Thế giới có trên 117,5 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h ngày 8/3 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 117.527.144 ca mắc COVID-19 và 2.606.905 ca tử vong.
Số ca được điều trị khỏi là 93.039.448 ca. Ước tính cho đến nay khoảng 301,4 triệu người trên toàn cầu đã được tiêm chủng (khoảng 3,8%), cao hơn 2,5 lần so với số ca mắc COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ chiếm tới 25% tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới, trong khi số ca tử vong chiếm 20%. Cụ thể, Mỹ hiện ghi nhận 29.697.188 ca mắc COVID-19, cao nhất trên thế giới, trong đó có 537.841 ca tử vong. Một năm sau kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 dù đang chạy đua với thời gian để tiêm phòng cho người dân cũng như ngăn chặn số ca nhập viện và tử vong vì virus đáng sợ này gia tăng.
Đứng thứ hai trên thế giới về số ca mắc COVID-19 là Ấn Độ với 11.229.398 ca mắc và 157.890 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 18.711 ca dương tính với SARS-CoV-2, mức cao mới trong những ngày gần đây. Ấn Độ đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày tại nước này liên tục tăng trong nhiều ngày qua. Từ ngày 11/3, thành phố Aurangabad thuộc bang miền Tây Maharashtra bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa một phần vào các ngày trong tuần và phong tỏa hoàn toàn vào các ngày cuối tuần.
Sau Ấn Độ là Brazil với 11.019.344 ca mắc và 265.500 ca tử vong. Đáng chú ý, tại bang Mato Grosso – khu vực sản xuất ngũ cốc lớn nhất tại nước này, mạng lưới bệnh viện đã bắt đầu quá tải do số bệnh nhân COVID-19 gia tăng. Đây là bang thứ ba ở Brazil đề nghị chuyển bệnh nhân COVID-19 ra khỏi bang do thiếu giường bệnh trong làn sóng lây nhiễm mới nhất. Trong 2 tuần qua, số ca tử vong tại bang này tăng thêm 28%.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 ở Campuchia đang nóng lên khi số ca mắc nhanh chóng vượt 1.000 người hơn hai tuần sau “Sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2″. Sáng 8/3, Bộ Y tế Campuchia xác nhận 24 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trong nước lên ư1.011 người, trong đó 517 người đã bình phục. Hiện nhiều địa phương tại Campuchia đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 sau khi “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2″ ở thủ đô Phnom Penh chính thức lan ra 5 tỉnh.
Philippines trong ngày 8/3 cũng ghi nhận 3.346 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 597.763 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Philippines có trên 3.000 ca mắc mới. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 12.521 ca. Đến nay, Philippines đã thực hiện lệnh phong tỏa gần 1 năm để phòng chống dịch COVID-19.
Tại Syria, Tổng thống Bashar al-Assad và Phu nhân đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi có các triệu chứng nhẹ.
Ngoài một số điểm nóng kể trên, tình hình dịch COVID-19 ở các khu vực khác trên thế giới nhìn chung có chiều hướng lắng dịu. Thái Lan cho biết bắt đầu từ tháng 4 tới, nước này sẽ giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh nước này, từ 14 ngày hiện nay xuống còn 7 ngày. Người nước ngoài phải được tiêm phòng COVID-19 trong vòng 3 tháng trước khi nhập cảnh Thái Lan và phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Những du khách chưa tiêm phòng nhưng có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính sẽ phải cách ly 10 ngày.
Trong khi đó, tại Israel, lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã được dỡ bỏ sau gần 3 tháng áp đặt. Theo đó, công dân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Israel nếu đơn xin nhập cảnh của họ được ủy ban đặc biệt xét duyệt. Nội các Israel cũng cho phép người dân nước này nhập cảnh về nước, với tối đa 3.000 người mỗi ngày. Theo Bộ Y tế Israel, hệ số lây nhiễm COVID-19 ở nước này đã giảm từ 1,02 xuống 0,99 – tức một bệnh nhân COVID-19 sẽ chỉ lây bệnh ra cộng đồng cho một người khác.
