Thế giới đã ghi nhận trên 233,2 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 28/9, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 233.256.538 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 4.772.867 ca tử vong.
Số người phục hồi sau khi mắc COVID-19 hiện là 210.025.321 người. Tuy nhiên, hiện trên thế giới có 92.077 ca vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Apple Valley, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Á hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, ghi nhận 75.202.077 ca nhiễm. Châu Âu đứng thứ hai với 58.422.357 ca nhiễm. Ngay sau đó là Bắc Mỹ với 52.551.959 ca và Nam Mỹ có 37.694.231 ca. Xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.215.667 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.151.719 ca. Châu Á đứng thứ ba với 1.112.979 ca và Bắc Mỹ hiện có 1.067.113 ca tử vong.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới với số ca nhiễm lần lượt là trên 43,7 triệu ca, 33,6 triệu ca và 21,3 triệu ca. Vị trí ba nước đứng đầu có phần thay đổi khi xét theo số ca tử vong. Cụ thể là Mỹ với 706.058 ca, tiếp theo là Brazil với 594.246 ca và Ấn Độ có 446.948 ca.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, Anh và Nga có nhiều ca nhiễm nhất, hiện đều trên 7,4 triệu ca. Trung tâm giám sát và ứng phó với dịch COVID-19 của Nga ngày 28/9 cho biết nước này đã ghi nhận 852 ca tử vong trong 24 giờ qua, mức trong ngày cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 205.531 ca. Cũng trong ngày 28/9, nước này ghi nhận 21.559 ca mới, nâng tổng số ca lên 7.464.708 ca. Số người đã bình phục là 6.635.485 người. Với 2.541 ca mới trong ngày, thủ đô Moskva có kế hoạch siết chặt giám sát việc thực hiện quy định đeo khẩu trang tại các trung tâm mua sắm và nhà hàng, kèm với mức phạt nặng đối với những người không tuân thủ.
Romania cũng ghi nhận số ca mới cao kỷ lục 11.049 ca. Hiện Romania chỉ còn 26 giường trống trong khu điều trị tích cực và khó có thể bổ sung vì thiếu nhân viên y tế. Romania là nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), chỉ hơn 1/3 người trưởng thành ở nước này đã được tiêm. Khoảng 40% nhân viên y tế chưa được tiêm trong khi chính phủ đang cân nhắc yêu cầu bắt buộc họ phải có chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU.
Video đang HOT
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Đông Nam Á, các ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng ở Campuchia đang tăng nhanh liên quan đến ổ dịch các ngôi chùa tại thủ đô Phnom Penh và mới nhất là Battambang, nơi có tới 43% nhà sư có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, cùng với đó là “điểm nóng” COVID-19 tại tỉnh Siem Reap chưa có dấu hiệu dịu đi. Tính đến ngày 28/9, Campuchia ghi nhận tổng cộng 110.792 ca, trong đó 101.690 người đã khỏi bệnh và 2.287 người tử vong. Sự lây lan rộng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Thái Lan như Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Siem Reap, Battambang và Preah Vihear, đặc biệt là sau khi biên giới Campuchia – Thái Lan mở cửa trở lại ngày 13/8, khiến lao động di cư Campuchia ồ ạt từ Thái Lan về nước.
Ngày 28/9, Chính phủ Campuchia đã đề xuất một chiến dịch hồi phục ngành du lịch với khẩu hiệu “Campuchia An toàn” như là một trong những chiến lược nhằm thu hút du khách nội địa và quốc tế trong giai đoạn mở cửa trở lại và tương lai. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh bất chấp các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lan rộng toàn cầu và sự bất ổn trong tương lai, Campuchia đã vạch ra những chiến lược then chốt kịp thời cùng các nỗ lực tiêm chủng và tiếp tục triển khai các biện pháp an toàn làm nền tảng cho việc từng bước tái mở cửa nền kinh tế và các hoạt động xã hội trong “trạng thái bình thường mới”. Chính phủ Campuchia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 91% trong tổng dân số 16 triệu người.
Cùng ngày, Trung tâm quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất từ ngày 15/7, với 9.489 ca trong 24 giờ qua. Con số này cho thấy xu hướng tiếp tục được cải thiện, phù hợp với chính sách từng bước mở lại các hoạt động kinh doanh. Nước này đã thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 2/10, cho phép thêm nhiều doanh nghiệp mở cửa và giảm giờ giới nghiêm. Thái Lan cũng đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Từ ngày 28/2 – 27/9, tổng cộng 51,3 triệu liều vaccine đã được tiêm. Khoảng 25% trong số 69 triệu dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi đó trên 1 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.
