Thế giới đã ghi nhận trên 425,5 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 21/2, thế giới ghi nhận tổng cộng 425.567.348 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.908.832 ca tử vong.
Số người đã bình phục là 351.362.392 ca, trong khi vẫn còn 82.059 ca đang phải điều trị tích cực.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Worcester, Massachusetts (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới, đến nay ghi nhận 80.087.617 ca nhiễm và 959.412 ca tử vong. Với số ca nhiễm gần bằng 1/2 của Mỹ (42.838.524 ca), Ấn Độ đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (644.362 ca).
Trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách, 7 nước còn lại là ở châu Âu, gồm Pháp (với 22.286.829 ca mắc), Anh 18.605.752 ca, Nga 15.522.765 ca, tiếp đó là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 13.602.431 ca và 13.504.485 ca, Italy là 12.469.975 ca và Tây Ban Nha ghi nhận 10.809.222 ca.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận 95.362 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 2.058.184 ca. Số ca mắc mới theo ngày đã tăng trong nhiều tuần gần đây do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Video đang HOT
Trước tình hình này, các trường học tại Hàn Quốc sẽ được phép áp dụng phương thức học từ xa hoàn toàn trong 2 tuần đầu tiên của học kỳ bắt đầu từ tháng 3 tới. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc quyết định giảm bớt cơ chế giãn cách xã hội trong 3 tuần, đến ngày 13/3 tới, sau 9 tuần siết chặt các biện pháp cách ly đã gây ra sự đảo lộn lớn đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ. Theo quy định mới, giờ kinh doanh được kéo dài thêm một giờ, cho phép các nhà hàng, quán cà phê, quán rượu và các loại hình kinh doanh khác được mở cửa đến 22h00. Theo kết quả cuộc thăm dò của tổ chức Korea Society Opinion, công bố ngày 21/2, hơn 60% người được hỏi ở Hàn Quốc ủng hộ việc nới lỏng các quy định phòng dịch COVID-19.
Chiều 21/2, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo quy định áp dụng “thẻ thông hành vaccine”, trong bối cảnh số ca mắc mới tại đặc khu liên tục ghi nhận mức cao mới. Từ ngày 24/2, khi đến các địa điểm như trường học, văn phòng chính quyền, bệnh viện, nhà hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng bách hóa…, người dân phải quét ứng dụng “Leave home Safe” (Đi lại an toàn), đồng thời phải xuất trình “thẻ thông hành vaccine” bản điện tử hoặc bản giấy.
Những người không đủ điều kiện tiêm vaccine sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận miễn trừ y tế. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, người đến các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa và siêu thị không cần chủ động xuất trình “thẻ thông hành vaccine”, nhưng các nhân viên thực thi pháp luật sẽ kiểm tra ngẫu nhiên. Tuy nhiên, những người làm việc ở các địa điểm này bắt buộc phải có “thẻ thông hành vaccine”.
Hiện các bệnh viện công của Hong Kong đã không còn giường trống. Trong 24 giờ qua, Hong Kong ghi nhận 7.533 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất theo ngày, và 13 ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan cùng ngày đã tiếp tục nâng mức cảnh báo COVID-19 thêm một cấp mới, theo đó yêu cầu người dân hạn chế ăn uống tại nhà hàng và tránh tụ tập đông người để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 18.883 ca mắc mới và 32 ca tử vong. Bộ Y tế Thái Lan kêu gọi người dân khẩn trương tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là những người trên 60 tuổi hoặc mắc các bệnh nền. Tính đến ngày 20/2, đã có 71,1% trong dân số 70 triệu người của Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 27,5% đã được tiêm mũi tăng cường.
Từ ngày 21/2 – 4/3, Lào triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi, nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước biến thể Omicron. Trong giai đoạn này, Lào tập trung tiêm cho trẻ em tại các tỉnh Houaphanh, Xiengkhoang, Oudomxay, Savannakhet và Saysomboune. Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh khác sẽ triển khai tiêm từ ngày 4 – 13/3. Sau khi hoàn thành tiêm cho trẻ em ở lứa tuổi này, Lào sẽ xem xét tiêm cho trẻ từ 3-5 tuổi.
Tính đến ngày 17/2, khoảng 65,8% dân số Lào đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 58% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản. Hiện Lào đang triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân trên khắp cả nước. Trong những ngày gần đây, dù số ca nhiễm tại Lào đang tiếp tục ở mức thấp với khoảng 200 trường hợp mỗi ngày, cơ quan y tế Lào khuyến cáo biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh, vì vậy người dân cần tiếp tục thận trọng hơn và hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người. Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 218 ca mắc mới và 2 trường hợp tử vong. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 141.301 ca, trong đó có 612 ca tử vong.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã bắt đầu cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho các trung tâm y tế trên toàn quốc trong tuần này để chuẩn bị công tác tiêm chủng cho đối tượng là trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 11 tuổi, sớm nhất trong tháng này. Chính phủ Nhật Bản sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em ở độ tuổi này, với liều lượng bằng 1/3 so với liều dùng cho trẻ em trên 12 tuổi. Theo kế hoạch, đến tháng 5, Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoảng 12 triệu liều vaccine cho các cơ sở y tế trên toàn quốc để tiêm cho trẻ. Việc tiêm chủng này là không bắt buộc và trẻ đi tiêm cần phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi tại Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Italy đã khuyến cáo những người có hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng nên tiêm liều vaccine mRNA thứ tư để chống lại COVID-19, ít nhất là 120 ngày sau khi tiêm mũi tăng cường. Cơ quan quản lý dược phẩm Italy (AIFA) nhấn mạnh: “Trước tình trạng giảm tác dụng bảo vệ và thời gian miễn dịch sau chu kỳ tiêm chủng chính đối với biến thể Omicron, liều vaccine tăng cường vẫn cho thấy mức độ hiệu quả và an toàn cao trong việc ngăn ngừa các dạng triệu chứng, tỷ lệ nhập viện và tử vong liên quan đến đại dịch COVID-19″.