Chính phủ Anh cũng đang bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch, với hy vọng sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường vào cuối tháng 6. Hàng triệu trẻ em ở vùng England đã đi học trở lại trong ngày 8/3 sau hai tháng nghỉ ở nhà do dịch COVID-19. Cùng ngày, hàng trăm nghìn người sống ở các cơ sở chăm sóc ở vùng England có thể bắt đầu đón khách đến thăm ở không gian trong nhà. Ngoài ra, hai người không cùng một gia đình cũng có thể gặp nhau ở không gian công cộng. Giai đoạn nới lỏng tiếp theo là vào ngày 29/3, theo đó việc tụ tập ngoài trời được cho phép 6 người hoặc 2 hộ gia đình tham gia. Các hoạt động thể thao ngoài trời như tennis, bóng rổ và golf cũng được phép diễn ra.
COVID-19 tới 6 giờ sáng 5/1: Anh tái phong tỏa toàn quốc; Tâm dịch nguy cơ quay lại châu Á
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 454.574 trường hợp mắc COVID-19 và 7.886 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên gần 86 triệu người, trong đó gần 1,86 triệu ca tử vong. Tâm dịch của thế giới có nguy cơ tái bùng phát ở châu Á.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 2/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 85.973.513 ca, trong đó có 1.858.685 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 60.920.358 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 23.194.287 ca và 107.687 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 4/1, thế giới có tới 129 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.
Video đang HOT
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 3/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Trong mấy ngày qua, việc hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á gia tăng mạnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang làm dấy lên tâm lý lo ngại tâm dịch quay trở lại châu lục này.
Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ngay đầu Năm mới 2021. Mới nhất là trường hợp của Vương quốc Anh.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 361.500 ca tử vong trong tổng số 21.262.673 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 149.881 ca tử vong trong số 10.345.118 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 196.561 ca tử vong trong số 7.753.746 bệnh nhân.
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Paris, Pháp trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 11/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, Chính phủ Đức và chính quyền 16 bang đã nhất trí gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 31/1 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đức đã phải áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt đợt 2 từ ngày 16/12/2020 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, theo đó các trường học, cửa hàng, nhà hàng và quán rượu phải đóng cửa. Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp mới vào ngày 5/1.
Tương tự, Chính phủ Áo cũng quyết định kéo dài lệnh phong tỏa thêm một tuần cho đến ngày 24/1, theo đó các nhà hàng và cửa hàng bán đồ không thiết yếu tiếp tục phải đóng cửa. Quyết định này được đưa ra sau khi các đảng phái đối lập phong tỏa một dự luật cho phép những người có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 có thể đi ra ngoài để tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao, mua các mặt hàng không thiết yếu hay đi cắt tóc, một tuần trước khi kết thúc lệnh phong tỏa vào ngày 24/1.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các trường học cũng vẫn đóng cửa cho đến ngày 24/1 hay mở cửa theo kế hoạch ban đầu là vào ngày 18/1.
Học sinh bắt đầu đi học trở lại sau một thời gian nghỉ do dịch COVID-19 tại Glasgow, Scotland cua Anh, ngày 12/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, tại Vương quốc Anh, phát biểu trên truyền hình ngày 4/1, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố: "Chúng ta quyết định phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Biện pháp này đồng nghĩa với việc chính phủ chỉ đạo người dân ở trong nhà".
Nhà lãnh đạo Anh cho hay lệnh phong tỏa toàn quốc mới sẽ được áp đặt ít nhất tới giữa tháng 2 nhằm đối phó với sự bùng phát của biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, vốn khiến số ca mắc bệnh tại "đảo quốc sương mù" tăng vọt trong những ngày qua.
Thủ tướng Johnson khẳng định Chính phủ Anh đi tới quyết định này bất chấp việc Anh đã đẩy nhanh chương trình tiêm phòng COVID-19 và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm phòng vaccine do Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca nghiên cứu phát triển chung.
