Thế giới đã ghi nhận trên 93,6 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 22h00 ngày 14/1 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 93.688.066 ca nhiễm, trong đó có 2.005.773 ca tử vong vì bệnh COVID-19. Tổng số ca đã bình phục là 66.969.777 ca.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 23.862.138 ca nhiễm và 398.185 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với trên 10,5 triệu ca nhiễm và 151.787 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm tại Brazil là trên 8,3 triệu người, trong đó có 207.160 trường hợp tử vong.
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn thế giới.
Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết ghi nhận 144 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 135 ca lây nhiễm cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất trong hơn 10 tháng qua tại Trung Quốc. Như vậy, tính đến nay, Trung Quốc đã có tổng cộng 87.988 ca nhiễm, trong đó 4.635 ca tử vong.
Trước tình hình trên, Trung Quốc đã đưa trên 20.000 người dân sinh sống ở các làng quanh thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát số ca nhiễm mới gần đây, tới các cơ sở cách ly của nhà nước. Nhà chức trách Trung Quốc cũng đang gấp rút xây dựng một trung tâm giám sát y tế tập trung mới quy mô trong khu vực với trên 3.000 giường bệnh tạm thời để cách ly những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Indonesia cũng ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 12.818 ca, đưa tổng số ca bệnh ở nước này lên 882.418 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia cũng có thêm 238 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 25.484 ca. Indonesia nằm trong số những nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất ở châu Á.
Nhiều cửa hàng phải đóng cửa do dịch COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong khi đó, giới chức tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) cho biết tỉnh này sẽ tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 quy mô lớn đầu tiên nhằm làm giảm số ca nhiễm gia tăng nơi đây. Theo đó, có tới 800.000 người đang sinh sống và làm việc ở nhiều vùng của thành phố Hiroshima, nơi cư trú của 1,2 triệu dân, sẽ được xét nghiệm.
Phát biểu trong cuộc họp của một ủy ban thuộc Thượng viện Nhật Bản, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, cho biết giới chức nước này đang cân nhắc thực hiện hàng loạt các biện pháp ứng phó dịch bệnh trong trường hợp xấu nhất là số ca nhiễm mới không giảm. Theo ông, có thể có thêm nhiều tỉnh khác được bổ sung vào danh sách các khu vực áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc quyết định tiếp tục gia hạn một tháng cảnh báo chú ý đặc biệt về du lịch, áp dụng với tất cả các quốc gia, lãnh thổ trên toàn thế giới cho đến ngày 15/2. Theo đó, bộ trên đề nghị người dân hủy hoặc hoãn du lịch nước ngoài trong thời gian ban cảnh báo chú ý đặc biệt về du lịch.
Video đang HOT
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Công dân Hàn Quốc đang cư trú tại nước ngoài phải tuân thủ các quy tắc vệ sinh, hạn chế ra ngoài, di chuyển, tránh tiếp xúc với người khác nhằm phòng ngừa lây nhiễm COVID-19.
Ngày 23/3/2020, Hàn Quốc lần đầu ban cảnh báo chú ý đặc biệt về du lịch nước ngoài. Sau đó mỗi tháng, nước này lại gia hạn một lần. Đợt gia hạn gần đây nhất có hiệu lực tới ngày 16/1. Nhiều khả năng Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục gia hạn thêm sau ngày 15/2 tùy theo diễn biến dịch COVID-19.
Cùng ngày, Philippines đã gia hạn thêm hai tuần lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, những nơi đã phát hiện các ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Lệnh cấm này ban đầu đã được áp đặt trong hai tuần, cho đến ngày 15/1 đối với 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện sẽ mở rộng đối với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ và có hiệu lực cho đến ngày 31/1.
Trong khi đó, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng trên 30 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện châu lục này là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, đứng sau là Mỹ và Canada với tổng cộng gần 24 triệu ca nhiễm. Trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 tại Đức đã vượt 2 triệu người, trong khi số ca tử vong đã lên gần 45.000 ca. Thụy Điển cũng ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt quá 10.000 ca.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại một viện dưỡng lão ở Nykoping, Thụy Điển. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước tình hình trên, Anh đã đóng cửa biên giới với trên 10 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Nam Mỹ cùng Bồ Đào Nha do lo ngại nguy cơ lây nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil.
Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo chính phủ nước này sẽ triển khai thực hiện lệnh giới nghiêm toàn quốc vào 18h hằng ngày, bắt đầu từ ngày 16/1 tới, nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo đó, ngoại trừ các dịch vụ khẩn cấp, toàn bộ các cửa hàng và dịch vụ đều phải đóng cửa vào thời gian nói trên. Không chỉ vậy, từ ngày 18/1 tới, những người tới từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) sẽ không được phép trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 để nhập cảnh vào Pháp.
Thủ tướng Hy lạp Kyriakos Mitsotakis thông báo nước này có thể nới lỏng một số hạn chế trong lĩnh vực bán lẻ vào tuần tới, sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc đã giúp khống chế dịch hiệu quả. Trước đó, Chính phủ Hy Lạp đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào đầu tháng 11/2020, sau khi số ca nhiễm tăng mạnh, chủ yếu tại miền Bắc và khu vực rộng lớn tại thủ đô Athens. Đây là lần thứ 2 Hy Lạp phải áp đặt phong tỏa do dịch COVID-19.
Tại châu Phi, Zimbabwe cũng thông báo số ca tử vong trong 1 ngày cao nhất từ trước đến nay, với 47 trường hợp. Như vậy, tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 25.368 ca nhiễm mới, trong đó có 636 trường hợp tử vong. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 gia tăng trong thời gian gần đây, Chính phủ Zimbabwe đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong 30 ngày.
Một cửa hàng bán khẩu trang tại Addis Ababa, Ethiopia. Ảnh: THX/TTXVN
Giới chức y tế Gambia cũng thông báo ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh. Đây là quốc gia đầu tiên tại châu Phi ghi nhận ca nhiễm biến thể này. Theo giới chức y tế, các trường hợp trên đều là người Gambia, gồm một bệnh nhân nam giới người Gambia, 34 tuổi, trở về từ Anh, và một bệnh nhân nữ 82 tuổi. Hiện nhà chức trách đang truy vết nguồn lây nhiễm.
Việc biến thể virus này xuất hiện ở Gambia có thể cản trở những nỗ lực kiềm chế tỷ lệ lây nhiễm đang gia tăng lên gần mức kỷ lục ở Gambia. Đến nay nước này đã ghi nhận khoảng 3.890 ca mắc COVID-19, trong đó 126 ca tử vong.
Cùng ngày, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev cho biết nước này sẽ nộp đơn xin cấp phép vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 ở Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 2 tới. Theo ông Kirill Dmitriev, bản đánh giá của giới chuyên gia về tính hiệu quả của vaccine Sputnik V cũng sẽ sớm được công bố, song hiện nay vẫn chưa rõ liệu vaccine này có được EU chấp thuận hay không. Để vaccine được cấp phép đưa vào phân phối ở thị trường EU, công ty nghiên cứu sản xuất phải tiến hành các cuộc thảo luận sơ bộ và gửi đơn xin cấp phép lên Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã giao toàn quyền phụ trách chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 ở nước này cho Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA). Ông đã đưa ra chỉ thị trên khi Giám đốc KDCA Jeong Eun-kyeong báo cáo kế hoạch thực hiện tiêm chủng loại vaccine COVID-19. Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong tiêm chủng là huy động được lòng tin mạnh mẽ từ người dân. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ cung cấp vaccine COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân nước này bắt đầu từ tháng 2/2021.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo sẽ tạm thời giảm cung cấp vaccine phòng bệnh COVID-19 cho châu Âu nhằm tăng năng lực sản xuất. Trong tuyên bố, Pfizer cho biết đã phải sửa đổi quy trình và cơ sở. Điều này cũng sẽ kéo theo việc phải phê duyệt bổ sung. Hãng nêu rõ mặc dù điều này sẽ ảnh hưởng tạm thời đến việc phân phối vaccine trong khoảng từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, nhưng nó sẽ giúp tăng đáng kể số liều vaccine sản xuất ra vào cuối tháng 2 và tháng 3. Nhiều quốc gia thành viên EU cho biết đã nhận được lượng vaccine thấp hơn mong đợi, đồng thời than phiền việc không chắc chắn trong vấn đề giao hàng.