taly đã ghi nhận tổng cộng 12,4 triệu ca COVID-19 và 152.848 người tử vong do virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này hồi tháng 2/2020. Hầu hết các quốc gia châu Âu có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tương đối thấp hơn đã khuyến cáo tiêm liều thứ tư cho những người dễ bị tổn thương nhất.
Tương tự, Mỹ cũng đang xem xét phê duyệt việc tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 vào mùa Thu năm nay. Hiện kế hoạch vẫn đang ở giai đoạn đầu và quá trình cấp phép sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc nghiên cứu đang được thực hiện về việc liệu liều vaccine tăng cường thứ hai có giúp nâng cao khả năng miễn dịch của người được tiêm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nghiêm trọng sau mắc COVID-19 hay không.
Theo các chuyên gia, liều tăng cường thứ hai này có thể là khởi đầu của chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 hàng năm. Nếu có biến thể mới xuất hiện, khả năng Mỹ sẽ áp dụng chiến lược này. Đến nay, khoảng 65% dân số Mỹ đã hoàn thành liều tiêm cơ bản, khoảng 43% đã được tiêm mũi vaccine tăng cường. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi và những người có nguy cơ mắc COVID-19 sau khi tiêm vaccine đã tăng lên, nhiều người trong đó mong muốn được tiêm liều vaccine tăng cường thứ 2.
Trong khi đó, Bộ Y tế Nam Phi cho biết chính phủ nước này đã quyết định điều chỉnh chính sách tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân dựa trên các bằng chứng khoa học nhằm nâng cao khả năng hấp thu vaccine ngừa COVID-19 và tăng số người được tiêm mũi tăng cường. Những nội dung chính bao gồm giảm khoảng thời gian giữa liều đầu tiên và liều thứ hai của hãng Pfizer/BioNTech từ 42 ngày xuống còn 21 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/2 tới.
Tất cả những người được tiêm chủng đủ hai liều vaccine Pfizer/BioNTech sẽ đủ điều kiện tiêm liều tăng cường khi đạt 90 ngày (hoặc 3 tháng) sau liều thứ hai thay vì khoảng thời gian 180 ngày (hoặc 6 tháng) như quy định trước đó. Những người trên 18 tuổi tại nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson sẽ đủ điều kiện để tiêm liều nhắc lại của cùng loại vaccine hoặc một liều nhắc lại vaccine của hãng Pfizer/BioNTech sau 60 ngày (tức 2 tháng).
Hơn 1 triệu ca tử vong ngoài dự báo ở Mỹ trong đại dịch COVID-19
Tân Hoa xã ngày 19/2 dẫn một báo cáo gần đây do tờ The Guardian (Anh) thực hiện cho thấy có hơn 1 triệu ca tử vong ngoài dự báo ở Mỹ trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Worcester, Massachusetts (Mỹ) ngày 4/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo trên dẫn số liệu từ Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết những ca tử vong này chủ yếu do COVID-19 cũng như các tình trạng có thể do chăm sóc y tế chậm trễ và hệ thống y tế bị quá tải. Cụ thể, ít nhất 923.000 người Mỹ được xác nhận tử vong vì COVID-19 trong khi những nguyên nhân khác gây tử vong cao hơn con số dự kiến bình thường bao gồm bệnh tim, tăng huyết áp vào bệnh Alzheimer.
Theo The Guardian, tử vong ngoài dự báo hay còn còn được biết đến như "những cái chết sớm" ở Mỹ thường xảy ra ở những người trên 65 tuổi, nhiều người trong số đó đáng lẽ còn có thể sống được nhiều năm nữa. Tử vong ngoài dự báo được tính dựa trên số ca tử vong của những năm trước đó. Năm 2019, có 2,8 triệu ca tử vong ở Mỹ. Năm 2020, ước tính con số này là 3,3 triệu ca.
Nhiều người Mỹ đã trì hoãn tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế trong thời gian đại dịch, trong khi những người khác cho rằng chất lượng của các dịch vụ chăm sóc kém đi do hệ thống y tế bị quá tải bởi COVID-19. Báo cáo cho biết thêm Mỹ cũng đang trong giai đoạn khủng hoảng do sử dụng thuốc quá liều, với hơn 100.000 ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều trong năm đầu tiên của đại dịch.
COVID-19 tới 7h sáng 19/2: Thế giới có 9.679 ca tử vong mới; nước Mỹ vượt 80 triệu ca bệnh Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 1,86 triệu ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh vượt 421 triệu. Số ca tử vong trong ngày cũng tăng mạnh lên 9.679 trường hợp. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 19/2 (theo giờ VN),...