Thế giới vỡ mộng kinh tế Trung Quốc
Suy thoái kinh tế Trung Quốc đang làm trầm trọng hơn tình trạng căng thẳng của các đối tác thương mại ở châu Phi và Nam Mỹ.
Một công trình xây dựng của nhà thầu Trung Quốc ở Angola – Ảnh: Reuters
Vào tháng 6, Tổng thống Angola José Eduardo dos Santos lên đường đến Bắc Kinh, ôm hy vọng sẽ đạt được những khoản vay và đầu tư mới từ đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Sau chuyến thăm kéo dài 1 tuần, ông ký kết một thỏa thuận với Trung Quốc về việc xây dựng đập thủy điện có kinh phí lên đến 4,5 tỉ USD và một loạt dự án khác. “Trung Quốc và Angola luôn là anh em tốt và là những đối tác chiến lược bền vững”, theo Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Giờ đây, các mối liên hệ kinh tế của Angola với Trung Quốc lại trở thành một vấn đề nhức nhối và tình trạng tương tự đang lan rộng khắp châu lục đen lẫn các châu lục khác: các nước gắn kết vận mệnh của họ với Trung Quốc đang trở thành con tin của sự hỗn loạn kinh tế xảy ra tại quốc gia Đông Á.
Châu Phi tỉnh giấc
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang gồng mình ngăn trở sự lao dốc kinh tế của đất nước và tình hình này đang gây thêm khó khăn cho quốc gia giàu dầu mỏ như Angola. Các nhà nhập khẩu Angola đang chật vật xoay xở để chi trả cho những nhu yếu phẩm như ngũ cốc, thuốc men.
Hãng Moody’s hồi tuần trước cho hay nợ công gia tăng đang đẩy Angola đến nguy cơ bị hạ bậc tín dụng. Kể từ tháng 1, nội tệ kwanza đã mất ngót 1/4 giá trị so với USD. “Không có Trung Quốc, không có tiền”, theo tờ The Wall Street Journal dẫn lời một chuyên gia tài chính tại Angola. Ông nói thêm rằng nước này không hề chuẩn bị phát triển những lĩnh vực kinh tế khác, ngoài khai thác dầu thô và khoáng sản.
Tại Zimbabwe, Tổng thống Robert Mugabe, 91 tuổi, tuyên bố nhân dân tệ là tiền pháp định như với USD. Trong 5 năm qua, ông đã liên tục ký kết với Trung Quốc các thỏa thuận phát triển đường sá, mạng lưới viễn thông và nông nghiệp, với tổng trị giá khoảng 4 tỉ USD.
Đến tuần rồi, trong bài phát biểu trước toàn quốc đầu tiên trong 8 năm, ông Mugabe nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách củng cố trở lại các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, quay ngoắt 180o với chính sách “Hướng đông” mà ông theo đuổi lâu nay. Nước láng giềng phía bắc của Zimbabwe là Zambia cũng trong trạng thái “yêu – hận” đan xen với những nhà khai thác mỏ đồng đến từ Trung Quốc. Giữa lúc nhu cầu về khoáng sản của Bắc Kinh đang nguội dần, các công ty ở Zambia loan tin họ có thể cắt giảm hàng ngàn công nhân và từ bỏ các kế hoạch phát triển. Còn tại Nam Phi, các nhà điều hành thú nhận đang phải trả giá cho sự dựa dẫm quá mức vào Trung Quốc. Hiện nền kinh tế nước này suy giảm 1,3% trong quý 2.
Cơn bão Nam Mỹ
Video đang HOT
Tình hình đang diễn ra tương tự ở châu Mỹ Latin, nơi tập trung các đối tác cung cấp tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô của Trung Quốc.
Theo tờ The Miami Herald, Argentina, Bolivia, Venezuela và các nước Nam Mỹ khác đang đối mặt với cơn bão kinh hoàng: sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, giá cả tiêu dùng giảm, các nhà đầu tư quốc tế đang rút khỏi khu vực, và nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất (khiến các nước khó khăn hơn trong việc vay hoặc trả nợ nước ngoài). Tệ hơn nữa, các số liệu mới từ Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe của LHQ (ECLAC) cho thấy tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp của khu vực đã giảm từ 72,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2000 xuống còn 58,6% vào năm 2014. Nếu loại bỏ Mexico, công xưởng sản xuất hàng hóa của khu vực, thì sự sụt giảm này còn tệ hơn nữa.
Nói tóm lại, các nền kinh tế lớn nhất châu Phi và Nam Mỹ phụ thuộc lớn vào nhu cầu của Trung Quốc về dầu mỏ, kim cương và các loại khoáng sản khác. Do vậy, sự suy sụp kinh tế sâu hơn ở phương Đông có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiều hướng tăng trưởng kinh tế ở những nơi này. Chuyên gia John Ashbourne của Hãng Capital Economics dự đoán tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở vùng hạ Sahara của châu Phi vào khoảng 3,3% trong năm 2015, sau khi liên tục duy trì tỷ lệ trung bình 5,4% trong cả thập niên. “Năm sau sẽ vô cùng chật vật”, chuyên gia này kết luận.
Kinh tế Trung Quốc mờ mịt
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 7.9 điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng GDP vào năm 2014 từ 7,4% xuống còn 7,3%, theo Reuters.
