‘Thay vì phê phán hoa hậu Kỳ Duyên, hãy truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa đọc’
Những tấm gương tích cực cả trong và ngoài nước đã chứng minh rằng văn hóa đọc không chỉ là sở thích cá nhân mà còn là trách nhiệm xã hội.
Trong thời đại công nghệ số, khái niệm về “đọc” và “văn hóa đọc” đã mở rộng đáng kể. Dù cách đọc sách truyền thống có vẻ đã khác đi nhưng tôi vẫn tin rằng việc tiếp cận kiến thức và thông tin là phương thức không thể thiếu để trau dồi kiến thức, phát triển tư duy và nuôi dưỡng tâm hồn. Trong bối cảnh này, với tầm ảnh hưởng của mình, tôi tin những người nổi tiếng có thể đóng vai trò quan trọng nhằm khuyến khích và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Hoa hậu Kỳ Duyên
Trên thế giới, có nhiều nhân vật nổi tiếng đã và đang tích cực quảng bá văn hóa đọc. Oprah Winfrey với Oprah’s Book Club đã giới thiệu các cuốn sách hay, góp phần tạo nên nhiều bestseller và khuyến khích hàng triệu người đọc sách. Emma Watson lập ra câu lạc bộ sách Our Shared Shelf, tập trung vào các tác phẩm về bình đẳng giới và nữ quyền. Reese Witherspoon cũng có câu lạc bộ đọc sách của mình, lựa chọn những cuốn sách có phụ nữ làm nhân vật trọng tâm, tác giả đều là nữ giới.
Tại Việt Nam, H’Hen Niê, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, dù đã đăng quang được 7 năm, vẫn không ngừng cống hiến cho cộng đồng. Cô đã xây dựng 7 thư viện thân thiện Room To Read và sẽ nâng tổng số lên 9 thư viện vào ngày 9/9 tới.
Miss World Vietnam 2019 Lương Thùy Linh cũng đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hóa đọc. Cô được chọn làm đại sứ Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ ba, nhiệm kỳ 2024-2025, nhờ dự án Trạm đọc, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách cho học sinh.
Video đang HOT
Miss Grand Vietnam 2022 Đoàn Thiên Ân đã có series dạng podcast chia sẻ những cuốn sách hay, bổ ích đến các khán giả….
Trong thời đại số, tôi nhận ra rằng văn hóa đọc không còn giới hạn ở đọc sách giấy truyền thống mà có nhiều phương thức tiếp cận đa dạng và hiệu quả khác. Người nổi tiếng có thể quảng bá và khuyến khích những hình thức đọc mới này, như việc sử dụng các nền tảng đọc sách khác nhau, tạo nội dung như podcast, video YouTube, hoặc bài viết blog về sách và ý tưởng. Họ có thể khuyến khích tương tác thông qua các buổi thảo luận trực tuyến về sách và hợp tác với các nền tảng số để tạo ra nội dung độc quyền, thu hút độc giả.
Sự việc ồn ào Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên thừa nhận chưa từng đọc hết một cuốn sách nào trong cuộc thi Miss Universe Vietnam 2024 đã gây ra tranh cãi. Đứng từ góc độ của một người bình thường, tôi hiểu rằng chia sẻ của Kỳ Duyên có thể được xem như một quan điểm cá nhân. Mỗi người có những phương thức học tập và tiếp nhận thông tin khác nhau và việc không thích đọc sách truyền thống không nhất thiết đồng nghĩa với thiếu kiến thức hay không học hỏi.
Tuy nhiên, với tư cách là một người nổi tiếng, đặc biệt là một Hoa hậu Việt Nam, tôi cho rằng sức ảnh hưởng và tác động của những phát ngôn như vậy lại hoàn toàn khác. Điều này đặt ra vấn đề về trách nhiệm của người nổi tiếng trong việc chia sẻ quan điểm cá nhân và tầm ảnh hưởng của họ đối với công chúng.
