lấy trên 1.000 tù nhân Palestine sau nhiều năm đàm phán.
Sau khi Israel thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với cả nam và nữ, hầu hết người Israel đều trở thành quân nhân dự bị. Ban đầu, Hamas muốn tính cả con tin là phụ nữ dưới 45 tuổi vào diện binh sĩ. Israel đã từ chối và cả hai bên cuối cùng đã nhất trí rằng chỉ những phụ nữ mặc quân phục khi bị bắt cóc mới được tính là binh sĩ.
Ngoài người Israel, còn có những công dân bị bắt cóc từ các quốc gia khác, như Thái Lan và Nepal. Những quốc gia này đã liên lạc với Qatar kể từ khi các nhà hòa giải Qatar là đầu mối liên lạc chính với Hamas.
Trước đó, Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận thả con tin và tạm ngừng bắn. Theo thỏa thuận, 50 con tin Israel gồm phụ nữ và trẻ em sẽ được Hamas thả tự do để đổi lấy lệnh ngừng bắn tạm thời trong 4 ngày. Đồng thời, Israel sẽ trả tự do cho 150 tù nhân Palestine là phụ nữ và trẻ em đang bị Israel giam giữ, cho phép xe tải chở nhiên liệu, hàng hóa vào Dải Gaza.
Theo kênh CNN, chính phủ Israel cũng đưa ra khả năng lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài hơn thời hạn 4 ngày, đồng thời thông báo trong một tuyên bố rằng cứ 10 con tin nữa được thả thì sẽ có thêm một ngày ngừng bắn.
Các nguồn tin cho biết, theo thỏa thuận này, Israel tạm dừng hoàn toàn các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Israel trên mặt đất ở Dải Gaza và chấm dứt các hoạt động trên không trên lãnh thổ này, ngoại trừ ở phía Bắc – nơi họ sẽ chỉ tạm ngừng bắn sáu giờ mỗi ngày.
Tuy nhiên, ngày 23/11, giới chức Israel lại thông báo rằng giao tranh tại Gaza và việc Hamas thả con tin sẽ không diễn ra trước ngày 24/11. Nguyên nhân có thể là do một số chi tiết nhỏ liên quan việc thực hiện. Trước đó, truyền thông Trung Đông dẫn lời một quan chức của Hamas nói rằng lệnh ngừng bắn có thể được thực thi từ 10h sáng 23/11, theo giờ địa phương và lực lượng này đã sẵn sàng phóng thích các con tin.
Lý do Israel và Hamas hoãn thực hiện thỏa thuận con tin và ngừng bắn
Theo kênh CNN ngày 23/11, hiện chưa chắc chắn về lý do trì hoãn thực hiện thỏa thuận thả con tin giữa Israel và Hamas, nhưng một quan chức Israel cho rằng việc trì hoãn này không nghiêm trọng và có thể do một số chi tiết nhỏ về vấn đề thực hiện.
Cảnh đổ nát sau các cuộc oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza, ngày 22/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Một quan chức khác lại cho biết một phần nguyên nhân là Israel vẫn chưa nhận được tên của những con tin đầu tiên mà Hamas định thả.
Theo truyền thông Israel, cả Israel và Hamas đều chưa ký thỏa thuận thả con tin, mặc dù không rõ liệu điều này có dẫn tới tạm dừng thỏa thuận hay không.
Mặc dù vậy, không có quan chức Israel nào bày tỏ lo ngại rằng toàn bộ thỏa thuận đã sụp đổ.
Phát biểu tại cuộc họp báo tối 22/11 được tổ chức trước khi thông báo trì hoãn thỏa thuận, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tin tưởng rằng thỏa thuận sẽ sớm có hiệu lực, ngay cả khi ông hầu như không cung cấp thông tin chi tiết nào về việc thực hiện.
Trước đó, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel đã đưa ra lưu ý thận trọng về quá trình thả con tin. Chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết trong cuộc họp: "Đây là một quá trình phức tạp và chưa hoàn thiện, sẽ mất thời gian và được thực hiện theo nhiều giai đoạn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng thỏa thuận vẫn chưa được hoàn thiện và có thể còn mất thời gian cho đến khi được hoàn thiện. Tôi không biết khi nào lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực, nhưng trong lúc này... trọng tâm của chúng tôi là chiến đấu".
