Thế giới ghi nhận trên 85,6 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 4/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 85.604.332 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.853.084 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 60.563.321 người.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới, với 21.115.036 ca nhiễm và 360.088 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 10.345.118 ca nhiễm và 149.721 ca tử vong và Brazil với 7.733.746 ca nhiễm và 196.018 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, Chính phủ Đức và chính quyền 16 bang đã nhất trí gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 31/1 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đức đã phải áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt đợt 2 từ ngày 16/12/2020 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, theo đó các trường học, cửa hàng, nhà hàng và quán rượu phải đóng cửa. Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp mới vào ngày 5/1.
Tương tự, Chính phủ Áo cũng quyết định kéo dài lệnh phong tỏa thêm một tuần cho đến ngày 24/1, theo đó các nhà hàng và cửa hàng bán đồ không thiết yếu tiếp tục phải đóng cửa. Quyết định này được đưa ra sau khi các đảng phái đối lập phong tỏa một dự luật cho phép những người có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 có thể đi ra ngoài để tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao, mua các mặt hàng không thiết yếu hay đi cắt tóc, một tuần trước khi kết thúc lệnh phong tỏa vào ngày 24/1. Hiện vẫn chưa rõ liệu các trường học cũng vẫn đóng cửa cho đến ngày 24/1 hay mở cửa theo kế hoạch ban đầu là vào ngày 18/1.
Tại Hy Lạp, nước này đã ghi nhận 4 ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đây đều là những người vừa từ Anh đến Hy Lạp và đang được cách ly. Hy Lạp đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong vòng 1 tuần kể từ ngày 3/1, trong đó có đóng cửa các tiệm làm tóc và hiệu sách, những cơ sở kinh doanh được mở cửa trở lại trong thời gian trước lễ Giáng sinh vừa qua.
Tại châu Á, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã công bố quy định kéo dài thời gian cách ly từ 14 ngày lên thành 21 ngày đối với những người nhập cảnh từ nước ngoài để phòng dịch.
Video đang HOT
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cambridge, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng quyết định tiếp tục đóng cửa các trường học cho đến giữa tháng 2 tới do tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Các trường học tại Hong Kong hầu như đã đóng cửa trong 1 năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều trường học đã chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Theo Cục trưởng Giáo dục Hong Kong Kevin Yeung, toàn bộ các trường mẫu giáo và trường trung học sẽ đình chỉ giảng dạy trực tiếp cho đến sau kỳ nghỉ lễ Tết Âm lịch kết thúc ngày 15/2 tới. Các trường tiểu học và trung học cơ sở có thể cho phép một số học sinh trở lại trường tham dự các kỳ thi song phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt hướng dẫn y tế phòng tránh dịch bệnh. Cuối tháng 11/2020, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Hong Kong đột ngột tăng trở lại, buộc chính quyền đặc khu phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch như quy định các nhà hàng đóng cửa trước 18h hằng ngày, đóng cửa phòng tập thể thao và cửa hàng làm đẹp.
Tại Thái Lan, với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua lên tới 745 người – mức cao nhất từ trước tới nay, Chính phủ Thái Lan đã xếp 28 tỉnh, thành, trong đó thủ đô Bangkok, là các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời yêu cầu người dân làm việc ở nhà, tránh tụ tập hoặc đi ra ngoài tỉnh.
Chính quyền thủ đô Bangkok (BMA) đã yêu cầu các nhà hàng và người bán thức ăn đường phố ngừng dịch vụ ăn tại chỗ từ 19h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 5/1. Việc bán đồ ăn mang đi vẫn được phép trong khi việc bán rượu tại các nhà hàng cũng bị cấm và các quán bar, các cơ sở giải trí phải đóng cửa tại các tỉnh có nguy cơ cao. Các trường học và cơ sở giáo dục trên cả nước cũng phải đóng cửa trong 1 tháng. Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha sau đó đã bác bỏ quyết định của BMA và quyết định rằng các nhà hàng ở Bangkok được phép cung cấp dịch vụ tại chỗ cho đến 21h chứ không phải 19h kể từ 5/1.
New Zealand cũng siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới do lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang làm gia tăng các ca mắc COVID-19 ở nước ngoài. Cụ thể, tất cả những ai đến từ Anh và Mỹ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay tới nước này, cũng như sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm 2 lần trong thời gian cách ly bắt buộc tại đây. Theo Bộ Y tế New Zealand, đây là “các bước phòng ngừa bổ sung để tạo ra một lớp bảo vệ mới” đối với biến thể mới của virus SARS-CoV-2, hiện đã được phát hiện ở hơn 30 quốc gia.
Trong 2 tuần trước Giáng sinh, New Zealand đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có 5 trường hợp đến từ Anh và 1 trường hợp từ Nam Phi, tại các cơ sở cách ly sau nhập cảnh.
