The Crown: “Cung đấu” chân thật, kịch tính về người phụ nữ quyền lực nhất Hoàng gia Anh
The Crown (Hoàng Quyền) là bộ phim phải xem với những ai quan tâm đến Hoàng gia Anh.
(Cảnh báo: Bài viết tiết lộ nội dung The Crown)
Là một trong những chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới, hoàng gia Anh luôn làm công chúng phải tò mò. Điều gì được che giấu đằng sau những cánh cửa sắt đóng kín, những tòa lâu đài nguy nga và những nghi lễ cầu kì? Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi The Crown (Hoàng Quyền) – series truyền hình tái hiện toàn bộ triều đại của nữ hoàng Elizabeth II trở thành cơn sốt trên Netflix. Trải qua 3 mùa, The Crown vẫn được giới chuyên môn đánh giá rất cao và nhận được đến 26 đề cử Emmy.
1. Vén bức màn về người quyền lực nhất Anh Quốc
Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi năm 1953 và hiện tại vẫn là người đứng đầu hoàng gia Anh. Bà là quân vương có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử và cũng đã cùng quốc gia trải qua rất nhiều thăng trầm. Khán giả có thể chỉ mất 5-10 phút tra cứu trên Google để đọc hết tiểu sử về Nữ hoàng, nhưng phải xem The Crown mới hiểu hết được tính cách và con người của Elizabeth.
Khác với những gì công chúng vẫn nghĩ, ngai vàng là gánh nặng và trọng trách nhiều hơn niềm vui thú. Elizabeth phải lên ngôi từ năm 26 tuổi sau cái chết đột ngột của người cha. Không được chuẩn bị đủ kĩ càng, bà đã phải đối mặt với tranh chấp quyền lực giữa các phe phái chính trị và sự bất đồng trong chính nội bộ gia đình.
Từng sự kiện quan trọng trong lịch sử hoàng gia được tái hiện chân thực và sinh động trong phim, như đám cưới của Elizabeth với Hoàng tế Philip; hôn nhân của Công chúa Margaret; chuyện tình tay ba rắc rối giữa Thái tử Charles, Công nương Diana và bà Camilla…
2. Vừa học sử, vừa xem “cung đấu”
Điều thu hút ở The Crown là thay vì mô tả những câu chuyện lịch sử khô cứng, phim khắc họa từng nhân vật với những nét tính cách rất “đời”. Elizabeth nhân hậu, đĩnh đạc nhưng có phần thiếu quyết đoán. Philip luôn cảm thấy khó chịu với những nghi lễ “cổ lỗ sĩ” và chán ghét cuộc sống hoàng gia. Margaret hào sảng và phóng khoáng, lúc nào cũng ngầm đối đầu với chị. Dù có biết trước cái kết của sự kiện, khán giả vẫn sẽ cảm thấy bất ngờ và tò mò trước cách ứng xử của nhân vật.
3. Dàn diễn viên hợp vai
Làm nên sự thành công của The Crown, không thể không nhắc đến công lao của nữ diễn viên Claire Foy. Claire Foy không chỉ xinh đẹp, sang trọng mà còn có đôi mắt cực kì có hồn. Cô đã hóa thân xuất sắc vào Nữ hoàng Elizabeth thời trẻ. Nhiều người xem cảm thấy tiếc nuối khi cô không thể đi cùng phim cho đến những tập cuối cùng. Dù vậy, Olivia Colman – người vào vai Nữ hoàng khi về già cũng cực kì ấn tượng khi mang đến một phong thái hoàn toàn khác: dịu dàng mà quyền lực.
Claire Foy trong vai Nữ hoàng Elizabeth thời trẻ
Olivia Colman thủ vai Nữ hoàng khi về già
Những diễn viên phụ trong The Crown cũng toàn những gương mặt sừng sỏ, trong đó phải kể đến Jared Harris trong vai vua George VI và John Litva trong vai Thủ tướng Winston Churchill.
