Thế giới đã ghi nhận trên 495,5 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 7/4, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 495.528.334 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.192.646 ca tử vong.
Số ca bình phục là 431.449.092 ca, trong khi đó còn 54.570 ca đang điều trị tích cực.
Nhân viên giao hàng giao thuốc cho bệnh nhân tại khu phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 5/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong, với trên 81,9 triệu ca mắc và trên 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc (trên 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 660.782 ca.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với trên 182,1 triệu ca mắc, tiếp đó là châu Á với trên 142,4 triệu ca. Xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với trên 1,7 triệu ca, tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với 1.446.731 ca, trong khi con số này ở châu Á là 1.408.365 ca. Khu vực Nam Mỹ hiện ghi nhận trên 56,2 triệu ca mắc và trên 1,2 triệu ca tử vong.
Tại châu Á, giới chuyên gia cảnh báo dịch COVID-19 đang tái bùng phát ở Nhật Bản. Theo nhóm chuyên gia tư vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với mức đỉnh của làn sóng lây nhiễm thứ 5 vào mùa hè trước. Đáng chú ý, sự gia tăng của các ca nhiễm mới chủ yếu xảy ra trong giới trẻ. Theo nhóm chuyên gia này, lý do chủ yếu khiến dịch bệnh tái bùng phát là vào thời điểm này, người dân có xu hướng tụ tập để ngắm hoa anh đào, các trường học cũng bắt đầu khai giảng, trong khi các doanh nghiệp cũng đón thêm nhân viên mới. Trong khi đó, biến thể BA.2 của Omicron, vốn có khả năng lây lan nhanh hơn, đang dần chiếm ưu thế ở một số địa phương, trong đó có thủ đô Tokyo.
Video đang HOT
Tại Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan đã thông báo điều chỉnh chiến lược ứng phó với đại dịch, theo đó chuyển hướng giảm thiểu ca bệnh nặng thay vì tìm cách đưa số ca mắc mới trong cộng đồng về 0 (hay còn gọi là chiến lược “Không COVID”). Thông tin trên đã được người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan, Chen Shih-chung, đưa ra ngày 7/4. Cụ thể Đài Loan sẽ không hoãn tiến trình mở cửa trở lại nhưng sẽ duy trì quản lý hiệu quả, với mục tiêu trọng tâm là giảm thiệu thiệt hại. Kể từ khi dịch bùng phát, Đài Loan đã hạn chế đi lại, đồng thời áp dụng các quy định cách ly nghiêm ngặt, giúp hạn chế số ca mắc ở mức thấp. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát dịch mới, chính quyền Đài Loan đã cho thấy những lựa chọn khác, theo hướng của một số nước từng áp dụng chiến lược “Không COVID” nhưng nay đã mở cửa trở lại như Singapore, Australia và New Zealand. Như vậy, hiện chỉ còn lại Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ Hong Kong tiếp tục theo đuổi chiến lược “Không COVID”.
Tại châu Âu, Cộng hòa Cyprus đã thông báo kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế đi lại từ ngày 18/4 tới, chấm dứt 2 năm áp đặt các quy định này để phòng dịch. Cụ thể, nước này sẽ hủy bản đánh giá theo màu về mức độ nguy cơ dịch tễ của các nước, cho phép nhập cảnh những người đã tiêm phòng đủ các mũi cơ bản hoặc đã tiêm mũi tăng cường mà không cần có xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, những người chưa tiêm đủ sẽ vẫn cần trình xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh.
Tại châu Mỹ, Canada khuyến nghị triển khai nhanh mũi vaccine tăng cường thứ hai cho người từ 80 tuổi trở lên trong cộng đồng và những người sống trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn. Ủy ban Tư vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) nhấn mạnh khả năng bảo vệ của vaccine chống lại bệnh nặng có thể giảm dần theo thời gian sau mũi tiêm tăng cường đầu tiên, vì vậy cần ngăn chặn nguy cơ này và giảm thiểu rủi ro mắc các biến thể có khả năng lây truyền cao. NACI cũng khuyến cáo chính quyền các địa phương xem xét cung cấp mũi vaccine tăng cường thứ hai cho người từ 70-79 tuổi sống trong cộng đồng.