Tôi nghĩ rằng, những người nổi tiếng cần thận trọng trong phát ngôn, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quan điểm cá nhân, đặc biệt là về các vấn đề có tác động lớn. Họ cần cung cấp những diễn giải đầy đủ để công chúng hiểu rõ bối cảnh và lý do đằng sau quan điểm đó, tránh hiểu lầm và tranh cãi không cần thiết. Dù có đọc sách hay không, nhiều hay ít, họ nên nhìn nhận và truyền tải thông tin về việc đọc sách một cách tích cực.
Người nổi tiếng nên tận dụng các nền tảng của mình để nâng cao nhận thức về sự đa dạng trong phương pháp học tập và tiếp nhận thông tin. Thay vì chỉ đơn thuần chia sẻ quan điểm cá nhân, họ nên khuyến khích người hâm mộ suy nghĩ độc lập và tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề.
Với tôi, đọc sách, dù theo phương thức truyền thống hay hiện đại, vẫn là một hoạt động tích cực và quan trọng trong việc phát triển cá nhân và xã hội. Do đó, thay vì phê phán Kỳ Duyên hay những người không đọc sách hoặc đọc ít, tôi nghĩ rằng chúng ta nên khuyến khích một môi trường cởi mở, nơi mọi người có thể chia sẻ và học hỏi từ những phương pháp tiếp cận kiến thức đa dạng. Điều quan trọng là tạo ra một văn hóa học tập suốt đời, trong đó mỗi cá nhân, bao gồm cả những người nổi tiếng, đều có thể tìm ra phương pháp phù hợp nhất để hoàn thiện bản thân và đóng góp cho xã hội.
Những tấm gương tích cực cả trong và ngoài nước đã chứng minh rằng văn hóa đọc không chỉ là sở thích cá nhân mà còn là trách nhiệm xã hội. Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều người nổi tiếng sớm nhận ra tầm quan trọng của đọc sách và sử dụng sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa giá trị này, góp phần xây dựng một xã hội tri thức, giàu lòng nhân ái và đầy tình yêu thương.
Ở góc độ nào đó, tôi thấy được sự cố gắng của Kỳ Duyên khi tham gia Miss Universe Vietnam 2024 và việc đối mặt với thử thách cũng đáng được ghi nhận. Đây có thể là cơ hội để cô và những người nổi tiếng khác nhìn nhận lại vai trò trong việc truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa đọc. Những nỗ lực của H’Hen Niê và Lương Thùy Linh là ví dụ điển hình về cách người nổi tiếng có thể tạo ra tác động tích cực, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc và học tập một cách tích cực.
Cái dở của Kỳ Duyên
Quan điểm không đọc sách mà chỉ thu nạp kiến thức từ đời sống thực tế của Kỳ Duyên không sai. Cái sai là Duyên đã không đủ tự tin và lưu loát để thuyết phục khán giả tin vào điều mình nói.
Tôi bắt đầu hành trình đọc sách của mình từ khi còn rất nhỏ và bắt đầu cực kỳ nghiêm túc trong việc này kể từ khi bước chân vào đại học. Tuổi trẻ mà, cái vẻ ngoài sang trọng của việc có một đầu óc uyên bác, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ hoa mỹ, cao cấp và khó hiểu - khiến tôi say sưa bơi trong các thể loại sách triết học và lý luận. 18 tuổi, tôi đọc bằng hết Zarathustra nói như thế của Nietzsche. 20 tuổi, chỉ vì mê câu chuyện của Dante Alighieri mà tôi mua quyển Thần khúc dày cộp về nhà để nghiền ngẫm. 21 tuổi, tôi đọc hết Chính trị luận của Aristotle, đọc Đạo đức kinh của Lão tử, đọc cả Phân tâm học của Freud. Kết quả, dù đọc hết tất cả những trang sách đấy, tôi vẫn không thể nhớ nổi một câu. Sự thông thái vẫn nằm trên trang sách chứ chưa chạy vào đầu tôi một tí nào. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu sao khát khao thể hiện mình thông minh lại có thể lớn đến mức khiến tôi dành hàng tuần, hàng tháng để đọc bằng hết những kiến thức mà mình không hiểu tí gì như thế.
