Thế giới tưởng niệm thảm họa động đất/sóng thần Ấn Độ Dương
Hôm nay, những người sống sót sau thảm họa động đất/ sóng thần năm 2004 cùng người thân của khoảng 225.000 nạn nhân đang đổ về bờ biển Ấn Độ Dương để cầu nguyện cho những người xấu số. Nỗi đau mà đại thảm họa này để lại vẫn chưa nguôi dù 10 năm đã trôi qua.
Mọi người tham gia lễ cầu nguyện tại thành phố Banda, thủ phủ tỉnh Aceh.
Tại Indonesia, người dân đang hướng về tỉnh Aceh, nơi bị sóng thần động đất Ấn Độ Dương năm 2004 tàn phá nặng nề nhất, để tổ chức một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân đã thiệt mạng trong trận đại sóng thần 10 năm trước.
BBC đưa tin các lễ kỷ niệm lớn sẽ được tiến hành trên khắp tỉnh Aceh trong ngày hôm nay 26/12.
Tỉnh Acel, nằm ngay mũi Bắc của đảo Sumatra, rất gần tâm chấn của trận động đất mạnh 9,2 độ richter, đã trở thành khu vực gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 168.000 người thiệt mạng và mất tích.
Tại thành phố Banda, thủ phủ tỉnh Aceh, hàng ngàn người đã có mặt trong buổi lễ tưởng nhớ nạn nhân động đất/sóng thần tại Nhà thờ Lớn được xây dựng từ thế kỷ 19, một trong số ít những công trình trụ lại được sau đại thảm họa 10 năm trước.
Ông Asman Ismail, đại diện của Nhà thờ Lớn, cho hay cơn sóng thần năm ấy đã để lại cho tỉnh Aceh những bài học vô giá. Khu vực này lúc đó đang chìm trong những xung đột vũ trang đã kéo dài hơn 30 năm.
“Sau thảm họa, mọi người không còn chiến đấu chống lại nhau nữa mà chung sống với nhau hòa thuận và yên bình cho đến hôm nay”, ông Ismail nói.
Khi thảm họa qua đi, xung đột đã tạm lắng khi chính phủ và quân nổi dậy đã đạt được thỏa thuận hòa bình vào tháng 8/2005.
Những người lính Thái Lan trong lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kép 2004 tại Khao Lak, Phang Nga.
Buổi lễ tưởng niệm nạn nhân của thảm họa 10 năm trước tại Thái Lan sẽ được tổ chức bởi chính phủ tại nơi tàu tuần tra cảnh sát biển 813 bị sóng thần đánh dạt lên bờ năm 2004. Bộ Ngoại giao nước này đã mời đại diện từ 23 nước đến dự buổi lễ, đồng thời tổ chức phát sóng trực tiếp thông qua các kênh truyền hình trong nước và quốc tế.
Patong, khu vực ở Phuket bị tác động nặng nề nhât của sóng thần, sẽ tổ chức buổi lễ truyền thống “Thắp sáng Phuket” tại bờ biển Patong vào 18h30 ngày 26/12.
Video đang HOT
Người dân cũng đến đặt hoa, treo những chiếc chuông nhỏ nguyện cầu cho các nạn nhân tại “bức tường thảm họa kép” ở bãi biển Mai khao, Phuket.
Tại Thái Lan, thảm họa năm 2004 đã cướp đi sinh mạng của 5.395 người, trong đó có khoảng 2.000 khách du lịch nước ngoài. Chính phủ Thái Lan cho biết cho tới nay 3.000 nạn nhân trong trận sóng thần năm ấy vẫn chưa được tìm thấy. Năm 2004, 80% các nạn nhân ở Thái Lan đã thiệt mạng tại tỉnh Phang Nga. Các chuyên gia từ 39 nước đã nhanh chóng về đây để tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong cuộc tìm kiếm lớn nhất hành tinh này.
Theo BBC, Sri Lanka sẽ tổ chức kỷ niệm ngày 10 năm trận động đất sóng thần Ấn Độ Dương quét qua với một hình ảnh mang tính biểu tượng, mô tả chuyến tàu hỏa từng bị sóng thần quật trúng và cướp sinh mạng của 1.270 hành khách ngày 26/12/2004.
Người dân Sri Lanka trong những ngày gần đây cũng tới đặt hoa và cầu nguyện cho những người thân đã qua đời trong thảm họa tàn khốc năm 2004.
Tại Ấn Độ, một cuộc diễn tập sơ tán để đối phó với đại thảm họa sẽ được tổ chức tại cộng đồng ngư dân lớn nhất nước này ở tỉnh phía Nam Tamil Nadu, nơi 6.000 nạn nhân đã thiệt mạng khi trận đại sóng thần năm 2004 quét qua.
Trong 10 năm qua, cả thế giới đã bỏ ra hơn 400 triệu USD cho hệ thống cảnh báo sớm động đất trải khắp 28 quốc gia (với 101 máy đo độ cao mực nước biển, 148 địa chấn kế và 9 phao cảnh báo) để tránh rơi vào thảm cảnh kinh hoàng năm 2004 thêm một lần nữa.