4. Hình ảnh gây choáng ngợp
The Crown là một trong những bộ phim tốn kém nhất lịch sử truyền hình, khi ngay phần 1 đã ngốn của Netflix 100 triệu bảng (3 nghìn tỉ đồng). Nhà sản xuất “chơi lớn” khi tái hiện cung điện xa hoa và những bộ cánh lộng lẫy của các thành viên hoàng tộc. Hai chiếc váy mà Nữ hoàng mặc trong đám cưới và lễ đăng quang gần như giống thực tế đến 100%.
Có khá nhiều bộ trang phục lộng lẫy nhưng chỉ xuất hiện trong 1,2 phân cảnh, khiến người xem không khỏi tiếc đứt ruột. Phần hình ảnh cũng rất được chăm chút, thể hiện chất hoài cổ và không khí nước Anh nửa thế kỉ trước.
Dù có tiết tấu chậm rãi, The Crown không hề lê thê và nặng nề. Trái lại, phim còn mang đến nhiều khoảng khắc gay cấn và bài học ý nghĩa. Đây là bộ phim phải xem với những ai yêu mến hoàng gia Anh hay muốn tìm hiểu thêm về lịch sử thế giới.
Trailer The Crown
Đánh giá của người viết: 9/10.
Theo trí thức trẻ
10 Bộ phim tốc độ người xem có thể "cày" trước khi Ford v Ferrari đổ bộ vào Việt Nam
Trước Ford v Ferrari, đây là những bộ phim về những tay đua cự phách.
Ford v Ferrari của năm nay không chỉ tái hiện giai thoại hãng Ford đối đầu với Ferrari trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô mà còn đáng dấu sự trở lại của thể loại phim ảnh, về những cuộc đua tốc độ. Lần này, Christian Bale sẽ trở thành tay đua cự phách đối đầu với hãng Ferrari dưới sự trợ giúp của kĩ sư lập dị do Matt Damon thủ vai.
Tổng hợp những bộ phim đua xe hay nhất. Ảnh: IMDb
Trước khi bộ phim đổ bộ vào các rạp phim Việt Nam vào ngày 29.11 này, bạn cũng có thể "cày" 10 bộ phim cùng thể loại dưới đây.
1. Ben-Hur (1959)
Bộ phim tái hiện cảnh đua xe ngựa ấn tượng nhất trong lịch sử. Ảnh: IMDb
Ben-Hur (1959) không hẳn là một bộ phim về đua xe (ngựa), nhưng tác phẩm điện ảnh kinh điển của William Wyler có một trong những cảnh đua xe ấn tượng nhất từng được tái hiện trên phim ảnh. Sau hơn 60 năm kể từ ngày phim được xây dựng, Ben-Hur vẫn không ngừng làm khán giả phải trầm trồ và kinh ngạc trước những cảnh quay tran màn hình đầy ấn tượng với những cổ xe ngựa quy mô và cuộc đua gay cấn. Dĩ nhiên, phân cảnh ấn tượng nhất trong phim vẫn là khoảng khắc nhân vật chính Ben-Hur trở lại cỗ xe sau một cú nhảy quá đà xuýt chút nữa là đưa anh khỏi vị trí cần đến.
2. Speedway (1968)
Speedway (1968) có thể không phải là bộ phim thuộc thể loại đua xe hay nhất, nhưng tác phẩm vẫn có những điểm để lại ấn tượng cho người xem.
Bộ phim có sự tham gia của Elvis Presley. Ảnh: IMDb.
Speedway quy tụ những gương mặt nổi tiếng bấy giờ như Nancy Sinatra và Elvis Presley (bộ đôi cũng bắt tay làm nên những bản nhạc phim chất lượng cho chính Speedway), Cale Yarborough và Richard Petty. Không chỉ đối với những người hâm mộ những bộ phim về tốc độ, Speedway còn là một bộ phim dành cho những ai muốn thấy danh ca Elvis hóa thân thành một tay đua NASCAR có trái tim vàng.
