Thế kẹt của Thủ tướng Israel
Nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu muốn ngừng bắn để đảm bảo sự trao trả con tin, nhưng đảng Likud của ông lại muốn tiếp tục chiến đấu chống Hamas.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) chủ trì cuộc họp nội các ở Tel Aviv. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang Politico.eu ngày 21/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang rơi vào thế khó bởi những yêu cầu trái ngược nhau về phương hướng cho cuộc chiến ở Gaza. Trong khi Nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu ngày càng hối thúc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas – để đảm bảo sự phóng thích các con tin người Israel, thì các nghị sĩ trong đảng Likud của ông đang đi theo hướng ngược lại và gây sức ép nhằm duy trì các hoạt động quân sự ở Gaza.
Không thể giải quyết được thế tiến thoái lưỡng nan này, nhà lãnh đạo Israel dường như đã chọn cách trì hoãn các quyết định về hướng đi của cuộc chiến. Một làn sóng công chúng đang bắt đầu được huy động nhằm tạm dừng các hoạt động quân sự và đạt được lệnh ngừng bắn với Hamas để thả hơn một trăm người Israel vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.
Ngày càng có nhiều báo động về cách đối xử với những người bị bắt làm con tin và tình trạng mà họ phải chịu đựng. Hàng nghìn người Israel đã xuống đường vào cuối tuần qua kêu gọi ưu tiên các con tin trong chiến dịch quân sự. Và trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 18/1, Bộ trưởng nội các chiến tranh, Gadi Eisenkot, cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rất nổi tiếng, đã cảnh báo cách duy nhất để cứu con tin trong thời gian tới là thông qua một thỏa thuận ngay cả khi điều đó phải trả giá cao.
Ông Eisenkot, người có con trai 25 tuổi và cháu trai 19 tuổi chết khi chiến đấu ở Gaza vào tháng 12 vừa qua, cũng dường như chỉ trích cách Thủ tướng Netanyahu chỉ đạo cuộc chiến với Hamas, cho thấy giới lãnh đạo Israel không thông báo cho công chúng Israel biết sự thật về cuộc xung đột và việc tiêu diệt Hamas đã bị thổi phồng quá mức. Ông Eisenkot cho rằng, một chiến thắng hoàn toàn trước Hamas là không thực tế.
“Bất cứ ai nói về sự thất bại tuyệt đối [của Hamas ở Gaza] và về việc lực lượng này không còn ý chí hay khả năng [tấn công Israel], đều không nói sự thật. Đó là lý do tại sao chúng ta không nên kể những câu chuyện hoang đường”, ông Eisenkot thừa nhận.
Bộ trưởng Eisenkot cũng cho biết các cuộc bầu cử nên được tổ chức sớm để khôi phục niềm tin của công chúng vào Chính phủ Israel sau cuộc tấn công tàn khốc ngày 7/10 năm ngoái vào miền Nam Israel của Hamas. Ông Eisenkot được một số người coi là ứng cử viên thủ tướng tương lai, thậm chí được ủng hộ hơn cả Benny Gantz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel. Hai người đều là lãnh đạo của Đảng Thống nhất Quốc gia và đồng ý gia nhập nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu sau ngày 7/10 như một minh chứng cho tinh thần đoàn kết dân tộc.
Cuộc phỏng vấn với Eisenkot, được phát sóng bởi Kênh 12 của Israel, đặc biệt gây chú ý vì nó được phát sóng vài giờ sau khi Thủ tướng Netanyahu bác bỏ trong một cuộc họp báo về ý tưởng tổ chức bầu cử giữa lúc có xung đột. Thủ tướng Netanyahu cho biết ông có thể tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2025 và cam kết sẽ “mang lại chiến thắng hoàn toàn” trước Hamas.
Nhưng sự lưỡng lự của Thủ tướng Netanyahu như đề cập ở trên lại đang khiến các nghị sĩ trong đảng của ông tức giận – họ lo lắng rằng thiếu các mục tiêu xác định ngoài khẩu hiệu “tiêu diệt Hamas” và lo sợ thủ tướng sẽ nhượng bộ trước áp lực ngừng bắn. Họ cũng phàn nàn về việc hạn chế các hoạt động quân sự, khiến IDF phải giảm cường độ các hoạt động trên bộ và không kích quy mô lớn để thực hiện các nhiệm vụ có mục tiêu hơn.