Trái ngược với một số nước trong khu vực, Campuchia bắt đầu thực hiện nới lỏng biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trong 6 tuần sau khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 11 năm ngoái. Theo kế hoạch, các trường tư thục tại Campuchia sẽ mở cửa trong tuần này đón học sinh quay trở lại, trong khi các trường công lập sẽ khôi phục hoạt động vào tuần tới. Ngoài trường học, Campuchia cũng đã cho phép mở cửa trở lại Nhà tù Tuol Sleng – địa điểm thăm quan nổi tiếng ở thủ đô Phnom Penh.
Liên quan tới vaccine phòng COVID-19, Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho người dân mũi vaccine phòng COVID-19 do hãng dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh bào chế.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford là “chiến thắng của khoa học Anh”, đồng thời coi đây là phương thức duy nhất về lâu dài sẽ đưa thế giới thoát khỏi đại dịch. Theo ông, Anh đã tiêm 1 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cho người dân, nhiều hơn tất cả các nước châu Âu cộng lại.
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng chương trình tiêm chủng trước kỳ nghỉ lễ Tết Âm lịch vào tháng 2 tới.
Trong 2 ngày cuối tuần qua, đã có hơn 73.000 người ở Bắc Kinh được tiêm mũi đầu tiên của vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Sinopharm của nước này bào chế, sau khi giới chức y tế nước này cấp phép lưu hành loại vaccine này. Các kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine do Sinopharm sản xuất có hiệu quả ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 tới 79%. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tiêm chủng cho hàng triệu người vào mùa Đông năm nay chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm Tết Âm lịch vào giữa tháng 2 tới.
Ấn Độ phân lập và nuôi cấy thành công biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo nước này đã nuôi cấy thành công biến thể VUI-202012/01 của virus SARS CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguồn gốc từ Anh.
Hình ảnh quét qua kính hiển vi điện tử cho thấy tế bào (màu xanh) bị virus SARS-COV-2 (màu tím) xâm nhập, lấy từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia ở Fort Detrick, Maryland, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố đăng trên mạng Twitter ngày 2/1, ICMR khẳng định chưa có quốc gia nào trên thế giới thông báo về việc phân lập và nuôi cấy thành công biến thể SARS-CoV-2 ở Anh.
Tuyên bố nêu rõ: "Biến thể virus ở Anh, với tất cả các thay đổi về đặc tính, hiện đã được phân lập và nuôi cấy thành công tại Viện Virus Quốc gia (NIV) từ các mẫu bệnh phẩm của những người trở về từ Anh".
Trước đó, Anh thông báo biến thể mới của virus SARS CoV-2 mới được phát hiện trong cộng đồng có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 70%.
Theo Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ, tính đến thời điểm này, nước này đã ghi nhận tổng cộng 29 người nhiễm biến thể VUI-202012/01. Tính đến sáng 3/1, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 18.177 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân trên cả nước lên 10,32 triệu người, trong đó có 149.435 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 9,92 triệu người, với tỷ lệ phục hồi lên tới 96,15%, trong khi tỷ lệ tử vong chỉ là 1,45%.
Trong thông báo mới nhất, cơ quan dược phẩm Ấn Độ xác nhận đã cấp quyền sử dụng khẩn cấp đối với hai loại vaccine, trong đó có sản phẩm do AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác bào chế, và vaccine của công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) sản xuất.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Algeria, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt 100.000 ca.
Cụ thể, tính đến chiều 2/1, Algeria đã ghi nhận tổng cộng 100.159 ca mắc, trong đó có 2.769 ca tử vong do COVID-19. Algeria hiện xếp thứ 7 trong 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu lục.
Trước đó, ngày 31/12/2020, chính quyền Algeria đã quyết định tiếp tục gia hạn lệnh giới nghiêm, kéo dài từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, đối với 29 tỉnh thành có nhiều ca mắc COVID-19 mới trong những ngày gần đây, kể từ ngày 1/1. Ngoài ra nước này còn áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn khác như hạn chế 50% số chuyến bay nội địa, nối lại các hoạt động vận tải công cộng nhưng chỉ cho phép phục vụ ở mức 50% công suất, đóng cửa các địa điểm vui chơi - giải trí, đóng cửa các bãi biển và các trung tâm văn hóa - thể thao.
Những bác sĩ trao 'mũi tiêm hy vọng' Các nhân viên y tế tại một trung tâm tiêm chủng dã chiến ở Wales ví von rằng mỗi lần họ tiêm vaccine Covid-19 là một lần họ trao đi hy vọng. Suốt 9 tháng qua, bác sĩ Venkat Chandra đã chiến đấu trên tuyến đầu chống Covid-19 tại Anh. Cha mẹ ông ở Ấn Độ nhớ con trai mình da diết. Cuộc...