3. Le Mans (1971)
Phân cảnh liên quan đến xe cộ nổi tiếng nhất của cố diễn viên Steve McQueen có lẽ phân đoạn rượt đuổi bằng xe hơi, đến nay vẫn được đánh giá là ấn tượng nhất lịch sử phim ảnh, trong tác phẩm Bullitt (1968). Tuy nhiên, Le Manscũng là môt bộ phim không thể bỏ qua đối với ai hâm mộ McQueen và dòng phim tốc độ.
Bộ phim dành cho những người hâm mộ xe McQueen.Ảnh: IMDb.
Vốn là một dự án đầy nhiệt huyết đối với một người đam mê những chiếc xe đua như McQueen, Le Mans được quay ngay tại nơi tổ chức cuộc đua 24 Hours of Le Mans lần thứ 38 (tạm dịch: 24 Giờ Le Mans. Đây là một trong những giải đua xe lâu đời và uy tín nhất thế giới được tổ chức hàng năm tại Le Mans, Pháp). Nên các khung hình liên quan đến cuộc đua xe nghẹt thở được khắc họa trong phim trở nên chân thật hơn bao giờ hết.
4. Death Race 2000 (1975)
Được sản xuất dưới bàn tay của bậc thầy dòng phim Cult Roger Corman, tính bạo lực kéo dài và nét ngốc nghếch của Death Race 2000 đã biến bộ phim thành một biểu tượng của dòng phim hạng B, hay còn được biết đến là dòng phim kinh phí thấp.
Bộ phim hành động hạng B chỉ phục vụ nhu cầu giải trí. Ảnh: CBR
Xoay quanh cuộc đua tử thần của những tay đua bất chấp tất cả để chiến thắng, dù có phải đâm trúng người đi đường vô tội để giành điểm hay không, Death Race 2000 châm biếm chính trị và đem đến cho người xem những màn phanh thây thuần túy dành cho giải trí. Hãy xem bộ phim như một dạng The Hunger Games của dòng phim đua xe, chỉ có điều nó không được nghiêm túc bằng và...đổ máu hơn thôi.
5. The Cannonball Run (1981)
Cố ngôi sao điện ảnh Burt Reynolds có sự nghiệp gắn liền với nhiều bộ phim liên quan đến những chiếc xe đua. The Cannonball Run, thuộc thể loại hài, hành độnglà một trong số đó. Được đạo diễn Hal Needham chỉ đạo, bộ phim theo chân nhân vật J.J. McClure (Reynolds) và người thợ máy tin cậy của anh ta (Dom DeLuise thủ vai) tham gia một cuộc đua xuyên quốc gia phi pháp trong một chiếc cứu thương được cải tiến. Theo chân cả hai còn là một nhóm nhân vật phụ với tính cách lập dị.
Bộ phim bị nhà phê bình trù dập nhưng đạt thành công phòng vé. Ảnh: IMDb.
Như bao bộ phim khác của Burt Reynolds, The Cannonball Run bị các nhà phê bình trù dập nhưng lại thành công rực rỡ ở phòng vé và tiếp tục thành tích thương mại của cái tên Burt Reynolds...cho đến khi dự án năm 1983 Stroker Ace, một bộ phim đua xe khác cũng được Reynolds đóng chính và do đạo diễn Needham chỉ đạo, đưa tên tuổi của ông lên đỉnh cao.
6. Day of Thunder (1990)
Day of Thunder (1990) có sự góp mặt của Tom Cruise trong vai chính, một tay đua mới nổi của NASCAR, và thường bị so sánh với một tác phẩm khác là Top Gun. Xét trên nhiều khía cạnh, Day of Thunder không phải là một dự án kinh điển gì cho cam. Nhưng đạo diễn Tony Scott đã dồn sức xây dựng những phân đoạn đua xe ấn tượng với những pha bùng nổ tốc độ có khả năng đặt người xem vào giữa những pha hành động.
Days of Thunder giống một bộ phim tài liệu về Tom Cruise. Ảnh: CBR.
Giờ nhìn lại, Day of Thunder giống một bộ phim tài liệu lịch sử về Tom Cruise hơn: bộ phim đánh dấu lần đầu tiên hợp tác diễn xuất giữa nam diễn viên và minh tinh Nicole Kidman, dẫn đến cuộc hôn nhân của cả hai sau khi bộ phim kết thúc.
