Thế giới học cách sống chung với Covid-19
Các nước đang chấp nhận thực tế Covid-19 sẽ tồn tại dai dẳng và triển khai các biện pháp ứng phó linh hoạt thay vì phong tỏa toàn quốc.
Các quốc gia nhận ra rằng ngay cả những nơi chống dịch thành công nhất cũng không thể tuyên bố chiến thắng hoàn toàn Covid-19, cho đến khi phát triển thành công vaccine.
“Nó vẫn sẽ ở lại với chúng ta”, Simon James Thornley, nhà dịch tễ học từ Đại học Auckland, nói. “Tôi không tin rằng chúng ta có thể xóa sổ virus hoàn toàn. Chúng ta cần học cách sống chung với nó”.
Nhân viên tiệm giày giao tiếp với khách hàng qua màn ngăn giọt bắn tại Anh vào tháng này. Ảnh: AFP.
Ngay cả ở những nơi dường như đã kiểm soát được Covid-19, nguy cơ bùng phát đợt dịch lớn mới vẫn tồn tại. Tokyo ghi nhận 253 ca nhiễm mới trong tuần qua, 83 ca liên quan đến một khu phố đêm. Tại Gtersloh ở miền tây nước Đức, hơn 1.500 công nhân từ một nhà máy chế biến thịt dương tính với nCoV, khiến chính quyền phải phong tỏa hai quận. Hàn Quốc, nước nhiều lần được ca ngợi là hình mẫu chống dịch, báo cáo hàng chục ca nhiễm mới trong những ngày gần đây.
Tại Rome, nơi gần đây nới phong tỏa sau khi áp đặt những hạn chế khắt khe nhất ở châu Âu, 122 người được phát hiện liên quan đến cụm dịch tại bệnh viện San Raffaele Pisana. Vài ngày sau, 18 người sống trong một tòa nhà có phòng tắm chung nhiễm virus.
“Ngay khi chúng ta hạ thấp c ảnh giác, virus lại ra đòn”, Paolo La Pietra, chủ cửa hàng thuốc lá ở Rome, nói.
Một số quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản cố gắng phản ứng nhanh chóng. Hàn Quốc gọi chiến lược của mình là “cách biệt cộng đồng hàng ngày”. Nước này chưa từng áp đặt phong tỏa chặt chẽ như những nước khác, các biện pháp “cách biệt cộng đồng” được khuyến cáo thay vì bắt buộc thực hiện. Họ đặt mục tiêu giữ số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 50, mức hệ thống y tế công cộng có thể xử lý.
Giới chức thay đổi quy tắc khi cần thiết. Sau khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng lên ở Seoul, thành phố yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và đóng cửa các cơ sở công cộng trong hai tuần.
Video đang HOT
Chính phủ Hàn Quốc bổ sung các chỉ dẫn mới khi họ ngày càng hiểu thêm về virus. Họ khuyên doanh nghiệp bố trí nhân viên ngồi theo hình zig zag. Điều hòa nên được tắt hai tiếng một lần và cửa sổ nên được mở để tăng độ thông gió. Họ khuyến cáo người dân không ca hát ở chợ và những nơi công cộng khác.
Giới chức cũng khuyên người dân nên mang theo hai loại khẩu trang vào mùa hè – khẩu trang y tế và khẩu trang có bộ lọc cao cấp hơn, tương tự loại N95 mà nhân viên y tế đeo, để sử dụng tại nơi đông người.
Người dân đeo khẩu trang khi đi lại trên đường ở Seoul hồi đầu tuần. Ảnh: AFP.
Nhật Bản, nơi cũng không áp đặt các hạn chế gắt gao, muốn duy trì chiến lược đó để tái khởi động nền kinh tế. Họ đang xem xét cho phép công dân từ Australia, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam nhập cảnh. Là một quốc đảo, Nhật Bản không thể đủ khả năng duy trì đóng biên lâu hơn, Thủ tướng Shinzo Abe nói.
Cuối tuần trước, Nhật Bản ra mắt ứng dụng cảnh báo người dùng nếu họ từng tiếp xúc với một người dương tính với nCoV trong 14 ngày qua. Công ty điều hành đường sắt tung ra ứng dụng và trang web cho khách hàng xem lượng người trên tàu tại bất kỳ thời điểm nào.
