Thế giới có trên 179,4 triệu ca mắc COVID-19 đã khỏi bệnh
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h ngày 1/8 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 198.729.424 ca mắc COVID-19 và 4.236.557 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 179.422.250 ca.
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Arequipa, Peru, ngày 23/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 cho đến nay vẫn là Mỹ với tổng cộng 613.315 ca tử vong trong số 35.745.024 ca mắc. Sau Mỹ là Brazil với 556.437 ca tử vong trong số 19.917.855 ca mắc, Ấn Độ với 424.384 ca tử vong trong số 31.655.824 ca mắc, Mexico với 240.906 ca tử vong trong số 2.848.252 ca mắc…
Quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì dịch COVID-19 cao nhất tính trên số dân là Peru với tỷ lệ 596 ca/100.000 dân, tiếp sau là Hungary (311 ca/100.000 dân), Bosnia-Herzegovina (295 ca/100.000 dân), CH Séc (284/100.000 dân).
Biến thể Delta lây lan nhanh đang đẩy lùi nỗ lực chống dịch tại một loạt quốc gia Đông Nam Á. Thái Lan đã phải gia hạn các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt ở thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ cao cho đến cuối tháng 8 nhằm đối phó với đợt bùng phát lớn nhất cho đến nay. Theo đó, những biện pháp bao gồm hạn chế đi lại, đóng cửa trung tâm mua sắm và áp đặt giờ giới nghiêm, sẽ được mở rộng ra 29 tỉnh, so với 13 tỉnh trước đây. Các nhà hàng trong trung tâm mua sắm sẽ chỉ được phép mở cửa để giao đồ ăn mang đi. Trong ngày 31/7, Thái Lan tiếp tục lập kỷ lục về số ca mắc mới với 18.912 ca, nâng tổng số ca ở nước này lên hơn 597.000 ca, trong đó hơn 4.800 người đã tử vong (tăng 178 ca). Theo dự báo của Bộ Y tế Thái Lan, nước này có thể chứng kiến hơn 40.000 ca nhiễm mới và 500 ca tử vong mỗi ngày, đạt đỉnh điểm vào giữa tháng 9 tới, nếu các quy định phong tỏa hiện tại không được tuân thủ.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Tại Lào, thời gian gần đây số lượng ca mắc là người nhập cảnh luôn ở mức cao, trong đó tỷ lệ ca nhiễm biến thể Delta dễ lây lan là 35%, tức là cứ 3 người mắc COVID-19 thì có một người mang biến thể này. Điều này đã khiến các tỉnh Trung và Nam Lào, nơi có cửa khẩu biên giới với Thái Lan đang chịu áp lực lớn trong việc tiếp nhận và sàng lọc y tế cho người lao động nhập cảnh về nước. Lào ghi nhận thêm 267 ca mắc COVID-19, trong đó đa phần là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 6.566 ca mắc COVID-19 và 7 ca tử vong.
Còn tại Campuchia, số ca mắc COVID-19 mới nhập cảnh vào nước này luôn ở trên ngưỡng 300 ca từ nhiều tuần trở lại đây trong khi biến thể Delta lây lan trong cộng đồng. Ngày 1/8, Campuchia triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh gồm Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh việc tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em là bước quan trọng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Ước tính, khoảng 2 triệu trẻ em ở Campuchia sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong chiến dịch lần này. Thủ tướng Hun Sen cho biết nước này đang cân nhắc mở rộng đối tượng tiêm vaccine sang nhóm tuổi 10-11. Ngoài ra, nhà chức trách Campuchia cũng sẽ sớm triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người trưởng thành đã tiêm đủ liều.
Video đang HOT
Cùng ngày, Trung Quốc ghi nhận 75 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 53 ca lây nhiễm trong cộng đồng mới được ghi nhận ở 8 tỉnh, tăng so với số ca nhiễm cộng đồng mới được công bố trước đó một ngày là 30 ca. Đáng chú ý, một ổ dịch liên quan một sân bay miền Đông nước này hiện được cho là đã làm lây lan ra hơn 20 thành phố và hơn 10 tỉnh. Các thành phố của Trung Quốc đã triển khai xét nghiệm quy mô lớn đối với hàng triệu người và áp đặt hạn chế đi lại mới trong bối cảnh các cơ quan y tế đang gồng mình ngăn chặn tình trạng bùng phát dịch COVID-19 lan rộng nhất ở nước này trong nhiều tháng qua.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Rawalpindi, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN
Pakistan cũng đang tăng đột biến các ca nhiễm mới lên mức cao nhất trong 3 tháng qua, với 5.026 ca ghi nhận trong ngày 1/8. Bộ Y tế Pakistan cho biết 62 người đã tử vong do dịch COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng số người chết do COVID-19 lên 23.422 người. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Pakistan là 1.034.837 ca. Lần gần đây nhất khi số ca mắc mới hằng ngày vượt qua con số 5.000 là vào ngày 29/4 với 5.113 ca. Cho đến nay, Chính phủ Pakistan đã tiêm hơn 29,64 triệu liều vaccine cho người dân nước này.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới ở Hàn Quốc đã giảm xuống còn 1.400 ca ngày 1/8 do có ít xét nghiệm hơn vào cuối tuần, song làn sóng lây nhiễm lần thứ tư chưa có dấu hiệu chậm lại dù chính phủ nước này đã áp dụng mức giãn cách xã hội cao nhất ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết có 1.386 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm lên 199.787 ca. Số ca bệnh mới đã giảm so với con số 1.710 ca ghi nhận ngày 30/7 và 1.539 ca ngày 31/7.
Cũng theo KDCA, đã có thêm 3 ca tử vong, nâng số người tử vong bởi đại dịch ở Hàn Quốc lên 2.098 người. Tỷ lệ tử vong hiện là 1,05%. Số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch lên đến 324 người, tăng 7 người so với ngày 31/7. Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang xem xét những biện pháp bổ sung để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư khi số ca bệnh mới tiếp tục gia tăng trên khắp đất nước, bất chấp nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. KDCA đã gia hạn thời gian giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận cho đến ngày 8/8 tới, đồng thời đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động tiêm chủng bằng cách mở rộng chiến dịch tiêm chủng sang nhóm dân số trẻ hơn.
Trung Quốc đồng loạt báo động trước biến thể Delta
Trung Quốc từng được coi là một hình mẫu thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi liên tiếp đẩy lùi một loạt làn sóng dịch rải rác trong hơn một năm rưỡi qua.
Tuy nhiên, hơn một tuần trở lại đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đợt bùng phát dịch mới xuất phát từ thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô ở miền Đông. Gần như toàn bộ các ca bệnh ở đây đều được xác nhận nhiễm biến thể Delta với khả năng lây nhiễm siêu nhanh và siêu mạnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 28/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Làn sóng dịch lần này xuất phát từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu ở Nam Kinh, một thành phố lớn với dân số hơn 9,3 triệu người. Ngày 20/7, trong một cuộc kiểm tra định kỳ, 9 nhân viên dọn vệ sinh tại sân bay này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chỉ trong 11 ngày tính đến hết ngày 30/7, Nam Kinh đã ghi nhận ít nhất 210 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và 5 ca nhiễm không triệu chứng. Ổ dịch này hiện đã lây lan sang 6 tỉnh và thủ đô Bắc Kinh, ít nhất 15 thành phố ghi nhận các ca bệnh và ít nhất 26 thành phố có người liên quan các ca nhiễm ở Nam Kinh. Đến nay, ít nhất 240 ca bệnh đã được ghi nhận trên toàn Trung Quốc có liên quan ổ dịch Nam Kinh.
Bên cạnh đó, từ ngày 26/7, có ít nhất 15 ca nhiễm trong cộng đồng có tiền sử du lịch đến Trương Gia Giới, một thành phố du lịch nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, và một số người trong đó được cho là có liên quan đến các trường hợp đã đến sân bay Lộc Khẩu ở Nam Kinh. Thủ đô Bắc Kinh cũng đã báo cáo ít nhất 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, là cặp đôi từng đến Trương Gia Giới.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh thành phố Nam Kinh (CDC Nam Kinh) ngày 30/7 thông báo, việc giải trình tự gen của 52 ca bệnh trong đợt bùng phát dịch này cho thấy các trường hợp trên đều có tính tương đồng cao, cho thấy cùng một chuỗi lây truyền và tất cả các chủng đều được xác định là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Cũng theo CDC Nam Kinh, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, chuyến bay số hiệu CA910 từ Nga ngày 10/7 đã được xác định là nguồn gốc dẫn đến đợt lây nhiễm này. 9 nhân viên vệ sinh sân bay Lộc Khẩu bị nhiễm bệnh ban đầu nhiều khả năng do khinh suất không thực hiện đầy đủ quy trình bảo vệ bản thân khi làm vệ sinh khoang máy bay, trước khi làm lây nhiễm cho một loạt nhân viên khác ở sân bay này, nơi có hơn 60 nhân viên vệ sinh.
Theo truyền thông Trung Quốc, kể từ tháng 6 năm ngoái, khi nước này áp dụng biện pháp "ngắt mạch" đối với những chuyến bay đến bị phát hiện có ca mắc COVID-19, chuyến bay CA910 đã bị đình chỉ 10 lần vì chở các hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính. Riêng trong tháng 7, chuyến bay này đã bị đình chỉ 3 lần. Trong 10 chuyến bay bị áp dụng biện pháp "ngắt mạch", CA910 đã vận chuyển tổng cộng 69 bệnh nhân COVID-19 từ Moskva đến các thành phố của Trung Quốc bao gồm Nam Kinh, Thiên Tân và Trịnh Châu.
Nhà chức trách Trung Quốc đã quy trách nhiệm cho các quan chức sân bay Nam Kinh "năng lực giám sát yếu kém và quản lý thiếu chuyên nghiệp" vì không tách các nhân viên vệ sinh trên các chuyến bay quốc tế với những người làm việc trên các chuyến bay nội địa, khiến virus xâm nhập và lây lan. Chỉ 3 ngày sau khi bùng phát làn sóng dịch mới, ngày 23/7, lãnh đạo Tập đoàn Hàng không Phương Đông, đơn vị quản lý sân bay tại Nam Kinh, đã bị đình chỉ công tác do để xảy ra đợt bùng phát dịch lần này.
Đối mặt với biến thể Delta nguy hiểm, nhà chức trách nhiều địa phương ở Trung Quốc đã đồng loạt nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn và kiểm soát làn sóng COVID-19 mới nhất. Tại tâm dịch Nam Kinh và tỉnh Giang Tô, ngoài các biện pháp phòng chống dịch thường thấy lâu nay, hàng trăm nghìn người dân đang phải thực thi lệnh phong tỏa của chính quyền. Nhà chức trách Nam Kinh đã tiến hành 3 đợt xét nghiệm axit nucleic toàn diện, với hàng trăm điểm xét nghiệm cố định và di động, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm cho người dân. Chính quyền Nam Kinh cũng kêu gọi người dân không rời khỏi thành phố trừ khi thực sự cần thiết. Để tăng cường khả năng xét nghiệm axit nucleic, Nam Kinh cũng đã xây dựng 6 phòng xét nghiệm bơm hơi tiên tiến, có thể sàng lọc lên đến 1,8 triệu người mỗi ngày bằng cách sử dụng phương pháp xét nghiệm hỗn hợp.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, tại nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc, giới chức các địa phương này cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như truy vết và phong tỏa để ngăn dịch bệnh lây lan. Hai thành phố Chu Hải và Trung Sơn ở miền Nam tỉnh Quảng Đông đang triển khai những đợt xét nghiệm nhanh trên diện rộng ngay sau khi phát hiện các ca bệnh liên quan tới Nam Kinh. Tại tỉnh Hồ Nam, thành phố Trương Gia Giới đã đóng cửa tất cả các địa điểm du lịch bắt đầu từ sáng 30/7 sau khi phát hiện những ca nhiễm mới nhất. Tính đến 6 giờ chiều 29/7, hơn 226.000 người trong thành phố đã được lấy mẫu xét nghiệm, và hơn 120.200 xét nghiệm đã được hoàn thành, với một kết quả dương tính là người phụ nữ làm việc cho một công ty du lịch địa phương.
Trước đó, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn về COVID-19 cho các chuyến bay và sân bay, trong đó cấm nhân viên phục vụ các chuyến bay quốc tế sử dụng các phương tiện công cộng mà hành khách có thể tiếp cận. Họ cũng được yêu cầu không tiếp xúc với nhân viên phục vụ các chuyến bay nội địa, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Ông Trương Văn Hồng, một chuyên gia y tế nổi tiếng ở Trung Quốc, nhấn mạnh rằng các ca bệnh được xác nhận tại những khu vực khác nhau ở nước này về cơ bản được phát hiện trong nhóm nguy cơ cao, vẫn có liên quan đến chuỗi lây truyền ở sân bay Lộc Khẩu và không có trường hợp lây nhiễm cộng đồng nào được tìm thấy ngoài chuỗi lây truyền đó. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Mùa Hè thường là mùa du lịch của người Trung Quốc, với lượng khách du lịch đi lại cực kỳ đông đúc, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Giới chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nước này cũng cần phải học cách cùng tồn tại với COVID-19. Ông Ngô An Hoa, chuyên gia y tế của Bệnh viện Tương Nhã ở thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, cho rằng để phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, "điều quan trọng là phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa tại các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những sân bay lớn và nhà ga."
Theo ông Khâu Hải Ba, một chuyên gia chăm sóc đặc biệt ở Giang Tô, biến thể Delta là một dạng virus có khả năng lây nhiễm cao vì những bệnh nhân bị nhiễm chủng Delta có tải lượng axit nucleic cao hơn. Những người bị nhiễm chủng virus này thường không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ như đau nhức cơ và rối loạn khứu giác. Hầu hết các bệnh nhân nặng đều có một số bệnh nền như các bệnh về đường hô hấp, tiểu đường, cao huyết áp hoặc béo phì. Điều quan trọng là phải có những biện pháp vệ sinh tốt như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì khoảng cách xã hội.
Các chuyên gia cũng khẳng định rằng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn có hiệu quả để bảo vệ con người khỏi các biến thể của virus SARS-CoV-2. Ông Bào Xương Tuấn, một chuyên gia về phòng ngừa và điều trị COVID-19 của Ủy ban Y tế tỉnh Giang Tô nói rằng, "theo các nghiên cứu trước đây, những ca nhiễm chưa được tiêm phòng có khả năng trở thành bệnh nhân nặng cao hơn nhiều so với những người đã được tiêm phòng".
Chuyên gia Trương Văn Hồng nhấn mạnh rằng mọi người vẫn có thể bị nhiễm bệnh sau khi được tiêm chủng, nhưng số ca nhiễm có thể cao hơn nhiều nếu người dân không tiêm phòng. Chuyên gia này cho rằng "việc tiêm phòng được kỳ vọng sẽ làm giảm tác hại của virus SARS-CoV-2 xuống mức cúm mùa bằng cách thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng trong một thời gian ngắn".
Theo chuyên gia này, nếu không có vaccine, con người có thể phải mất hàng thập niên để chung sống với virus này trong khi phải trả một cái giá rất đắt. Hầu hết các nhà virus học trên thế giới đều đồng ý rằng đây là một loại virus mà chúng ta phải học cách chung sống và dịch bệnh ở Nam Kinh càng củng cố thêm nhận định rằng sẽ luôn có những nguy cơ lây nhiễm trong tương lai. Do vậy, cần nâng cao nhận thức của mọi người về phòng ngừa và kiểm soát cùng với sức mạnh của hệ thống y tế công cộng để có thể "sống chung" với virus.
COVID-19 tại ASEAN hết 29/7: Cả khối thêm 92.786 ca mắc và 2.419 ca tử vong Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 29/7, 8 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 92.786 ca mắc COVID-19 và 2.419 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 7.112.863 ca, trong đó 141.911 người tử vong. Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan, ngày...