The Cakemaker: một bộ phim về LGBT của Israel mà bạn không thể bỏ qua
“ The Cakemaker” (“ Người làm bánh”) – một câu chuyện truyền cảm hứng về tình yêu, mất mát và tất nhiên, những chiếc bánh ngọt vô cùng hấp dẫn.
“The Cakemaker” (tạm dịch: người làm bánh) là một bộ phim tình cảm, kịch tính của Israel – Đức, ra mắt năm 2017. Bộ phim nhẹ nhàng, hấp dẫn này được viết và đạo diễn bởi Ofir Raul Graizer – người đồng tính nam công khai. Dàn diễn viên mang đến không ít cảm xúc cho phim có thể kể đến như Tim Kalkhof, Sarah Adler, Roy Miller,….
The Cakemaker bộ phim hài tình cảm
Ngay từ khi được ra mắt, bộ phim đã được giới chuyên môn đánh giá rất cao nên không quá bất ngờ khi “The Cakemaker” được đề cử đến 9 hạng mục và thắng 6 giải tại Ophir (được xem như giải Oscar tại Israel) bao gồm: Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Bộ phim hay nhất,….
Hai nhân vật chính trao nhau tình cảm
“The Cakemaker” là câu chuyện về Thomas, chàng trai trẻ, tài năng người Đức, đem lòng yêu Oren – người đàn ông Israel thường bay đến Berlin vì công việc. Oren không may đã mất trong một vụ tai nạn xe hơi ở Israel. Thomas bắt đầu chuyến hành trình của mình đến Jerusalem để tìm kiếm câu trả lời về cái chết của Oren, cũng chính là câu trả lời cho bản thân mình. Anh chàng bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống của Anat, goá phụ của người anh yêu, chủ của một của hàng cà phê nhỏ. Những chiếc bánh ngọt thơm ngon của Thomas đã giúp nơi này trở thành điểm thu hút của thành phố. Nhận thấy bản thân đang ngày càng lún sâu vào cuộc sống của Anat, Thomas sẽ phải kéo dài lời nói dối của mình…..đến mãi mãi.
Những chiếc bánh ngọt qua bàn tay tài năng của Thomas
Thomas giữ bí mật cho riêng mình và bước vào cuộc đời của Anat
Người đàn ông cả hai đều yêu
Video đang HOT
Bộ phim này không đề cập quá sâu vào xu hướng tính dục của các nhân vật, nó tập trung khai thác về những mối liên hệ mật thiết mà họ họ tạo ra. Đạo diễn cho khán giả thấy được cuộc sống của Thomas và Anat như thế nào sau cái chết của Oren.
Một trong những cảnh được cho là đắt giá nhất bộ phim chính là lúc Thomas mặc quần áo của Oren, cả anh và Anat đều cảm thấy một xúc cảm khó tả về người đàn ông mà cả hai người đều yêu thương và đánh mất.
Đừng vội đánh giá bộ phim qua trailer hay tóm tắt, bạn chỉ có thể cảm nhận được tinh thần, cảm xúc của bộ phim mang lại khi chính bạn cho nó một cơ hội.
Theo Saostar.vn
Phim tình yêu đồng giới ở Hollywood ngày ấy - bây giờ: Cầu vồng đã đổi sắc?
Sự cào bằng ranh giới giữa người đồng tính và người dị tính trong phim Hollywood ngày nay với mục đích thương mại hoá đã khiến nhiều người lầm tưởng đây hoàn toàn là một sự tiến bộ, thể hiện chiến thắng của cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, cuộc chiến đòi công bằng của cộng đồng yếu thế này vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Khi đạo diễn Todd Haynes thực hiện bộ phim Safe với sự tham gia của Julianne Moore - tác phẩm nói về một người vợ trở nên dị ứng với thế giới xung quanh, ông đã thể hiện sự thất vọng đối với cách đặt vấn đề của dòng phim "gay cinema" (điện ảnh đồng tính). Khác với ý kiến của số đông ngày nay rằng phim đồng tính thường có những cái nhìn quy chụp, Todd cho rằng giới quan sát cần phải có định nghĩa rõ ràng hơn cho dòng phim này.
