Thấy trước Trung Quốc sẽ khống chế Biển Đông, Lý Quang Diệu đổ tiền mua vũ khí
Trung Nam Hải sẽ áp đặt ý chí chính trị của họ lên phần còn lại của khu vực, Singapore cũng nằm trong phạm vi đó.
Thủ tướng khai quốc Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: IBTimes.
Tờ International Business Times ngày 24/3 bình luận, ông Lý Quang Diệu qua đời không chỉ để lại di sản vĩ đại dẫn dắt Singapore trở thành cường quốc tài chính đẳng cấp quốc tế, Thủ tướng khai quốc Singapore còn để lại một trong những quân đội “ghê gớm nhất thế giới”.
Lý Quang Diệu để lại “đội quân ghê gớm”
Quốc đảo nhỏ bé với dân số 5,4 triệu dân và diện tích nhỏ hơn nhiều so với thành phố New York nhưng đang sở hữu các chiến đấu cơ mạnh hơn cả Tây Ban Nha, Ba Lan và Thụy Điển. Quân đội Singapore có lực lượng xe tăng ngang nước Ý, một quốc gia có kích thước lớn hơn Singapore rất nhiều lần.
Hải quân Singapore cũng tự hào là lực lượng vũ trang duy nhất trong khu vực sở hữu tàu chiến tàng hình. Tạp chí quốc phòng IHS Jane gọi các lực lượng vũ trang là đội quân được trang bị tốt nhất ở Đông Nam Á. Singapore đã chi tiền mua sắm vũ khí nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực.
Ngân sách quốc phòng năm 2013 của Singapore là 12 tỉ USD, theo một phân tích được Michael Rask, một nhà nghiên cứu đại học Nam Dương công bố tại Diễn đàn Đông Á. Tiền Singapore chi cho việc mua sắm chiến đấu cơ tiên tiến do Mỹ sản xuất có khả năng làm lu mờ nỗ lực tương ứng của bất cứ quốc gia nào trong khu vực.
Hiện tại không quân Singapore có phiên bản mới nhất của dòng chiến đấu cơ F-15 mà Mỹ chỉ bán cho một số quốc gia, trong đó có Israel, Nhật Bản, Ả Rập Saudi và Hàn Quốc. Nước láng giềng Indonesia “kích thước” lớn hơn nhiều so với Singapore chỉ chi 7,9 tỉ USD cho quốc phòng năm 2013. Malaysia thậm chí còn ít hơn.
Khi mới lập quốc, 2 nước láng giềng này là lý do chính khiến Lý Quang Diệu quyết định chi tiêu nhiều cho mua sắm vũ khí. Nhưng các mối đe dọa mà Singapore phải đối mặt trong tương lai có thể đến xa hơn, bao gồm từ Trung Quốc, các chuyên gia cho biết.
Singapore thấy trước nguy cơ Trung Quốc tìm cách khống chế Biển Đông
Mối đe dọa từ Trung Quốc nằm ở khả năng trong tương lai Bắc Kinh sẽ thống trị Biển Đông, không bao gồm Hoa Kỳ trong “phương trình chiến lược” của khu vực Đông Nam Á. Sau đó Trung Nam Hải sẽ áp đặt ý chí chính trị của họ lên phần còn lại của khu vực, Singapore cũng nằm trong phạm vi đó, giáo sư Bernard Loo từ đại học Nam Dương bình luận.
Xu hướng bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông đã quá rõ.
Ban đầu khi Singapore tách khỏi Liên bang Myanmar năm 1965, Lý Quang Diệu muốn quốc gia non trẻ này có thể tự vệ trước đe dọa từ láng giềng. Singapore đã từng phụ thuộc hoàn toàn vào Malaysia về nguồn nước sinh hoạt. Lãnh đạo Malaysia trước đây đã bỏ ngỏ khả năng cắt nguồn cung cấp nước nếu Singapore làm bất cứ điều gì tổn hại lợi ích của họ.
Video đang HOT
Đối với Indonesia, một trong những nước lớn đông dân nhất thế giới, Lý Quang Diệu cũng lo sợ bởi ưu thế tuyệt đối về “kích thước” của láng giềng này, mặc dù chính sách đối đầu những năm 1960 đã kết thúc từ lâu. Nếu lực lượng vũ trang Singapore cần phải đi đến chiến tranh bảo vệ đất nước, nguyên nhân chiến tranh có thể đến từ việc cắt nguồn cung cấp nước.
Nhưng hiện tại Singapore đang dần tự chủ trong việc cung cấp nước sinh hoạt, trong khi mối quan hệ với 2 nước láng giềng Indonesia và Malaysia khá nồng ấm. Nói cách khác, nước sinh hoạt không còn là nguyên nhân của một cuộc chiến tranh giả định mà quân đội Singapore phải tham gia.