Ngày hôm trước, nhìn Kỳ Duyên ấp úng không thể trả lời hết câu hỏi mà BGK đưa ra về câu chuyện đọc sách, nhìn cái cách nhiều người nhân cơ hội này để chế nhạo những người tự nhận rằng mình không học hỏi qua sách vở - tôi chợt nhớ đến mình của năm 18 tuổi. Đọc sách triết học để thể hiện mình thông minh và sâu sắc hơn người, để khoe rằng mình đã đọc hết Nietszche, Sigmund Freud và Lão tử trước năm 20 tuổi. Tôi đã đọc từng đấy sách, lại toàn sách dày và khó, nhưng tôi chẳng thấy mình uyên bác hơn. Vậy tôi có thật sự thông minh hơn một người không đọc cuốn sách nào, nhưng vẫn tỏ tường đạo lý chỉ nhờ những trải nghiệm và sự tự đúc kết trong cuộc sống hay không? Tôi nghĩ là không.
Thất bại trong việc đọc sách triết học từ năm 18 tuổi dạy tôi một bài học vô giá: Tri thức, sự thông minh và thành công của mỗi con người - không phụ thuộc bằng việc bạn đọc bao nhiêu sách, cũng không phụ thuộc vào việc bạn đọc sách gì. Cách bạn tiếp cận tri thức và hấp thụ nó thành vốn liếng của bản thân - mới là thứ quyết định điều đó.
Tôi đánh giá Duyên đã dám nói một sự thật mà không nhiều người trẻ muốn nhận: Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và sự ham thích để đọc sách, nhưng ai cũng muốn dùng quyển sách như một cách để thể hiện mình sâu sắc và thông minh. Việc Kỳ Duyên nói rằng mình là người chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách và vì rất thực tế nên muốn dùng trải nghiệm từ đời sống để học hỏi - thật ra cũng... không sai. Đó thậm chí còn là một câu trả lời rất thật thà và can đảm, vì đã dám đưa ra một quan điểm táo bạo. Sách vở chỉ là một trong nhiều cách để thu nạp kiến thức. Trong cuộc sống, tôi biết nhiều người không đọc sách nhiều nhưng vẫn rất giỏi giang, hiểu biết và thành công. Kiến thức thực tiễn từ cuộc sống mang đến cho họ nhiều trải nghiệm và sự tường tận hơn là những gạch đầu dòng trích ra từ sách vở. Đọc 10 quyển sách hay nhất về nghệ thuật kinh doanh cũng không bằng thật sự bắt tay khởi nghiệp và để cuộc đời tát vào mặt vài phát. Hoặc đọc 10 quyển sách self-help cũng chưa chắc sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu không biết cách thực hành và ứng dụng vào đời sống của mình. Sách vở và thực tế khác nhau ở chỗ đó.
Tôi thất bại trong việc tiếp thu triết học bởi đầu óc của tôi năm 18 tuổi chưa có đủ trải nghiệm để thẩm thấu nó, cũng như không có một tình huống cụ thể trong cuộc sống buộc tôi phải chiêm nghiệm những lý luận đó. Việc đọc sách và tìm hiểu về triết học với tôi khi đó hoàn toàn chỉ mang tính chất thể hiện chứ không hề đến từ việc muốn tiếp nhận tri thức một cách say mê, chân thành và thực tiễn. Mãi đến năm 33 tuổi, tôi mới dám quay trở lại với triết học và phần nào hiểu được nó. Lúc ấy, tôi đang trải qua một giai đoạn trầm cảm và tìm đến các lý luận của Kierkegaard để giải đáp cho những nỗi buồn của mình. Tri thức là thế, nó sẽ đến qua những thời điểm phù hợp, được đúc kết bằng một quá trình chủ động quan sát, nghiền ngẫm, phản biện, bóc tách suy nghĩ và đối thoại với chính bản thân - chứ không phải mở một quyển sách và trầy chật đọc hết là kiến thức sẽ thuộc về bạn.