Theo sắc lệnh mới nói trên, từ ngày 5/1, các trường tiểu học, trung học và cao đẳng sẽ phải đóng cửa. Sinh viên đại học sẽ không tới trường ít nhất đến giữa tháng 2. Người dân được yêu cầu ở trong nhà; người lao động làm việc từ xa trừ trường hợp bất khả kháng và mọi người dân chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần kíp. Những cửa hàng không bán đồ cần thiết và dịch vụ chăm sóc cá nhân như làm móng, làm tóc sẽ phải đóng cửa; Nhà hàng vẫn có thể mở cửa nhưng chỉ được bán đồ cho khách mang đi...
Trước đó, Thủ hiến vùng Scotland Nicola Sturgeon thông báo áp đặt một lệnh phong tỏa mới trên toàn vùng, bắt đầu từ nửa đêm 4/1 cho đến hết tháng này, theo đó, người dân trong vùng bắt buộc phải ở trong nhà.
Ông Sturgeon đưa ra thông báo trên sau khi Nghị viện Scotland được triệu tập để thảo luận thêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 do số ca nhiễm tăng nhanh gây lên lo ngại nghiêm trọng. Theo ông, tình hình dịch bệnh ở Scotland hiện nghiêm trọng hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ tháng 3/2020.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Thessaloniki, Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Hy Lạp, nước này đã ghi nhận 4 ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đây đều là những người vừa từ Anh đến Hy Lạp và đang được cách ly. Hy Lạp đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong vòng 1 tuần kể từ ngày 3/1, trong đó có đóng cửa các tiệm làm tóc và hiệu sách, những cơ sở kinh doanh được mở cửa trở lại trong thời gian trước lễ Giáng sinh vừa qua.
Tại châu Á, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã công bố quy định kéo dài thời gian cách ly từ 14 ngày lên thành 21 ngày đối với những người nhập cảnh từ nước ngoài để phòng dịch.
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng quyết định tiếp tục đóng cửa các trường học cho đến giữa tháng 2 tới do tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Các trường học tại Hong Kong hầu như đã đóng cửa trong 1 năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều trường học đã chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 19/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Cục trưởng Giáo dục Hong Kong Kevin Yeung, toàn bộ các trường mẫu giáo và trường trung học sẽ đình chỉ giảng dạy trực tiếp cho đến sau kỳ nghỉ lễ Tết Âm lịch kết thúc ngày 15/2 tới. Các trường tiểu học và trung học cơ sở có thể cho phép một số học sinh trở lại trường tham dự các kỳ thi song phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt hướng dẫn y tế phòng tránh dịch bệnh.
Cuối tháng 11/2020, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Hong Kong đột ngột tăng trở lại, buộc chính quyền đặc khu phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch như quy định các nhà hàng đóng cửa trước 18h hằng ngày, đóng cửa phòng tập thể thao và cửa hàng làm đẹp.
Đường phố vắng vẻ vì giãn cách xã hội mùa COVID-19 tại New Zealand. Ảnh: Anadolu Agency
New Zealand cũng siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới do lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang làm gia tăng các ca mắc COVID-19 ở nước ngoài.
Cụ thể, tất cả những ai đến từ Anh và Mỹ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay tới nước này, cũng như sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm 2 lần trong thời gian cách ly bắt buộc tại đây. Theo Bộ Y tế New Zealand, đây là "các bước phòng ngừa bổ sung để tạo ra một lớp bảo vệ mới" đối với biến thể mới của virus SARS-CoV-2, hiện đã được phát hiện ở hơn 30 quốc gia.
Trong 2 tuần trước Giáng sinh, New Zealand đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có 5 trường hợp đến từ Anh và 1 trường hợp từ Nam Phi, tại các cơ sở cách ly sau nhập cảnh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford cho cụ Trevor Cowlett, 88 tuổi, tại bệnh viện Churchill ở Oxford, tây nam nước Anh, ngày 4/1/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Liên quan tới vaccine phòng COVID-19, Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho người dân mũi vaccine phòng COVID-19 do hãng dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh bào chế.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford là "chiến thắng của khoa học Anh", đồng thời coi đây là phương thức duy nhất về lâu dài sẽ đưa thế giới thoát khỏi đại dịch. Theo ông, Anh đã tiêm 1 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cho người dân, nhiều hơn tất cả các nước châu Âu cộng lại.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 29/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng chương trình tiêm chủng trước kỳ nghỉ lễ Tết Âm lịch vào tháng 2 tới. Trong 2 ngày cuối tuần qua, đã có hơn 73.000 người ở Bắc Kinh được tiêm mũi đầu tiên của vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Sinopharm của nước này bào chế, sau khi giới chức y tế nước này cấp phép lưu hành loại vaccine này.
