Thế hệ trẻ là rường cột nước nhà
Chúng ta có quyền tự hào về thế hệ trẻ có đạo đức, tài năng, sẵn sàng cống hiến, kế tục xứng đáng sự nghiệp cha ông để lại
Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay vinh dự được kế thừa truyền thống đấu tranh vô cùng oanh liệt và hết sức vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và các cuộc chiến vệ quốc sau ngày hòa bình lập lại từ năm 1975 cho đến nay.
Ảnh minh họa
Đóng góp xứng đáng
Truyền thống đó là vốn quý, là tài sản tinh thần vô giá, là nền tảng chính trị tinh thần vững chắc để thế hệ hôm nay và các thế hệ tiếp theo làm chỗ dựa tin cậy; là hành trang mang theo trên con đường tiến lên phía trước, nhằm góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, trước mắt là sẵn sàng hội nhập xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thực tế, thời gian qua cho thấy thế hệ trẻ chúng ta đã đưa phong trào hành động cách mạng của mình phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện và đều khắp, thu hút được các tầng lớp thanh thiếu niên và cả nhân dân tham gia vào các cuộc vận động vì cộng đồng, vì ngày mai tươi sáng. Điều đó chứng tỏ vai trò, vị trí, sức mạnh của các thế hệ tuổi trẻ hôm nay là rất to lớn, thu phục được nhân tâm.
Theo tiếng gọi thiết tha của Đảng, của Tổ quốc và ý nguyện của nhân dân, những năm qua, tuổi trẻ nước nhà đã có những đóng góp xứng đáng vào các chương trình, mục tiêu mang tầm cỡ quốc gia, khu vực như chiến dịch “Mùa hè xanh”; các chương trình: “Tiếp sức mùa thi”, “Nâng bước em đến trường”, “Tình nguyện về giúp đỡ đồng bào khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ”; phong trào tình nguyện nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc; phong trào “Thanh niên lập nghiệp”; cử lực lượng thanh niên tham gia làm nghĩa vụ quốc tế; tham gia hành trình “Tàu hòa bình quốc tế”… Tất cả đã để lại trong lòng nhân dân và bầu bạn quốc tế một tình cảm hết sức mến mộ, đáng ghi nhận về hình ảnh đầy sinh động nhân văn của các “chiến sĩ áo xanh”.
Những tấm gương sáng về việc vượt khó – học giỏi trong sinh viên, học sinh, những gương mặt điển hình của phong trào lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động trong các nhà máy, công trường, đồng ruộng trong thời gian qua cũng cho chúng ta được tự hào về thế hệ trẻ hôm nay có đạo đức, có tài năng, sẵn sàng cống hiến, kế tục xứng đáng sự nghiệp của cha ông để lại.
Những cái tốt, nét đẹp, sự cống hiến của thế hệ trẻ hôm nay thì ai cũng thấy rất rõ, đáng khâm phục, đáng mừng. Nhưng bên cạnh đó, cái xấu và những điều gai mắt gây phản cảm cũng không thiếu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội mà do thanh niên gây ra cũng không phải là ít. Một bộ phận thanh niên đang có lối sống thực dụng, bất cần, chỉ biết hưởng thụ mà không biết đóng góp; chỉ biết được cho mình mà không biết khổ cho ai; thói đua đòi, sống lệch chuẩn ngày càng tăng tính phổ biến, thật đáng sợ; thói côn đồ, coi thường pháp luật, bất chấp đạo lý đã trở nên đáng báo động. Có thể nói, tất cả những thói hư, tật xấu của không ít người trẻ hiện nay đang trở thành nỗi lo ám ảnh thường xuyên của xã hội, gia đình và cả nhà trường.
Video đang HOT
Cần chung tay góp sức
Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã chỉ rõ: “… Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ… Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò của thế hệ trẻ…”.
Theo định hướng trên của Trung ương Đảng thì trách nhiệm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ là không của riêng ai. Vậy, những vấn đề cần điều chỉnh của thế hệ trẻ hiện nay chính là đẩy lùi, xóa bỏ những mặt yếu kém và những hạn chế. Và điều đó rất cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Không ai được phép đứng ngoài cuộc trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, khi chúng ta vẫn tin chắc rằng đó sẽ là rường cột nước nhà; khi chúng ta vẫn hưởng ứng mạnh mẽ ý tưởng “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.
Mai Lịch
Theo nguoilaodong
Việt Nam có cơ hội bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để vượt lên thành nước phát triển.
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Đây là nhấn mạnh của nhiều đại biểu, lãnh đạo bộ, ngành tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) diễn ra ngày 3/10, tại Hà Nội.
* "Muốn đi nhanh thì Chính phủ phải đi đầu"
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.
Vấn đề lớn được đặt ra tại diễn đàn về Công nghiệp 4.0 là làm sao Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này. "Nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá như vậy trong bài phát biểu tại diễn đàn.
Theo Bộ trưởng, khi cuộc cách mạng số, Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội cho các đổi mới sáng tạo. "Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận" - Bộ trưởng nói.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương báo cáo trong phiên Toạ đàm cấp cao. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Ông Hùng cho rằng, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở Nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể. "Muốn đi nhanh thì Chính phủ phải đi đầu. Nghị quyết 52 đã yêu cầu Chính phủ phải đi tiên phong trong chuyển đổi số" - Bộ trưởng Hùng nói, đồng thời cho biết, chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. "Chúng ta có thể làm được vì văn hoá người Việt Nam là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Và Việt Nam luôn là nước mạnh nhất thế giới trong các cuộc cách mạng toàn dân" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thể hiện sự hy vọng.
Đặt vấn đề "Vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này?", Bộ trưởng cho rằng, đó chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. "Chúng ta phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT (doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông) tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make In Vietnam và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - từ đây đi ra toàn cầu" - Bộ trưởng nói.
* 3 nền tảng để xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam". Theo Bộ trưởng, Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiều giải pháp lớn, quan trọng, mang tính quyết sách để thực hiện mục tiêu trên.
Đại biểu tham gia phiên Toạ đàm cấp cao tại Diễn đàn. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Trình bày về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chiến lược này được xây dựng trên ba nền tảng.
Một là đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Hai là phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu.
Ba là phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.
Bên cạnh các yếu tố nền tảng này, dự kiến Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai nhiều nhóm chính sách quan trọng như: áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp; cơ cấu lại, tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu; thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;.../.
Theo Xuân Tùng/TTXVN
Gặp mặt các diễn giả, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn 4.0 Trước thềm Lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019, ngày 2/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng . Ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã tiếp và làm việc với đoàn đại biểu gồm 60 chuyên gia, diễn giả, lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế...