Thế giới game: Truyền thống và cách tân
Bài viết này không bàn đến những thay đổi về mặt công nghệ, mà thay vào đó chúng ta sẽ tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của một thể loại game và cách mà nó gây ảnh hưởng đến sự thành công của một tựa game.
Thể loại game đã có rất nhiều thay đổi, từ cách tân làm mới, hoặc kết hợp nhiều thể loại lại với nhau. Chính điều đó đã tạo nên một sự đa dạng đến đáng kinh ngạc cho thế giới game ngày nay.
Có thể lấy ví dụ tiêu biểu như loạt game Total War, một sự kết hợp giữa game chiến thuật thời gian thực và chiến thuật theo lượt, hay như series The Sim là một sự dung hòa thành công giữa thể loại game mô phỏng và nhập vai…
Đó thật sự là những ý tưởng phá cách thể hiện sức sáng tạo của những nhà phát triển, đem lại những trải nghiệm sâu sắc hơn cho người chơi. Có lẽ, người mê game nào cũng biết thể loại platform chính là cách chơi cổ điển nhất trong lịch sử. Nếu nói về thể loại này, không thể không nhắc đến đại diện ưu tú nhất là Series Mario – tựa game đứng đầu bảng xếp hạng 100 game hay nhất qua mọi thời đại. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao platform lại có sức hấp dẫn đến như thế?
Hiểu ở mức độ đơn giản nhất, platform mang trong mình những yếu tố cơ bản tạo nên sức hút nơi game thủ: nhịp độ game luôn cao kết hợp cùng sự khéo léo khi điều khiển đồng thời nó cũng yêu cầu sự tập trung cao độ và nhạy bén nơi người chơi.
Ví dụ, việc điều khiển anh chàng sửa ống nước Mario nhảy từ điểm này sang điểm khác vừa tránh đối thủ vừa ăn điểm thưởng nghe có vẻ đơn giản nhưng chính sự đơn giản đó lại tạo nên sức hút rất riêng cho sản phẩm của Nintendo.
Nhìn nhận theo một cách khác, ta có thể hiểu những chướng ngại trong thể loại platform là những câu đố – loại câu đố mà bạn không thể dừng lại, suy nghĩ rồi giải quyết. Bạn cần nhanh chóng ra quyết định, có thể nói bạn cần giải đố ở tốc độ cao.
Theo thời gian những nhà phát triển dần thay đổi gameplay nhằm tạo sự đổi mới đối với người chơi. Đó là một ý tưởng tích cực nhưng thực hiện nó để đạt được thành công là không dễ.
Dẫn chứng hùng hồn nhất là tựa game Super Mario 64. Phiên bản đổi mới này đã gặp thất bại đơn giản vì nó không còn đi theo truyền thống của gia đình Mario nữa. Nghe có vẻ khó hiểu và mâu thuẫn, nhưng thể loại game chính là nền tảng mà dựa trên đó, nhà phát triển có thể tùy biến sáng tạo nên gameplay.
Tương tự, tựa game Crash Bandicoot: The Wrath of Cortex là một minh chứng cho thành công của cách chơi truyền thống trên nền platform. Nhưng phiên bản kế tiếp, Crash Bandicoot: Twinsanity, với những cách tân và đổi mới nơi nhà sản xuất, game mang nhiều yếu tố nhập vai hơn. Và kết cục của phiên bản này là một thất bại.
Video đang HOT
Trớ trêu là ngày nay, những tựa game đi lệch với truyền thống ban đầu của mình càng nhiều. Có thể kể ra đây những trò chơi như Series Splinter Cell, Series Thief, hay dòng game Metal Gear Solid đã phải thay đổi ít nhiều yếu tố đặc trưng của chính mình khi nhà phát triển buộc phải có những sáng tạo và cách tân để đổi mới cho cả dòng game đang bị đánh giá là đi vào lối mòn. Tuy nhiên, thứ mà các game thủ cảm nhận được là một thứ xa rời với cái bản ngã của dòng game mình yêu thích. Và kết quả, trò chơi được nhiều game thủ đón nhận hơn, nhưng sự hài lòng của các fan hâm mộ hoặc những người chơi “hardcore” đã bị giảm đi đáng kể.
