Thế giới sẽ ra sao thời hậu Obama?
Giới phân tích Nga đã đưa ra một số đánh giá về kết quả nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Obama và xu hướng thế giới giai đoạn hậu Obama.
Tổng thống Mỹ Obama.
Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Obama đến Ả rập xê út, Anh và Đức, các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, có thể coi là chuyến công du “tạm biệt” của ông Obama trước khi hết nhiệm kỳ Tổng thống.
Giới phân tích Nga đã đưa ra một số đánh giá về kết quả nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama và xu hướng thế giới giai đoạn hậu Obama.
Quan hệ với Nga
Mặc dù đã có nhiều hy vọng về việc quan hệ Nga – Mỹ sẽ được cải thiện trong giai đoạn ông Obama nắm quyền nhưng kết quả thực tế lại không nhiều. Lên nắm quyền, vị Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ dự định sẽ cải thiện quan hệ với Moscow.
Trên thực tế, kết quả thu được của chính sách này chỉ giúp hai bên “tạm quên” đi những bất đồng cũ (ví dụ như những bất đồng thời Tổng thống G.Bush) mà không thể giúp hai bên xóa bỏ sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, không thể hình thành nên sự thỏa thuận với nhau về các vấn đề trên thế giới.
Chính vì vậy, quá trình “cài đặt lại” quan hệ hai bên đã không đem đến những đột phá thực sự cho quan hệ hai bên và điển hình cho sự sụp đổ này là các sự kiện Maidan và Crimea.
Nhiệm vụ đối với người kế nhiệm ông Obama sẽ không phải “cài đặt lại” quan hệ mà là khôi phục quan hệ Nga-Mỹ đến mức có thể chấp nhận được. Cơ sở cho những hy vọng này là sự phối hợp hành động Nga-Mỹ trong mặt trận Syria. Điều này cho thấy sự hợp tác mang tính thực dụng giữa hai bên hoàn toàn có thể được thực hiện và có thể đưa đến những hiệu quả thực tế.
Tuy nhiên, xu hướng này sẽ phụ thuộc vào việc ai sẽ là tổng thống thứ 45 của Mỹ. Nếu Hilary Clinton thắng cử, quan hệ đối đầu hai bên vẫn có thể tiếp tục vì quan điểm của cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng như ê kíp của mình.
Nếu Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, tỷ phú Mỹ sẽ đưa ra một loạt ý tưởng “có lợi” cho Moscow. Tuy nhiên, với tính cách của Donald Trump, khả năng quan hệ Nga-Mỹ lại có nhiều xáo trộn vẫn có thể xảy ra.
Ứng cử viên tiềm năng cho chức Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa, Donald Trump
Quan hệ với châu Âu
Chính sách của Mỹ ở châu Âu thời Obama đã đem lại những kết quả nhất định. Ông Obama đã thiết lập và duy trì được sự kiểm soát của Mỹ đối với các chính sách kinh tế-chính trị của châu Âu.
Người Mỹ đã ép được châu Âu phụ thuộc vào kinh tế Mỹ và tham gia đối đầu với Nga. Chính sách này của Mỹ khiến châu Âu mất đi thị trường Nga rộng lớn, còn châu Âu không thể sử dụng mối quan hệ đặc biệt với Moscow để cân bằng trong quan hệ với Mỹ.
Chính vì vậy, việc khôi phục quan hệ Nga-châu Âu sẽ cần rất nhiều thời gian, còn nếu Nga muốn tham gia vào cấu trúc an ninh và kinh tế của châu Âu sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa. Do đó, người kế nhiệm ông Obama sẽ có nhiều thời gian để giải quyết vấn đề quan hệ Nga-châu Âu.
Tuy nhiên, nếu như tổng thống sắp tới của Mỹ giành ít thời gian cho vấn đề châu Âu (ông Trump đã từng tuyên bố về điều này) thì sau một khoảng thời gian nào đó, EU có thể sẽ trượt khỏi vùng ảnh hưởng của Mỹ.
