Thế bế tắc của tất cả các bên tham chiến tại Libya
Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi không hề có dấu hiệu nhượng bộ nào dù phe nổi dậy mới giành được thêm nhiều sự công nhận của các nước khác, bởi vậy, nếu không có một sự đột phá nào trong cuộc chiến này thì thế bế tắc xem ra sẽ kéo dài sang tháng Ramadan của đạo Hồi.
Trong một bài bình luận, hãng tin Reuters cho rằng xem ra những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 tháng qua càng trở nên khó khăn do những rạn nứt giữa phe nổi dậy và các đồng minh phương Tây về vấn đề liệu Gaddafi có thể ở lại trong nước hay không nếu ông từ chức.
Không thiếu sự nhạy bén chính trị sau 41 năm cầm quyền, nhà lãnh đạo Libya có thể nhận ra cơ hội để lợi dụng sự chia rẽ bên trong và giữa phe nổi dậy với liên minh mong manh của NATO, lực lượng đã ném bom xuống Libya suốt 4 tháng qua nhưng cũng đang phải tìm kiếm một thỏa thuận để kết thúc cuộc xung đột đang trong thế giằng co này. Geoff Porter, lãnh đạo nhóm Tư vấn Rủi ro Bắc Phi, nói: “Gaddafi sẽ không đi. Phe nổi dậy không đồng ý để ông ta ở lại nhưng họ lại chẳng thể buộc ông ta ra đi”.
Video đang HOT
Ngày 28/7, phong trào nổi dậy, vừa tuyên bố quyền lực hợp pháp đối với một nửa đất nước và đang giành được sự ủng hộ ngoại giao ngày càng tăng ở phương Tây, tấn công và tuyên bố giành được một thị xã nằm gần biên giới Tunisia từ tay quân chính phủ. Phe nổi dậy đã phải mất nhiều tháng để tiến tới gần Tripoli và chiếm được một số khu vực chiến lược khác nhưng họ vẫn bị chia cắt về địa lý và thiếu sự huấn luyện đầy đủ cũng như thiếu vũ khí nên chưa thể làm một cú đòn quyết định đối với lực lượng trung thành với tổng thống.
Sa lầy trên chiến trường buộc các nhà lãnh đạo phương Tây tham gia chiến dịch của NATO ở Libya phải gia tăng áp lực ngoại giao. Anh và Bồ Đào Nha đã cùng với khoảng 30 nước khác, trong đó có Mỹ, đã công nhận chính phủ của phe nổi dậy ở Benghazi là hợp pháp. Trước những động thái ngoại giao như vậy, London đã ngay lập tức ngừng phong tỏa hơn 90 triệu bảng Anh (147 triệu USD) tiền mặt đang bị niêm phong để giúp phe nổi dậy tăng cường sức mạnh quân sự và chuẩn bị cho thời kỳ hậu Gaddafi.
Nhưng các động thái ngoại giao cũng cho thấy mâu thuẫn rõ rệt giữa phương Tây với phe nổi dậy mà ngay cả triển vọng tiền của đổ vào cũng có lẽ không thể hàn gắn được. Trong khi Anh và Pháp nói rằng họ giờ đồng ý để ông Gaddafi ở lại Libya sau khi từ chức, thì lãnh đạo phe đối lập Mustafa Abdel Jalil lại nói rằng đề nghị đã đưa ra từ tháng trước đó nay không còn hiệu lực nữa.
Trong khi đó, tín hiệu từ phía Tripoli lại rất lộn xộn. Một mặt, có những ý kiến cho rằng chính phủ này sẽ tiếp tục gặp gỡ với Mỹ. Mặt khác lại không có chút dấu hiệu nào là cuộc xung đột được giải quyết theo hướng phía Gaddafi bị thua thiệt. Nhà lãnh đạo Gaddafi ngày 27/7 lại một lần nữa thề sẽ chiến thắng hoặc tử vì đạo. Phái viên Liên hợp quốc (LHQ) Abdel Alah al-Khatib, trong chuyến thăm Libya tuần qua, xem ra đã thất bại trong việc truyền đạt ý tưởng về lệnh ngừng bắn và một chính quyền chuyển tiếp không bao gồm Gaddafi.
Hiện tại, NATO một mặt thúc đẩy các cuộc không kích hàng ngày nhằm làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của Gaddafi, mặt khác tăng cường gây áp lực về kinh tế và ngoại giao với Chính phủ Libya.
Một phái đoàn LHQ mới đây đã kết luận rằng tại Libya tình trạng thiếu nhiên liệu ngày càng nghiêm trọng, nguồn cung cấp điện và tiền mặt cũng đang gặp khó khăn. Nhưng sợi dây thòng lọng đang xiết lại đó xem ra chưa đưa được Gaddafi tới bờ vực của sự sụp đổ như phương Tây đã từng hi vọng.
George Joffe thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế của trường Đại học Cambridge nói: “Những gì đã xảy ra trong 4 tháng qua là Anh và các đối tác nhận ra được rằng việc chuyển đổi chính phủ không phải là một công việc dễ dàng như họ nghĩ. Họ giờ biết rằng họ không thể làm được việc đó ở Libya, và họ phải tìm lối thoát khác.”
Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo vào tháng 8 có thể là một khoảng thời gian chiến sự tạm lắng. Khi thời gian trôi qua, dự trữ quân sự, ngân sách và lòng kiên nhẫn của phương Tây cũng sẽ cạn dần theo. Mỹ, thành viên lớn nhất của NATO, đã hạn chế sự can dự của mình, nghĩa là việc chống lại ông Gaddafi có lẽ không thể hội đủ sức mạnh quân sự cần thiết.
Nhà nghiên cứu Stephen Flanagan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho rằng phần lớn các chính phủ châu Âu có vẻ muốn kết thúc chiến dịch vào đầu tháng 10.
Trong thời gian đó, đại tá Gaddafi dường như có ý định chờ đợi các cuộc tấn công của phe nổi dậy vì ông ta đang tìm cách thuyết phục những người ủng hộ rằng phe đối lập chẳng có gì khác ngoài các băng nhóm và tay súng Hồi giáo có vũ trang. Joffe nói: “Tất cả đều đang bế tắc. Tất cả những gì họ có thể làm là chiến đấu cho đến khi một bên kiệt sức hoặc bị tan rã bởi một cuộc đảo chính nội bộ”./.
Theo CATP