Thế giới ngầm của dân lô đề – Kỳ 2: Trà đá ghi đề
Ở Hà Nội, việc người dân ghi và chơi lô đề diễn ra phổ biến, công khai như một nghề… kiếm tiền.
“Đánh lô”, “đánh đề” là trò cờ bạc dựa theo kết quả xổ số kiến thiế t miền Bắc mỗi ngày. Lô đề lấy hai con số cuối trong dãy số trúng thưởng của các giải xổ số (có tất cả 7 giải và 1 giải đặc biệt), trong đó số đề là hai con số cuối trong dãy số của giải đặc biệt, số lô là hai số cuối trong dãy số của các giải còn lại. Mỗi điểm lô bằng 23.000 đồng, tiền trúng thưởng bằng 4 lần tiền bỏ ra. Số đề không quy định thành “điểm” như lô, mà tùy vào người chơi, tiền trúng thưởng bằng 70 – 80 lần số tiền người chơi bỏ ra.
Một cụ bà ngoài 70 tuổi (phải) đọc số lô đề để “thư ký” vào bảng – Ảnh: Hà An
Trẻ chơi, già cũng ham
Điều kiện của một tụ điểm ghi lô đề rất đơn giản: đó chỉ là quán trà đá nằm vỉa hè với chiếc bàn nhỏ, vài cái ghế nhựa, một tập “cáp” ghi số và một cuốn “nhật ký lô đề” cho người chơi “nghiên cứu”.
Một buổi chiều giữa tháng 9, dãy quán trà đá trên vỉa hè phố Tăng Bạt Hổ ( Q.Hai Bà Trưng) nhộn nhịp người vào ra. Khách lui tới không phải để uống trà đá, hút thuốc lào vặt, mà để xuống tiền đánh lô đề. “Két… két”, sau tiếng phanh cháy đường nam thanh niên chỉ độ ngoài hai mươi, đầu cạo trắng ởn, lao vội vào quán rồi gí tờ 500.000 đồng trước mặt chủ quán nước. “Ghi em con đề 13 năm trăm nghìn”. Nam thanh niên vừa dứt lời, chủ quán đã vơ vội cây bút cùng tờ giấy than để ghi tích kê… Xong việc với cậu choai, chủ quán quay ra móc tiền trong ví đếm rồi đưa cho nam thanh niên ăn vận kiểu công chức ngồi đợi từ nãy. “Đây, chị gửi chú đủ 7 triệu tiền ăn đề hôm qua. Gớm, dạo này son quá, thế hôm nay đánh con gì để chị ghi”, chủ quán ngọt nhạt với khách. Không đáp trả ngay, nam thanh niên nhâm nhi chén trà đặc, vẻ mặt như tính toán gì đó, rồi đột nhiên lên tiếng: “Ghi đi chị ơi, 7 triệu đề con 98, 100 điểm lô con 81″. Dứt câu, thanh niên này móc ví đưa lại chủ quán 7 triệu tiền trúng đề khi nãy và thêm 2,3 triệu tiền đánh lô con 81…
17 giờ 45 phút, quán nước trà của người phụ nữ tên N. nằm ngay đầu ngõ 57, đường Mễ Trì (thuộc thôn Hạ, xã Mễ Trì, H.Từ Liêm) cũng đột nhiên đông khách. Lần lượt chủ nhân của những chiếc xe máy dựng ngổn ngang dưới lòng đường sà xuống chiếc ghế gỗ, trước khi chộp vội cuốn “nhật ký lô đề” để đọc ngấu nghiến, đôi mắt đăm chiêu ra chừng căng thẳng lắm. Bà chủ quán cũng chẳng cần hỏi han gì nhiều, thủng thẳng rót chén nước trà đặt ra trước mặt những vị khách đặc biệt này. Không ai nói với ai câu gì. Chỉ đến khi vị khách rời mắt khỏi cuốn sổ, bà mới lên tiếng: “Chọn được con nào chưa? Hôm nay con 71 đẹp đấy. Gần tuần rồi nó chưa về”. Nghe thế, người đàn ông ngoại lục tuần, mặc bộ quần áo ngủ hếch mặt lên trời, hít một hơi thật dài rồi “phán”: “Con 71 được. Chị ghi cho tôi 100 điểm, thêm 100.000 đồng con đề 68 nữa”. Dứt lời, ông ta rút luôn từ túi quần một xấp tiền chẵn, lẻ lẫn lộn đếm qua một lượt rồi đưa cho chủ quán. “Đây nhé. Hai triệu ba năm chục. Còn thiếu năm chục nghìn, nợ mai đưa”.