Video đang HOT
Các đồng minh của Mỹ đang phải đối đầu với xu hướng khá nguy hiểm là sự trỗi dậy của các lực lượng cánh hữu và các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc.
Hiện nay, giới lãnh đạo theo phong cách “truyền thống” của châu Âu vẫn chưa phải đối đầu với mối đe dọa thực sự nào nhưng quá trình “cực đoan hóa” của các nước Đông Âu và chiến thắng của các lực lượng theo trường phái chủ nghĩa dân tộc trong các cuộc bầu cử ở Tây Âu (Đức, Pháp, Anh) đang là tín hiệu đáng lo ngại thực sự đối với lục địa già.
Ứng cử viên tiềm năng cho chức Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Dân chủ Hilary Clinton
Chính sách với Trung Đông
Tổng thống Obama để lại cho người kế nhiệm khá nhiều vấn đề trong chính sách đối với Trung Đông cho dù ông Obama đã đạt được những thành công nhất định. Ông Obama đã đạt được thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân Iran và trong tương lai thỏa thuận này có thể sẽ dẫn đến những thay đổi thực sự trong chính sách đối ngoại của Iran.
Tuy nhiên, chính sách thiếu rõ ràng của Mỹ trong quá trình xảy ra các cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả rập” đã dẫn đến tình trạng hàng loạt quốc gia trong khu vực này đang phải đối đầu với những cuộc khủng hoảng đối nội thực sự.
Hơn nữa, các sự kiện này khiến cán cân lực lượng trong khu vực nghiêng về hướng bất lợi cho đồng minh Ả rập xê út.
Chính vì vậy, người kế nhiệm Tổng thống Obama sẽ còn rất nhiều việc phải làm ở khu vực Trung Đông như phải xem xét lại mối quan hệ Mỹ-Ả rập xê út, thiết lập một hệ thống nào đó để có thể kiềm chế Iran, xác định lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ khi những chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống nước này là Recep Tayyip Erdogan đang ngày càng trở nên khó đoán và nguy hiểm cho các lợi ích của Mỹ.
Thách thức nữa đối với Tổng thống mới của Mỹ là giải quyết vấn đề xung đột Palestine-Israel để có thể bình thường hóa được mối quan hệ Mỹ-Israel. Dưới thời Obama, quan hệ hai bên đã có những rạn nứt nhất định khi ông Obama theo đuổi chính sách hữu hảo với người Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ đã từng không nghe điện của Thủ tướng Israel, còn Thủ tướng Israel đã từng công khai chỉ trích ông Obama ngay tại Quốc hội Mỹ.
Quan hệ với châu Á
Đông Á đang dần thay thế khu vực Trung Đông để trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, trong giai đoạn cầm quyền, ông Obama đã không thiết lập được hệ thống kiềm chế Trung Quốc một cách có hiệu quả.
Cho dù ông Obama đã thành công trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng những chính sách “thiếu chín chắn” trong quan hệ với Nga đã khiến Moscow và Bắc Kinh ngày càng xích lại gần nhau. Các chuyên gia đã không ít lần cảnh báo rằng nếu như Kremlin bị cô lập ở châu Âu thì quan hệ kinh tế-chính trị của Moscow với Bắc Kinh sẽ được thúc đẩy mạnh. Khi đó, chính sách kiềm chế Trung Quốc của Mỹ sẽ khó có thể phát huy được tác dụng.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Dân chủ Hilary Clinton và ứng viên đảng Dân chủ Donald Trump
Quan hệ với châu Mỹ La tinh
Tổng thốn Obama chỉ bắt đầu tích cực hơn trong chính sách đối ngoại với châu Mỹ La tinh khi đã ở cuối nhiệm kỳ. Thành công đáng kể nhất của ông Obama ở châu Mỹ La tinh là việc đã bình thường hóa được quan hệ với Cuba và thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Cuba.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã tích cực thực hiện chính sách củng cố vị thế ở khu vực được coi là “sân nhà” của mình. Chính sách tập trung mạnh mẽ vào khu vực Trung Đông của Mỹ đã khiến lực lượng cánh tả có dịp trỗi dậy mạnh mẽ ở châu Mỹ La tinh. Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế- xã hội khu vực này còn nhiều khó khăn nên lực lượng cánh tả ở đây đã có dấu hiệu thoái trào, điển hình nhất là ở Argentina.
