Thế giới đã ghi nhận trên 396,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 396.596.256 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.760.642 ca tử vong.
Tổng số ca bình phục đến nay là 315.336.753, trong khi có 91.191 ca đang phải điều trị tích cực.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở bang Amazon, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện có trên 135,9 triệu ca nhiễm, trong đó có 1.638.777 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai về số ca nhiễm, hiện là trên 104,5 triệu ca. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ hai về số ca tử vong, với 1.341.740 ca.
Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, hiện là trên 78 triệu ca nhiễm và 926.029 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với trên 42,2 triệu ca nhiễm, trong đó có 502.905 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với trên 26,5 triệu ca nhiễm.
Đáng chú ý, Brazil ngày 7/2 phát hiện 5 ca nhiễm biến thể “ Omicron tàng hình”, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron. Biến thể BA.2 được cho là có khả năng “tàng hình” tốt hơn so với biến thể Omicron gốc vì có những đặc điểm di truyền đặc biệt khiến nó khó bị theo dõi. Một số nhà khoa học lo ngại rằng BA.2 cũng có thể dễ lây lan hơn. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ về biến thể này, trong đó có câu hỏi liệu nó có né tránh vaccine tốt hơn hay gây bệnh nặng hơn hay không.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tiếp tục chính sách quét sạch COVID-19 trong cộng đồng (Zero-COVID), Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Bách Sắc, thuộc khu vực Quảng Tây, sau khi ghi nhận 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 6/2. Giới chức thành phố Bách Sắc đã yêu cầu người dân ở nhà từ ngày 7/2 và tránh đi lại không cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Thành phố này cũng tạm ngừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, giao thông công cộng, đóng cửa trường học và tạm hoãn mở cửa trở lại các cửa khẩu dọc biên giới. Các nhân viên trong những ngành thiết yếu ở Bách Sắc cần phải có giấy thông hành mới được di chuyển trong nội thành.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Trong khi đó, tình hình lây lan dịch bệnh tại Nga đang có dấu hiệu giảm. Nước này ghi nhận 171.905 ca nhiễm mới, lần đầu tiên giảm kể từ ngày 10/1. Biến thể Omicron đã được ghi nhận tại 84 trong tổng số 85 tỉnh trên cả nước.
Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ cũng như người dân nước này có thể vượt qua làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3 do biến thể Omicron gây ra vào cuối tháng 2 này. Ông kêu gọi công chúng bình tĩnh, duy trì cảnh giác và nghiêm túc thực hiện các quy định y tế, đặc biệt là ở những khu vực có số ca lây nhiễm gia tăng đột biến. Ông cho biết tình hình vẫn đang được kiểm soát tại các cơ sở điều trị COVID-19.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Malaysia, Khairy Jamaluddin cho biết nước này đang trong giai đoạn lây nhiễm biến thể Omicron, song tình trạng lây nhiễm sẽ không nghiêm trọng như làn sóng biến thể Delta diễn ra hồi năm ngoái. Kể từ ngày 6/2, số ca mắc mới ở Malaysia đã tăng đáng kể, lên trên 11.000 ca và ghi nhận ngày thứ 2 liên tiếp có số ca mắc mới trên 10.000 ca. Tuy nhiên, đa số các ca nhiễm mới đều ở mức độ 1 và 2 (mức độ nhẹ nhất trong thang phân loại gồm 5 mức, trong đó mức 5 được đánh giá là mức độ nguy hiểm). Ông Khairy nhấn mạnh Malaysia đã kiểm soát được số ca nhiễm nghiêm trọng nhờ vào việc tiêm vaccine bao phủ nhanh chóng.
Trong nỗ lực sống chung an toàn với COVID-19, Australia thông báo chính thức mở cửa biên giới cho tất cả các du khách quốc tế, các loại thị thực kể từ ngày 21/2, với điều kiện những người này tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Những người chưa được tiêm vaccine phải nộp đơn xin miễn trừ y tế nếu muốn nhập cảnh vào Australia và sẽ phải cung cấp bằng chứng rằng họ không thể tiêm vì lý do y tế.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã cho phép trường học tự quyết định hình thức học, tiếp tục học trực tiếp hay chuyển sang học từ xa tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại trường. Tuy nhiên, mỗi trường học sẽ được khuyến cáo không chuyển sang học từ xa hoàn toàn theo kế hoạch mới nếu 3% số học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc 15% phải tự cách ly do nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Các trường học cũng sẽ được yêu cầu phát hiện các ca nhiễm và tiến hành truy vết trong nhà trường bằng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm PCR di động. Các trường cấp trên tiểu học sẽ được cung cấp các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để xét nghiệm cho 20% số học sinh, trong khi tỷ lệ này dành cho các trường mẫu giáo và tiểu học là 30%. Các trường đại học cũng sẽ được khuyến cáo tiếp tục học trực tiếp trong học kỳ mới và chuẩn bị một kế hoạch dự phòng 2 giai đoạn để chuyển sang học từ xa trong trường hợp cần thiết.