Trong khoảng 30 phút ngồi quán trà đá của bà N., chúng tôi đếm được hơn hai chục trường hợp đến ghi lô, đề. “Hôm nay có vẻ nhiều người ghi bác nhỉ”, tôi cất tiếng hỏi vu vơ. Chẳng thèm ngước lên nhìn, bà N. tay thoăn thoắt đếm tiền, miệng buông một câu vu vơ không kém: “Cũng bình thường. Hôm nào cũng trên dưới đôi chục. Mưa bão thì ít hơn”.
Video đang HOT
Sau 3 ngày lân la ở nhiều khu vực, chúng tôi đúc rút gần như “đâu có quán trà đá, ở đó có điểm ghi lô đề”. Những quán trà đá này chỉ đông vào cuối giờ chiều cho tới giờ mở thưởng kết quả xổ số (18 giờ 15 phút). Chỉ tính riêng thôn Hạ cùng vài thôn lân cận, đếm sơ cũng ngót trăm quán trà đá nhận ghi lô đề. Tất cả những điểm ghi lô đề này đều có hẳn một đội quân chuyên đứng ra thu “bảng” để chuyển lên đầu mối cấp cao hơn vào trước giờ quay số mở thưởng xổ số miền Bắc.
“Nghề” kiếm bộn tiền
Mặc dù nghề bán nước chè vỉa hè ở Hà Nội vẫn được dư luận cho là “một vốn bốn lời”, thế nhưng các quán này vẫn kiêm luôn cả cái nghề ghi lô đề. Cái nghề này theo đúng thuật ngữ của dân lô đề vẫn quen gọi là “thư ký bảng”.
Trong vai một người đi nhận ghi số, tôi được chủ quán trà đá trên đường Lương Thế Vinh (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) hướng dẫn: “Chỉ cần ai đó quen biết một chút, sinh sống trong phường, đứng ra có lời với chủ bảng là họ nhận cho ghi ngay thôi. Nghề này kiếm, chẳng phải bỏ ra đồng vốn nào, thời gian làm việc có mấy tiếng buổi chiều mà thu nhập cả bạc triệu”. Vẫn theo lời người chủ quán này, nếu khách đánh một con số đề thì người ghi bảng được hưởng 13% tổng số tiền mà khách chơi, còn lại thì nộp cho chủ ôm bảng. Còn đối với lô, tiền phần trăm của “thư ký” ít hơn, chỉ từ 5 – 7% tổng số tiền ghi được.
Một chủ quán trà đá trong khu vực Trường đại học Bách khoa (Q.Hai Bà Trưng) lại cho hay, tiền bán nước cộng với tiền phần trăm hoa hồng từ ghi lô đề, trung bình mỗi ngày anh thu được trên một triệu đồng. Vẫn theo anh này, làm “thư ký bảng” thu nhập cao, giờ “làm việc” chỉ diễn ra trong khoảng 2 – 3 tiếng trước giờ quay số. Tất tật mọi vật dụng từ sổ “nhật ký lô đề” đến “cáp” ghi lô đề đều do các chủ bảng cung cấp. Trước giờ mở thưởng, “thư ký bảng” chỉ việc tổng hợp lại cho người chuyển bảng là xong. Còn việc trả tiền cho khách trúng thưởng đều do chủ bảng chịu. Nhàn hạ là thế, nên trước đây nhà có mở hàng ăn phục vụ sinh viên, khách đông đuổi không hết nhưng bận bịu tối ngày lo lấy hàng, do vậy khi có người họ hàng mách mối nhận ghi đề, anh này liền đồng ý và dẹp ngay quán cơm. Tuy nhiên, trước khi chia tay, chủ quán trà cũng không quên đưa lời cảnh báo: “Tuyệt đối không được chơi hoặc ôm những con số mà người chơi đánh lớn, vì đã có nhiều thư ký bảng phải bán nhà trả nợ vì lỡ ôm số lô đề người chơi đánh lớn”.
Theo TNO
Cướp vào tận nhà
Dù được đánh giá là "yên ổn" hơn TP.HCM, nhưng gần đây trên địa bàn TP.Hà Nội cũng liên tục xảy ra các vụ cướp, cướp giật tài sản nhằm vào người đi đường, gây bất an trong nhân dân.
