Thế giới ‘khó thở’ vì Covid-19
WHO kêu gọi tất cả quốc gia dự trữ máy thở khi số ca nhiễm nCoV khắp thế giới đã vượt 88.000, trong đó hơn 3.000 người tử vong.
Hơn 3.000 trường hợp tử vong vì nCoV được ghi nhận trên toàn cầu, sau khi Trung Quốc hôm nay công bố thêm 42 người chết. Số quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch Covid-19 cũng nâng lên 67, với hơn 88.500 người nhiễm bệnh, trong đó có hơn 80.000 ca tại Trung Quốc đại lục.
Sau khi dịch bệnh khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc từ tháng 12 năm ngoái, sự chú ý ban đầu dồn vào Trung Quốc, nơi chiếm đa số bệnh nhân và trường hợp tử vong. Tuy nhiên, không khí căng thẳng tại nước này gần đây hạ nhiệt đáng kể, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Covid-19 ở Trung Quốc đã đạt đỉnh từ ngày 23/1 đến 2/2. Số ca bệnh mới đang giảm dần và nhiều tỉnh không có thêm trường hợp nhiễm trong nhiều ngày liên tiếp.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là Hàn Quốc, ổ Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục. Tổng số ca nhiễm nCoV ở nước này đã vượt 4.000 với 22 người tử vong. Hôm 29/2, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc là 813, gần gấp đôi so với con số 427 vào cùng ngày ở Trung Quốc.
Binh sĩ Hàn Quốc phun thuốc khử trùng tại một khu chợ ở thành phố Daegu hôm 2/3. Ảnh: AFP.
Hầu hết bệnh nhân Covid-19 tập trung tại thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận, với 60% liên quan đến chi nhánh của giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 23/2 nâng cảnh báo nCoV lên mức cao nhất, trong khi gần 80 quốc gia đã hạn chế nhập cảnh với người từ Hàn Quốc bằng các lệnh cấm, hoặc kiểm dịch chặt chẽ hơn.
Số ca nhiễm nCoV tại Hàn Quốc dự kiến tiếp tục tăng trong những ngày tới, khi chính quyền đang xét nghiệm hơn 260.000 người liên quan đến Tân Thiên Địa. Giới chức Seoul hôm qua đề nghị các công tố viên điều tra Lee Man-hee, người sáng lập giáo phái, về tội giết người và các cáo buộc hình sự khác. Họ cho rằng Tân Thiên Địa không cung cấp danh sách thành viên chính xác và can thiệp vào nỗ lực chống Covid-19 của chính quyền.
Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp tại Trung Đông, khi số ca nhiễm nCoV ở Iran đã lên gần 1.000. Số trường hợp tử vong ở nước này cũng cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc với 54 người. Hàng loạt ca nhiễm tại các nước láng giềng, thậm chí cả Canada, New Zealand, đều có nguồn gốc từ Iran, khiến nước này bị coi là mối đe dọa toàn cầu.
Chính quyền Iran hôm 26/2 ban hành lệnh hạn chế đi lại với người nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV, đồng thời giới hạn việc tiếp cận các địa điểm hành hương lớn của người Hồi giáo Shiite, tạm dừng những buổi cầu nguyện vào thứ 6 hàng tuần. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã thành lập các trung tâm hỗ trợ trên toàn quốc nhằm giúp người dân đối phó dịch bệnh.
So với những điểm nóng khác, bao gồm cả Trung Quốc, tỷ lệ tử vong tại Iran cao bất thường, khiến giới chuyên gia lo ngại về năng lực y tế của nước này. Nền kinh tế, cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe của Iran bị tổn hại do những lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) năm ngoái, những người bị ung thư và một số bệnh khác ở Iran đang gặp nguy hiểm do thiếu thuốc.
Video đang HOT
Tại châu Âu, Italy trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực với gần 1.700 ca nhiễm nCoV và 34 trường hợp tử vong. Hôm 1/3, số ca nhiễm ở nước này tăng gần gấp đôi trong vòng 48 giờ, chủ yếu thuộc các vùng Lombardy, Veneto và Emilia Romagna. 11 thị trấn ở miền bắc, gồm hơn 50.000 người, đang nằm trong vòng phong tỏa. Chính phủ Italy hôm qua tuyên bố cấp 3,6 tỷ euro (4 triệu USD) viện trợ khẩn cấp cho các khu vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Số ca nhiễm nCoV ở Đức hôm qua cũng lên tới 129, tăng gần gấp đôi trong một ngày. Gần một nửa số ca nhiễm mới thuộc Bắc Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất Đức, khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Đức cho biết dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 9/16 bang của đất nước.
