Thế giới năm 2015 sẽ diễn biến như thế nào
Cục diện thế giới năm 2015 sẽ tiếp tục những biến động của năm cũ xoay quanh ba vấn đề gồm tranh chấp chủ quyền, cạnh tranh giữa các thế lực lớn, và chủ nghĩa khủng bổ cực đoan, đồng thời còn tiềm ẩn các yếu tố bất ổn mới.
Cục diện thế giới năm 2014 được đánh giá là đầy biến động, với những điểm nóng diễn ra trên diện rộng và ẩn chứa nhiều nhân tố bất định. Tại châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc có một loạt hành động cứng rắn trên vấn đề chủ quyền tại Biển Đông và Hoa Đông. Châu Âu chứng kiến sự căng thẳng trong quan hệ Nga – phương Tây nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Tại Trung Đông, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy nhanh chóng, gia tăng bất ổn khu vực. Còn tại châu Phi, dịch bệnh Ebola dấy nên mối lo ngại về các nguy cơ an ninh phi truyền thống.
“Năm 2014 là một năm của khủng hoảng, ghi nhận những biến động khiến cục diện thế giới trở nên khó xác định”, báo cáo cuối năm của Tổ chức nghiên cứu vì hòa bình quốc tế Carnegie nhận định. “Những biến động này chưa kết thúc và những nguy cơ mới vẫn còn đang tiềm ẩn ở phía trước”.
Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục “dậy sóng”
Châu Á năm 2015 vẫn sẽ là đấu trường giữa các cường quốc, với hai trong số các nhân vật chính là Mỹ và Trung Quốc. Trong ảnh là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters
Nối tiếp từ năm cũ, châu Á – Thái Bình Dương năm 2015 vẫn sẽ là đấu trường cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc do đây là khu vực liên đới lợi ích của đa số các trung tâm quyền lực thế giới. Xu thế vừa hợp tác vừa đấu tranh vẫn được cho là nét chính của cục diện khu vực, với hai nhân vật chính là Mỹ và Trung Quốc, nhưng sẽ xuất hiện những sự kiện và nhân tố mới tăng phần bất định.
“Việc tái cơ cấu cấu trúc an ninh châu Á vẫn sẽ tiếp tục, để thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không khó để dự đoán trước sự hỗn loạn mới trong năm 2015″, chuyên gia quan hệ quốc tế Thomas Carothers bình luận. “Nhưng nhân tố không xác định là hình thức và địa điểm diễn ra”.
Những tháng cuối năm 2014, Trung Quốc có những bước chuyến hướng chính sách ngoại giao theo hướng tấn công quyến rũ các nước láng giềng bằng lợi ích kinh tế và thái độ hòa hoãn hơn. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng đây chỉ là những sách lược mang tính chiến thuật trước mắt, nhưng về dài hạn, Trung Quốc đã từ bỏ đường lối đối ngoại “ẩn mình chờ thời” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng khẳng định xu hướng không thể khác về thế giới đa cực, về sự dài lâu của cuộc tranh đoạt trật tự thế giới, ám chỉ vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ sẽ kết thúc và Trung Quốc quyết tâm cạnh tranh sánh tầm ảnh hưởng với Washington.
Vì vậy, Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì thái độ cứng rắn trên các vấn đề chủ quyền, nguy cơ căng thẳng trên Biển Đông và Hoa Đông vẫn có thể tái diễn trong năm 2015. “Trong năm sắp tới, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy Giấc mộng Trung Hoa ra các nước châu Á – Thái Bình Dương, nhưng cũng sẽ không kém phần kiên quyết trên vấn đề chủ quyền”, ông Douglas Paal, trợ lý đặc biệt của cựu thổng thống George H. W. Bush về vấn đề châu Á, cho biết.
Sự trỗi dậy và thách thức của Trung Quốc khiến Mỹ và các nước đồng minh ngày càng lo ngại. Trong năm 2015, Washington vẫn sẽ tiếp tục xoay trục về châu Á, thông qua việc tăng cường quan hệ với đồng minh và các nước có mâu thuẫn về chủ quyền với Bắc Kinh, đặc biệt là thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào giữa năm, với mục đích lâu dài là ngăn cản một cuộc “chuyển giao quyền lực” trong khu vực.