Hai tên cướp gây ra hơn 30 vụ cướp giật dây chuyền
Theo báo cáo mới nhất của Công an TP.Hà Nội, so với cùng thời điểm quý 3/2012, năm nay tỷ lệ cướp giật tăng 16,8% và hoạt động của các ổ nhóm tội phạm hiện vẫn diễn biến phức tạp. Còn theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP.Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2013, trên toàn địa bàn thủ đô đã xảy ra gần 500 vụ cướp, cướp giật tài sản.
Nhắm vào máy tính, điện thoại...
Có những vụ dù bị triệt phá, nhưng mỗi khi nhắc lại, nhiều người dân không khỏi bàng hoàng trước sự táo tợn của nhóm cướp: xông vào tận nhà riêng để đoạt tài sản. Điển hình, chiều 1.3, cháu Ngô Quang Tuấn Anh (10 tuổi, khu Đình Hồ B, P.Thanh Lương, Q.Hai Bà Trưng) một mình ngồi chơi điện tử bằng máy tính bảng iPad tại phòng khách ở tầng 1 thì một thanh niên xông vào cướp iPad trên tay cháu Tuấn Anh, tiện tay quơ luôn chiếc iPhone 5 để trên bàn gần đó. Sau đó, tên này lao ra đường, nhảy lên xe máy của đồng bọn đang đứng chờ sẵn gần đó để tẩu thoát.
Đúng một tuần sau, khoảng 17 giờ 30 ngày 8.3, đứa cháu nội 2 tuổi của bà Lê Thị Thu (ở số nhà 22 ngõ 647, đường Kim Ngưu, P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng) đang ngồi chơi ở phòng khách một mình cùng chiếc iPad cũng bị kẻ cướp xông vào cướp mất. Tập trung lực lượng truy bắt, tới khuya ngày 13.3, PC45 bắt được Hoàng Ngọc Điệp (25 tuổi, trú tại P.Quỳnh Mai, Q.Hai Bà Trưng) và Trần Xuân Tùng (25 tuổi, trú tại 549 ngõ Trung Phụng, Q.Đống Đa), là những kẻ đã gây ra hai vụ cướp giật liều lĩnh nói trên. Ngoài ra, Tùng và Điệp thừa nhận đã gây ra hơn chục vụ trộm cắp, cướp giật tài sản khác, chủ yếu là máy tính xách tay, điện thoại đắt tiền.
Tài sản, tang vật các vụ án và nhóm cướp xông vào nhà
Bất an trên đường phố
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, đại diện PC45 - Công an Hà Nội cho biết đang tiến hành tạm giữ hình sự 3 thanh niên cùng trú tại Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng, để điều tra làm rõ hành vi cướp giật tài sản. Trước đó, chỉ trong ngày 18.10, nhóm này đã gây ra 3 vụ cướp giật trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm và Q.Hai Bà Trưng.
Vào trung tuần tháng 8, PC45 cũng bắt giữ Nguyễn Trung Kiên (30 tuổi, ở Q. Hai Bà Trưng) và Lương Hải Đăng (35 tuổi, Q.Hoàng Mai). Tại trụ sở công an, hai tên này khai chỉ trong vòng khoảng 2 tháng chúng đã gây ra hơn 30 vụ cướp giật trên khắp các đường phố Hà Nội. Nạn nhân mà chúng nhắm đến là những phụ nữ chạy xe một mình, đeo trang sức đắt tiền. Thời gian gây án thường vào các buổi sáng.
Chị Thu An (36 tuổi, ở Q.Hà Đông, TP.Hà Nội), một trong những bị hại kể lại một buổi trưa tháng 9, chị cùng đoàn khách Nhật sang nhà hàng đối diện công ty để dùng bữa trưa. Thời điểm này phố Duy Tân (mới mở, rất rộng lại không đèn đỏ - PV) đông người qua lại. Khi chị vừa bước chân xuống lòng đường thì bị hai tên cướp đi xe máy áp sát, tên ngồi sau giật chiếc túi xách, còn tên cầm lái rồ ga phóng đi. Do cầm chắc được phần quai chiếc túi, chị Thu An đu người bám theo giật lại, liền bị hai tên kéo lê một đoạn trên đường. "Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người dân đã hô hoán vây bắt kẻ cướp. Biết khó thoát nếu tiếp tục giằng co chiếc túi nên tên ngồi sau đành buông tay", chị Thu An kể lại.