Cảnh sát Israel khống chế một người biểu tình đòi bầu cử vào ngày 22/1/2024. Ảnh: Times of Israel
Video đang HOT
Chuyển đổi chiến thuật
Các quan chức quân sự cấp cao của Israel lần đầu tiên xác nhận vào ngày 8/1 về quá trình chuyển đổi chiến thuật, với phát ngôn viên quân sự Daniel Hagari nói rằng IDF sẽ giảm số lượng quân ở Gaza.
Được mô tả là Giai đoạn 3 trong chiến dịch quân sự của IDF, các quan chức Israel đã coi quá trình chuyển đổi là cần thiết để cho quân dự bị nghỉ ngơi trong một thời gian dài trong cuộc chiến mà họ cho rằng sẽ kéo dài hơn nữa và để những người khác quay lại làm việc nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang căng thẳng vì xung đột của Israel. Các quan chức Israel cũng cho biết một số binh sĩ cần được tái triển khai tới biên giới căng thẳng phía Bắc của Israel, nơi các cuộc tấn công của Hezbollah đã khiến Israel đe dọa một chiến dịch trên bộ ở Liban.
Nhưng những lý do đưa ra cho việc điều chỉnh này đang bị một số nghị sĩ thuộc đảng Likud tranh cãi, trong đó có cả Danny Danon, cựu đại diện thường trực của Israel tại Liên hợp quốc. Ông Danon và những người khác ho rằng sự thay đổi này là một nỗ lực nhằm xoa dịu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các chính phủ châu Âu đang lo lắng về vấn đề thương vong dân sự.
“Hầu như ngày nào chúng tôi cũng nghe thấy rất nhiều tuyên bố từ cả Thủ tướng và [Bộ trưởng Quốc phòng] Yoav Gallant về cách chúng tôi sẽ tiêu diệt Hamas. Nhưng khi nhìn vào những gì đang xảy ra hiện nay, tôi không chắc nó sẽ đi theo hướng đó. Nếu ông ấy (Thủ tướng Netanyahu) không giành chiến thắng trong cuộc chiến thì tôi chắc chắn sẽ có một nhà lãnh đạo khác sẽ thay thế”, ông Danon nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Politico.
Theo ông Danon, đảng Likud đang ngày càng lo lắng và kết quả duy nhất có thể chấp nhận được đối với cuộc chiến là “Hamas đầu hàng hoặc bị tiêu diệt”, đồng thời thừa nhận “chúng tôi đã thay đổi cách tiến hành hoạt động vì áp lực từ Mỹ”.
Với các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Likud đã mất 1/3 tỷ lệ ủng hộ kể từ ngày 7/10 năm ngoái, nghị sĩ Danon cho rằng chiến thắng có thể khôi phục vận mệnh của đảng cũng như cần thiết cho an ninh của Israel.
Với việc các thành viên của đảng Likud ngày càng trở nên bất an, Thủ tướng Netanyahu ngày càng tập trung hơn vào việc cố gắng xoa dịu những bất đồng trong nội bộ đảng. Điều này được giải thích phần nào từ sự phản đối của ông Netanyahu về giải pháp hai nhà nước đối với người Palestine mà Tổng thống Biden cùng một số nhà lãnh đạo châu Âu đang thúc đẩy. Theo Politico, giải pháp hai nhà nước là điều không phù hợp với phe cánh hữu của đảng Likud.
Chiến lược của Tổng thống Biden gặp thử thách khi Israel tiến vào miền Nam Gaza
Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ quyền tự vệ của Israel sau khi nước này bị Hamas tấn công, nhưng chính quyền của ông đã gia tăng áp lực để buộc Israel giảm thiểu thương vong cho dân thường ở Dải Gaza.
Chính sách của Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở bang Colorado ngày 29/11. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ New York Times, trong hai tháng qua, Tổng thống Biden đã ủng hộ mạnh mẽ quyền tự vệ của Israel, qua đó để gây ảnh hưởng và muốn Israel giảm bớt cường độ tấn công Gaza. Nhưng khi lực lượng Israel tiến vào miền Nam Gaza, câu hỏi đặt ra là khi nào Mỹ sẽ không thể ủng hộ Israel thêm nữa.
Các quan chức chính quyền Mỹ khẳng định họ đã tác động đáng kể đến hành động của Israel trong vài tuần qua nhờ cách tiếp cận của Tổng thống Biden và sẽ tiếp tục theo hướng này. Nhưng những cuộc điện đàm hàng ngày giữa Mỹ và Israel ngày càng trở nên căng thẳng và các thông điệp công khai của một số quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ cũng trở nên gay gắt hơn trong những ngày gần đây.
