Thế giới của “khủng bố online”
Đoạn băng ghê rợn cuộc hành quyết nhà báo Mỹ James Foley xuất hiện trên trang video trực tuyến Youtube ngày 19/8/2014 một lần nữa cho thấy bọn khủng bố vẫn sử dụng Internet làm công cụ tuyên truyền đe dọa nhằm vào thế giới văn minh. Và chúng tiếp tục sử dụng Internet làm phương tiện liên lạc lẫn tuyển mộ tân binh…
Đằng sau những bàn phím
Việc khủng bố sử dụng Internet thật ra không phải mới. Cách đây khoảng một thập niên, nhiều website Hồi giáo cực đoan đã xuất hiện. Tuy nhiên, nếu như lúc trước website khủng bố chỉ tập trung phần tuyên truyền thánh chiến và “biên niên” thành tích giết người, website khủng bố hiện tại lại nhấn mạnh đến tính man rợ và phi nhân tính của hành vi khủng bố.
Trong khi đó, website khủng bố cũng bùng nổ. Theo Gabriel Weimann (thành viên Viện hòa bình Mỹ và là giáo sư Đại học Haifa, Israel), số website khủng bố đã tăng 571% trong 7 năm qua. Tiện ích của Internet đã được tận dụng: thông tin nhanh, rẻ tiền và dễ quảng bá. Không chỉ số lượng website khủng bố tăng mà “chất” cũng biến đổi. Tất nhiên, yếu tố tuyên truyền là rõ ràng nhất. Website của Tổ chức giải phóng hổ Tamil Eelam (LTTE, Sri Lanka) chẳng hạn, luôn nói đến “sự đấu tranh tự do”, tính hợp pháp của vùng đất Tamil Eelam độc lập và tính đúng đắn của đấu tranh vũ trang.
Tuy nhiên, khác với phong trào giành độc lập từ thực dân xâm lược như từng bùng nổ vào thập niên 1960 khắp thế giới, sự “đấu tranh tự do” của chủ nghĩa khủng bố không hề lấy sở nguyện người dân làm mục tiêu và thật ra cũng chẳng đại diện cho số đông công chúng. Hơn thế nữa, “sự đấu tranh” của khủng bố luôn đi kèm với sự sát hại thường dân.
Dùng Internet để tuyên truyền chỉ là phần nổi của tảng băng. Khủng bố còn sử dụng Internet để thực hiện cuộc chiến tâm lý, tuyển mộ thành viên, kích động bạo lực và thậm chí hướng dẫn thực hiện hành động khủng bố. Website khủng bố cũng là nơi tổ chức điều phối và hoạch định khủng bố. Nhà nghiên cứu chính trị Thomas Hegghammer thuộc Tổ chức nghiên cứu quốc phòng Na Uy nói rằng, “trong một phạm vi nào đó, có thể nói Internet đã thay thế các cứ địa để trở thành nơi gặp gỡ của khủng bố”. Tính méo mó của sự “đấu tranh” đã thể hiện trong những từ đại loại “anh hùng”, “hy sinh”, “tử vì đạo”. Vài website còn tấn công đối tượng phụ nữ và thanh thiếu niên để lôi kéo ủng hộ khủng bố.
Video đang HOT
Một website khủng bố hướng dẫn cách chế tạo thuốc độc
Một website tên “Công chúa Taliban” đã khuyến khích các bà mẹ gửi con “ra chiến tuyến”, đồng thời hướng dẫn cách thức mà các bà mẹ có thể giúp đỡ thánh chiến và gieo mầm hận thù cho con trẻ, chẳng hạn kể những câu chuyện khủng bố chấn động hoặc các tấm gương hy sinh “vì nghiệp lớn”… Và như nói ở trên, website khủng bố cũng là cẩm nang hướng dẫn cách thức khủng bố hoặc chế tạo vũ khí. Cựu phóng viên BBC Paul Eedlechuyên nghiên cứu website khủng bốcho biết Internet đã trở thành trại huấn luyện khủng bố. Người ta có thể thấy điều này ở trang web Hamas, với phần chỉ vẽ cách chế bom (14 bài học, trong đó có việc sản xuất dây thắt lưng chứa chất nổ).