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo Dantri
Hành trình 9 ngày lênh đênh trên biển Ấn Độ Dương
Trong một bài phỏng vấn với tờ Telegraph, Rizal Sahputra, một nạn nhân may mắn sống sót sau trận động đất sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, đã chia sẻ về hành trình 9 ngày lênh đênh trên biển đầy nguy hiểm và gian truân của mình.
Rizal Sahputra đã may mắn sống sót sau thảm họa động đất sóng thần năm 2004
Vào buổi sáng định mệnh 26/12/2004, thanh niên Rizal Sahputra lúc ấy mới 20 tuổi đang sống tại một ngôi nhà ở làng chài ven biển Calang thuộc tỉnh Aceh của Indonesia. Anh đang chờ kết quả tuyển dụng của một cơ quan nhà nước.
Sáng hôm đó, Rizal định rời nhà cùng cha và em gái 17 tuổi để làm một số công việc xây dựng tại một nhà thờ gần đó. Lúc này, anh nghe thấy âm thanh ầm ầm giống như tiếng động phát ra từ máy bay trực thăng, nhìn ra phía biển, anh thấy cả đại dương đang đổ về làng Calang.
Thảm kịch xảy ra sau đó đã cướp đi sinh mạng khoảng 170.000 người dân ở tỉnh Aceh, trong đó có cha mẹ và em gái Rizal.
Vĩnh biệt người thân
"Khi nhìn thấy con sóng, tôi đã nắm tay cha tôi và nói: Con nghĩ rằng con cần phải nói lời từ biệt với cha" - Rizal nhớ lại - "Tôi cũng nắm tay em gái mình, bây giờ tôi không nhớ mình đã ôm hay hôn em. Cha hét lên nhắc tôi chạy đi và khi tôi quay đầu lại nhìn, cơn sóng đã cuốn mất nhà tôi. Tôi chẳng còn nhìn thấy ngôi nhà hay gia đình tôi nữa. Tất cả đều đã biến mất. Tôi đã không khóc mà chỉ cắm đầu chạy".
Đầu tiên, Rizal vốn là một cựu vận động viên quốc gia, đã có thể chạy trước cơn sóng thần và leo lên ngọn một cây xoài nằm cao hơn mặt nước. Nhưng khi nhìn lại sau lưng, anh thấy đợt sóng thứ 2 lớn hơn đang đến gần. "Cơn sóng thần đó cuốn đi mọi thứ, cuốn cả những cái cây và tôi nữa" - anh thuật lại - "Lúc ấy tôi không thấy sợ. Tôi chẳng nghĩ về điều gì cả".
Cũng chính lúc ấy, Rizal nhớ lại các bài học sinh tồn mà ông nội đã dạy anh khi anh sống cùng ông trong rừng lúc còn nhỏ. Anh bắt đầu bện dây thừng từ các cành cây và gom những mảnh gỗ trôi nổi trên biển để tạo ra một cái bè nhỏ. Đây cũng là chỗ nương náu của anh trong 9 ngày lênh đênh trên biển.
Chiếc bè kết từ những sợi dây và các tấm gỗ trôi dạt đã lênh đênh cùng Rizal trong 9 ngày trên biển Ấn Độ Dương
Rizal ngồi trên bè và chứng kiến hàng trăm người trôi qua, một số vẫn còn sống nhưng phần lớn đều đã chết. Trong những ngày tiếp theo, anh thấy hàng ngàn thi thể và đều nhìn các thi thể này thật kỹ để xem liệu có ai là người nhà của mình không.
"Có nhiều người phụ nữ không còn quần áo, vẫn còn sống bằng cách bám lấy những thân cây dừa. Tôi hỏi tên từng người một, nhưng họ đều tới mội ngôi làng khác. Tôi bị vây quanh bởi các xác chết. Tôi đã thấy thi thể các bạn của em mình, anh trai của người bạn thân và chị họ Debe mới 24 tuổi. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho chị ấy... Tôi tưởng thế giới đã đi tới hồi kết", Rizal nói.
Trong ngày đầu tiên trôi dạt, Rizal tìm thấy vài quả dừa và bổ chúng bằng một con dao lấy từ thi thể một người lính trôi dạt. Trong suốt hành trình, anh đã sống sót nhờ 8 quả dừa và một vài thực phẩm trôi trên biển, gồm 1 gói sô-cô-la, 5 gói mỳ ăn liền, 1 lon Coca, 2 lon Sprite và một chai nước tăng lực.
Rizal cũng từng có bạn đồng hành trên bè trong khoảng thời gian ngắn khi anh trôi ngang qua một người cảnh sát còn sống tên là Saply. Khi lên bè người cảnh sát này đang bị bệnh và rất khát nước. Rizal cho anh này ăn mì ăn liền và họ đã cùng ngủ trên bè. Nhưng đến buổi trưa ngày thứ 2, Saply tin rằng mình đã thấy đất liền. Vị cảnh sát này nhiều lần tìm cách bơi vào bờ và Rizal đã cố ngăn lại, nhưng không thể. Sau khi Saply bơi đi, Rizal chỉ còn lại một mình, tiếp tục trôi dạt trên biển.