Nói vậy không phải để phủ nhận tầm quan trọng của việc đọc sách. Cũng giống như chúng ta vẫn tranh cãi về việc bỏ học để đi làm. Trường đại học là con đường an toàn để đến được thành công nhất định trong cuộc sống chứ không phải con đường duy nhất. Ngay cả khi bạn chọn đi con đường an toàn đó, bạn cũng chưa chắc thành công nếu bạn... học dốt. Đọc sách cũng vậy. Nó là một con đường để bạn tiếp cận tri thức, nhưng không phải chỉ đọc sách mới giỏi lên. Đọc nhiều sách nhưng không hiểu gì và bỏ dở giữa chừng thì cũng phí thời gian và công cốc. Như tôi năm 18 tuổi chẳng hạn.
Cái dở của Kỳ Duyên ở đây không phải là quan điểm không đọc sách để học hỏi- mà là sự ấp úng và bế tắc của Duyên trong phần trả lời của mình. Nhìn câu trả lời trọn vẹn mà Duyên đăng tải đầy đủ trên MXH mới thấy đây không phải một câu trả lời tệ. Duyên muốn thuyết phục khán giả tin vào luận điểm độc đáo mình đưa ra, nhưng chính Duyên cũng không thể hoàn thiện câu trả lời một cách trôi chảy, thậm chí câu trả lời dở dang tệ hại đó lại khiến khán giả càng nghiêng về suy nghĩ "Không đọc sách nên mới tậm tịt như thế". Đứng ở vị trí thí sinh trong một cuộc thi tìm ra hình mẫu người phụ nữ có đủ yếu tố để truyền cảm hứng - nhưng lại không thể diễn đạt một câu gãy gọn, đầy đủ lý lẽ, tròn vành rõ chữ - trình độ thuyết trình và giao tiếp trước đám đông của Duyên thậm chí còn dưới trung bình. Đó là một điểm trừ cực kỳ lớn, bởi suy cho cùng, người ta không chỉ tìm những người đẹp chỉ để ngắm trong những cuộc thi hoa hậu. Duyên không cần trả lời hay nhất, sâu sắc nhất, nhưng Duyên cần trả lời trọn vẹn một câu để ít nhất khán giả hiểu được cô đang muốn nói gì. Có thể Duyên quá run do áp lực nên không thể trả lời hết những gì mình thật sự nghĩ. Nhưng đây là một cuộc thi, và Duyên sẽ không có thêm nhiều cơ hội để lấy lại ấn tượng tốt của khán giả. Thứ mà trước đó, Duyên đang có thừa trong tay sau rất nhiều năm nỗ lực thay đổi hình ảnh một cách tích cực, tham gia gameshow và trở thành host trong nhiều chương trình lớn.
Một hoa hậu không thể là người chỉ có sắc đẹp. Nhưng chắc chắn, một hoa hậu cũng không cần phải là một giáo sư, một người thông thái, một nhà hoạt động xã hội uyên bác. Một hoa hậu có thể có một vẻ đẹp khác với tiêu chuẩn số đông, càng có thể thành công, giỏi giang, tử tế mà không cần phải là một học giả biết tuốt. Có một quan điểm sống rõ ràng, có một niềm tin vững chắc vào điều mình đang theo đuổi, biết cách chia sẻ và thuyết phục những người khác lắng nghe những gì mình ấp ủ. Chỉ cần làm được những việc đó, chắc chắn, hình ảnh hoa hậu sẽ hoàn thiện hơn, trọn vẹn hơn, sâu sắc hơn là mãi bị gán mác "đẹp bề ngoài" còn bên trong thì đầy thiếu sót.
Kỳ Duyên tệ đến khó hiểu ở Miss Universe Vietnam: Là chiêu trò hay năng lực thật sự chỉ đến mức vậy? Khi Kỳ Duyên được công bố trở lại đấu trường nhan sắc sau 10 năm vắng bóng khiến công chúng vỡ òa bao nhiêu thì nay họ lại lo lắng cho cô bấy nhiêu. Tính đến thời điểm hiện tại, Kỳ Duyên bị cho là đã đi ngược lại với sự kỳ vọng, ngày càng để lộ nhiều khuyết điểm khó ai ngờ......