Nền kinh tế phụ thuộc vận chuyển, Singapore đổi chiến lược phát triển lực lượng vũ trang
Trọng tâm chiến lược của các lực lượng vũ trang Singapore đang chuyển hướng, và lý do được tìm thấy từ kinh tế: Singapore là một trung tâm thương mại phụ thuộc vào hoạt động vận chuyển, nó cần phải được bảo vệ khỏi bất kỳ sự gián đoạn nào. Quốc đảo này có cảng container bận rộn thứ 2 thế thế giới, trong khi khoảng 1/4 tổng giá trị thương mại thế giới đi qua eo biển Malacca, nơi Singapore chia sẻ với Indonesia.
Chiến đấu cơ Singapore, ảnh: IBTimes.
Ngày nay Singapore phải duy trì tầm vóc nền kinh tế của mình bằng xuất khẩu, thương mại, giao thông cũng như nguồn cung các sản phẩm thiết yếu từ bên ngoài vào Singapore như thực phẩm, nước, dầu..không bị cản trở. Paul Burton, Giám đốc chương trình Châu Á – Thái Bình Dương của IHS nói với CNBC, việc bảo vệ các tuyến đường hàng hải và lãnh thổ trên biển là một mối quan tâm của Singapore.
Đó là lý do tại sao Singapore duy trì một lực lượng không quân có khả năng chiến đấu tầm xa từ quốc đảo này. Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có thể mở rộng phạm vi tác chiến cho lực lượng F-15 và F-16 tới hàng ngàn dặm. Để làm được điều này, họ phải sở hữu vũ khí chính xác từ Mỹ và Israel, bao gồm bom dẫn đường bằng laser kết hợp định vị GPS, tàu chống tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu bán kính 100 km.
Các hoạch định chính sách của Singapore không đề cập đến Trung Quốc khi thảo luận về chiến lược quân sự của mình, Singapore cũng không phải một bên có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.
Nhưng lịch sử cho thấy, kích thước nhỏ bé của Singapore có nghĩa là quốc gia này không thể chờ đợi đến khi bất kỳ kẻ thù nào đến gần. Bài học hon đảo này từng bị Nhật Bản chiếm trong Chiến tranh Thế giới thứ II vẫn còn trong trí nhớ của các nhà lãnh đạo quốc đảo này.
Theo Giáo Dục
Quân đội Singapore: lực lượng quân sự hiện đại nhất Đông Nam Á
Dù quân số thường trực không nhiều, kém xa các nước khác trong khu vực nhưng Quân đội Singapore lại được xem là lực lượng quân sự hiện đại nhất ĐNA.
Lực lượng Vũ trang Singapore hay Quân đội Singapore (SAF) gồm 3 thành phần chính: Lục quân Singapore; Không quân Cộng hòa Singapore (RSAF) và Hải quân Cộng hòa Singapore (RSN) có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Singapore trước các mối đe dọa bên ngoài.
Vì là quốc gia có diện tích hết sức nhỏ hẹp cùng dân số khoảng 5,4 triệu người, nên không lạ khi Quân đội Singapore có quân số không quá lớn - khoảng 170.000 lính thường trực (theo số liệu năm 2014). Mặc dù vậy, ngân sách quốc phòng Singapore lại vượt hơn nhiều quốc gia trong khu vực nhờ nền kinh tế mạnh mẽ, đạt tới gần 9 tỷ USD.
Lục quân Singapore là thành phần lớn nhất trong lực lượng vũ trang SAF, với số quân 72.000 người thường trực. Trang bị vũ khí của lục quân đều thuộc hàng hiện đại trên thế giới, chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Anh, Israel và một phần do Singapore tự sản xuất.
Vũ khí cá nhân của các binh sĩ Singapore có súng trường tiến công SAR-21, M16S1 (đều do Singapore sản xuất); súng máy hạng nặng 12,7mm, 7,62mm; súng trường bắn tỉa; vũ khí chống tăng Carl Gustav, Matador, Spike LR...
Xe tăng chủ lực và hiện đại nhất của Lục quân Singapore là Leopard 2SG, số lượng lên tới 196 chiếc được nhập khẩu từ Đức. Chúng vốn là biến thể Leopard 2A4 nhưng được nâng cấp theo chuẩn Singapre với giáp tổ hợp AMAP, trang bị pháo chính 120mm L44. Trong khu vực, Leopard 2SG được đánh giá nằm trong top đầu xe tăng hiện đại nhất.