Giới chức cũng liên tục cảnh báo người dân cần thay đổi cách sống. Mặc dù các quán bar và hộp đêm mở cửa trở lại, các nữ tiếp viên được khuyên không ngồi cạnh khách hàng khi hát karaoke và nhảy múa. Người dân được khuyến cáo nên tiếp tục tránh không gian kín, nơi đông đúc và các hoạt động tiếp xúc gần.
Một số quốc gia như Trung Quốc đang học cách giảm bớt các phương pháp phong tỏa khắt khe. Hồi đầu năm, Trung Quốc đã phong tỏa hàng chục triệu người ở tỉnh Hồ Bắc khi dịch bùng phát.
Khi dịch đã hạ nhiệt, Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Tại Bắc Kinh, người dân được phép không đeo khẩu trang khi ở ngoài trời. Việc đo thân nhiệt trong thành phố cũng trở nên ít phổ biến hơn.
Sau đó, vào ngày 12/6, Bắc Kinh phát hiện ổ dịch mới tại chợ Tân Phát Địa. Họ nhanh chóng đóng cửa chợ và phong tỏa các khu dân cư xung quanh, huy động gần 100.000 nhân viên cộng đồng để xét nghiệm khoảng 2,3 triệu cư dân trong khoảng một tuần.
“Thành phố lớn như Bắc Kinh không thể được đặt trong tình trạng thời chiến mãi”, Mao Shoulong, giáo sư chính sách công tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói.
Không phong tỏa hoàn toàn như Vũ Hán, các khu phố không liên quan đến ổ dịch ở Bắc Kinh vẫn mở cửa như bình thường. Chính quyền thành phố chỉ tập trung xét nghiệm các nhóm cụ thể có nguy cơ cao. Ngoài những người liên quan đến chợ, họ cũng xét nghiệm cư dân sống trong các khu phố có rủi ro cao và trung bình, nhân viên nhà hàng và bán lẻ, sinh viên, giảng viên và nhân viên y tế.
Zhang Wenhong, cố vấn cho chính quyền Thượng Hải về đại dịch, nói rằng Trung Quốc không đặt mục tiêu xóa sổ nCoV vì điều này rất khó thực hiện. Họ muốn “đưa số ca nhiễm mới gần về 0″.
“Phòng ngừa và kiểm soát chính xác, cùng với điều trị y tế nhanh chóng là chiến lược Trung Quốc sẽ áp dụng trong thời gian dài”, Zhang nói.
Các chính phủ châu Âu cũng đang học cách xử lý linh hoạt hơn sau nhiều tuần áp đặt phong tỏa toàn quốc. Tại Đức, giới chức quy định các khu vực hoặc thành phố ghi nhận 50 ca nhiễm mới trên 100.000 người trong 7 ngày phải nhanh chóng ứng phó để dập tắt dịch bằng các biện pháp như đóng cửa trường học, cách ly và xét nghiệm hàng loạt.
Mặc dù phần nhiều nỗ lực mang tính cục bộ, chúng đòi hỏi phối hợp chặt chẽ với các giới chức chính quyền trung ương và các khu vực lân cận. Vương quốc Anh đang xem xét việc phong tỏa cục bộ các cụm dịch, nhưng các quan chức địa phương cảnh báo rằng hệ thống của nước này chứa đầy lỗ hổng.
Giới chức y tế ở Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland tự đề ra chiến lược chống dịch. Ở Anh, nơi các quan chức địa phương phàn nàn về việc thiếu dữ liệu xét nghiệm từ chính quyền trung ương, các chủ doanh nghiệp và ban quản lý tòa nhà cố lấp lỗ hổng bằng cách theo dõi sát sao số ca nhiễm và phản ứng nhanh khi phát hiện cụm dịch.
Nhưng để kiểm soát được virus, cần phải biết nó “ẩn nấp” ở đâu, điều đặc biệt khó khăn khi 80% số ca nhiễm có triệu chứng nhẹ. Một số quan chức y tế công cộng địa phương nói rằng đôi khi họ biết tin về các cụm dịch qua truyền thông. Họ vẫn khó nắm bắt những chi tiết cần thiết để ra quyết định có phong tỏa cục bộ hay không, như mã bưu chính của những người dương tính với nCoV – thông tin cho thấy họ sống ở đâu.