Nhằm bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương là trẻ em, Ủy ban Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 đã hối thúc người dân đưa con và các thành viên khác trong gia đình đi tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Tại Thái Lan, Thủ tướng nước này cũng kêu gọi đẩy nhanh tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Số liệu của Chính phủ Thái Lan cho thấy số ca mắc COVID-19 trong nhóm này là 123.403 ca từ tháng 4 – 12/2021 (trung bình 13.711 ca mỗi tháng), trong khi số ca mắc từ tháng 1 đến ngày 2/2/2022 là 10.266 ca.
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID -19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Về phần mình, Nhật Bản chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi vào đầu tháng 3 tới. Một số địa phương đang lên kế hoạch lập các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn song song với việc tiêm chủng ở các bệnh viện. Vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ từ 5 – 11 tuổi sẽ khác với loại vaccine được sử dụng để tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên về liều lượng, thời hạn bảo quản và khoảng cách giữa hai mũi tiêm (tối thiểu 3 tuần).
Trong một diễn biến liên quan khác, một nhóm chuyên gia của Chính phủ Nhật Bản vừa đề xuất khuyến khích trẻ em ở trường mẫu giáo đeo khẩu trang càng nhiều càng tốt trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh trong đối tượng này.
Toàn thế giới vượt 364 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 27/1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 364.093.289 ca COVID-19, trong đó có 5.647.920 ca tử vong.
Trên 288 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và hiện vẫn còn gần 96.000 bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Đông Nam Á, Thái Lan hy vọng có thể công bố COVID-19 là bệnh đặc hữu vào cuối năm 2022 dựa trên các tiêu chí riêng, ngay cả khi chưa có xác nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit đã thông báo kế hoạch này sau cuộc họp của Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm ngày 27/1. Theo Tiến sĩ Kiattiphum, ủy ban trên đã lên kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trước cuối năm nay dựa trên các tiêu chí có thể chấp nhận được về mặt học thuật bao gồm không quá 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh đã được tiêm hai liều vaccine. Thái Lan ghi nhận thêm 8.078 ca mắc mới và 22 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 2.407.022 ca, trong đó có 22.098 ca tử vong.
Thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc đã hạn chế đi lại ở nhiều khu vực nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh chưa đầy 10 ngày nữa sẽ khai mạc Olympic mùa Đông tại thành phố này, dự kiến vào ngày 4/2. Chính quyền thành phố Bắc Kinh không áp đặt phong tỏa bất kỳ quận nào, song một số quận hiện tự áp đặt hạn chế đi lại tại một số khu vực. Trung Quốc ghi nhận 25 ca nhiễm mới có triệu chứng trong cộng đồng và không có thêm ca tử vong nào, nâng tổng cộng số ca mắc lên là 105.811 ca, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) quyết định rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ 21 ngày xuống còn 14 ngày, từ ngày 5/2 tới. Người dân Hong Kong trở về từ 160 quốc gia hiện đang bắt buộc phải cách ly 21 ngày tại cách khách sạn được chỉ định và phải tự trả mọi chi phí.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Greater Noida, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền vùng thủ đô Delhi của Ấn Độ đã quyết định chấm dứt lệnh giới nghiêm cuối tuần và các biện pháp phòng dịch tại các khu chợ ở vùng thủ đô. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm vào ban đêm vẫn có hiệu lực. Nhà hàng, quán rượu và rạp chiếu phim sẽ được phép đón khách tương đương 50% khả năng phục vụ. Các trường học vẫn tiếp tục đóng cửa. Giới chức y tế đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại Delhi đã nằm trong tầm kiểm soát và hy vọng số ca nhiễm mới sẽ sớm xuống dưới ngưỡng 5.000 ca.