Ví dụ, phiên bản gốc của series Resident Evil là một trò chơi kinh dị có nhịp độ chậm. Chính yếu tố quan trọng này đã tạo nên sự hồi hộp nơi người chơi. Không chỉ vậy, khi kết hợp cùng những câu đố được đặt ra xuyên suốt game, tất cả đã mang lại một cảm giác sợ hãi thật sự cho các game thủ khi thưởng thức Resident Evil. Nhưng với phiên bản thứ năm, tốc độ game nâng cao lên, câu đố ít dần. Lúc này, có thể nói Resident Evil chỉ là một game bắn súng góc nhìn thứ ba không hơn không kém. Những yếu tố kịch tính, căng thẳng đã không còn nữa.
Có lẽ, để phù hợp với yếu tố thị trường, các nhà phát triển cần đưa những tựa game có cách chơi theo xu hướng chung. Những tựa game này thường mang tính đại trà để dễ tiếp cận với số đông game thủ. Thay đổi là một điều tất yếu, đặc biệt với loại hình giải trí như game. Chắc chắn bạn không thể mãi đứng yên và hài lòng với những gì mình có. Sự đổi mới là cần thiết, nhưng thay đổi như thế nào mới là quan trọng.
Những tựa game mới sau này như Gears of War, Mass Effect giành được những thành công là nhờ việc phối hợp các ý tưởng một cách tài tình. Với các trò chơi điện tử ngày nay, thật khó để nhận định chính xác một thể loại mà game đó thể hiện. Xu hướng hiện đại là những game mang yếu tố kết hợp và pha trộn, học hỏi “kinh nghiệm” của những người đi trước và từ đó tạo nên những điểm mới lạ và nổi bật.
Nhưng đó là trường hợp của những tựa game “mới”. Còn đối với những trò chơi đã sở hữu những cái gọi là bản sắc, nếu các nhà phát triển cố thay đổi thì chắc chắn chỉ chuốc lấy thất bại. Bạn nghĩ sao về nhận định này?
Theo gamek
Những tựa game "gây shock" trong lịch sử
Ai cũng biết mọi người tìm đến trò chơi điện tử bởi vì họ muốn giải tỏa căng thẳng từ áp lực đời sống hàng ngày. Tuy nhiên có một số game lại gây phẫn nộ cho người chơi thay vì đem lại sự giải trí. Sau đây là danh sách những trò chơi như vậy.
Custer's Revenge (1982)
Chỉ có thể mô tả trò chơi nói trên trong 3 từ: "Quá kinh khủng". Trong Custer"s Revenge, các game thủ sẽ điều khiển tướng quân Custer vượt qua mưa tên để tiếp cận cô nàng thổ dân da đỏ Revenge. Sau khi gặp được Revenge thì 2 người bắt đầu "làm chuyện đó" giữa ban ngày. Càng thực hiện lâu thì người chơi càng ghi được nhiều điểm. Không những vậy, trong suốt game cả 2 nhân vật đều không hề có một mảnh vải che thân, điều gây phản cảm rất lớn đối với người chơi. Cốt truyện khó hiểu, đồ họa xấu, gameplay sốc chính là đặc điểm của Custer's Revenge.
Super Columbine Massacre RPG (2005)
Super Columbine Massacre RPG là trò chơi tái hiện lại sự kiện đẫm máu tại trường trung học Columbine vào năm 1999 dưới kí ức của 2 kẻ giết người. Game không hề thiếu những cảnh tượng nhân vật đập phá đồ dùng, hành vi đe dọa bạo lực và thậm chí còn dùng vũ khí sát hại các học sinh.
Ethnic Cleansing (2002)
Trong game, người chơi sẽ được chọn giữa 2 nhân vật là Skinhead và Klansman và bắt đầu đi sát hại những người da đen, người la-tinh, người do thái và thậm chí cả... thủ tướng Israel. Ethnic Cleansing đã gây ra nhiều tranh cãi vì nội dung phân biệt chủng tộc của mình. Không chỉ bị phê phán vì có cốt truyện "nhạy cảm", trò chơi còn bị các game thủ chê bai không ngớt lời vì đồ họa quá xấu.