Trong khi đó, Quốc hội Đức bác đề xuất bắt buộc người trên 60 tuổi phải tiêm vaccine ngừa COVID-19. Dự luật trên quy định áp dụng nghĩa vụ tiêm chủng bắt buộc đối với những người từ 60 tuổi trở lên kể từ tháng 10 tới và tất cả những người trên 18 tuổi phải được tư vấn tiêm chủng. Tuy nhiên, văn kiện được liên minh cầm quyền đề xuất này chỉ nhận được sự ủng hộ của 296 nghị sĩ, trong khi có tới 378 nghị sĩ phản đối và 9 nghị sĩ bỏ phiếu trắng. Như vậy, sẽ không có quy định tiêm chủng bắt buộc đối với các nhóm cư dân nào khác ngoài nhân viên trong các cơ sở y tế theo quy định có hiệu lực từ tháng 3 vừa qua.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển được công bố ngày 6/4, cứ 5 nhân viên y tế ở nước này thì có 1 người nhiễm biến thể Omicron không lâu sau khi tiêm mũi vaccine thứ 3. Đây là bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có thể “né” được hệ miễn dịch. Tuy nhiên, bác sĩ Charlotte Thalin tham gia nghiên cứu trên cho biết kết quả này không có nghĩa là việc tiêm vaccine không mang lại lợi ích. Bà khẳng định tiêm phòng giúp ngăn bệnh trở nặng trong khi biến thể Omicron có thể gây nguy hiểm cho những người chưa tiêm, người cao tuổi và những người thuộc nhóm có nguy cơ dễ lây nhiễm.
Một nghiên cứu khác công bố cùng ngày cho biết người mắc COVID-19 nhẹ cũng có nguy cơ phát triển các cục máu đông trong vòng 6 tháng kể từ ngày mắc. Các nhà nghiên cứu phát hiện những người mắc COVID-19 trong 6 tháng sau có nguy cơ cao bị tắc mạch phổi – hiện tượng một cục máu đông lọt vào mạch máu trong phổi và ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu ở vùng đó. Trong khi nguy cơ gặp biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu – hiện tượng xuất hiện cục máu đông ở chân, cũng kéo dài tới 3 tháng kể từ khi một người mắc COVID-19.
Sau khi cân đối một loạt yếu tố nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện người mắc COVID-10 có nguy cơ cao gấp 33 lần bị tắc mạch phổi và gấp 5 lần mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu so với người không mắc COVID-19. Nguy cơ đặc biệt gia tăng ở nhóm bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng, tuy nhiên nghiên cứu cũng chỉ ra những người mắc COVID-19 không phải nhập viện điều trị vẫn có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh liên quan đến cục máu đông này. Theo các nhà khoa học, nguy cơ này ở giai đoạn đầu làn sóng dịch bệnh COVID-19 cao hơn thời gian sau này nhờ chương trình tiêm vaccine đại trà và phương pháp điều trị kịp thời.
Với kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêm vaccine cũng như xác định chiến lược thúc đẩy các phương pháp điều trị ngăn chặn nguy cơ phát triển cục máu đông ở người mắc COVID-19, đặc biệt người có nguy cơ cao. Nghiên cứu này một lần nữa nhắc nhở người mắc COVID-19 cần cẩn trọng những di chứng của bệnh này, ngay cả khi có triệu chứng nhẹ.
Số ca tử vong do COVID-19 có thể cao hơn gấp 3 lần số liệu thống kê chính thức
Trong hai năm đầu tiên đại dịch COVID-19 hoành hành, trên thế giới có thể có đến 18,2 triệu người đã tử vong do căn bệnh này, cao gấp 3 lần so với số liệu thống kê chính thức.