Sau khi Tổng thống đại diện cho lực lượng cánh hữu Mauricio Marci lên nắm quyền ở Argentina, ông Obama không chỉ thực hiện chuyến thăm đến Argentina mà còn cam kết sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào đất nước này.
Đáp lại, ông Marci cam kết sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên các thủ lĩnh cánh tả còn lại ở khu vực này, trước hết là Tổng thống Venezuela Nikolas Maduro.
Chính vì vậy, người kế nhiệm ông Obama sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp tục thúc đẩy xu hướng này và hỗ trợ cho các lực lượng cánh hữu. Tuy nhiên, nếu như không nhanh chóng củng cố được vị thế của mình tại khu vực này, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc áp đặt chính sách phát triển cho khu vực vốn diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa trường phái “chủ nghĩa tự do” và “chủ nghĩa xã hội”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.
Đào Cảnh (lược dịch)
Theo Infonet
Indonesia lúng túng với chiến lược "tằm gặm dâu" của Trung Quốc
Hôm 28/4, Washington Post dẫn lời chuyên gia Evan Laksmana tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (Jakarta) cho rằng, Indonesia lúng túng với sự xâm phạm của Trung Quốc trên Biển Đông bởi ngây thơ tin Bắc Kinh không phải là một mối đe dọa.
Theo Washington Post, hồi tháng Ba, Indonesia đã phải thả một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này gần quần đảo Natuna khi một tàu cảnh sát biển Trung Quốc can thiệp.
Trong khi đó, ông Evan cho rằng hòa bình trên Biển Đông cũng là một mối quan tâm của Indonesia bởi dù nước này không phải là một bên trong các tranh chấp trên Biển Đông, nhưng 90% diện tích Biển Đông mà Trung Quốc tham lam tuyên bố chủ quyền có bao gồm cả Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của quần đảo Natuna.
Hơn nữa, kể từ khi nhậm chức hồi năm 2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đặt ưu tiên phát triển hàng hải và bảo vệ các đường biên giới trên biển.
Hải quân Trung Quốc liên tục tập trận trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Indonesia lại đang lùi bước trước Trung Quốc. Theo ông Evan, bình thường các quốc gia sẽ phản ứng mạnh mẽ, không chỉ bằng lời nói mà còn tăng cường các liên minh quân sự và khả năng quân sự để bảo vệ các lợi ích an ninh dài hạn, chống lại các mối đe dọa. Tuy nhiên, các vấn đề chính trị nội bộ đang ngăn Jakarta hành động như vậy.
Ông Evan khẳng định, chính phủ của Tổng thống Widodo đang rơi vào tình trạng "yếu thế" nhiều so với Trung Quốc. Tình trạng này xảy ra khi quốc gia bị đe dọa không nhận thức đúng mối đe dọa từ quốc gia khác, hoặc đơn giản là không biết cách phản ứng thích đáng với mối đe dọa đó.
Ông nhận định, việc Indonesia không phản ứng mạnh mẽ về cả mặt quân sự và ngoại giao với sự hiện diện của Trung Quốc ngay trước cửa ngõ của nước này là vì nhiều lý do.
Indonesia vẫn chưa tin Trung Quốc là một mối đe dọa
Theo ông Evan, Jakarta đang quá ngây thơ khi vẫn tin rằng, Trung Quốc không phải là một mối đe dọa. Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại vẫn tin vào lời đảm bảo của Bắc Kinh từ những năm 1990 rằng không có tranh chấp về quyền sở hữu quần đảo Natuna vì quần đảo này thuộc Indonesia. Ngoại trưởng Indonesia vẫn còn nhắc lại cam kết trên sau sự cố hồi tháng Ba trên.
Hải quân Indonesia đang thực hiện nhiệm vụ trên biển.
