Thế giới đối diện nguy cơ ‘thương chiến Trump 2.0′
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với các đối tác thương mại hàng đầu, dự kiến sẽ tác động lớn đến nền kinh tế thế giới.
Tờ The Hill ngày 26.11 dẫn lời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế với những đối tác thương mại hàng đầu của Washington ngay trong ngày đầu ông nhậm chức. Trong loạt bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông thông báo sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập từ Canada và Mexico, đồng thời áp thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Ông Trump nhấn mạnh mức thuế mới nhằm thúc đẩy các quốc gia trên nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường an ninh biên giới, trấn áp nạn buôn lậu chất gây nghiện fentanyl sang Mỹ. Ông cho rằng Mexico và Canada đều đủ sức để dễ dàng giải quyết các vấn đề này. “Chúng tôi yêu cầu họ sử dụng sức mạnh đó. Đã tới lúc họ phải trả giá đắt cho đến khi giải quyết vấn đề trên”, ông viết.
Các đối tác thương mại Mỹ cảnh báo ông Trump về thuế quan
Trong động thái phản ứng, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ cho hay Bắc Kinh đã liên lạc với Washington về các hoạt động chống buôn lậu ma túy và “ý kiến về việc Trung Quốc cố tình cho phép các tiền chất fentanyl chảy vào Mỹ hoàn toàn trái ngược với sự thật và thực tế”. “Về vấn đề thuế suất của Mỹ đối với Trung Quốc, Trung Quốc tin rằng sự hợp tác kinh tế và thương mại Trung – Mỹ về bản chất là có lợi đôi bên. Không ai sẽ thắng một cuộc thương chiến hay chiến tranh thuế suất”, Đài CNN dẫn lời ông Lưu phát biểu.
Xe tải từ Mexico chờ đi qua biên giới vào Mỹ ngày 25.11. ẢNH: REUTERS
Sau khi thông báo, ông Trump điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và có “một cuộc thảo luận tốt đẹp” về các vấn đề thương mại, an ninh biên giới, theo Reuters dẫn một nguồn tin. Về phía Mexico, Hạ nghị sĩ Ricardo Monreal kêu gọi sử dụng các cơ chế chống buôn người, ma túy và vũ khí. Ông cho rằng leo thang đáp trả thương mại sẽ chỉ tổn hại túi tiền người dân mà không giải quyết vấn đề.
Lợi và hại
Thông báo của ông Trump gây chấn động khắp thị trường toàn cầu, với các chỉ số chứng khoán châu Á giảm và USD tăng giá. Trong khi đó, CAD của Canada giảm 1,2% và peso của Mexico giảm 2% so với USD. Về lâu dài, theo CNN, các thuế suất trừng phạt có thể gây tác hại đến chuỗi cung ứng của Mỹ và các lĩnh vực phụ thuộc vào hàng hóa từ các đối tác thương mại của nước này.
Mặt hàng nhập khẩu chính từ Canada vào Mỹ là dầu mỏ, đạt 4,3 triệu thùng/ngày vào tháng 7, bên cạnh xe hơi, máy móc, nhựa, gỗ và các mặt hàng khác. Mỹ nhập khẩu nhiều xe hơi và phụ tùng xe hơi từ Mexico, giúp Mexico vượt Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ hồi năm ngoái. Ngoài ra, Mexico còn là nhà cung cấp lớn của Mỹ về các mặt hàng điện tử, máy móc, dầu mỏ, thiết bị quang học, đồ nội thất và rượu. Mỹ còn nhập khẩu nhiều đồ điện tử từ Trung Quốc, bên cạnh máy móc, đồ chơi, dụng cụ thể thao, đồ nội thất và nhựa.
Giới chuyên môn cho rằng dù Mỹ tăng thuế, các công ty nhập khẩu và sau cùng là người tiêu dùng nước này sẽ phải gánh phần tăng thêm đó. Nhiều nhà kinh tế cho rằng thuế quan sẽ gây lạm phát, nhưng nhà đầu tư Scott Bessent, người được ông Trump chọn làm bộ trưởng tài chính, cho rằng không cần lo ngại về điều này nếu thuế suất được áp dụng đúng. Phố Wall ủng hộ việc ông Trump chọn ông Bessent vì nhiều người cho rằng nhà đầu tư này sẽ áp thuế suất từng bước. Trong khi đó, tờ The Guardian dẫn lời chuyên gia chính sách cấp cao Swati Dhingra tại Ngân hàng Anh cho rằng thuế suất của Mỹ có thể kéo giảm lạm phát toàn cầu, khi giúp hạ giá hàng hóa tại các nước khác.