Manhunt (2003)
Dòng game GTA luôn là tâm điểm của mọi cuộc tranh luận về độ bạo lực, nhưng tất cả chẳng là gì đối với Manhunt. Là trò chơi hành động lén lút đầu tiên của Rockstar nhưng Manhunt đã bị cấm ở nhiều nước trên thế giới vì mức độ bạo lực, đặc biệt trong các pha kết liễu. Manhunt mô phỏng các cách giết người quá chân thực đến nỗi nhiều người chơi cảm thấy ghê tởm chính mình.
Carmageddon (1997)
Tựa game đầu tiên bị cấm ở Anh vì cách chơi ghi điểm cao bằng việc dùng ô tô đâm người. Nếu có thử qua Carmageddon, các game thủ hãy chuẩn bị vững tâm lí vì cảnh đâm xe sẽ rất dã man. Không còn gì để bàn cãi, Carmageddon chính là đại diện tiêu biểu cho các trò bạo lực khi mà GTA còn chưa xuất hiện trong làng game.
Call of Duty: Modern Warfare 2 (2009)
Tựa game Modern Warfare trước đó của Infinity Ward đã rất thành công, tuy nhiên hãng game này đã khá mạo hiểm khi tung ra màn chơi "No Russian" ở phiên bản thứ 2. Ở màn chơi này, các game thủ sẽ phải tham gia một nhóm khủng bố và xả súng vào người dân vô tội. Tuy là màn chơi không bắt buộc nhưng nội dung của nó đã bị lên án ở khá nhiều nơi.
Mortal Kombat (1992)
Các tựa game đối kháng chưa bao giờ được coi là bạo lực một cách quá đáng cho đến khi Mortal Kombat xuất hiện. Khi lần đầu thấy những đòn đánh trong trò chơi, nhiều người hẳn sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị. Tuy nhiên khi nhìn thấy các đòn Fatality, họ chỉ biết há hốc mồm khi nhìn thấy các nhân vật kết liễu nhau một cách rất tàn bạo. Đó có thể là rút đầu, cắt đôi cơ thể, bắn nổ tung người, nuốt chửng nhân vật và nhiều đòn gây "sốc" khác. Cho đến bây giờ, Mortal Kombat vẫn là Series duy nhất có kiểu kết liễu tàn bạo này.
Grand Theft Auto 3(2001)
Đã nói đến danh sách các tựa game "gây shock" thì khó có thể thể bỏ quên GTA III. Với môi trường 3D, các hành động bạo lực trong trò chơi lại càng chân thực hơn bao giờ hết. GTA III hội tụ rất nhiều "tinh hoa" từ các game trước đó như bắn nhau, lái xe cán người đi bộ, cướp xe, đua xe, khủng bố và rất nhiều thứ khác mà chúng ta không nên kể ra.
****lay (2006)
Nếu ở các nước phương tây thì bạn thấy game bắn đấm đá nhau, còn ở Nhật Bản là...game người lớn. Không có gì quá ngạc nhiên khi xứ sở mặt trời mọc lại là thiên đường của các game Hentai. Chúng thậm chí còn được bày bán ngay giữa đường. Tuy nhiên có một game hentai đã bị các nhà chức trách ra lệnh cấm lưu hành. Đó chính là ****lay.
Trò chơi bị cấm vì nội dung quá vô đạo đức và gây phản cảm. Trong game, người chơi sẽ vào vai một chàng trai lén lút theo dõi các cô gái, sau một thời gian thì nhân vật sẽ thực hiện các hành vi không thể chấp nhận nổi. Trò chơi thậm chí còn được đăng bán trên trang web Amazon.com trong một thời gian. Chính điều đó đã tạo nên một làn sóng phản đối trên khắp thế giới.
Maniac Mansion (1990)
Năm 1987, Maniac Masion lần đầu tiên xuất hiện và nó đã đem lại nhiều lời tán dương cho LucasArts. Ba năm sau phiên bản làm lại dành cho hệ máy NES xuất hiện và thật ngạc nhiên là nó chẳng khác gì phiên bản năm 1987. Tuy game rất hay nhưng sau 3 năm dài LucasArts không hề có một cải tiến hoặc nâng cấp nào cho sản phẩm của mình? Thử hỏi có người nào lại bỏ tiền ra để mua 2 băng game giống hệt nhau? Đó chính là những người bị LucasArts lừa.
Theo gamek