Đây là ước tính do các nhà khoa học thuộc Viện Đo lường và đánh giá y tế tại Đại học Washington (Mỹ) đưa ra trong nghiên cứu đầu tiên về số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Bloomberg, Giám đốc viện trên, ông Christopher J.L. Murray, cho biết: "Ở cấp độ toàn cầu, đây là số ca tử vong cao nhất kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha". Dịch COVID-19 đã làm số ca tử vong trên thế giới tăng 17%. Đại dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát năm 1918 khiến ít nhất 50 triệu người tử vong.
Để đưa ra số liệu ước tính trên, các nhà khoa học so sánh số ca tử vong trong thời gian từ ngày 1/1/2020 - 31/12/2021 với số liệu của những năm trước. Đến nay, chỉ có 36 quốc gia công bố dữ liệu về nguyên nhân tử vong trong năm 2020. Thông qua kết quả tìm kiếm trên các trang mạng chính phủ, số liệu tử vong và Văn phòng Thống kê châu Âu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu cập nhật hằng tuần hoặc hằng tháng về số ca tử vong do tất cả các nguyên nhân trong hai năm qua và 11 năm trước đó tại 74 quốc gia cùng 266 bang và tỉnh.
Các tác giả áp dụng mô hình thống kê để dự báo con số tử vong chênh lệch ở những nước không báo cáo dữ liệu hằng tuần hoặc hằng tháng. Ước tính số ca tử vong thực tế cao gấp 9,5 lần so với con số được báo cáo tại Nam Á và 14,2 lần tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi.
Với dân số đông, riêng Ấn Độ chiếm khoảng 22%, tức 4,1 triệu, tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Tiếp theo là Mỹ và Nga với mỗi nước ghi nhận 1,1 triệu ca tử vong, sau đó là Mexico, Brazil và Indonesia. Theo nghiên cứu, những nơi ước tính có số ca tử vong chưa được thống kê thấp nhất là Iceland, Australia, Singapore và New Zealand. Các nhà khoa học ước tính cứ 100.000 dân thì có 120 ca tử vong chưa được thống kê trên thế giới. Nghiên cứu cũng nhận thấy 21 quốc gia ước tính tỷ lệ tử vong cao hơn 300 ca/100.000 dân, đứng đầu là Bolivia và Bulgaria.
Bằng chứng cho thấy COVID-19 là nguyên nhân trực tiếp khiến tỷ lệ tử vong tăng cao. Nhưng một số trường hợp tử vong cũng có thể xảy ra gián tiếp do không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ thiết yếu khác trong đại dịch, hoặc do thay đổi hành vi dẫn đến tự tử hoặc lạm dụng ma túy.
Các nhà nghiên cứu cho rằng số liệu không đáng tin cậy và xét nghiệm là nguyên nhân khiến số liệu chênh lệch ước tính khoảng 5,9 triệu ca không qua khỏi. Chuyên gia về khoa học đo lường sức khỏe thuộc Viện Đo lường và đánh giá y tế, ông Haidong Wang, cho biết các nghiên cứu của một số quốc gia, bao gồm cả Thụy Điển và Hà Lan, cho thấy COVID-19 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đa số ca tử vong chưa được thống kê nói trên.
Cũng theo nghiên cứu, béo phì và tuổi cao được xác định là hai trong số những yếu tố hàng đầu dẫn đến số ca tử vong thực tế cao hơn thống kê.
Nghiên cứu tập trung vào số ca tử vong thực tế với mục đích tránh thống kê sai lệch và để đánh giá đúng hậu quả của đại dịch COVID-19. Kết quả nghiên cứu trên đã được thẩm định và được công bố trên tạp chí y khoa Lancet.
Ca tử vong vì COVID-19 tại Anh lên mức cao kỉ lục trong gần 1 năm Anh trong ngày 18/1 ghi nhận 438 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất tính từ thời điểm tháng 2/2021. Xe cứu thương chở bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở London. Ảnh: AP Trong ngày, Anh cũng ghi nhận 94.432 ca nhiễm mới, giảm so với mức 120.821 ca trong ngày 11/1, nhưng cũng cao hơn so với hai ngày cuối...