“Việc hoàn tất TPP rất quan trọng với Washington, trong việc chứng minh quyết tâm tái cân bằng tại châu Á, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh”, báo cáo dự báo năm 2015 của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.
Nhật Bản cũng được cho là một nhân tố bất định tác động tới cục diện châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2015, đặc biệt sau chiến thắng vang dội của Thủ tướng Shinzo Abe. Quyết tâm thay đổi Hiến pháp Hòa bình và tăng cường sức mạnh quân đội của ông Abe sẽ tạo tiền đề Nhật Bản chuyển mình từ cường quốc kinh tế sang cường quốc chính trị – quân sự, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Nhật – Trung vẫn đang căng thẳng xoay quanh vấn đề chủ quyền Senkaku/ Điếu Ngư.
“Châu Á có rất nhiều điểm nóng mà chủ yếu là các tranh chấp chủ quyền lâu dài. Các bên liên quan và Mỹ đều muốn hạn chế xung đột ở mức thấp nhất có thể, nhưng với thực tế rằng có quá nhiều chủ thể tham gia và các quan hệ lợi ích đan xen phức tạp, khả năng bùng nổ xung đột do tai nạn hoặc đánh giá sai lầm là không thể phủ nhận”, chuyên gia Douglas Paal kết luận.
Căng thẳng Nga – phương Tây chưa đến hồi kết
Vấn đề Ukraine vẫn sẽ là rào cản giữa quan hệ Nga – phương Tây trong năm 2015. Trong ảnh là Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Năm 2015 được cho sẽ là một năm đầy thách thức với cả Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine, trong việc định hình lối ra cho cuộc khủng hoảng địa chính trị nghiêm trọng châu Âu từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ukraine là trung tâm của mọi mâu thuẫn, trong nước lẫn ngoài nước. Mâu thuẫn giữa miền đông thân Nga và miền tây thân phương Tây sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng gây chia rẽ và bất ổn trong nước, bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hồi tháng 9. “Đây vẫn là thách thức mà chính phủ mới phải đối diện, một khi các thỏa thuận bị phá vỡ”, ông Eugene Rumerm, cựu quan chức của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, bình luận. “Ukraine có thể vẫn sẽ chìm trong xung đột”.
Ngọn nguồn của mọi mâu thuẫn là bởi quốc gia này nằm ngay tại vùng đệm chiến lược giữa Nga và EU. Xuất phát từ mục đích đảm bảo an ninh và vị thế địa chính trị của Moscow, Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập Crimea và bị cho là can thiệp sâu vào Ukraine. Cái giá phải trả cho quyết định này là Nga đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.
Tình hình kinh tế Nga năm 2015 được dự đoán là sẽ rơi vào suy thoái. Đây được cho là nhân tố khiến Tổng thống Putin e ngại nhất, bởi làm suy yếu uy thế chính trị trong nước của ông. Vì vậy, giới phân tích cho rằng ông chủ Điện Kremlin vẫn sẽ tiếp tục đường lối đối ngoại cứng rắn trong năm mới.
“Ông ấy có thể sẽ vận dụng chủ nghĩa dân tộc như một công cụ hữu hiệu để duy trì vị thế chính trị”, bình luận viên Max Fisher của hãng truyền thôngVOX, Mỹ, cho biết. “Cách làm này của ông ấy rất hiệu quả, chuyển sự chú ý của người dân từ những khó khăn kinh tế, sang những kẻ thù bên ngoài như Ukraine hay phương Tây.
Đối với EU, quan hệ căng thẳng với Nga vẫn sẽ tiếp tục là phép thử cho sự đoàn kết của toàn khối. “Đây là cuộc chơi địa chính trị ở mức độ cao nhất, diễn ra trong một thời gian dài, cần sự tham gia của toàn bộ 28 thành viên”, ông Jan Techau, giám đốc Trung tâm Carnegie châu Âu, đánh giá. “Nhưng đây lại là một yêu cầu quá cao”.
Trong nội bộ EU hiện tồn tại hai luồng quan điểm đối lập. Một là luồng quan điểm đang thắng thế của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho rằng cần phải tăng cường gây sức ép lên Nga để bảo vệ các nguyên tắc quốc tế. Luồng quan điểm khác là của Thủ tướng Italy Matteo Renzi, cho rằng nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, nên cần hòa hoãn hơn với Moscow.