Đạo diễn Todd Haynes
Ông nói với tạp chí Film Quarterly: "Người ta chỉ định nghĩa phim đồng tính bằng nội dung, tức là nếu trong phim có một nhân vật là gay thì đó chính là gay cinema. Theo tôi thì quan hệ đồng tính trong phim nên được nhìn nhận theo cấu trúc chứ không phải theo nội dung. Nó đưa ra các vấn đề về chủ nghĩa gia trưởng, sự đàn áp đang tồn tại trong xã hội. Nếu đồng tính chỉ được dùng để biểu thị với nghĩa đơn thuần là ngang hàng với dị tính thì bộ phim sẽ đem đến được điều gì?".
Sự phê phán này có thể đem áp vào bất kỳ bộ phim LGBT nào xuất hiện trong một thập kỷ qua. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ bùng nổ của phim LGBT và điều này khiến cho các bộ phim về người đồng tính trở thành một dòng chủ lưu trong thế giới điện ảnh. Càng lúc càng có nhiều các diễn viên thẳng sẵn sàng tham gia vào vai người đồng tính. Chúng ta có những bộ phim LGBT tham vọng giành Oscar: Milk, The Kids Are All Right, The Dallas Buyers Club, Call Me By Your Name), phim LGBT độc lập: Princess Cyd, Tangerine), phim thương mại: Love, Simon.
Những bộ phim này tuy đa dạng về thể loại, phong cách và đối tượng hướng đến nhưng nhìn chung đều thiên về hướng an ủi hơn là lên án, đồng hóa thay vì phân loại. Chúng an toàn, nhàm chán và ủy mị nhằm cào bằng, xóa bỏ ranh giới giữa người đồng tính và dị tính. Nói cách khác, chúng ta đang chứng kiến một làn sóng phim LGBT được dựng lên với tinh thần phù hợp với chính sách hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Mỹ.
Phim đồng tính ở Hollywood hiện nay đã "hiền hoá" hay cố tình nhắm mắt làm ngơ?
Tất nhiên, chính sách hôn nhân đồng giới là một bước cải cách tiến bộ không chỉ của nước Mỹ mà còn của cả nhân loại. Nó giúp cho những người đồng giới có cơ hội được sống hạnh phúc như tất cả phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, các chính trị gia đứng đằng sau chính sách này có vẻ như lại đang cố giải thích nó theo cách xóa bỏ hoặc phụ định sự khác biệt của người đồng tính.
Phó tổng thống Joe Biden, người từng làm việc dưới thời Obama phát biểu: "Tình yêu là tình yêu và chỉ vậy thôi. Người Mỹ đang ngày càng hiểu ra được câu hỏi quan trọng ở đây là "bạn đang yêu ai". Tôi nghĩ bộ phim Will and Grace đã làm rất tốt trong việc giúp cho người Mỹ hiểu về điều này. Người ta thường hay sợ những gì khác biệt. Giờ thì họ đã bắt đầu thấu hiểu nhiều hơn".
Góc nhìn chính trị của việc xóa nhòa ranh giới giữa người đồng tính và người dị tính đã di chuyển từ hòm phiếu sang điện ảnh. Khi người đồng tính không còn phải ở trong bóng tối nữa, các nhà làm phim bắt đầu tính đến chuyện bán vé cho họ. Đạo diễn Luca Guadagnino gọi Call Me By Your Name là "phim gia đình"; nữ diễn viên Rachel Weisz gọi Disobedience (Trái Lệnh) là một câu truyện bình thường như bao câu truyện khác. Alia Shawkat, biên kịch của bộ phim Duck Butter nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng hóa với tờ Vulture: "Tôi muốn đưa khán giả đến với nhận thức rằng họ đang đi xem phim không phải vì mình là gay, người da đen hay người chuyển chuyển giới mà chỉ đơn giản là để nghe kể một câu truyện có giá trị."
