Thế giới 24h: Phi cơ Thổ Nhĩ Kỳ áp sát Syria
Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến đấu cơ tới biên giới giáp với Syria EU nhận giải Nobel Hòa bình 2012 Nhật Bản đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc lên Tòa án Công lý Quốc tế… là các tin nóng trong ngày.
Nổi bật
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhân chứng cho hay, hôm 12/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa 2 chiến đấu cơ tới biên giới giáp Syria, sau khi một trực thăng quân sự của Damascus ném bom xuống thị trấn Azmarin của Ankara.
Cùng ngày, theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đã điều 60 xe tăng đến dọc biên giới Syria, nơi tính đến thời điểm hiện tại đã có 250 xe thiết giáp, cũng như pháo nòng ngắn có tầm bắn khoảng 40km được triển khai.
Lực lượng không quân đồn trú tại khu vực này cũng được tăng cường đáng kể. Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định điều thêm 25 máy bay loại F-16, nâng tổng số các máy bay chiến đấu ở biên giới giáp với Syria lên 55 chiếc.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường vũ trang cho vùng biên giới giáp Syria. (Ảnh: National Turk)
Hôm 11/10, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố máy bay chở khách của Syria bị buộc hạ cánh ở thủ đô Ankara là đang chở thiết bị quốc phòng do Nga sản xuất để giao cho lực lượng vũ trang ở Syria.
Phát biểu trước báo giới tại Ankara, ông Erdogan nói: “Đây là thiết bị và đạn dược được một công ty Nga gửi đến Bộ Quốc phòng Syria”. Tuy nhiên, Syria đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vu khống, hãng tin BBC cho hay.
Trưa 12/10, Cơ quan liên bang Nga về hợp tác quân sự-kỹ thuật (FSVTS) và Tập đoàn xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronoexport cũng đã lên tiếng khẳng định họ không chuyên chở vũ khí, đạn dược cho Syria.
Video đang HOT
Giao tranh dọc theo biên giới dài 900 km của Thổ Nhĩ Kỳ giáp Syria đã lan sâu vào trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả tương tự những cuộc tấn công bằng đại bác và súng cối từ Syria.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, các cuộc giao tranh giữa những tay súng của phe đối lập và các lực lượng thuộc Chính phủ Syria đã diễn ra một cách ác liệt trong tuần này tại Azmazin cùng những thị trấn lân cận.
Tin vắn
- Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra quyết liệt trước ứng viên phó tổng thống Đảng Cộng hòa Paul Ryan trong buổi tranh luận về chính sách đối ngoại và kinh tế ngày 12/10.
- Cảnh sát Pakistan hôm 12/10 cho biết, họ đã bắt giữ một số kẻ tình nghi trong vụ bắn bé gái 14 tuổi, người dám can đảm nói lên sự thật về hành động tàn bạo của Taliban.
- Lễ kỷ niệm 10 năm ngày xảy ra những vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại Bali – hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia, đã diễn ra tại Công viên Garuda Wisnu Kencana.
- Ali al-Moussawi, cố vấn truyền thông của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki hôm 12/10 cho biết nước này nhất trí mua 24 máy bay chiến đấu và huấn luyện của Cộng hòa Séc.
- Ủy ban Nobel Na Uy hôm 12/10 cho biết Liên minh châu Âu đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2012 nhờ vai trò lâu dài trong việc đoàn kết toàn châu lục.
- Báo Bưu điện Bangkok cho hay, cựu Thủ tướng nước này Thaksin Shinawatra hôm 11/10 đã bác quyết định bắt giữ của Tòa án tối cao Thái Lan vì tội lạm dụng quyền lực.
- Ngoại trưởng Nhật Bản tuần tới sẽ công du 3 nước châu Âu gồm Pháp, Anh và Đức, tìm kiếm sự ủng hộ lập trường của Nhật về chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
- Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản khẳng định, nước này không thay đổi chính sách đơn phương đưa tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Tin ảnh
Cảnh sát Thái Lan hôm 12/10 diễn tập chống đánh cướp. (Ảnh: THX)
Phát ngôn ấn tượng
Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy tuyên bố, giải Nobel Hòa bình năm 2012 là sự ghi công hơn 6 thập niên các nước EU nỗ lực “vượt qua chiến tranh và những phân cách”.