Ngày 23/11, trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP, một quan chức Israel khẳng định con tin sẽ chưa được thả và giao tranh giữa Israel và phong trào Hamas sẽ không dừng lại trước ngày 24/11. Trước đó, truyền thông Trung Đông dẫn lời một quan chức của Hamas cho biết lệnh ngừng bắn có thể được thực thi từ 10h sáng 23/11, theo giờ địa phương và lực lượng này đã sẵn sàng phóng thích các con tin.
Theo thỏa thuận giữa Israel và Hamas, hai bên sẽ tạm dừng giao tranh trong 4 ngày tại Dải Gaza để tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo. Trong thời gian ngừng bắn, phía Hamas sẽ trả tự do cho ít nhất 50 trong khoảng 240 con tin mà lực lượng này giam giữ kể từ khi xảy ra cuộc xung đột. Trong khi đó, Israel cũng sẽ phóng thích 150 tù nhân người Palestine, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ. Thỏa thuận đã được Nội các Israel thông qua với đa số phiếu.
Đây được xem là bước đột phá lớn đầu tiên trong các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza, qua đó giúp mở đường cho hàng trăm xe viện trợ nhân đạo, thuốc men và nhiên liệu đi vào tất cả các khu vực ở Dải Gaza.
Về phần mình, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết ngày 22/11 rằng chính quyền Mỹ sẽ theo dõi việc thực hiện thỏa thuận được ký kết giữa Israel và Hamas. Ông nói: "Bây giờ là lúc mọi người phải theo dõi thật kỹ. Bởi vì thỏa thuận bây giờ sẽ được chuyển sang giai đoạn thực hiện và thực thi".
Người Israel nhìn ảnh các con tin mà Hamas bắt giữ. Ảnh: AFP
Sau khi Israel và Hamas đạt thỏa thuận thả con tin và ngừng bắn 4 ngày, cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh động thái này. Ngày 22/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen đã hoan nghênh thỏa thuận, nhấn mạnh EC sẽ tận dụng thời gian ngừng bắn này để thúc đẩy hoạt động nhân đạo và trợ giúp quốc tế tại Gaza. Bà Von der Leyen đánh giá cao những nỗ lực kiên trì của các bên thông qua các kênh ngoại giao trong những tuần gần đây để đạt được thỏa thuận trên. Bà Von der Leyen cũng cho biết thêm đã yêu cầu EC đẩy nhanh các chuyến hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza sau khi Hamas và Israel nhất trí ngừng bắn trong 4 ngày trong khuôn khổ thỏa thuận trao trả con tin.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh France Inter, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna bày tỏ hy vọng trong số 50 con tin được Hamas trả tự do có công dân Pháp. Bà cũng khẳng định nỗ lực của Paris nhằm đưa công dân nước này đang bị Hamas bắt giữ về nước.
Trong khi đó, từ London, Ngoại trưởng Anh David Cameron hối thúc tất cả các bên đảm bảo thỏa thuận trên được thực thi đầy đủ.
Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết nước này hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Dải Gaza, kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, giảm căng thẳng cuộc xung đột. Bà Mao Ninh nhấn mạnh kể từ khi cuộc xung đột lần này bùng phát, Trung Quốc đã kêu gọi các bên ngừng bắn, nỗ lực giảm căng thẳng, bảo vệ dân thường và triển khai hoạt động cứu trợ.
Cùng ngày, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng hoan nghênh thỏa thuận nói trên, đồng thời kêu gọi các giải pháp rộng mở hơn nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Palestine - Israel.
Tuyên bố khẳng định Chính quyền Palestine đánh giá cao nỗ lực trung gian của Ai Cập và Qatar trong việc đạt được thỏa thuận trao trả con tin, đồng thời mong muốn một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài cũng như đảm bảo việc thực hiện giải pháp chính trị dựa trên luật pháp quốc tế.
Cùng chung quan điểm, Bộ Ngoại giao Jordan bày tỏ hy vọng thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và trao trả con tin tại Dải Gaza sẽ là bước đi có thể góp phần chấm dứt xung đột vũ trang tại vùng lãnh thổ này, đồng thời ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào người Palestine cũng như việc ép buộc họ phải di tản. Bộ này kỳ vọng thỏa thuận sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo vốn đang rất cấp thiết.
Chi tiết cuộc đàm phán con tin khó khăn giữa xung đột Israel Hamas Từ giai đoạn thả hai con tin người Mỹ ngày 20/10 cho tới thỏa thuận thả 50 con tin ngày 22/11, các bên gồm Israel, Mỹ, Qatar và Hamas đã trải qua quá trình đàm phán khó khăn, tưởng như có lúc bế tắc. Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/10....