Một cảnh trong "Duck Butter" (Bơ Vịt)
Trong Love, Simon, nhân vật chính đã giới thiệu với người xem qua lời dẫn truyện rằng: "Tôi cũng giống như các bạn thôi. Chỉ có điều tôi có một bí mật rất lớn. Không ai biết rằng tôi là gay". Simon chứng kiến một cậu bạn đồng tính da màu khác ở trường bị bắt nạt nhưng cuối cùng bộ phim không cho cậu bạn đồng tính kia trở nên tự tin như Simon mà chỉ đóng vai trò như là một nhân vật làm nền. Thứ bất công duy nhất mà bộ phim phản ánh chỉ là một cậu bé da trắng đồng tính như Simon không được trưởng thành giống như những cậu bé da trắng thẳng. Những vấn đề nhức nhối khác liên quan đến người da màu, sự ngược đãi hoàn toàn bị gạt ra bên ngoài.
Trong khi Simon có được hạnh phúc, không có gì đảm bảo Ethan sẽ không tiếp tục bị đem ra làm trò cười trong trường học.
Bên cạnh việc phớt lờ các vấn đề hiện hữu, Hollywood còn đóng khung người đồng tính vào các hình mẫu thánh thiện, những người yếm thế bị xã hội ghẻ lạnh những vẫn sẵn sàng hy sinh bản thân một cách đau đớn để truyền tải một bài học đạo đức nào đó. Điển hình là các vai diễn như Laurel Hester của Julianne Moore trong Freeheld hay Marsha P. Johnson trong phim tài liệu Cái Chết Và Cuộc Sống Của Marsha P. Johnson (lưu ý rằng "cái chết" được đặt lên trước "cuộc sống").
Trong bộ phim đạt giải Oscar Dallas Buyers Club, nhân vật mắc chứng ghét đồng tính Ron Woodroof (Matthew McConaughey thủ vai) nhận ra quan điểm sai trái của mình sau khi bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, anh ta chỉ thực sự hối lỗi sau khi được một người phụ nữ chuyển giới tên Rayon (Jared Leto đóng) giúp đỡ ngay trước khi cô này qua đời. Cái chết của Rayon đã một phần nào đấy "rửa tội" cho Ron và lấy được sự thương hại của khán giả.
Dòng phim New Queer Cinema đầy gai góc của những năm 90 thế kỷ trước
Nếu như dòng phim LGBT ngày nay được định hình bởi chính sách hôn nhân đồng giới thì ở thời của Todd Haynes, tức những năm 80 và 90 được định hình bởi đại dịch HIV - AIDS. Các nhà hoạt động xã hội, nghệ sĩ đương đại, phim thực nhiệm và giá thuê trọ rẻ ở New York là những yếu tố đã tạo nên một mảnh đất màu mỡ của dòng phim đồng tính mà nhà phê bình Ruby Rich đã gọi đây là làn sóng New Queer Cinema.
Đặc điểm của New Queer Cinema là gai góc và không thỏa hiệp. Những bộ phim đồng tính thời này thường là sự hòa quyện của thứ gì đó vừa chua chát, vừa thâm thúy và rất ngang tàng. Danh sách đạo diễn từng tham gia vào làn sóng này bao gồm các tên tuổi nổi tiếng như Todd Haynes, Gus Van Sant, Jennie Livingston, Isaac Julien, Sadie Benning, Marlon Riggs, Cheryl Dunye...
Điểm chung của tất cả bọn họ là đều không cần đến sự cho phép hay chấp nhận của bất kỳ ai. Giáo sư Michele Aaron từng viết rằng yếu tố định nghĩa của New Queer Cinema là luôn giữ một thái độ thách thức đối với thế giới. Có thể thấy ở dòng phim này những nhân vật cực kỳ gai góc như tên tội phạm bị nhiễm HIV phải chạy trốn do đã giết một cảnh sát trong The Living End (Bước Đường Cùng) của Gregg Araki hay cặp đôi sát nhân hiến tế cho lễ cưới của mình bằng cách giết chết một đứa trẻ trong Swoon của Tom Kalin.
Luke và Jon là hai anh chàng gay bị nhiễm HIV chọn cách chạy trốn trên một chiếc mô tô có gắn slogan nổi loạn.