Theo dự đoán, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 sẽ thuộc dạng thấp nhất trong 25 năm qua. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán đại lục đã sụt giảm 40% kể từ giữa tháng 6 năm nay.
Theo số liệu công bố ngày 8.9, sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 8, đánh dấu sự xuống dốc trong 10 tháng liên tiếp. Theo Reuters, kim ngạch nhập khẩu tháng 8 giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 cũng giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc?
Chứng khoán toàn cầu đã hứng chịu một đợt bán tháo mạnh mẽ vào phiên giao dịch 'Ngày thứ hai đen tối' hôm 24.8 do các nhà đầu tư thế giới lo lắng trước tình trạng suy yếu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Một nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi bảng điện tử cập nhật giá cổ phiếu tại một công ty môi giới chứng khoán ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters
Sau đây là những giải đáp cho các câu hỏi mà nhiều người đang muốn biết về chuyện gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, theo bài viết đăng ngày 25.8 của AFP:
1. Trung Quốc đã làm gì để ngăn chứng khoán sụt giảm?
Trung Quốc đã ban hành nhiều biện pháp vào tháng 7 sau khi giá cổ phiếu trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm hơn 30% tính từ giữa tháng 6. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ tác động giúp tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhưng hiện chúng đã không còn hiệu quả.
Chỉ số SSE của sàn Thượng Hải đã tăng khoảng 17% trong 2 tuần sau khi các biện pháp hỗ trợ thị trường được ban hành, nhưng sau đó đã giảm toàn bộ phần tăng này, rồi tiếp tục mất thêm gần 21%.
Sàn Thượng Hải là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ 5 thế giới tính theo quy mô vốn hóa thị trường vào tháng 5.2015. Khác với sàn giao dịch Hồng Kông, sàn Thượng Hải vẫn chưa được mở cửa hoàn toàn cho các nhà đầu tư quốc tế và thường xuyên chịu sự điều phối của chính phủ Trung Quốc.
2. Diễn biến sắp tới của thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc?
Đợt sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 24.8 đã khiến giá cổ phiếu trên sàn Thượng Hải rơi xuống dưới mức đạt được vào ngày 8.7, thời điểm chính phủ Trung Quốc can thiệp và giúp thị trường tăng điểm trở lại.
Ngoài ra, sau "Ngày thứ hai đen tối", chỉ số SSE cũng đã nằm dưới mức chốt phiên ngày 31.12.2014 và điều này có nghĩa là toàn bộ đợt tăng tính từ đầu năm đến nay đã "bốc hơi".
Bất chấp việc chính phủ Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực lớn để vực dậy thị trường, nhưng các nhà phân tích dự đoán giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm sâu do đợt sụt giảm của hàng loạt thị trường trên thế giới cũng đang tác động đến Trung Quốc.
Đồng nhân dân tệ được dự đoán sẽ tiếp tục suy yếu so với đồng USD, mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được kỳ vọng sẽ ra tay can thiệp.
Nomura, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản, dự báo tỉ giá nhân dân tệ/USD, hiện đang ở mức 6,4 nhân dân tệ/USD, sẽ ở mức 6,6 nhân dân tệ/USD vào cuối năm nay.
3. Vì sao thị trường tài chính thế giới quá bi quan đối với kinh tế Trung Quốc?
Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại - Ảnh minh họa Reuters
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức 7,4% hồi năm 2014, mức tăng trưởng chậm nhất tính từ năm 1990, và tăng trưởng đã chậm thêm trong năm nay, vào khoảng 7% mỗi quý.
Mặc dù đây là tốc độ tăng nhanh hơn rất nhiều so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác, nhưng việc đồng nhân dân tệ suy yếu làm dấy lên hoài nghi rằng "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tệ hơn so với số liệu được công bố chính thức.
Việc GDP trong quý 2.2015 trùng khớp hoàn toàn với mục tiêu toàn năm của chính phủ (7%) khiến nhiều chuyên gia phân tích đặt câu hỏi về độ chính xác của số liệu này, vốn được Bắc Kinh thông báo sau khi có một vài số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
AFP bình luận rằng Trung Quốc từ trước đến nay vẫn luôn bị cáo buộc là thay đổi các số liệu về kinh tế theo hướng tích cực trong lúc kinh tế suy thoái.
4. Vì sao kinh tế Trung Quốc suy thoái lại là vấn đề mang tính toàn cầu?
Trong bối cảnh kinh tế châu Âu suy yếu và Mỹ lại đang chuẩn bị nâng lãi suất, thế giới trông chờ vào sức tiêu thụ nguyên liệu thô mạnh mẽ từ Trung Quốc nhằm giúp thị trường tài chính tiếp tục tăng trưởng. Với dân số hơn 1,3 tỉ người, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ cho nhiều loại hàng hóa, chẳng hạn như xe cộ. Vì thế, bất kỳ sự suy yếu nào trong tiêu dùng cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Trung Quốc đang cố trấn an thế giới Những lo lắng về triển vọng kinh tế Trung Quốc và những ảnh hưởng của nó tới kinh tế toàn cầu đã khiến Hội nghị G20 lần này chủ yếu tập trung vào những nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Trung Quốc... Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Lao động các nước G20, tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Hội nghị...