Ít ngày sau, cũng tại tuyến phố này, anh Vũ Văn Nam (23 tuổi, ở Q.Đống Đa) bị hai tên cướp giật mất chiếc iPhone. "Khi đó khoảng 19 giờ 15, trời tuy tối nhưng đường còn rất đông người qua lại. Tôi đang đứng trước cổng tòa nhà Thành Công bấm điện thoại thì bị 2 tên đi xe máy lao từ phía sau lên cướp chiếc điện thoại. Nghe tôi hô hoán, người dân lao ra đường định đuổi theo nhưng tên ngồi sau rút dao ra nên không ai dám tiếp cận", anh Nam kể.
Nhóm 3 tên bị bắt khi vừa gây ra vụ cướp giật tài sản trên phố - Ảnh: Hà An
Sáng gây án, chiều rút về
Thiếu tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội phòng chống cướp, cướp giật thuộc PC45 - Công an Hà Nội, nhận định loại tội phạm cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn Hà Nội không có tổ chức, ít manh động và chỉ thực hiện hành vi cướp, cướp giật tài sản rồi bỏ chạy, chứ không sử dụng vũ khí nóng để tấn công nạn nhân, khác hẳn tội phạm cướp, cướp giật trên địa bàn các tỉnh phía nam, đặc biệt là TP.HCM.
"Trong gần 500 vụ đã được điều tra khám phá, số đối tượng đều còn rất trẻ, chỉ từ 17 - 28 tuổi. Do không nghề nghiệp lại nghiện hút nên chúng thường làm quen rồi rủ nhau lập thành nhóm từ 2 - 4 tên và dùng xe máy lượn lờ khắp các phố, quan sát thấy người tham gia giao thông mang theo tài sản giá trị như túi xách, điện thoại, dây chuyền... mà mất cảnh giác là lập tức ra tay", thiếu tá Quang nói.
Theo ông Quang, do nhiều ổ nhóm sinh sống ở ngoại tỉnh, hoạt động theo kiểu cơ hội, sáng lên Hà Nội gây án, chiều rút về nên đã gây không ít khó khăn trong việc trinh sát, nắm tình hình hoạt động của chúng. "Để công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm cướp, cướp giật đạt hiệu quả, người dân khi tham gia giao thông không nên đeo túi xách, không đeo nhiều loại trang sức lộ liễu, cũng không nên nghe điện thoại. Nếu có việc cấp thiết thì dừng xe, tấp vào lề đường và chỉ nghe điện thoại khi đã lên vỉa hè", thiếu tá Quang khuyến cáo.
Xử lý triệt để 964 đối tượng cộm cán Tại buổi làm việc với TP.Hà Nội về tình hình và kết quả công tác phòng, chống tội phạm năm 2013 hôm qua, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, TP.Hà Nội và TP.HCM chiếm 20% tội phạm cả nước và khuyến nghị thành phố tấn công giải quyết các băng nhóm cho vay nặng lãi, đánh bạc vốn luôn gắn với hoạt động bảo kê, côn đồ. Cần tập trung chuyển hóa địa bàn về ma túy, tệ nạn tại vùng ven đang đô thị hóa nhanh, nơi có hiện tượng tội phạm hình sự có dấu hiệu tăng. Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an, cũng cho rằng Hà Nội cần chú ý đến tội phạm tín dụng đen với nhiều ổ nhóm để làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; đồng thời lưu ý phòng ngừa tội phạm do các nguyên nhân mâu thuẫn xã hội. Hiện nay, các băng nhóm tội phạm có vũ khí đang có dấu hiệu gia tăng, Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo khu vực giáp ranh. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình vẫn diễn biến phức tạp khi tội phạm hình sự nguy hiểm và án nghiêm trọng còn cao, chiếm gần 10% số vụ trong cả nước, nhiều vụ việc gây nhức nhối xã hội. Phó thủ tướng đề nghị Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý; thường xuyên tự kiểm tra, chỉ đạo kiên quyết trong phòng, chống tội phạm; không để xảy ra tình trạng bao che, bảo kê của lực lượng công an đối với tội phạm. Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu phải xử lý triệt để hết 964 đối tượng cộm cán và 33 băng nhóm tội phạm trên địa bàn TP. Thái Uyên
Hà An
Theo TNO
Phá dây đề bạc tỉ của hai "nữ quái" Công an TP Đà Nẵng triệt phá hai đường dây đề quy mô lớn với số tiền hàng tỉ đồng. Từ cuối năm 2012, trên địa bàn TP Đà Nẵng xuất hiện hai đường dây tổ chức đánh bạc (dưới hình thức ghi lô đề) quy mô lớn, thu hút hàng trăm người tham gia mỗi ngày. Từ các thông tin nắm được,...