Thế giới tiếp tục cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola
Nước Mỹ đang ở trong tình trạng báo động vì virus Ebola sau tin y tá thứ hai ở Mỹ nhiễm virus Ebola có biểu hiện sốt nhẹ nhưng vẫn được lên máy bay.
Y tá thứ hai ở Mỹ nhiễm virus Ebola có biểu hiện sốt nhẹ nhưng vẫn ở mức được phép đi lại nên đã bay từ bang Ohio đến bang Texas trước khi được chẩn đoán mắc căn bệnh chết người này.
Thông tin này đã đặt thêm một khu vực thành thị thứ hai của Mỹ trong tình trạng báo động vì Ebola và làm gia tăng những lo ngại dịch bệnh có thể lan rộng ở Mỹ, trong khi các nước Tây Phi vẫn đang phải gồng mình chống lại loại virus chết người này.
Kênh truyền hình CNN của Mỹ dẫn lời quan chức Chính phủ nước này cho biết, y tá thứ hai ở Mỹ nhiễm Ebola, cô Amber Vinson, 29 tuổi, hôm 15/10 đã được chuyển đến bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta, nơi điều trị thành công cho 2 người nhiễm virus chết người này khi tham gia sứ mệnh nhân đạo ở Tây Phi.
Amber Vinson, 29 tuổi, nữ y tá Mỹ thứ hai bị nhiễm Ebola sau khi điều trị cho bệnh nhân Duncan (Ảnh Akron Public Schools)
Trước đó, y tá này đã khai báo với Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) rằng cô bị sốt nhẹ trước khi lên máy bay của hãng hàng không Frontier đi từ bang Ohio đến bang Texas hôm 13/10. Nữ y tá này khẳng định thân nhiệt của cô vẫn chưa đạt đến ngưỡng mà Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ không cho phép đi lại.
Mẹ của cô cũng khai rằng con gái bà không có biểu hiện ốm khi về nhà ở thành phố Tallmadge thuộc bang Ohio song một người đàn ông tiếp xúc với cô Vinson trong khoảng thời gian này vẫn bị cách li tại nhà.
Video đang HOT
Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ Thomas Frieden cho biết, khả năng hành khách cùng đi trên chuyến bay với Ambơ Vinson bị nhiễm virus Ebola là rất thấp bởi nữ y tá này không nôn mửa hoặc chảy máu trong suốt chuyến đi.
Tuy nhiên, ông Frieden cho rằng, đáng lẽ cô Vinson không nên di chuyển khi có triệu chứng sốt. Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ cũng khuyên cáo hơn 130 hành khách cùng chuyến bay với nữ y tá này gọi điện đến đường dây nóng của trung tâm để được tư vấn và hỗ trợ khi thấy bất cứ biểu hiện lạ nào về sức khỏe. Hãng hàng không Frontier cũng tạm ngừng hoạt động của chiếc máy bay đã chở cô Amber Vinson.
Ngày 15/10, Tổng thống Barack Obama đã phải hủy chuyến thăm Đảo Rhode và New York để tập trung vào công tác đối phó với các ca nhiễm Ebola mới. Nước Mỹ đang ở trong tình trạng báo động vì virus Ebola song vẫn không quên nhiệm vụ ở “tiền tuyến” Tây Phi trong cuộc chiến chống lại virus chết người này. Quân đội Mỹ hôm 15/10 đã gửi các bệnh viện dã chiến đến Liberia để phục vụ việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola ở hạt Bomi, phía Tây Bắc Liberia.
Trưởng nhóm hỗ trợ phản ứng thảm họa của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Ben Hemingway cho biết: “Bệnh viện dã chiến này phải mất 2 tuần lắp đặt và có thể thêm 2 tuần nữa mới hoạt động đầy đủ được. Và với sự hỗ trợ của chính phủ Liberia cùng sự hợp tác của quân đội ở đây, từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ xây khoảng 17 bệnh viện dã chiến trên khắp nước này”.
Ông Hemingway cũng cho biết tiến độ lắp đặt các bệnh viện dã chiến sẽ được đẩy nhanh khi mùa mưa ở Liberia kết thúc. Trước khi có sự hỗ trợ của Mỹ, chỉ có 6 bệnh viện dã chiến ở Liberia.
Bất chấp những nguy cơ đối với đội ngũ khám chữa bệnh cho những người nhiễm Ebola, một số nhân viên y tế của Anh vẫn tình nguyện đến những vùng dịch “nước sôi lửa bỏng” nhất.
Ngày 15/10, những nhân viên này đã tham gia một khóa huấn luyện ở thủ đô London. Trong số này có anh William Pooley, một y tá sống sót sau khi tiếp xúc với virus Ebola ở Tây Phi nhưng vẫn muốn quay lại đây.