Người dân quét mã QR thông tin y tế khi sử dụng phương tiên giao thông công cộng ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Indonesia sẽ thắt chặt kiểm soát hành khách nhập cảnh đến từ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ do sự gia tăng các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở hai nước này. Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết thời gian cách ly đối với hành khách nước ngoài vẫn là 8 ngày. Chính phủ Indonesia cũng đang nỗ lực điều tiết lưu lượng các chuyến bay quốc tế để không xảy ra tình trạng dồn ứ lượng hành khách nhập cảnh.
Trong khi đó, tại Philippines, từ tháng 10 tới, trẻ em từ 12 tuổi sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây là quyết định được Chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra ngày 28/9, trong nỗ lực nâng tỷ lệ tiêm chủng của cả nước cũng như chuẩn bị mở cửa lại trường học. Tiêm chủng cho trẻ em được coi là một bước quan trọng để mở lại các trường học ở Philippines, vốn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới vẫn đóng cửa trường học kể từ khi đại dịch bùng phát. Chính phủ Philippines gần đây đã công bố kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại 120 các trường tiểu học và trung học, nhưng chỉ có rất ít thông tin chi tiết được công bố.
Bộ Tài chính Malaysia đã trình dự luật các biện pháp tài chính tạm thời, trong đó đề xuất nâng trần nợ công từ mức 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 65%, nhằm hỗ trợ quá trình tái mở cửa nền kinh tế và đảm bảo sự phục hồi ổn định trong ngắn hạn. Bộ trưởng Tài chính Zafrul Aziz khẳng định việc tăng trần nợ công phù hợp với cam kết của chính phủ về các biện pháp củng cố tài khóa trong trung hạn. Cùng với đó, đề xuất ban hành Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa (FRA) cũng sẽ giúp cải thiện quản trị, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài khóa quốc gia. Cùng ngày, Bộ Hợp tác và Phát triển Doanh nghiệp Malaysia cho biết đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như những người bị mất việc làm, thanh niên và sinh viên mới tốt nghiệp cũng như cộng đồng người khuyết tật tham gia vào lĩnh vực khởi nghiệp, chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Hành khách điền thông tin vào phiếu cách ly phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Narita, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tại Nhật Bản, chính phủ đã quyết định sẽ dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp áp dụng tại 19 địa phương và các biện pháp phòng dịch trọng điểm áp dụng tại 8 địa phương vào đúng hạn là ngày 30/9, sau khi đã tham vấn Nhóm chuyên gia cố vấn về vấn đề này. Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết số ca mới đã giảm mạnh trên phạm vi toàn quốc và số ca bệnh nặng cũng đã giảm 50% so với thời điểm đỉnh dịch, tỷ lệ sử dụng giường bệnh ở tất cả các khu vực đều ở mức dưới 50%, qua đó giảm đáng kể áp lực lên hệ thống y tế. Đây là cơ sở để chính phủ lấy ý kiến các chuyên gia, nhằm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 19 địa phương, trong đó có Tokyo và Osaka, cũng như các biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 8 địa phương khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nishimura cũng nhấn mạnh sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, gần như chắc chắn số ca mắc COVID-19 mới sẽ tăng trở lại. Điều quan trọng là phải tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả và ngay từ sớm để ngăn chặn sự bùng phát trở thành làn sóng lây nhiễm tiếp theo.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Ấn Độ, các nhà quản lý dược phẩm đã cho phép Viện Huyết thanh tiến hành tuyển chọn tình nguyện viên là trẻ em ở độ tuổi từ 7-11 tuổi tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine của hãng Novavax (Mỹ). Giới chức y tế Ấn Độ hiện chưa cấp phép sử dụng vaccine của hãng Novavax. Hồi đầu tháng này, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ Adar Poonawalla bày tỏ hy vọng vaccine của Novavax sẽ được cấp phép tiêm cho nhóm đối tượng dưới 18 tuổi vào tháng 1 hoặc tháng 2/2022. Cho tới nay, Ấn Độ mới chỉ cho phép tiêm vaccine phòng COVID-19 sử dụng công nghệ DNA của hãng Zydus Cadila cho người trưởng thành và trẻ từ 12 tuổi trở lên. Thống kê cho thấy quốc gia gần 1,4 tỷ dân này tiêm được hơn 870 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người trưởng thành.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sự lây lan biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã làm suy yếu sự phục hồi của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Vì vậy, WB kêu gọi một chiến lược toàn diện nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19 đồng thời thúc đẩy tăng trưởng. Theo bản cập nhật kinh tế mùa Thu 2021 tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương do WB mới công bố, hoạt động kinh tế tại khu vực này bắt đầu chậm lại trong quý II năm nay và dự báo tăng trưởng đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực đều giảm.
Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Manuela Ferro, cho biết trong năm ngoái, khu vực này được đánh giá là kiềm chế khá tốt dịch bệnh COVID-19 trong khi các khu vực khác trên thế giới phải chật vật ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, số ca bệnh gia tăng tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương kể từ đầu năm đến nay đã làm giảm triển vọng tăng trưởng của khu vực này trong năm 2021.
Biểu tượng của tập đoàn dược phẩm Sanofi bên vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một diễn biến khác ngày 28/9, hãng dược Sanofi của Pháp thông báo cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA đã ghi nhận kết quả sơ bộ tích cực. Đây là ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 mà Sanofi cùng với Translate Bio của Mỹ hợp tác bào chế và phát triển. Tuy nhiên, Sanofi quyết định không tiếp tục các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng bởi hãng cho rằng thời điểm vaccine này ra mắt thị trường (quý IV/2022 hoặc quý I/2023) là quá muộn. Hãng khẳng định thế giới cần được trang bị vaccine sử dụng công nghệ mRNA để ngăn ngừa đại dịch trong tương lai, các căn bệnh khác.
Hiện nay trên thế giới các loại vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA là vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna. Công nghệ này sử dụng mã di truyền RNA để kích hoạt sản sinh các loại protein đột biến nhằm tạo ra đột biến cụ thể của virus SARS-CoV-2. Các tế bào miễn dịch của cơ thể nhận ra protein đột biến là ngoại lai và sẽ bắt đầu xây dựng phản ứng miễn dịch.
Thư trong chai dạt vào bờ biển sau gần 40 năm
Một chiếc lọ thủy tinh đựng thư của các học sinh Nhật Bản thả xuống biển cách đây 37 năm được phát hiện dạt vào bờ biển Hawaii.
Bức thư trong chai thủy tinh được một bé gái địa phương 9 tuổi phát hiện hồi tuần này. Bên trong bức thư có ghi các phương thức liên lạc bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha, giải thích rằng nó được thả từ ngoài khơi bờ biển Choshi và mong người nhặt được hãy liên hệ cho chủ nhân.
Đây là một trong hàng trăm chai thủy tinh đựng thư được các học sinh trung học Choshi ở thành phố Choshi, tỉnh Chiba, thả xuống biển năm 1984 - 1985. Bức thư gần nhất được phát hiện dạt vào bờ biển đảo Kikaijima, tỉnh Kagoshima, phía tây nam Nhật Bản, năm 2002.
"Chúng tôi cứ nghĩ rằng bức thư cuối cùng đã được phát hiện ở Kikaijima. Chúng tôi không ngờ rằng một bức thư khác lại được phát hiện sau 37 năm", phó hiệu trưởng Jun Hayashi cho biết trong cuộc họp báo hôm 15/9.
Các bức thư trong chai thủy tinh từ năm 1984 được chụp tại trường trung học Choshi ở thành phố Choshi, tỉnh Chiba, Nhật Bản, hôm 15/9. Ảnh: Mainichi.
Kể từ năm 1985, các chai thủy tinh đựng thư do trường Choshi thả xuống biển đã được tìm thấy ở 17 địa điểm, bao gồm tỉnh Okinawa, các nước như Philippines, Trung Quốc và bờ biển phía tây của Mỹ.
"Tôi vô cùng ngạc nhiên, điều này làm sống lại những ký ức về thời trung học trong tôi. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới những người đã tham gia ngày ấy", Mayumi Kanda, 54 tuổi, cựu học sinh trường Choshi đã tham gia thả chai đựng thư xuống biển năm 1984, chia sẻ.
Một phụ nữ tên Jennifer Dowker, ở Michigan, Mỹ, hồi tháng 6 cũng phát hiện bức thư trong chai thủy tinh được viết năm 1926 dưới đáy sông Cheboygan. Tyler Ivanoff, huấn luyện viên bóng rổ ở Alaska, năm 2019 tìm thấy bức thư trong chai được một thủy thủ người Nga viết 50 năm trước.
WHO: Không cần thiết tiêm mũi vaccine tăng cường Những dữ liệu hiện tại không cho thấy các mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19 là cần thiết. Tuyên bố trên được trưởng khoa học gia Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong cuộc họp báo ngày 18/8 tại Geneva (Thụy Sĩ). Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại tỉnh Chiba, Nhật Bản....