Lực lượng xe thiết giáp có tổng cộng 2.192 chiếc, điều lý thú là có tới 857 chiếc xe chiến đấu bộ binh họ Bionix và Terrex AV-81 do Singapore "tự tay" thiết kế sản xuất. Trong ảnh là mẫu xe chiến đấu bộ binh Bionix II được Singapore đưa vào phục vụ từ năm 1997, mẫu này trang bị pháo tự động 30mm có sức xuyên giáp mạnh, bổ sung nhiều khí tài trinh sát hiện đại.
Pháo binh Singapore có gần 500 khẩu pháo các loại gồm: pháo phản lực phóng loạt, pháo cối, lựu pháo xe kéo và pháo tự hành. Trong ảnh là khẩu pháo xe kéo FH-2000 cỡ 155mm.
Lựu pháo tự hành Primus được Singapore tự phát triển, mới đưa vào phục vụ từ năm 2002 tới nay. Loại pháo này dùng khung thân xe thiết giáp Bionix, trang bị pháo 155mm đạt tầm bắn tới 30km, tốc độ bắn 6 phát/phút hoặc 3 phát/20 giây.
Singapore là quốc gia duy nhất trong khu vực và số ít trên thế giới sở hữu pháo phản lực cơ động tầm xa, chính xác cao M142 HIMARS do Mỹ sản xuất. Điểm đặc biệt ở loại pháo này có thể mang đồng thời đạn rocket tự dẫn chính xác cao 227mm và đạn tên lửa đạn đạo MGM-140. Tầm bắn của HIMARS đạt tới 300km.
Với trang bị 41 tàu chiến, Hải quân Singapore được xem là lực lượng có quy mô nhỏ bé trong khu vực. Nhưng xét về vũ khí thì Hải quân Singapore được xem là lực lượng chiến đấu trên biển hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay. Trong ảnh là tàu hộ vệ tàng hình hiện đại nhất ở Đông Nam Á của Hải quân Singapore - lớp Formidable (6 chiếc) do Pháp thiết kế, Singapore hợp tác đóng. Chỉ riêng việc con tàu 3.200 tấn chỉ cần 70 người vận hành cũng đủ nói lên việc Formidable tối tân tới mức nào.
Lớp tàu đổ bộ Endurance do Singapore tự đóng cho hải quân cũng thuộc "hàng khủng" trong khu vực. Con tàu có lượng giãn nước 6.000 tấn chỉ cần 65 người vận hành, chở được 2-4 trực thăng hạng trung; 18 xe tăng hoặc 20 xe thiết giáp; 350-500 lính.
Singapore cũng sở hữu lực lượng tàu ngầm gồm 4 chiếc lớp Challenger và Archer mua lại từ Thụy Điển. Tương lai, hải quân nước này sẽ nhận thêm 2 tàu ngầm cỡ lớn Type 218SG cực kỳ hiện đại nhập khẩu từ Đức.
Không quân Cộng hòa Singapore (RSAF) tuy chỉ có quân số 13.500 người nhưng được trang bị tới gần 400 máy bay các loại, hầu như đều là loại mới, hiện đại nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Israel. Trong ảnh là 2 loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Singapore F-15SG và F-16C/D Block 52. Lưu ý rằng, Singapore là quốc gia duy nhất ở khu vực sở hữu F-15SG do Mỹ sản xuất, loại tiêm kích hạng nặng đặc biệt tối tân. Trong khi các biến thể F-16 Singapore dùng đều thuộc thế hệ mới, vượt xa so với F-16A/B của Indonesia hay Thái Lan.
Singapore là quốc gia sở hữu lượng máy bay tiếp nhiên liệu trên không lớn nhất và tốt nhất khu vực, gồm: 4 KC-135R và 5 KC-130B/H, 6 Airbus A330 MRTT.
Trong khi các nước trong khu vực còn trầy trật mua sắm máy bay cảnh báo sớm trên không thì Singapore đã sớm có 4 chiếc E-2C từ Mỹ vào năm 1987. Và cách đây vài năm họ tiếp tục nâng cấp thay thế bằng loại G550 AEW hiện đại hơn.
Lực lượng trực thăng vận tải/tấn công của Không quân Singapore có 80 chiếc, gồm 20 chiếc trực thăng tấn công hạng nặng bậc nhất thế giới AH-64D Longbow.
Lực lượng máy bay không người lái của Không quân Singapore đã sớm hình thành và trang bị cực kỳ hiện đại gồm 45 chiếc từ loại nhỏ tới loại lớn do Israel sản xuất.
Theo Kiến Thức
Thi thể cố thủ tướng Lý Quang Diệu được di dời về tòa nhà quốc hội Thi thể của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu hôm nay (25.3) đã chính thức được di chuyển từ tư gia của ông về khu vực quốc hội để bắt đầu lễ tưởng niệm. Người dân tập trung rất đông hai bên đường dõi theo chiếc xe chở thi hài cố thủ tướng Lý Quang Diệu. Hàng nghìn người đã đổ xuống...