Khu vực châu Đại Dương ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19, sau khi một nam bệnh nhân 78 tuổi từng ở trên du thuyền Diamond Princess thiệt mạng tại Australia, nơi đã xuất hiện 25 người dương tính với nCoV. Tại quốc gia láng giềng New Zealand, ca nhiễm duy nhất hiện nay là một phụ nữ trong độ tuổi 60 vừa trở về từ Iran. Bộ Y tế nước này cho rằng khả năng nCoV lây lan trong cộng đồng vẫn thấp.
Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận hai người tử vong vì nCoV, đều có bệnh lý nền và thuộc bang Washington, nơi đang đặt trong tình trạng khẩn cấp đối với dịch Covid-19. Gần 90 ca nhiễm nCoV được xác nhận trên toàn quốc, bao gồm cả những thành phố lớn như New York và San Francisco.
Nỗi lo lắng ngày càng gia tăng khi giới chức không thể xác định nguyên nhân nhiễm nCoV của một số bệnh nhân. Họ gần đây không đến vùng dịch, không tiếp xúc với người từng ra nước ngoài hoặc người được xác nhận nhiễm virus. Giới chức đánh giá những ca “bí ẩn” này là dấu hiệu cho thấy nCoV có thể đang lây lan trong cộng đồng ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn cố giảm nhẹ mối lo ngại về tình hình dịch bệnh trong nước. Trong cuộc họp báo về dịch bệnh hôm 26/2, ông khẳng định nguy cơ từ nCoV tại Mỹ “rất thấp”, đồng thời ca ngợi phản ứng của chính phủ, đổ lỗi cho truyền thông và đảng Dân chủ khiến thị trường chứng khoán sụt giảm.
Trong khi đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cùng Bộ trưởng Y tế và An sinh Xã hội Alex Azar được cho là đang tìm cách biện minh cho cách chính phủ phản ứng với dịch bệnh. Họ cố trấn an người dân và cam kết bù đắp sự thiếu hụt bộ dụng cụ xét nghiệm nCoV.
“Chúng ta có thể phải nhận nhiều tin buồn hơn, nhưng người dân Mỹ nên biết rằng rủi ro với cộng đồng vẫn ở mức thấp”, Pence trả lời kênh CNN. Azar cũng cảnh báo “sẽ có nhiều ca bệnh hơn”, lưu ý thêm rằng “đa số người nhiễm nCoV sẽ có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình”.
Sự lây lan nhanh chóng của nCoV còn làm dấy lên mối lo ngại về tác động của dịch bệnh với nền kinh tế thế giới, khi thị trường toàn cầu đang ghi nhận những tổn thất tồi tệ nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tuần trước giảm hơn 12%, khiến cổ phiếu toàn cầu bốc hơi 6.000 tỷ USD. Một số chuyên gia kinh tế ước tính sản lượng toàn cầu có nguy cơ tổn thất 1.000 tỷ USD do tình trạng ngừng sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ của Trung Quốc.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ tăng trưởng âm tại nước này trong quý đầu tiên, lưu ý thêm rằng dịch bệnh sẽ gây tổn hại cả tiêu dùng và xuất khẩu. Một số nhà phân tích cũng dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc trong quý đầu tiên có thể bằng không hoặc xuống mức âm, đe dọa các mục tiêu kinh tế của nước này.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 27/2 cảnh báo nCoV có khả năng gây ra đại dịch, kêu gọi tất cả quốc gia không được chủ quan bởi đây “chắc chắn là sai lầm chết người, theo đúng nghĩa đen”.
“Giờ không phải lúc để sợ hãi. Đây là thời điểm để hành động, ngăn ngừa lây nhiễm và cứu sống các bệnh nhân”, ông nói.
Ánh Ngọc (Theo AFP)
Theo vnexpress.net
Các nước triển khai kế hoạch sơ tán công dân khỏi tâm dịch Vũ Hán
Ngày 28/1, nhiều nước đã công bố kế hoạch sơ tán công dân khỏi Vũ Hán - tâm điểm dịch viêm phổi cấp do virus corona ở Trung Quốc hiện nay, mặc dù không có khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch viêm phổi do virus corona tại nhà ga tàu hỏa tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Pháp cho biết máy bay sơ tán công dân nước này sẽ có mặt tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào ngày 30/1 và có thể trở về Pháp 1 ngày sau đó. Chuyến bay này sẽ chỉ chở những hành khách không có bất kỳ triệu chứng nhiễm virus nào.