Hủy 2 vụ án hình sự đối với ông Trump
Công tố viên đặc biệt Jack Smith ngày 25.11 đề nghị thẩm phán Tanya Chutkan tại Washington DC bãi bỏ vụ án can thiệp bầu cử năm 2020, đồng thời rút lại đơn kháng án của ông trong vụ án lưu giữ tài liệu mật của ông Trump. Thẩm phán trong vụ tài liệu mật đã bãi bỏ vụ án nhưng ông Smith kháng án, theo ABC News. Quyết định được đưa ra khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức tổng thống vào tháng 1.2025. Bộ Tư pháp Mỹ có chính sách từ thập niên 1970 không truy tố tổng thống, không xét đến tính đúng sai của cáo buộc. Sau đề nghị của công tố viên đặc biệt, thẩm phán Chutkan đã bãi bỏ các cáo buộc can thiệp bầu cử đối với ông Trump, lập luận rằng quyết định như vậy là phù hợp và không gây hại đến lợi ích của công chúng. Tuy nhiên, thẩm phán đồng ý với lý lẽ của công tố viên rằng quyền miễn trừ của ông Trump sẽ không có hiệu lực sau khi ông mãn nhiệm.
Thuế quan mới của ông Trump: Cơ hội và thách thức cho các nền kinh tế châu Á
Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây đã tuyên bố kế hoạch áp đặt thuế quan mạnh tay đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính của Mỹ, bao gồm Mexico, Canada và Trung Quốc.
Người tiêu dùng tại một siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Chính sách này, dự kiến được thực hiện ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, có thể gây ra những tác động đáng kể đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực châu Á, nơi có sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Những tác động của chính sách thuế quan dự kiến thời Tổng thống Trump 2.0 không chỉ dừng lại ở việc tăng chi phí thương mại mà còn gây áp lực lên các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản, với kim ngạch lần lượt đạt 116 tỷ USD và 145 tỷ USD. Tương tự, nhiều quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia cũng coi Mỹ là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất.
Tuy nhiên, chính sách này cũng mở ra những cơ hội cho một số quốc gia trong khu vực. Với việc các công ty tìm cách tránh thuế quan từ Trung Quốc, Đông Nam Á có thể trở thành điểm đến mới cho các chuỗi cung ứng. Một số doanh nghiệp lớn đã lên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Vừa qua, công ty giày Steve Madden thông báo sẽ giảm một nửa sản lượng tại Trung Quốc và chuyển sang các nước Đông Nam Á, Mexico và Brazil.
Mặt khác, chính sách thuế quan cũng làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế Mỹ. Với mức thuế cao, giá cả trong nước dự kiến sẽ tăng khi các công ty chuyển phần chi phí nhập khẩu tăng thêm sang cho người tiêu dùng. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua tại thị trường Mỹ, làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu từ châu Á.
Ngoài ra, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia châu Á vẫn là vấn đề lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, Mexico và Việt Nam. Việc hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm giảm thâm hụt thương mại với quốc gia này, đồng thời lại làm gia tăng thâm hụt với các nước khác như Việt Nam và Thái Lan.
Các nhà kinh tế cảnh cho rằng thuế quan mới của ông Trump có thể là "con dao hai lưỡi". Dù giúp giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước, chính sách này cũng có nguy cơ làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ và gây tổn hại đến các mối quan hệ kinh tế quốc tế.
Nhìn chung, chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho nền kinh tế châu Á. Trong khi một số quốc gia có thể hưởng lợi từ việc tái định hình chuỗi cung ứng, những nước khác sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và áp lực từ chi phí thương mại tăng cao. Sự thay đổi này đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải linh hoạt và nhanh chóng thích nghi để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội.
Rộ tin bà Harris gánh nợ 20 triệu USD, ông Trump 'kêu gọi trả tiền giúp' Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có bài viết châm biếm, kêu gọi người ủng hộ tìm cách hỗ trợ tiền cho chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris. Truyền thông giữa tuần này đưa tin chiến dịch tranh cử của hai ứng viên Dân chủ Kamala Harris - Tim Walz đã kết thúc với khoản nợ ít nhất 20 triệu...