Ngày này năm xưa
Cuộc nội chiến khốc liệt ở Lebanon đã kéo dài từ ngày 13/4/1975 cho tới ngày 13/10/1990 mới chấm dứt.
Theo VNN
Tưởng niệm nạn nhân vụ đánh bom Bali
Ngày 12.10, nhiều nạn nhân sống sót và thân nhân của những người thiệt mạng trong vụ đánh bom khủng bố thảm khốc tại Bali (Indonesia) đã tiến hành lễ tưởng niệm 10 năm sau sự kiện đau buồn này trên khắp nước Úc.
Vụ đánh bom nổ ra tại một hộp đêm nổi tiếng ở Bali vào ngày 12.10.2002. Trong số 21 quốc gia có công dân bị thiệt mạng, Úc là nước có số người tử vong cao nhất với 88 người chết, theo AFP.
Lễ tưởng niệm đã được tổ chức tại nhiều thành phố lớn như Sydney, Perth, Melbourne, Adelaide, Gold Coast và thủ đô Canberra.
Lễ tưởng niệm tại thành phố Sydney (Úc) ngày 12.10
Phát biểu tại một lễ tưởng niệm, bà Wiwiek Setyawati Firman, đại diện ngoại giao Indonesia tại Úc, cho biết cả nước Indonesia đã giận dữ và tự hỏi "tại sao chuyện này lại xảy ra và tại sao lại xảy ra tại Bali".
"10 năm sau khi vụ việc xảy ra, nỗi đau mất mát vẫn âm ỉ. Nhưng không có một hành động khủng bố nào có thể làm suy yếu tình hữu nghị hai nước cũng như phá hoại được những giải pháp chung cùng chống khủng bố trên toàn thế giới", bà Firman khẳng định.
Thủ tướng Úc hiện đang ở Bali để tham dự các hoạt động tưởng niệm tại đây, nhằm dẹp tan những lời đe dọa khủng bố sẽ phá hoại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Úc Julia Gillard cho biết bà thấu hiểu hậu quả tồi tệ mà vụ đánh bom đã gây ra, nói rằng "dù nỗi đau có nguôi ngoai, nhưng vẫn không có gì lấp đầy được khoảng trống do việc mất người thân để lại".
Tuy nhiên, bà khẳng định quan hệ Úc và Indonesia đang được "thắt chặt" hơn bao giờ hết.
Tại Bali ngày 12.10, hàng trăm người sống sót và người thân của những nạn nhân xấu số cũng đã tụ tập tại lễ tưởng niệm để bày tỏ sự tiếc thương cho hơn 200 người thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát diễn ra cách đây 10 năm.
Được biết, buổi lễ diễn ra dưới sự kiểm soát gắt gao của 2.000 cảnh sát và binh lính quân đội, bao gồm cả lính bắn tỉa.
Chính phủ Indonesia đã thắt chặt an ninh sau khi nhận được một lời đe dọa khủng bố "đáng lưu tâm" nhắm vào dịp lễ tưởng niệm được tổ chức tại Bali.
Rất nhiều người tham dự tại lễ tưởng niệm những nạn nhân xấu số được tổ chức ở thành phố Sydney ngày 12.10
Thủ tướng Úc (trái) và Ngoại trưởng Indonesia cùng cúi đầu mặc niệm
Thủ tướng Úc Julia Gillard (phải) và Ngoại trưởng Indonesia Marty M. Natalegawa tại các bảng dán hình các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ đánh bom, được đặt ở công viên Garuda Wisnu Kencana, Bali
Hàng trăm người khóc thương cho những nạn nhân xấu số tại lễ tưởng niệm diễn ra ở công viên Garuda Wisnu Kencana (Bali, Indonesia) ngày 12.10
Theo TNO
Ai sẽ là chủ nhân Nobel Hòa bình 2012? Trước công bố giải Nobel Hòa bình vào ngày hôm nay, dự đoán về chủ nhân của giải thưởng sôi nổi suốt mấy ngày qua. Những cái tên nổi bật gồm có EU và các lãnh đạo tôn giáo, những người đóng góp không mệt mỏi cho sự hòa hợp giữa đạo Hồi-Thiên Chúa. 3 người phụ nữ đã dẫn dắt cuộc chiến...