Thủ tướng Boris Johnson cho rằng phong tỏa cục bộ là đủ để kiểm soát các đợt lây nhiễm mới. “Ban đầu chính phủ có rất ít công cụ để điều tra, giờ họ có thể xác định được nơi dịch bùng phát”, ông nói.
Ông ví nỗ lực này như trò đập chuột. Các quan chức “có thể thực hiện các biện pháp ngăn chặn cần thiết ngay tại chỗ, thay vì quay trở lại với biện pháp phong tỏa toàn quốc. Đó là điều chúng tôi hy vọng”, ông nói.
Tại Rome, ổ dịch tại bệnh viện San Raffaele Pisana là bài kiểm tra khả năng ngăn chặn dịch của chính quyền địa phương. Giới chức đã xét nghiệm bệnh nhân, nhân viên bệnh viện và phong tỏa tòa nhà. Các bệnh nhân gần đây ra viện và những người tiếp xúc với họ được lấy mẫu bệnh phẩm tại trạm xét nghiệm trên xe. Các công tố viên Rome đã mở cuộc điều tra về nguồn gốc ổ dịch.
Một trong những người nhiễm virus là bác sĩ phổi Vittorio Bisogni. Ông bị sốt nhẹ sau khi đến thăm một bệnh nhân đã xuất viện. Bác sĩ Bisogni được chẩn đoán nhiễm virus vào ngày 9/6. Bệnh nhân của ông qua đời vài ngày sau đó.
“Tôi rất bực bội”, Bisogni nói. “Sau khi bị virus tấn công nặng nề, chúng ta không được mất cảnh giác”.
Anh hạ cảnh báo Covid-19
Giới chức Anh giảm một cấp cảnh báo Covid-19, từ "đại dịch có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đang tăng theo cấp số nhân" xuống "dịch đang lây lan".
"Chúng ta đã chứng kiến đà giảm ca nhiễm đều đặn ở cả 4 xứ thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, điều này đang được duy trì", Trung tâm An ninh Sinh học Liên hợp Vương quốc Anh (JBC) hôm nay cho biết sau cuộc họp của lãnh đạo ngành y tế Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland..
Tuy nhiên, các lãnh đạo y tế cảnh báo điều này không có nghĩa là đại dịch đã kết thúc, cảnh báo nCoV vẫn đang hoành hành và có khả năng bùng phát những ca lây nhiễm trong cộng đồng. "Hạ mức cảnh báo khẩn cấp đánh dấu thời điểm quan trọng với đất nước, cũng là minh chứng thực sự cho thấy quyết tâm đánh bại đại dịch của người dân Anh", Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết.
Người dân Anh tại một quán bia ở London hôm 18/6. Ảnh: Reuters.
Anh hồi giữa tháng 5 đưa ra cảnh báo khẩn cấp về Covid-19 ở mức độ 4, theo đó Covid-19 là "đại dịch đang lây lan, có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc tăng theo cấp số nhân".
Chính phủ Anh từ ngày 10/5 công bố kế hoạch nới phong tỏa theo giai đoạn. Từ 13/5, người dân Anh được phép tập thể dục ngoài trời không giới hạn. Ở Bắc Ireland, nhiều nhà bán lẻ có thể mở và đám cưới ngoài trời quy mô nhỏ cũng được phép tổ chức từ 8/6.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 8,6 triệu người nhiễm và hơn 457.000 người chết. Anh đang là vùng dịch lớn thứ năm thế giới với hơn 300.000 ca nhiễm và hơn 42.000 ca tử vong.
Bốn thành viên Vương quốc Anh rạn nứt giữa Covid-19 Covid-19 đã làm dấy lên một trong những cuộc tranh luận chính trị gay gắt nhất về việc liệu Vương quốc Anh có thể tồn tại qua đại dịch. Tối 10/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson có bài phát biểu trên truyền hình từ số 10 phố Downing để thông báo kế hoạch nới phong tỏa. Ông kêu gọi hàng triệu người dân...