Xung đột thể hiện rõ ràng vào ngày 5/12 khi Bộ Ngoại giao Mỹ cấm cấp thị thực cho những người định cư Israel ở Bờ Tây vì có hành vi bạo lực nhằm vào người Palestine. Đây là một lời nhắc nhở với Thủ tướng Benjamin Netanyahu vì đã không hành động nhiều hơn để đảm bảo các cuộc tấn công chỉ diễn ra ở Gaza. Đồng thời, bất chấp cảnh báo của Mỹ, ông Netanyahu cho biết quân đội Israel sẽ duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với Gaza rất lâu sau khi đánh bại Hamas.
Rủi ro với cả hai bên hiện rất cao. Israel cần chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục hỗ trợ lực lượng quân đội và bảo vệ nước này khỏi áp lực quốc tế từ các góc độ khác, trong đó có cả áp lực từ Liên hợp quốc. Về phần mình, ông Biden đã trở nên liên quan chặt chẽ tới các diễn biến ở Israel đến mức ông đang hứng chịu các cuộc tấn công chính trị, đặc biệt là từ phe cánh tả trong chính đảng Dân chủ.
Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Biden, nói với các phóng viên: "Câu hỏi thực sự là: Làm thế nào để một mặt vừa cho phép một quốc gia có chủ quyền như Israel truy đuổi các mục tiêu Hamas, mặt khác lại yêu cầu họ phải làm sao để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường?".
Hiện tại, ông Biden đã giao quyền cho cấp dưới đưa ra những thông điệp công khai cứng rắn hơn. Trong những ngày gần đây, Phó Tổng thống Kamala Harris tuyên bố: "Israel phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ thường dân vô tội". Bà đã cử cố vấn an ninh riêng tới Israel để truyền đạt mối quan ngại của các nhà lãnh đạo Arab mà bà gặp trong chuyến đi tới Dubai.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết điều bắt buộc đối với Mỹ là thiệt hại lớn về tính mạng và tình trạng rời bỏ nhà cửa quy mô lớn ở Bắc Gaza không được lặp lại ở phía Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin cảnh báo Israel: "Nếu đẩy người dân vào vòng tay của kẻ thù, thay vì có chiến thắng về mặt chiến thuật thì lại hứng chịu thất bại về mặt chiến lược".
Tuy nhiên, bản thân ông Biden đã cân nhắc lời nói và nói rất ít về cuộc tấn công quân sự vào miền Nam Gaza từ khi Israel bắt đầu vài ngày trước. Tại buổi gây quỹ tranh cử ở Boston ngày 5/12, ông lại nhấn mạnh vào việc Hamas giết chết 1.200 người và bắt giữ 240 người làm con tin.
Tại một sự kiện vận động tranh cử khác, ông nói về mối quan hệ thân thiết của mình với Israel, kể rằng ông đã ngay lập tức lên máy bay và đi tới Israel sau cuộc tấn công ngày 7/10, đã thuyết phục người Israel cho phép đưa thêm viện trợ vào Gaza. Ông Biden nói: "Tôi là người ủng hộ mạnh mẽ Israel từ thời bước chân vào Thượng viện Mỹ năm 1973".
Trong những ngày gần đây, ông Sullivan và John Kirby - người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia - cũng nhấn mạnh đến các hành vi của Hamas và ủng hộ phản ứng của Israel ngay cả khi họ kêu gọi quan tâm đến dân thường.
Mặc dù các thông điệp trên nhất quán nhưng khác nhau về mức độ, phản ảnh chính sách ngoại giao truyền thống của Mỹ là tổng thống giao quyền cho những người khác đưa ra những lời lẽ cứng rắn hơn. Dù vậy, với tư cách cá nhân, ông Biden cũng gây áp lực với Thủ tướng Netanyahu mạnh mẽ như Phó tổng thống Harris, hay các bộ trưởng như Blinken và Austin.
Ông Indyk, người từng làm việc cùng ông Biden và ông Blinken trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama, nhận định: "Tôi coi đây là một chiến dịch công khai cần thiết đã được điều chỉnh rất cẩn thận, bởi họ lo ngại rằng Israel sẽ không nắm được thông điệp nếu được truyền đạt riêng. Tôi không nhớ có thời điểm nào mà nhiều quan chức cấp cao Mỹ lại đồng loạt lên tiếng cảnh báo rõ ràng như vậy đối với Israel".