Ngoài ra, Pháp đã bố trí 1 chuyến bay khác chở những người có nguy cơ nhiễm virus, song lịch trình cụ thể chưa được ấn định.
Tối đa số công dân Pháp sơ tán trong 2 đợt này có thể lên tới 1.000 người. Những đối tượng sơ tán sẽ bị cách ly 14 ngày để theo dõi và xác định không nhiễm virus.
Trong khi đó, Ấn Độ và Bangladesh thông báo chuẩn bị sơ tán công dân khỏi Vũ Hán, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm tra y tế tại một số sân bay của những thành phố lớn.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho biết chính phủ nước này đã bắt đầu quá trình chuẩn bị sơ tán công dân Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi tình hình bùng phát dịch bệnh virus corona ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Hiện Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh đã thiết lập các đường dây nóng và địa chỉ email cho những người muốn liên lạc với sứ quán về vấn đề liên quan.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết máy bay của hãng hàng không Air India đã chuẩn bị sẵn sàng sơ tán 250 công dân khỏi Vũ Hán.
Trong khi đó, Bangladesh cân nhắc việc đưa về nước 400 công dân, phần lớn là sinh viên, đang sống tại Vũ Hán. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ trường hợp nhiễm bệnh nào được phát hiện ở cả hai nước này.
Hiện nhiều nước và vùng lãnh thổ đã phong tỏa đường biên giới và các hoạt động đi lại với Trung Quốc.
Ba khu vực của Nga ở vùng Viễn Đông đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc đến ngày 7/2. Tại thủ đô Moskva, cơ quan chức năng Nga đã triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tại các khách sạn và điểm du lịch.
Chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 28/1 thông báo ngừng dịch vụ đường sắt cao tốc và dịch vụ phà tới Trung Quốc Đại lục. Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục nâng cao cảnh báo yêu cầu người dân không tới đại lục trong trường hợp không cấp thiết.
Một loạt các công ty như Facebook và nhiều công ty đa quốc gia như LG Electronics Inc. và HSBC đều hạn chế việc nhân viên tới Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tích cực đối phó với sự lây lan của virus corona chủng mới. Ngày 28/1, công ty điện tử Samsung cho biết đã thành lập nhóm chuyên trách để rà soát tình hình sức khỏe của nhân viên tại Trung Quốc, hạn chế cử nhân viên đi công tác. Samsung có nhà máy tại nhiều khu vực ở Trung Quốc, trong đó có nhà máy chíp bán dẫn ở thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây.
Trong khi đó, hãng SK Hynix cũng thông báo đã lập nhóm chuyên trách đối phó với virus vào trung tuần tháng 1, xây dựng và thực hiện phương án đối phó theo từng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, cấm nhân viên công tác tại khu vực tỉnh Hồ Bắc và khuyến cáo hạn chế công tác Trung Quốc.
Công ty hóa chất SK còn ra thông báo nội bộ, yêu cầu nhân viên nào từng thăm Trung Quốc trong 2 tuần gần đây có triệu chứng nghi nhiễm virus thì không đi làm mà phải báo cáo ngay, dù không có triệu chứng cũng phải đeo khẩu trang khi tới nơi làm việc. Công ty này có nhà máy tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Khoảng 10 nhân viên của hãng đều đã về nước và đang được kiểm tra tình trạng sức khỏe, không đi làm.
Về phần mình, công ty LG International đã quyết định đưa toàn bộ nhân viên và gia đình họ tại Trung Quốc về nước. Các tập đoàn khác như Hanwha cũng đang tăng cường các biện pháp đối phó với dịch bệnh, trong đó có việc tạm thời cấm làm việc tại Trung Quốc.
Theo Lan Phương - Mạnh Hùng - Huy Lê (TTXVN)
Hàn Quốc phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm phổi lạ từ Trung Quốc Hàn Quốc xác nhận trường hợp đầu tiên liên quan đến loại virus corona mới được phát hiện từ Trung Quốc, Yonhap đưa tin hôm 20/1. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), một phụ nữ Trung Quốc có dấu hiệu sốt, các vấn đề về hô hấp và các triệu chứng khác sau khi đến sân...