“Nhưng ai mà biết được quan điểm của bà Merkel sẽ duy trì ưu thế được trong bao lâu, nhất là khi châu Âu vẫn chìm trong những khó khăn nội bộ mà có ít khả năng đối phó với các vấn đề quốc tế ngoài biên giới”, tiến sĩ Jessica Mathews, cựu giám đốc Văn phòng các vấn đề toàn cầu thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.
Trung Đông trước nguy cơ khủng bố gia tăng
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn sẽ là mối đe dọa chính với sự ổn định của Trung Đông trong năm 2015. Trong ảnh là một chiến binh IS diễu hành trên đường phố. Ảnh: AFP
Trung Đông năm 2014 chứng kiến sự trỗi dậy của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một tổ chức khủng bố máu lạnh với những hành vi tàn ác, chiếm đóng nhiều khu vực ở Iraq và Syria, đang tiếp tục bành trướng với tốc độ nhanh chóng.
Theo đánh giá của giới phân tích, IS sẽ không thể bị đánh bại trong năm 2015, nếu Mỹ và đồng minh không triển khai lực lượng trên bộ hoặc đào tạo và trang bị cho lực lượng quân sự của Iraq và Syria. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama phản đối cách tiếp cận này, thậm chí còn không đồng ý bố trí nhân viên quân sự Mỹ trong quân đội Iraq để tiện cho việc hiệp đồng tác chiến.
“Phong trào khủng bố cực đoan tại Trung Đông sẽ trở nên thường xuyên hơn vào năm 2015. Các tổ chức cực đoan như IS sẽ tiếp tục phát triển về cả tầm vóc, quy mô và sự giàu có, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế”, bà Lina Khatib, giám đốc Chương trình Cải cách và Dân chủ hóa Arab thuộc Đại học Stanford, nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng các nhóm cực đoan khác tại Syria và các quốc gia Trung Đông khác đang phỏng theo mô hình của IS, coi việc thực hiện các hành vi tàn ác như chặt đầu con tin làm công cụ để đạt được danh tiếng, tiền bạc và vũ khí.
“Chính vì vậy, chủ nghĩa cực đoan sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn với sự ổn định của Trung Đông, sẽ không chỉ dừng lại ở các khu vực xung đột như Iraq, Libya và Syria, mà còn có thể sẽ lan rộng ra Ai Cập, Algeria, Tunisia, Yemen và Lebanon, những nơi vốn tồn tại nhiều nhân tố bất ổn”, bà Khatib kết luận.
Đức Dương
Theo VNE
Myanmar săn lùng quả chuông khổng lồ huyền thoại
Tuần này, Myanmar đã bắt đầu hoạt động tìm kiếm chiếc chuông Dhammazedi huyền thoại, một trong những bí ẩn lớn nhất và là nỗi ám ảnh kéo dài cả đời với không ít người ở quốc gia này.
Một lịch sử đầy bão tố
Truyền thuyết và cả các tài liệu lịch sử cổ nói rằng chuông Dhammazedi được đặt theo tên vị vua trị vì Vương quốc Hanthawaddy từ năm 1471 tới năm 1492. Là một tín đồ Phật giáo sùng đạo, Dhammazedi đã cho đúc cái chuông vào năm 1490 để tặng chùa Shwedagon - ngôi chùa thiêng nhất Myanmar.
Được làm từ 290 tấn vàng, bạc, đồng và thiếc, chuông này đã nặng gấp đôi Chuông may mắn ở Trung Quốc, nặng 116 tấn và giữ kỷ lục thế giới kể từ khi nó được đúc xong. 100 năm sau khi chuông Dhammazedi được đúc, sự tồn tại của nó đã được xác nhận trong nhật ký của Gaspero Balbi - một người buôn kim hoàn tới Myanmar từ Venice, Italia. Ông đã ghé thăm chùa Shwedagon và viết trong nhật ký rằng cái chuông có kích cỡ rất lớn, chứa nhiều chữ mà ông không thể hiểu nổi.