Anh William Pooley cho biết: “Cứ nhìn tình hình ở thực địa lúc này, như ở Sierra Leone chẳng hạn, họ cần rất nhiều sự giúp đỡ và đó là lý do vì sao mọi người tham gia khóa huấn luyện này để hỗ trợ những nước đó. Thật tuyệt vời khi thấy tinh thần tình nguyện phục vụ của mọi người. Bố mẹ tôi cũng rất lo lắng nhưng họ ủng hộ tôi vì biết đây là điều tôi phải làm”.
Liberia là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao nhất trong nhóm 3 nước bị ảnh hưởng nặng nhất vì virus Ebola, cùng với Guinea và Sierra Leone. Tại Sierra Leone, ngày 15/10 đã diễn ra một hội thảo quy tụ 35 người sống sót sau khi nhiễm virus Ebola để thành lập một “nhóm chuyên gia” tham gia giúp đỡ những người bị cách li vì căn bệnh này.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Christophe Boulierac cho biết, trong nửa năm tới “nhóm chuyên gia” này sẽ tăng lên đến 2.000 người: “Hội thảo này có 2 mục đích. Trước hết, chúng tôi muốn cung cấp cho 35 người sống sót và tham gia vào hội thảo này những hỗ trợ về mặt tâm lý bởi chúng tôi biết họ đang phải đối mặt với những chấn thương khủng khiếp. Nhưng không dừng lại ở đó, chúng tôi muốn tạo ra một nhóm chuyên gia, những người đã miễn dịch để có thể giúp chúng tôi tiếp xúc với những trẻ em bị cách li”.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì 7 nước đang bị ảnh hưởng bởi virus Ebola được chia thành 2 nhóm và nhóm thứ hai gồm Nigeria, Senegal, Tây Ban Nha và Mỹ là những nước có ít ca nhiễm mới nhưng khả năng cách ly cao. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 4.500 người tử vong vì virus Ebola trong tổng số gần 9.000 người bị nhiễm./.
Theo_VOV
Dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử: VN lại họp khẩn
Trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh do virus Ebola, 8.376 trường hợp mắc trong đó 4.024 tử vong, Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) tiếp tục họp khẩn với Bộ Y tế.
Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, virus Ebola vẫn tiếp tục tăng nhanh đặc biệt tại 3 quốc gia thuộc nhóm nước có dịch bệnh lan truyền rộng. Cụ thể: Guinea, Leberia, Sierra Leone (8.376 trường hợp mắc trong đó 4.024 tử vong).
Các chuyên gia nhận định dịch Ebola có thể xâm nhập Việt Nam.
Thế giới cũng đã ghi nhận 2 nhân viên y tế nhiễm virus Ebola tại Tây Ban Nha (ngày 06/10/2014) và tại Mỹ (ngày 12/10/2014). Đây là những trường hợp nhiễm bệnh do virus Ebola đầu tiên ngoài khu vực đang lưu hành dịch bệnh.
Tại cuộc họp khẩn diễn ra chiều 13/10, đại diện Văn phòng Đáp ứng Khẩn cấp cho rằng, chưa có bằng chứng khoa học để xác định việc thay đổi phương thức lây truyền từ người sang người cũng như từ người sang động vật theo đường không khí.
Theo đại diện Văn phòng Đáp ứng Khẩn cấp, nhân viên y tế tại Mỹ nhiễm virus Ebola khi chăm sóc bệnh nhân có thể là những sơ suất hoặc chưa tuân thủ đúng các biện pháp phòng hộ và đang tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ nguyên nhân đối với trường hợp này.
Các chuyên gia nhận định dịch Ebola có thể xâm nhập Việt Nam do người lao động, hành khách nhập cảnh Việt Nam từ các nước vùng dịch.
Đại diện WHO đánh giá, với sự hỗ trợ của WHO, Nhật Bản, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện xét nghiệm xác định Ebola trong nước. Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, nhưng không làm nhân dân hoang mang trước tình hình dịch bệnh.
Các chuyên gia thống nhất, rà soát tất cả các quy trình, hướng đẫn liên quan đến dịch bệnh Ebola hiện có để bổ sung cập nhật theo thông tin của WHO, CDC.
Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu và cộng đồng đối với hành khách đi từ 6 quốc gia (Công Gô, Guinea, Leberia, Sierra Leone, Nigeria, Senegal), chưa thực hiện khai báo y tế đối với hành khách đi từ Mỹ và Tây Ban Nha.
Cục Y tế Dự phòng yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp phòng hộ cá nhân trong các cơ sở điều trị, dự phòng; thẩm định các phòng xét nghiệm hiện có, xây dựng quy trình, củng cố công tác lấy mẫu, xét nghiệm tiến tới thực hiện xét nghiệm xác định virus Ebola tại Việt Nam.
Theo Khampha
Nữ y tá nhiễm Ebola khiến cả Tây Ban Nha hoang mang Cho đến nay, nhà chức trách vẫn chưa thể hiểu nổi làm thế nào mà y tá trên có thể nhiễm virus Ebola. Ngày 6/10, Tây Ban Nha xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Ebola ở bên ngoài châu Phi khi một nữ y tá bị lây loại virus tử thần này khi đang chăm sóc cho một linh mục mắc Ebola,...