Xuân Quang Xạ Tiết của đạo diễn Vương Gia Vệ được coi là một trong những chuyện tình trai kinh điển chịu ảnh hưởng của New Queer Cinema.
Các đạo diễn của New Queer Cinema sẵn sàng lật đổ mọi khuôn khổ, mọi lề thói mà trước giờ xã hội áp đặt lên họ. Thay vì biện hộ và né tránh những định kiến của xã hội về người đồng tính như hung hăng, lạc lối và suy đồi, họ phản biện bằng cách tự mình thể hiện những hành động đó trên phim ảnh. Khi tổ chức Gay Liberation Front (mặt trận giải phóng người đồng tính) hô vang khẩu hiệu "Hãy vùng lên hởi những kẻ biến thái trên khắp thế gian", chính các đạo diễn của New Queer Cinema đã lắng nghe những lời kêu gọi đó.
Bộ phim "Looking for Langston" của Isaac Julien
Ngoài việc hướng cái nhìn thách thức về phía phần còn lại của thế giới, New Queer Cinema còn gây chú ý bởi xu hướng bẻ cong các sự kiện lịch sử theo hướng hài hước và quái đản hơn. Phim The Watermelon Woman của Cheryl Dunye sáng tạo ra nữ diễn viên đồng tính da đen Fae Richards để bóp méo bối cảnh ở Hollywood thời hoàng kim. Phim Edward II của Christopher Gaveston biến mối quan hệ giữa vua Edward II và Piers Gaveston thành một chuyện tình đồng tính. Trong Zero Patience, đạo diễn John Greyson xuyên tạc rằng Gaetan Dugas - bệnh nhân đầu tiên dương tính với HIV có một cái hậu môn biết hát. Hầu hết các nhân vật này đều là các nhân vật có thật trong lịch sử nhưng đang dần bị nhân loại lãng quên.
Tuy nhiên, sau chiến thắng của Haynes với Poison và Jennie Livingston với Paris is Burning ở LHP Sundance năm 1991, làn sóng New Queer Cinema đã thoái trào báo hiệu thời cáo chung. Các ông chủ Hollywood quyết định tận dụng dòng phim này theo một cách khác, làm cho chúng trở nên hiền lành và dễ tiếp cận hơi với đại chúng. Những gì trước đó là gai góc, là ngang tàng đã bị thay thế bằng những yếu tố dễ bán vé và thu tiền hơn.
Cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc
Tư tưởng lề trái ở Hollywood đã khiến cho nhiều người nhầm lẫn giữa "tiên phong" và "đổi mới". Trong khi đó, dường như những gì đã thay đổi ở hiện tại chỉ là thị trường đã học cách sử dụng người đồng tính để kiếm tiền. Nếu như đại dịch AIDS ở thế kỷ trước đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trong xã hội và nghệ thuật thì ngày nay, rất nhiều người đồng tính đã tham gia vào bộ máy điều hành nhà nước ở Mỹ. Và đương nhiên, những cá thể này làm chính trị vì khát vọng quyền lực của chính họ hơn là cho xã hội và cộng đồng. Hiện nay ở Mỹ vẫn chưa có một hệ thống luật chống phân biệt đối xử cấp liên bang nào đủ mạnh.
Cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ người chuyển giới ở West Hollywood
Dịch HIV vẫn tràn lan trong cộng đồng người da đen đồng tính. Người vô gia cư có mặt ở khắp các góc phố còn người chuyển giới thì vẫn bị đánh đập thường xuyên. Ở Mỹ, nếu bạn không phải là người gia trắng, không có quyền lực, bạn có thể chết ở bên lề xã hội mà không ai quan tâm. Các nghệ sĩ và những nhà hoạt động ủng hộ người đồng tính đang kêu gọi sự trở lại của một New Queer Cinema thứ hai, một làn sóng đủ mạnh để không chỉ có đóng góp to lớn về mặt nghệ thuật và còn có khả năng tác động và thay đổi xã hội.
Nguồn: Vulture
Theo Trí Thức Trẻ