Israel thông báo triển khai tiêm chủng mũi vaccine thứ 4 cho toàn bộ người dễ bị tổn thương trên 18 tuổi, nhằm đối phó với các đợt bùng phát dịch liên tiếp tại nước này. Đối tượng ưu tiên tiêm mũi thứ 4 là người trên 18 tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hiện hơn 600.000 người trong tổng số 9,4 triệu dân của nước này đã tiêm mũi 4. Israel là một trong những nước đầu tiên trên thế giới triển khai các chiến dịch tiêm chủng đại trà. Thời gian gần đây, Israel liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt do sự lây lan của biến thể Omicron.
Tại châu Âu, vùng England của Anh đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron, theo đó, người dân sẽ không phải đeo khẩu trang tại những không gian kín và không cần xuất trình "hộ chiếu vaccine". Hơn 37 triệu người ở vùng này đã được tiêm các mũi vaccine tăng cường, số ca mắc bệnh cũng đã giảm mạnh trong hai tuần qua và mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng đã duy trì theo chiều hướng ổn định những ngày gần đây.
Italy sẽ nới lỏng các hạn chế phòng dịch đối với những hành khách đến từ tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu vào tháng 2 tới. Theo đó, không bắt buộc cách ly đối với những hành khách có "thẻ Xanh" gồm chứng nhận tiêm vaccine, đã khỏi bệnh trong thời gian gần đây hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong những tháng gần đây, Italy đã nỗ lực kiểm soát dịch thông qua việc áp dụng "thẻ Xanh" từ nơi công sở cho đến các nhà hàng, quán ăn. Vào tháng 12, số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng, Italy đã yêu cầu tất cả mọi người xét nghiệm sàng lọc và cách ly 5 ngày đối với những trường hợp chưa tiêm phòng.
Giới chức y tế Bỉ điều chỉnh các biện pháp phòng dịch trong trường học, theo đó các lớp học sẽ không đóng cửa kể cả khi có các ca mắc COVID-19. Chỉ những học sinh xét nghiệm dương tính hoặc có các triệu chứng mới phải cách ly ở nhà. Biện pháp này cũng áp dụng cho nhà trẻ. Các lớp học hiện đang đóng cửa được mở lại sau khi thời gian cách ly hiện tại kết thúc. Đây là sự thay đổi trong chiến lược của Bỉ nhằm ngăn chặn đại dịch và vẫn đảm bảo học sinh được đến trường học trực tiếp. Giới chức Bỉ nhận định quy định mới sẽ dẫn đến có nhiều trường hợp dương tính hơn vì có nhiều người mang virus nhưng không có triệu chứng nhưng sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ trở lại cuộc sống bình thường
Một em nhỏ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Mỹ, trên 1,1 triệu trẻ em Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh trong tuần từ ngày 13 - 20/1 vừa qua. Con số này cao hơn 17% so với mức 981.000 ca ghi nhận 1 tuần trước đó và gấp đôi con số ghi nhận 2 tuần trước đó. Như vậy, số ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ đang tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay. Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, Mỹ đã ghi nhận 10,6 triệu trường hợp trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, trong đó chỉ riêng 2 tuần vừa qua có hơn 2 triệu ca. Giới chức y tế nhất trí điều quan trọng nhất là đảm bảo các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, cách ly người bệnh, tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, giảm tải cho các bệnh viện và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có trẻ em chưa đủ tuổi tiêm phòng.
Argentina thông báo nới lỏng các yêu cầu về y tế đối với người nhập cảnh đã hoàn thành tiêm vaccine liều cơ bản. Theo đó, công dân Argentina và người nước ngoài đã hoàn thành tiêm vaccine liều cơ bản trong thời gian ít nhất 14 ngày sẽ không cần thực hiện xét nghiệm trước khi nhập cảnh vào quốc gia Nam Mỹ và cũng không phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh. Những hành khách chưa hoàn thành tiêm liều cơ bản sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành hoặc phải thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) trong vòng 48 giờ trước khi bắt đầu chuyến đi. Những người này cũng phải tuân thủ quy định cách ly 7 ngày, tính từ ngày thực hiện xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm RAT.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines tăng cao kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp Ngày 15/1, Bộ Y tế Philippines thông báo biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp. Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN Phát biểu họp báo trực tuyến,...