Chuông nằm yên tại chùa Shwedagon cho tới năm 1608, khi lãnh đạo vùng đất Thanlyin gần đó quyết định rằng, ông ta sẽ dùng cái chuông cho mục đích mới. Thời đó Thanlyin đang nằm dưới sự kiểm soát của tay lính đánh thuê Filipe de Brito e Nicote - người gốc Bồ Đào Nha. Nhân vật này đã lãnh đạo quân đội Rakhine thiểu số cướp phá Thanlyin và Bago - thủ đô Hạ Myanmar.
De Brito (được biết tới ở Myanmar với tên Nga Zinga) đã bị dân địa phương căm ghét do đun chảy nhiều quả chuông để đúc đại bác gắn trên các chiến hạm của ông ta. Tuy nhiên chính quyết định đánh cướp chuông Dhammazedi phục vụ việc đúc đại bác đã khiến tên tuổi nhân vật này bị lưu truyền mãi ở Myanmar.
Chuông Dhammazedi từng nằm ở chùa vàng Shwedagon trước khi nó bị cướp đi.
Sau khi cướp chuông thành công, De Brito đã dùng voi và lao động cưỡng bức để đưa chuông tới sông Yangon. Tiếp đó chuông được đặt lên tàu để đi tới Thanlyin. Tuy nhiên kế hoạch của De Brito đã không thành khi tàu bị vỡ trước sức nặng của chuông, khiến báu vật khổng lồ chìm xuống đáy sông.
5 năm sau sự kiện, vua Anaukpetlun thuộc triều Taungoo đã chiếm lại Thanlyin. Anaukpetlun sau đó đã hạ lệnh dùng cọc xuyên qua người De Brito - hình phạt dành cho việc ông ta đã cướp phá các ngôi chùa Phật giáo. De Brito chết nhưng câu chuyện ông ta cướp chuông Dhammazedi vẫn được lưu truyền sau 4 thế kỷ, ám ảnh người Myanmar và một bộ phận không nhỏ dư luận thế giới.
Các thợ lặn tham gia hoạt động tìm chuông chỉ sử dụng phương tiện rất thô sơ và nhận sự chỉ dẫn của một nhà sư.
Theo thời gian, quả chuông được so sánh với tích Chén Thánh trong Công giáo. Nhiều người tin rằng việc tìm thấy cái chuông sẽ giúp Myanmar thoát khỏi vị trí một trong những nước nghèo nhất Châu Á hiện nay. Niềm tin rằng cái chuông gắn với định mệnh của dân tộc cũng dẫn tới nhiều nhiệm vụ tìm kiếm bất thành.
Lời nguyền bí hiểm
Cụ thể trong 25 năm qua, đã có tổng cộng 7 lần người ta tiến hành tìm kiếm quả chuông, sử dụng rất nhiều công nghệ hết sức hiện đại như rađa âm (sonar) quét đáy sông và thiết bị hỗ trợ lặn. Năm 2001, kế hoạch tìm kiếm chi tiết do Mike Hatcher và đội cộng sự của ông nêu ra còn tính tới việc dùng sonar cá nhân, kính nhìn đêm và thiết bị phát hiện hợp kim sulphate đồng để xác định vị trí quả chuông.
Tuy nhiên nước sông quá đục, đáy sông quá nhiều bùn, dòng chảy xiết, nhiều xác tàu đắm và 4 thế kỷ thay đổi dòng chảy đã khiến việc tìm chuông trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Việc không thể tìm thấy chuông đã khiến người ta kháo nhau rằng quả chuông được rắn thần Naga bảo vệ và có một lời nguyền hình thành quanh nó. Jim Blunt - một thợ lặn người Mỹ tới từ California - là một trong những nhân vật tin vào lời nguyền. Ông này từng hợp tác với chính quyền Myanmar để tìm chuông vào năm 1995.
Chuông Tharawaddy Min hiện là quả chuông lớn nhất ở chùa Shwedagon, nhưng chỉ là một phần nhỏ so với Dhammazedi.
"Vài thợ lặn đã chết khi tìm cái chuông huyền thoại, gồm 2 thợ lặn Hải quân Myanmar, những người đã bị mắc kẹt trong một xác tàu đắm và chết một cách thảm khốc" - Blunt kể với tờ The Independent của Anh.