7. The Fast and the Furious (2001)
Mặc dù các phần phim của thương hiệu Fast and Furious (F&F) ngày càng xem nhẹ yếu tố đua xe và tập trung vào các màn mạo hiểm sử dụng xe hơi hơn, phần đầu tiên của F&F lại thuần về tốc độ và những chiếc xe hơi được lồng các chi tiết foreshadow cho những phi vụ đi cướp bằng ô tô ở các phần sau.
Thương hiệu quá đỗi quen thuộc với khán giả đại chúng. Ảnh: CBR
The Fast and the Furious thường sử các pha hành động CGI rập khuôn, nhưng màn đua xe của Paul Walker và Vin Diesel lại khiến người xem phấn khích lạ thường, và có khả năng lay động xúc cảm hơn nữa sau khi tài tử Paul Walker qua đời đột ngột.
8. Driven (2001)
Bộ phim do Sylvester Stallone lên kịch bản và thủ vai chính. Ảnh: IMDb
Được chính diễn viên Sylvester Stallone lên kịch bản và thủ vai chính, đồng thời cũng quy tụ tên tuổi như Burt Reynolds và để các tay đua quốc tê ngoài đời làm cameo, Driven tập trung vào các trận đua sử dụng loại xe một chỗ ngồi open-wheel hơn là NASCAR như các phim khác. Trên thực tế, Stallone từng muốn lấy giải đua Formula One làm bối cảnh cho phim, nhưng cuối cùng kế hoạch ấy không thực hiện được.
9. Talladega Nights: The Ballad of Ricky Bobby (2006)
Bộ phim là tác phẩm châm biếm giới đua xe NASCAR. Ảnh: IMDb
Dự án châm biếm thế giới đua xe NASCAR của Will Ferell và Adam McKay Talladega Nights: The Ballad of Ricky Bobby (2006) chứa đầy sự hài hước, nhờ vào màn tung hứng của hai diễn viên chuyên trị kiểu hài này Ferell và John C. Reilly, những nhà tài trợ ngớ ngẩn (World Bread), và những đứa trẻ mang những cái tên như Walker và Texas Ranger. Riêng nhân vật Ricky Bobby của Ferrell hiện lên như một phiên bản parody của nhiều hình tượng nam chính của nhiều bộ phim thuộc thể loại đua xe.
10. Rush (2013)
Cuối cùng thì nhà làm phim Ron Howard và biên kịch Peter Morgan ( The Crown) cũng có dịp tái hợp sau dự án được đề cử Oscar ở hạng mục Phim hay nhất Frost/Nixon - bộ phim kể về cuộc phỏng vấn giữa Frost và tổng thống Nixon diễn ra vào năm 1977. Cả hai đã chung tay tái hiện mối quan hệ kình địch có thật giữa 2 tay đua cự phách James Hunt (Christ Hemsworth) và Niki Lauda (Daniel Bruhl thông qua Rush.
Bộ phim có sự tham gia của thần sấm Thor. Ảnh: CBR
Bộ phim chứa đầy những trận đua nghẹt thở giữa hai nhân vật chính, màn diễn xuất tuyệt vời của hai tài tử Hemsworth và Bruhl, và sắm cho mình một phong cách hình ảnh đáng kinh ngạc. Việc bộ phim không giành được một đề cử Oscar nào có lẽ còn sốc hơn cả việc một chiếc xe nào đó chạy nhanh hơn cả một chiếc Ferrari.
Theo moveek
Cười sảng với giọng Pháp "còn phèn" của trai đẹp Robert Pattinson: Diễn hay chẳng ai để ý còn bị ví là "chồn hôi" Bộ phim The King của kênh Netflix nhận được nhiều ý kiến trái chiều và một trong số những nội dung bị lôi ra mổ xẻ nhiều nhất là accent Pháp của Robert Pattinson. Người hâm mộ Robert Pattinson đang không hiểu tai mình có bị "hỏng" không khi gắng lắm cũng không nuốt trôi được cái accent (nói tiếng Anh với giọng...