Các tập sách như “Cẩm nang khủng bố”, “Công thức chế tạo của kẻ vô chính phủ” hoặc “Sách hướng dẫn bào chế chất độc”… cũng xuất hiện trên nhiều website khủng bố. Một trong những quyển từng gây sốc là “Tự điển bách khoa thánh chiến”, do “ban biên tập” Al-Qaeda trình bày. “Bách khoa toàn thư” này sặc mùi chết chóc, với những hướng dẫn cách trà trộn vào cộng đồng dân cư hoặc cách tấn công bằng bom điều khiển từ điện thoại di động. Bộ sách khổng lồ 7.000 trang với 11 tập lưu hành ở dạng sách in và đĩa CD-ROM thật sự là cẩm nang có một không hai đối với bọn khủng bố.
Nó hướng dẫn mọi thứ, từ tiêm thuốc độc vào thực phẩm đông lạnh, mở khóa cửa cài mật mã, dùng hóa chất cực độc ricin (loại từng được dùng bôi vào đầu cây dù mà tình báo Bulgaria sử dụng để giết kẻ phản bội Georgy Markov tại Luân Đôn năm 1978) cho đến bắn hạ máy bay bằng tên lửa.
Người ta phát hiện quyển cẩm nang giết người tại nhà Khalil Deek năm 1999, khi hắn bị bắt can tội âm mưu đánh bom sân bay tại thủ đô Amman (Jordan) vào đêm giao thừa thiên niên kỷ. Là chuyên gia máy tính tốt nghiệp đại học, Deek (sinh ra ở vùng chiếm đóng của Israel tại Trung Đông) từng ở Peshawar (Pakistan) trong hai năm để “biên soạn một CD-ROM về các bài thuyết giảng của một giáo sĩ Hồi giáo”.
Mỗi tập trong bộ “Tự điển bách khoa thánh chiến” đều có logo đặc thù là hình vẽ khẩu súng máy gác trước cửa sổ và quyển kinh Koran đặt cạnh bên. Các mục tiêu chính được nêu gồm: 1/Nơi tượng trưng cho quyền lực hay mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, như tượng Nữ thần Tự do ở New York hay tháp Eiffel ở Paris; 2/ Các cơ sở hạ tầng quan trọng (nhà máy điện hạt nhân, nhà chọc trời, hải cảng, ga xe lửa…); 3/ Nơi tập trung đông người (sân vận động, rạp hát, quảng trường…). Ngoài ra, cẩm nang giết người còn hướng dẫn cặn kẽ cách chế tạo bom hay cách biến một gói thuốc lá, hộp diêm, thanh sôcôla, ống kem đánh răng… thành quả bom.
Một trang khác hướng dẫn cách làm thế nào để biến một phong bì thành mìn bằng thuốc nổ cực mạnh C4, làm một ngăn tủ nổ tung khi nó được kéo ra và biến một lò sưởi hay lò nướng thịt thành bom nổ chậm… Một bức ảnh vẽ chi tiết cách cài thuốc nổ vào mũ bảo hiểm môtô và dùng thiết bị từ xa cho phát nổ khi nạn nhân đội mũ lên đầu. Một trang khác, “ban biên tập” hướng dẫn cách biến máy quay phim thành bom để ám sát mục tiêu bằng phương pháp cảm tử (đó chính là cách mà bọn Al-Qaeda dùng khi ám sát tướng Liên minh phương Bắc Ahmed Shah Masood hai ngày trước vụ khủng bố nước Mỹ 11/9/2001)…
Ngoài việc nói rõ thuốc nổ Semtex là loại như thế nào, quyển sách còn liệt kê công thức thành phần hóa chất để tạo ra thuốc nổ có thể mua dễ dàng tại siêu thị, bắt đầu từ các hóa chất tổng hợp căn bản rồi liều lượng từng thành phần để kết hợp thành sản phẩm cuối cùng. Mọi hướng dẫn đều chi tiết và cẩn thận, hệt như công thức nấu ăn trong các quyển cẩm nang gia chánh! Trong phần chế tạo mìn, quyển sách hướng dẫn cách làm từ phức tạp bằng thiết bị điện tử với đồng hồ hẹn giờ cho đến vài phương pháp cực kỳ đơn giản bằng dụng cụ thô sơ dễ tìm như chiếc bẫy chuột, cây mắc áo hoặc thậm chí công tắc điện.