Trong khi đó, nhà văn kiêm sử gia U Chit San Win gần như đã dành cả đời để tìm chuông Dhammazedi và chính ông đã tổ chức vài cuộc sục sạo đáy sông Yangon. Ông cũng ghi lại nỗ lực của mình trong cuốn "Tìm kiếm chiếc chuông của vua Dhammazedi" xuất bản năm 1996.
Trong cuốn sách, ông cho biết có một niềm tin cho rằng chuông Dhammazedi được ngạ quỷ bảo vệ. "Người ta nói quả chuông liên quan tới các ngạ quỷ và có tin đồn nó hay nổi lên vào dịp trăng rằm. Tôi còn nghe một số người nói rằng họ thấy chuông trôi trên sông vào các đêm trời sáng trăng" - ông viết.
Dù không có chứng cứ nào cho thấy chuông Dhammazedi được quỷ bảo vệ, nhiều người vẫn chỉ vào việc con trai Nay Oo của U Chit San Win chết khi ông đang tìm chuông, là bằng chứng về việc có sự tồn tại của một lời nguyền bí hiểm. "Nay Oo là đứa con tôi yêu quý nhất. Khi mất cháu, người ta nói rằng đó là vì tôi dính lời nguyền của những con quỷ bảo vệ chuông. Tôi không mê tín, nhưng đã không muốn tiếp tục tìm chuông sau khi Nay Oo chết" - U Chit San Win chia sẻ.
Một tin đồn khác nói rằng ngoài quả chuông, De Brito còn mang đi một hộp báu từ chùa Shwedagon. Khi xảy ra vụ chìm tàu, hộp báu này cũng đã chìm xuống sông. Do hộp báu này cũng được bảo vệ bởi các linh hồn nên việc tìm chuông càng gặp khó khăn lớn.
Khi bắt tay vào hoạt động tìm kiếm chuông Dhammazedi hồi năm 2010, nhà làm phim ngườiAustralia Damien Lay có nghe nói về những lời nguyền. Tuy nhiên ông không ngán những tin đồn này, thậm chí còn khẳng định nó mang tới nét độc đáo, thú vị cho cuộc tìm kiếm chuông Dhammazedi.
Nói từ Sydney với Hãng tin BBC, Lay cho biết ông đã tìm kiếm ở một vị trí khác xa các cuộc tìm kiếm trước đây. Lay và đội của ông đã tiến hành khảo sát nhiều đoạn sông rộng tới 6 km2 bằng sonar. Cả nhóm xác định được tổng cộng 14 xác tàu đắm trong cuộc tìm kiếm và 2 địa điểm nghi vấn cao, được cho là nơi chiếc chuông đã chìm xuống. "Chúng tôi có những dữ liệu vô cùng đặc biệt" - Lay nói, cho biết đã chuyển dữ liệu tới chính quyền Myanmar - "Chúc họ may mắn. Cái chuông cần phải được tìm thấy".
Chuông quý có tồn tại hay không?
Được biết trong hoạt động tìm kiếm mới nhất, người ta sẽ sục sạo tại một khu vực là giao điểm của 3 con sông ở Myanmar, gồm có sông Yangon và Bago. Những người tổ chức tìm kiếm đã quyên được hơn 250.000USD và mỗi ngày hàng trăm người lại tụ tập tới hai bờ sông Bago để hóng tin. "Tôi không biết quả chuông nằm ở đâu, nhưng có đủ chứng cứ lịch sử cho thấy nó ở đó và chúng tôi phải tìm nó" - một nhân viên đường sắt đã về hưu nói với BBC, tay ông nắm chặt một tờ rơi về chuông Dhammazedi.
Những người khác chăm chú theo dõi cuộc tìm kiếm qua ống nhòm. Kẻ hiếu kỳ thậm chí còn thuê tàu chạy ra gần khu vực tìm kiếm để có thể quan sát rõ hơn. "Tôi không thấy gì nhiều" - Htein Lin - một doanh nhân với nụ cười rộng rãi nói - "Nhưng nếu chúng tôi tìm thấy quả chuông, đất nước sẽ trở nên nổi tiếng thế giới. Đó là lý do vì sao tôi phấn khích thế. Tôi thực sự hy vọng họ sẽ tìm thấy quả chuông".