Thế giới sẽ có thêm biến chủng 'siêu COVID'
Trong vòng chưa đầy 24 giờ, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra ba biến chủng "siêu COVID" và các chuyên gia cảnh báo thế giới cần chuẩn bị tinh thần khi sẽ ngày càng có nhiều biến chủng mới xuất hiện khắp nơi.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Dailymail, các nhà khoa học cho rằng càng có nhiều người mắc COVID-19 thì càng có nhiều biến chủng lây lan mạnh hơn xuất hiện.
Các nhà khoa học đưa ra giả thiết là các biến chủng "siêu COVID" sẽ ngày càng phổ biến khi số ca mắc tăng vọt trên toàn cầu. Nguyên nhân là vì càng nhiều ca mắc thì số người mắc các loại biến chủng hiếm càng nhiều. Các ca mắc biến chủng hiếm này lại tạo cơ hội đặc biệt cho các biến chủng COVID-19 mới và mạnh hơn biến đổi.
Theo Tiến sĩ Trever Bradford thuộc Trung tâm Ung thư Fred Hutchison, các hệ thống miễn dịch yếu giúp virus ở lại lâu hơn trong cơ thể. Trong thời gian đó, hệ miễn dịch tiếp tục chiến đấu với virus. Chiến đấu với hệ miễn dịch đã giúp virus học cách bám trụ lại trong cơ thể tốt hơn.
Nhiều người cũng có quan điểm như ông Bedford. Tiến sĩ Ali Mokdad, nhà dịch tễ học tại Đại học Washington cho rằng khi người bệnh bị nhiễm virus trong thời gian dài thì đó là cơ hội để virus biến đổi trong cùng vật chủ. Theo ông Mokdad, các nhà khoa học nghi ngờ rằng biến chủng B117 ở Anh đã xuất hiện theo cách này.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 9/1. Ảnh: THX/TTXVN
Biến chủng B117 ở Anh ngày càng lan rộng. Các biến chủng tương tự cũng xuất hiện ở Nam Phi, Brazil và Mỹ. Giờ đây, Mỹ đã có hai biến chủng khác. Tới nay, các biến chủng này dường như đều lây mạnh hơn, nhưng không độc hơn.
Nhóm nhà khoa học tại Đại học Southern Illinois đã lần theo dấu vết của một biến chủng xuất hiện sớm nhất tên là 20C-US hồi tháng 5/2020. Biến chủng này có vài thay đổi, trong đó có gai protein - bộ phận mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào người.
Các nhà khoa học cho rằng biến chủng này không lan mạnh bên ngoài biên giới Mỹ và phát triển mạnh nhất ở vùng Thượng Trung Tây. Biến chủng này gây ra ít nhất 50% ca mắc ở Mỹ, nghĩa là nó có mặt ở nhiều nơi.
Các nhà nghiên cứu dự báo 20C-US có thể là biến chủng phổ biến nhất ở Mỹ thời điểm này.
20C-US giờ nằm trong danh sách biến chủng ngày càng dài, cùng với biến chủng ở các nước như Anh, Nam Phi, Brazil.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Một ngày trước khi công bố biến chủng 20C-US, các nhà nghiên cứu Ohio thông báo phát hiện hai biến chủng khác ở Mỹ, một loại gần giống biến chủng ở Anh, một loại chỉ có ở Mỹ và phổ biến ở thủ phủ Columbus của bang Ohio.
20C-US đã có mặt ở Australia, Israel, Mexico, New Zealand, Ba Lan, Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) nhưng ở mức độ thấp.
Tuy nhiên, biến thể 20C-US có vẻ không nguy hiểm hơn. Thậm chí, tỷ lệ tử vong còn thấp hơn nhiều mặc dù số ca mắc biến thể mới rất cao. Điều này có thể cho thấy 20C-US lây lan mạnh nhưng chỉ khiến người mắc ốm nhẹ.
Tiến sĩ Daniel Jones thuộc Trung tâm Y khoa Wexner (Đại học Bang Ohio), người phát hiện ra biến chủng ở Columbus, cho rằng các biến chủng do các nhà nghiên cứu phát hiện ra rất liên quan tới nhau nhưng không giống hoàn toàn. Điều này có nghĩa là hai nhóm nhà nghiên cứu ở Ohio và Illinois có thể đang theo dõi các biến thể xuất phát từ một chủng.
Toàn thế giới đã ghi nhận trên 88,6 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 8/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 88.668.711 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.909.877 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 63.742.448 người. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 5/1/2021....