Từ đó, trở đi Rizal chỉ có một mình và tiếp tục lênh đênh trên biển. Đến sau ngày thứ 4, anh kể rằng không còn thấy thi thể nào nữa, hoàn toàn đơn độc và đôi lúc nói chuyện với những chú chim hay con vịt mà anh gặp trên hành trình của mình.
Những khoảnh khắc tuyệt vọng
Một buổi chiều, Rizal nhớ rằng đó là chiều ngày thứ 2 trên biển, anh đã thấy một con cá mập lớn bằng một chiếc xe hơi, đang ăn xác một đứa trẻ. "Tôi không hề sợ khi thấy cảnh đó. Tôi nghĩ rằng nếu mình thoát được cơn sóng thần thì sẽ có thể an toàn trước mọi thứ".
Tuy nhiên trong vài trường hợp, anh gần như đã mất hy vọng. Những khoảnh khắc tệ nhất với Rizal là khi anh suýt được cứu. Trong buổi sáng đầu tiên trôi dạt trên biển, Rizal thấy một ngư dân cùng làng đang ở trên thuyền nên đã hét lên một cách điên cuồng. Song chiếc thuyền đã đi qua chỗ anh. Nhiều năm sau Rizal đã hỏi ngư dân này và được biết ông không nghe thấy tiếng anh và cho rằng những người dưới nước đều đã chết hết.
Trong ngày thứ 3 ở trên biển, một chiếc thuyền đánh cá và một chiếc phà tới đảo Weh đi ngang qua chỗ Rizal nhưng cũng không thấy anh. Vào ngày thứ 9, Rizal lại thấy một con tàu nữa, anh đã nhảy khỏi bè để bơi gần tới nó, song vẫn chẳng có ai phát hiện ra anh. "Tôi bơi trở lại bè của mình và ngồi đó, gần như đã phát khóc" - anh kể.
Chiều tối ngày thứ 9, một chiếc tàu chở hàng Nhật Bản đang trên đường đến Malaysia đã tiến gần đến chỗ Rizal. Anh đã đứng thẳng lên và hét lớn. May mắn rằng một thủy thủ Nhật Bản đã phát hiện ra Rizal và cứu anh.
Rizal đã được cấp cứu sau khi các thuyền viên trên tàu chở hàng Nhật cứu anh từ biển Ấn Độ Dương
Ông Huang Wen Feng, một nhân viên trên tàu đã miêu tả việc nhìn thấy Rizal là "một điều kỳ diệu". "Anh ấy đã hét lên với chúng tôi, Tôi không thể tin vào điều đó", ông Huang cho hay.
Ngoài việc bị cháy nắng và mất nước, Rizal vẫn có sức khỏe tương đối ổn định. Anh kể lại khoảnh khắc được cứu sống như sau: "Họ đã buộc dây thừng vào tôi và kéo tôi lên tàu. Ngay khi nằm trên boong, tôi có cảm giác kiệt sức, tôi đã quá yếu. Tuy vậy, tôi thấy hạnh phúc vô cùng".
Ba ngày sau, anh được đưa đến một bệnh viện ở Malaysia. Tại đây anh biết được rằng người anh trai Ronal, một quân nhân Indonesia đang làm việc tại thành phố Medan khi cơn sóng thần quét qua vẫn còn sống sót.
Rizal đã kết hôn với bạn của người em gái đã mất và có một cuộc sống hạnh phúc
Rizal đã rời quê hương, sang thủ đô Malaysia học tập. Trở về Indonesia, anh gặp lại một người bạn của em gái anh và đã kết hôn với cô. Hiện hai vợ chồng Rizal đang định cư ở Malaysia. Anh có về Aceh vài lần, nhưng lập tức những cơn ác mộng luôn hiện về, trong cơn mơ anh luôn phải chạy trốn khỏi sóng thần và hoàn toàn đơn độc.
Anh Rizal cho biết dù đã kết hôn và có cuộc sống hạnh phúc nhưng trận sóng thần năm ấy vẫn ám ảnh anh. Rizal tâm sự rằng: "Cứ đến tháng 12 hàng năm, tôi lại nhớ về sóng thần đã cướp đi gia đình của tôi".
Thoa Phạm
Theo Dantri/Telegraph
Indonesia: Động đất gây cảnh báo sóng thần Những cảnh báo sóng thần ngắn đã được phát đi sau khi xuất hiện trận động đất mạnh 7,3 độ richter ở biển Molucca, phía đông Indonesia. Với vị trí địa lý bất lợi, Indonesia không "lạ" gì những trận động đất Theo cơ quan khảo sát địa chất của Mỹ - US Geological Survey, trận động đất xảy ra ở độ sâu...