Nhưng nếu người ta hy vọng sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của công nghệ cao trong cuộc tìm kiếm mới này thì họ đã lầm. Ngoài một cái máy nạo vét đáy sông, một nhà thuyền và 2 chiếc thuyền gỗ, đội thợ lặn chẳng còn thiết bị nào khác. Họ cũng không dùng thiết bị định vị vệ tinh GPS hoặc các bản đồ đáy sông hiện đại mà tìm kiếm qua sự chỉ dẫn của một nhà sư có "năng lực ngoại cảm", người ngồi trên nóc một con thuyền để điều phối hoạt động tìm kiếm.
Từ xa, hoạt động tìm kiếm trông thật ngớ ngẩn. Các "thợ lặn" về cơ bản chỉ là những thanh niên mặc áo phông, đeo mặt nạ lặn rất đơn giản, miệng ngậm ống thở lao xuống đáy sông để tìm kiếm. Nước sông chảy rất xiết nên chỉ sau chừng 1 hoặc 2 phút, họ lại nổi lên và được người ta kéo trở lại thuyền, trước khi lặn xuống tiếp.
Rõ ràng cuộc tìm kiếm đang dựa vào sức mạnh siêu nhiên thay vì khoa học. "Nếu chỉ dựa vào công nghệ hiện đại, chúng tôi sẽ gặp nhiều vấn đề hơn" - San Lin, lãnh đạo nhóm thực hiện hoạt động tìm chuông cho biết. Ông nói rằng do ngạ quỷ ngăn cản hoạt động tìm chuông nên nhóm đã phải tiến hành công việc theo một cách thức đầy màu sắc tâm linh.
Với nhiều học giả Myanmar, cách tìm kiếm của San Lin và cộng sự khiến họ không khỏi thấy hổ thẹn. Dù có viết sách về yếu tố tâm linh và lời nguyền quanh chuông Dhammazedi, U Chit San Win vẫn cho rằng chỉ có thể tìm thấy quả chuông bằng công nghệ cao. Ông chỉ ra rằng năm ngoái, một đội tìm kiếm với ngân sách 10 triệu USD tới từ Singapore tuyên bố đã sẵn sàng. Nhưng nay họ vẫn chưa thể vào cuộc vì còn chờ sự phê chuẩn của chính quyền.
Khi phóng viên BBC gặp U Chit San Win ở chùa Schwedagon, ông đã lôi ra nhiều tấm bản đồ, nói rằng do cả sông Yangon lẫn sông Bago đều thay đổi dòng chảy trong 400 năm qua nên cuộc tìm kiếm có thể đã diễn ra sai vị trí. Đáng ngại hơn, sau khi khảo cứu nhiều tác phẩm văn học, lịch sử Myanmar để tìm dấu tích về cái chuông huyền thoại, giờ ông đang rất nghi ngờ về sự tồn tại của nó.
"Tôi thực sự hy vọng cái chuông này có thực vì nó sẽ khiến tôi rất tự hào về đất nước mình" - ông nói - "Nhưng nếu chúng ta nhìn vào 3 cuốn sách sử Myanmar được biết 200 năm sau khi chuông bị chìm, không cuốn nào nói về nó cả".
Không hề bị ảnh hưởng bởi những luồng ý kiến khác nhau đó, các thợ lặn của San Lin nói rằng họ sẽ tiếp tục hoạt động tìm kiếm trong vài tuần tới. Họ khẳng định bản thân chẳng hề nghi ngờ gì về việc chuông Dhammazedi huyền thoại đang nằm lẩn khuất đâu đó dưới đáy sông, chờ những người thực sự xứng đáng tới vớt nó lên.
Theo Laodong
Fan Việt "dậy sóng" trước giờ G bán vé JYJ concert tại Sài Gòn Chỉ còn 2 ngày nữa là hệ thống bán vé của JYJ Concert in Vietnam 2014 sẽ chính thức được mở bán cho các fan Việt và fan quốc tế. Sau khi BTC chương trình JYJ concert in Vietnam - The Return of the King 2014 công bố thời gian mở cửa bán vé vào ngày thứ 2 sắp tới (28/7), các fan...