Tuy nhiên, phe chỉ trích lại cho rằng chính quyền Mỹ chưa làm gì thực sự để dừng cuộc chiến ở Dải Gaza. Bà Sarah Leah Whitson, Giám đốc điều hành tổ chức "Democracy for the Arab World Now", nói: "Chính quyền Mỹ chiều theo nhu cầu ngày càng tăng của công chúng là kiềm chế hành động của Israel, nhưng cùng lúc vẫn đáp ứng yêu cầu về hỗ trợ quân sự vô điều kiện cho Israel. Cuối cùng, người Israel sẽ chỉ chú ý đến những gì chính quyền Mỹ thực sự làm chứ không chỉ chú ý tới những gì họ nói ".
Bà Enia Krivine, chuyên gia về Israel tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, cho biết: "Cho đến một tuần trước, chính quyền Mỹ vẫn ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu đã nêu của Israel là tiêu diệt Hamas. Mỹ đã cho Israel khoảng 8 tuần và đang bắt đầu áp đặt các điều kiện để tiếp tục hỗ trợ".
Theo bà Krivine, Israel muốn tiếp tục giữ Mỹ đứng về phía mình càng lâu càng tốt nhưng họ không thể hoàn toàn chấp nhận lời kêu gọi của chính quyền Mỹ. Vì vậy, Israel cuối cùng có thể phải quyết định hoặc là xoa dịu Mỹ hoặc là hoàn thành đầy đủ các mục tiêu trong cuộc chiến với Hamas.
Ông Biden đã đưa ra quan điểm khi thường xuyên gọi điện cho Thủ tướng Netanyahu và tiếp tục cử một đoàn quan chức đến Israel. Ngày 5/12, Philip H. Gordon, cố vấn an ninh quốc gia của Phó tổng thống Harris cũng đã có mặt tại Tel Aviv. Ông Gordon đang làm rõ các câu hỏi được đặt ra hàng ngày là điều gì sẽ xảy ra ở Gaza khi Israel kết thúc cuộc chiến với Hamas.
Mâu thuẫn về tương lai của Gaza
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Biden và ông Netanyahu mâu thuẫn về vấn đề trên. Trong khi ông Biden nhất trí với Israel rằng cần phải loại bỏ quyền lực của Hamas ở Gaza, nhưng ông phản đối Israel tái chiếm Gaza. Thay vào đó, ông ủng hộ hồi sinh Chính quyền Palestine để tiếp quản Gaza. Trái lại, Thủ tướng Netanyahu đã phản đối ý kiến này và ngày 5/12 khẳng định chỉ Israel mới có thể đảm bảo rằng Gaza sẽ vẫn được phi quân sự hóa sau khi Hamas bị tiêu diệt.
Trong bối cảnh có khác biệt như trên, các quan chức Mỹ cho rằng chiến lược của Tổng thống Biden chưa mang lại hiệu quả, dù ông đã góp phần ngăn Israel mở rộng cuộc chiến, ngăn nước này tấn công cả phong trào Hezbollah ở Liban; buộc Israel mở cửa trở lại Gaza để tiếp nhận viện trợ nhân đạo; khuyến khích tạm dừng giao tranh để trao đổi con tin; và thúc giục Israel thực hiện nhiều bước hơn để giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Khi lực lượng Israel tiến vào miền Nam Gaza, họ đã công bố bản đồ về các khu vực an toàn - nơi dân thường có thể trú ẩn để tránh cuộc giao tranh và đã tìm cách điều chỉnh mục tiêu để tránh nhiều cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt. Tuy nhiên, cơ quan y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát cho biết hàng trăm người đã thiệt mạng chỉ trong vài ngày qua và bản đồ của Israel không hiệu quả ở một khu vực hầu như không còn thông tin liên lạc.
Trong khi cuộc chiến vẫn tiếp tục, các quan chức Nhà Trắng nhận ra rằng sự ủng hộ công khai dành cho Israel có thể có giới hạn về thời gian.
Ông Cliff Kupchan, Chủ tịch Tổ chức Eurasia, nhận định: "Tôi nghĩ chính sách của Mỹ có thời gian từ 4 đến 6 tuần. Nếu cuộc chiến này vẫn tiếp diễn vào tháng 1 năm sau, bất đồng quan điểm trong đảng Dân chủ và áp lực quốc tế mạnh mẽ có thể sẽ khiến Tổng thống Biden gây áp lực buộc Israel phải thu hẹp quy mô hoạt động quân sự".
EU xem xét hậu quả khi Israel từ chối tư cách nhà nước của Palestine Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp tại Brussels ngày 22/1 để thảo luận về hậu quả có thể xảy ra với Israel nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn từ chối tư cách nhà nước của Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: CNN Tờ Financial Times đưa tin EU đã gửi một số tại liệu tới các quốc...