Tuy nhiên, ông Evan nhận định, việc tàu Trung Quốc liên tục tiến vào vùng biển Indonesia trong khi vẫn tuyên bố quần đảo Natuna là của Jakarta là chiến thuật "tằm gặm dâu" quen thuộc của Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc thực hiện một loạt các hành động nhỏ, không đủ để đối phương phản ứng mạnh và dần tạo ra thay đổi chiến lược. Ở Biển Đông, chiến lược này đồng nghĩa với việc Trung Quốc tìm cách kiểm soát nhiều bãi cạn và đảo nhỏ, sau đó ngang nhiên tuyên bố chủ quyền những khu vực đó.
Chính vì chiến lược này, chính phủ Indonesia tỏ ra bối rối khi phản ứng với sự xâm phạm của Bắc Kinh. Ví dụ với sự kiện hồi tháng Ba, Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Ngư nghiệp có những phản ứng trái ngược nhau đối với Trung Quốc. Trong khi đó, các cố vấn và các quan chức ngoại giao của ông Widodo lại bất đồng về mối đe dọa thực sự từ Trung Quốc. Quân đội Indonesia lúng túng không biết phản ứng thế nào.
Những ưu tiên đối ngoại của Indonesia cũng chưa rõ ràng
Theo ông Evan, thậm chí dù Trung Quốc có thể hiện mối đe dọa rõ ràng thì Jakarta cũng khó đối đầu với những mối đe dọa đó bởi sự bất đồng trong nội bộ những người hoạch định chính sách đối ngoại của Indonesia.
Một phần của quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông.
Sự đồng thuận và đoàn kết là hai yếu tố rất quan trọng đối với một quốc gia. Trong khi đó, Indonesia lại đang thiếu cả hai điều kiện tiên quyết này đối với các chính sách ở Biển Đông, đặc biệt với Trung Quốc.
Hơn nữa, theo nhận định của ông Evan, ông Widodo là người không có nhiều hứng thú đối với các vấn đề đối ngoại. Các nhà phân tích nhận thấy ông rất ít khi phát biểu tại các cuộc gặp của ASEAN.
Theo ông Evan, trong khi dư luận và các nhà lãnh đạo Indonesia vẫn còn lúng túng về các vấn đề với Trung Quốc, thì thất bại của ông Jokowi trong việc tập trung vào các chính sách đối ngoại đặt ra một khó khăn hơn nữa đối với việc đánh giá các mối đe dọa và những nỗ lực giải quyết những mối đe dọa đó.
Khi không thể tìm được tiếng nói chung về mối đe dọa từ Trung Quốc, ông Widodo sẽ không thể tập trung vào tăng cường sức mạnh quân đội để đối phó với Bắc Kinh.
Mặc dù, truyền thông Indonesia gần đây liên tục đưa tin về việc quân đội nước này tăng cường triển khai lực lượng đến Natuna, nhưng nỗ lực này không hề có mục tiêu nhắm đặc biệt vào Trung Quốc. Thực tế, đó là kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Jakarta được lập ra từ giữa những năm 2000.
Do vậy, cho đến nay chính sách đối ngoại của Jakarta vẫn chưa hề có một trọng tâm rõ ràng nào nhằm vào đối phó với Bắc Kinh. Đó là lý do Indonesia không có những phản ứng quyết liệt, gay gắt trước những hành động xâm phạm của Trung Quốc.
Ông Evan nhận xét, với tình hình hiện nay, chính sách trên của Indonesia sẽ khó có hy vọng sớm thay đổi. Điều đó đồng nghĩa với việc chính phủ của ông Jokowi sẽ không có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.
Theo Infonet
Vì sao Indonesia ngại cho nổ tàu cá Trung Quốc Những mơ hồ trong chính sách đối ngoại khiến Indonesia không đưa ra được cách phản ứng phù hợp với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Hải quân Indonesia cho nổ tung tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép ở ở Tây Kalimantan. Ảnh: Reuters Mới đây, Indonesia đã thể hiện quyết tâm bảo vệ vùng biển chủ quyền của...