Ít nhất bốn chương trong “Tự điển bách khoa thánh chiến” nói về quân sự, từ việc tạo ra một khẩu súng từ vài que sắt vụn cho đến việc tiến hành cuộc tấn công bằng xe quân sự hay cách giết kẻ thù cực nhanh bằng việc ấn vào tử huyệt sau cổ hoặc khí quản đối phương. Dường như chưa đủ, cẩm nang còn hướng dẫn cách sống còn trong môi trường khắc nghiệt, cách cầm máu vết thương, cách bắt và ăn bò cạp hay cách “lọc” nước từ ao tù để uống. Sau những trang hướng dẫn cài bom phá cầu, người ta thấy quyển sách dạy về kỹ thuật in, cách đọc bản đồ và định vị phương hướng bằng việc quan sát sao trên trời đêm. Tầm quan trọng của chiến tranh tâm lý và cách làm nhiễu thông tin cũng được hướng dẫn, với cách tạo sự cố giả và gieo tin đồn nhảm…
Cuộc chiến không đơn giản
Gần đây, một phiên bản mới, tung ra từ chuyên san trực tuyến Al-Battar (có nghĩa “Thanh gươm”), đã hướng dẫn tỉ mỉ cách bắt cóc, chiến lược thương lượng và thậm chí cách quay băng hình cảnh hành hình nạn nhân rồi sau đó đưa lên mạng. Website Hezbollah còn tinh quái hơn khi cung cấp đường dẫn liên kết tới những địa chỉ truyền tải game. Tất cả trò chơi điện tử này đều dạy cách đóng vai chiến binh khủng bố để đánh bom cũng như ám sát… Chiến binh Hamas cũng chẳng lạ gì màn liên lạc bằng hình thức đàm thoại trực tuyến (chat).
Đầu tháng 8/2014, Tunisia đã khóa được một số website liên quan khủng bố và truy tìm được những kẻ quản lý trang. Thủ tướng Mehdi Jomaa và Bộ trưởng Nội vụ Tunisia Lotfi Ben Jeddou đã phải kêu gọi các bậc phụ huynh phải giám sát kỹ hơn sinh hoạt online của con em bởi nhiều nhóm khủng bố tiếp tục bày đủ trò để dụ dỗ tuyển mộ.
Giữa năm 2013, tên khủng bố Santoso đã đưa lên Youtube đoạn băng hướng dẫn cách sử dụng các mạng xã hội để gieo lòng thù ghét đồng thời kêu gọi cuộc thánh chiến toàn diện khắp Indonesia. Trước đó một năm, lực lượng chống khủng bố Indonesia đã bắt được nhóm khủng bố đột nhập vào website công ty Multi Level Marketing, rút được 5,9 tỉ rupee (591.929 USD) và dùng số tiền này để tổ chức cuộc khủng bố vào một nhà thờtheo Jakarta Post.
Thật khó có thể khóa các trang web khủng bố bởi chúng có thể lập tức xuất hiện ở địa chỉ lập mới khác. Và cũng chẳng dễ dàng để rình và phát hiện thông điệp cũng như ảnh khóa mã, trong khi Internet có khoảng 28 tỉ ảnh và 2 tỉ website. Việc truy tìm dấu vết khủng bố trên mạng thật sự không đơn giản.
Đầu năm 2013, theo AP, tổ chức tuyên truyền cực đoan “Mặt trận thông tin Hồi giáo toàn cầu” đã tung ra một hệ thống tin nhắn khóa mã tên “Asrar al-Dardashah” (Những bí mật của liên lạc trực tuyến). Sau khi chương trình nghe lén của Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ bị Edward Snowden tiết lộ, các website khủng bố đã yêu cầu thành viên chúng dùng phần mềm giấu được địa chỉ truy cập.
Theo Năng Lượng Mới