Thế bí của Tổng thống Trump trong vấn đề chính phủ đóng cửa
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang “bối rối” trước áp lực ngày càng gia tăng do chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần tới tuần thứ 3 vì ngân sách cho bức tường biên giới, vấn đề mà ông Trump khó lòng nhượng bộ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Theo người dẫn chương trình Chad Pergram của đài Fox News, Nhà Trắng dường như đã tìm mọi cách để có thể tìm kiếm nguồn ngân sách 5,7 tỷ USD cho bức tường biên giới,. Đây là vấn đề mà ông Trump đã thể hiện sự cứng rắn tới cùng bất chấp việc chính phủ Mỹ đã đóng cửa tới ngày 21, san bằng kỷ lục với lần đóng cửa chính phủ năm 1995-1996 dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton.
Theo ông Pergram, Nhà Trắng dường như đã tính đến việc chuyển nguồn ngân sách liên bang dùng để cứu trợ thảm họa tự nhiên, dự kiến dành cho các vụ cháy rừng ở California, bão ở Florida, Puerto Rico và Texas, thành tiền xây bức tường biên giới với Mexico.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng đây là một phương án không tốt vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới số phiếu đại cử tri mà ông Trump dành được trong cuộc bầu cử năm 2020. Puerto Rico không có quyền bầu cử và California vốn là “thánh địa” của đảng Dân chủ, tuy nhiên Texas lại là “sân nhà” của đảng Cộng hòa và Florida lại chính là bang góp phần giúp ông chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Làm phật lòng các đại cử tri tại đây dường như không phải là cách hay để ông có thể tái cử thành công.
Động thái trên của Nhà Trắng cũng thể hiện rằng ông Trump dường như chưa nghĩ cách để có thể ngừng việc đóng cửa chính phủ nhưng vẫn đảm bảo được cam kết với cử tri về việc xây bức tường biên giới.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 còn 22 tháng nữa, việc giữ lời hứa với các cử tri là rất quan trọng, nhưng việc cắt bỏ ngân sách cứu trợ thảm họa tự nhiên rõ ràng là nước đi “thiệt đơn, thiệt kép” với ông Trump, và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ông.
Video đang HOT
Đảng Dân chủ trong khi đó, vẫn kiên quyết rằng sẽ không có bức tường nào được xây nên, viện dẫn lý do rằng đó là công trình tốn kém và không hiệu quả. Ông Trump đến lúc này vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ nhượng bộ đối thủ. Ông từng úp mở về phương án sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để qua mặt Quốc hội, cấp vốn cho việc xây tường.
Chuyên gia luật Josh Chafetz đánh giá rằng đây cũng là phương án không tốt vì nó có thể khiến ông Trump vướng vào các phiên tòa liên quan tới câu hỏi: “Điều cấp thiết nào đã khiến ông phải ban bố tình trạng khẩn cấp?”
Chưa có một khảo sát chi tiết nào về ảnh hưởng của việc đóng cửa chính phủ, nhưng các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump có dấu hiệu sụt giảm. Đảng Dân chủ dĩ nhiên không cảm thấy áp lực vì những con số này, ngược lại chính sách của ông Trump lại khiến họ trở nên đoàn kết hơn. Mặt khác, đảng Dân chủ có thể quy hoàn toàn trách nhiệm cho Tổng thống Mỹ và sự kiên định với bức tường biên giới của ông khiến chính phủ phải ngừng hoạt động một phần. Đảng Cộng hòa dường như cũng sẽ không hài lòng với thực tế này và họ muốn chính phủ mở cửa lại càng sớm càng tốt.
Sức ép đang đè lên ông Trump từ nhiều phía, từ các cử tri, từ đảng Cộng hòa và từ những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc đóng cửa chính phủ. Quá trình này càng kéo dài, càng nhiều người sẽ bị liên lụy vì các cơ quan liên bang ngừng hoạt động và họ sẽ tiếp tục gây áp lực lên ông Trump và chính phủ Washington. Đây dường như là một kết cục không có lợi cho Tổng thống Mỹ.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ Bloomberg
Quyết xây tường biên giới, ông Trump phải đối mặt những rắc rối nào?
Chuyên gia nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt với nhiều rắc rối nếu tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để lấy quỹ xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico.
Theo Reuters, các chuyên gia pháp luật cho rằng vẫn chưa rõ chính xác quá trình xây bức tường của ông Trump sẽ diễn ra như thế nào, nhưng một khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố, một phiên tòa kiểm tra có thể xảy ra nhằm xác minh tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía Nam và những giới hạn với quyền của tổng thống về ngân sách.
Các chuyên gia nhận định tuyên bố tình trạng khẩn cấp có thể kết thúc chuỗi 17 ngày đóng cửa chính phủ một phần, nhưng sẽ gây ra một trận chiến pháp lý dài hơi làm căng thẳng quá trình tái tranh cử của ông Trump năm 2020 và "thêm dầu vào lửa" cho những nhà phê bình vốn đã cáo buộc ông có khuynh hướng độc đoán lạm quyền.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Theo Hiến pháp Mỹ, các quyết định sử dụng quỹ thuế và tạo ra các chính sách mới sẽ do Quốc hội đưa ra. Dù vậy, Tổng thống có thể đưa ra những quyết định nhanh trong các trường hợp khẩn cấp, sử dụng phối hợp các luật trong những tình huống cụ thể như chiến tranh, thảm họa tự nhiên và bệnh dịch.
Như vậy, Tổng thống Trump có thể lấy nhập cư bất hợp pháp làm nguyên nhân ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép ông huy động quân đội đến biên giới và sử dụng nhân sự Bộ Quốc phòng thiết kế và xây dựng một bức tường. Tuy nhiên ông Trump có thể được yêu cầu chứng minh trước tòa rằng một trường hợp khẩn cấp thực sự tồn tại.
Một báo cáo năm 2007 của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội - bộ phận nghiên cứu phi đảng phái của cơ quan lập pháp - cho biết: "Cả cơ quan tư pháp và Quốc hội đều có thể kiềm chế nhánh hành pháp về các quyền khẩn cấp."
Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia Mỹ năm 1976 quy định về việc quốc hội kiểm tra các trường hợp khẩn cấp của tổng thống. Theo luật, tổng thống phải thông báo cho quốc hội và công chúng về một tuyên bố khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng có thể hủy bỏ tuyên bố này, nhưng cần phải thông qua cả Thượng viện và Hạ viện. Điều này sẽ trở nên rắc rối khi Hạ viện nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Dân chủ nhưng Thượng viện lại nằm trong tay các thành viên Đảng Cộng hòa.
Thách thức thứ hai của ông Trump là ngay cả khi có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp một cách thuyết phục, ông vẫn sẽ phải đối mặt với một rắc rối khác là gom quỹ cho bức tường từ những khoản quỹ đã được Quốc hội dành cho những mục đích khác.
Tổng thống Mỹ có thể gặp rắc rối xâm phạm thẩm quyền Quốc hội nếu cố gắng chuyển những khoản quỹ đã được duyệt cho việc khác sang xây dựng bức tường. Theo Reuters, trong trường hợp này, ông Trump có thể phải khai thác nguồn quỹ gồm các khoản Quốc hội Mỹ vẫn cung cấp cho một số cơ quan liên bang mà không có ưu tiên cụ thể.
Mark Tushnet, giáo sư về luật hiến pháp tại Đại học Luật Havard, Mỹ cho rằng "việc cho phép tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp là một cách sử dụng quyền rất hung hăng. Nhưng hung hăng không có nghĩa là nó bất hợp pháp. Điều này chỉ có nghĩa là nó vượt khỏi những giới hạn của những gì được làm trước đây."
Ngày 7/1, Tổng thống Trump tuyên bố sắp có bài phát biểu trước toàn quốc, chỉ một ngày sau khi ông đe dọa sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp nếu Hạ viện Mỹ nhất quyết không thông qua ngân sách cho bức tường biên giới. Cùng ngày, thư ký báo chí Nhà Trắng Huckabee Sanders cho biết ông Trump sẽ tới thăm biên giới phía Nam giáp với Mexico vào ngày 10/1 để gặp gỡ người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia và nhân đạo này.
(Nguồn: Reuters)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Lời tiên tri đập tan giấc mơ của Tổng thống Trump Nhà ngoại cảm nổi tiếng Mexico tiên đoán bức tường biên giới của Tổng thống Trump sẽ không bao giờ được xây dựng. Antonio Vazquez, người tự xưng là "Grand Warlock" của Mexico tin rằng Tổng thống Trump sẽ không bao giờ nhận được tiền để xây dựng bức tường biên giới với Mexico mà ông từng hứa trong chiến dịch tranh cử...