Các kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine do Sinopharm sản xuất có hiệu quả ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 tới 79%. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tiêm chủng cho hàng triệu người vào mùa Đông năm nay chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm Tết Âm lịch vào giữa tháng 2 tới.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/1/2021, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.819 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 35.550 người.
Vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech. Ảnh: THX/ TTXVN
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar. Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại "quốc gia vạn đảo" tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận 6.753 ca COVID-19 và 177 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 772.103 ca và 22.911 ca.
Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ tư khu vực với 6 người thiệt mạng.
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.741 ca bệnh mới, 7 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.
Myanmar dịch bệnh những ngày gần đây đang có chiều hướng hạ nhiệt khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm. Quốc gia thành viên ASEAN này ghi nhận 590 ca bệnh mới và 16 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. "Xứ sở chùa phật ngọc" tiếp tục ghi nhận ca tử vong vì COVID-19.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 35.551 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 207 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.567.918 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.360.576 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 4/1.
Vaccine phòng COVID-19 của Oxford/AstraZeneca. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/1 đã lên tiếng bảo vệ chiến lược tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh ngày càng vấp phải nhiều sự chỉ trích từ các quốc gia thành viên liên quan đến việc chậm triển khai tiêm chủng đối với khu vực có dân số 450 triệu người này.
Các chương trình tiêm chủng ở 27 quốc gia có khởi đầu chậm chạp và một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng đổ lỗi cho cơ quan điều hành của EU vì nhận thấy đã không được cung cấp đủ liều lượng vaccine.
Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn EC Eric Mamer cho biết vấn đề chính của việc triển khai các chương trình tiêm chủng "là năng lực sản xuất, một vấn đề mà mọi người đang phải đối mặt... Chúng tôi thực sự đã ký các hợp đồng cho phép các quốc gia thành viên tiếp cận với 2 tỷ liều, hầu như đủ để tiêm chủng cho toàn bộ dân số EU"
Liên quan đến kế hoạch phân phối vaccine, Công ty vận hành sân bay Dubai Airports của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), điều hành sân bay quốc tế Dubai (DXB) và sân bay Al Maktoum (hay còn gọi là Dubai World Central - DWC), cùng hãng GMR Hyderabad (GMR-HYD) đã phối hợp thành lập một hành lang phân phối vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu.
Xe tải chở vaccine ngừa COVID-19 của công ty Sinovac Biotech tại sân bay Soekarno-Hatta ở Tangerang, Indonesia, ngày 31/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Công ty Dubai Airports - với các cơ sở hàng hóa liên kết tại các sân bay DXB và DWC, kết hợp với đối tác cung cấp dịch vụ sân bay Dnata cargo, tạo ra hành lang vaccine HYD-DXB cho phép vận chuyển lên tới 300 tấn vaccine mỗi ngày.
Cùng ngày, hãng dược Moderna Inc của Mỹ thông báo trong năm 2021 sẽ sản xuất ít nhất 600 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, tăng 100 triệu liều so với dự báo trước đó của hãng này, khi mà Mỹ tiếp tục triển khai tiêm phòng vaccine.
Theo Moderna, công ty này đang nỗ lực đầu tư và tuyển dụng nhằm cung cấp lên đến 1 tỷ liều vaccine, mức cao hơn dự báo sản lượng của hãng. Moderna cho biết tới nay đã cung cấp khoảng 18 triệu liều vaccine cho Chính phủ Mỹ, trong một phần thỏa thuận 200 triệu liều. Moderna cũng ký một thỏa thuận cung cấp cho Chính phủ Canada 40 triệu liều.
Lý do Ấn Độ tạm cấm xuất khẩu vaccine COVID-19 của AstraZeneca Ấn Độ sẽ tạm thời không cho phép xuất khẩu vaccine do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu phát triển. Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 2/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN Đây là tuyên bố được ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII)- hãng sản...