Thấy trước để bước qua
Báo cáo “Cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống mức thấp nhất hơn một thập kỷ qua, nhưng năm 2013 sẽ đạt khoảng 5,5%, sau đó tiếp tục nhích dần lên mức 5,7% trong năm 2014 và khoảng 6% năm 2015. Nhìn lại năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu các chính sách, giải pháp trong điều hành kinh tế được thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn thì nền kinh tế chắc chắn tăng trưởng cao hơn.
Nhận định của Thủ tướng và dự báo của WB cho thấy, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2012 có thể cao hơn nếu có cách nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được và chưa đạt được khách quan, đúng mực và chính xác hơn. Theo ý kiến một số ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu Chính phủ luôn cập nhật thông tin để nắm được nền kinh tế chuyển động như thế nào thì chắc chắn các giải pháp điều hành vĩ mô đưa ra sẽ sát thực tế và có hiệu quả tích cực hơn. Chẳng hạn, các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn ngay từ giữa năm 2011chứ không phải đến năm 2012 mới rơi vào tình trạng giải thể, phá sản, ngừng sản xuất.
Thực trạng này có nguyên nhân khách quan như tác động từ bất ổn kinh tế vĩ mô, điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng hoặc chủ quan như hàng tồn kho, phá sản tự nguyện, trốn thuế, dừng đầu tư do trái ngành nghề. Những nguyên nhân này chưa được nhìn nhận đúng mức để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Tương tự, tình trạng thị trường bất động sản đóng băng quá lâu, nợ xấu chìm sâu cũng đã được giới chuyên gia và dư luận cảnh báo, “đánh động”, song tới gần cuối năm các chính sách, giải pháp mới bắt đầu “rục rịch” chuẩn bị triển khai và đến đầu năm 2013 mới thực sự vào cuộc. Báo cáo của WB dù đưa ra dự báo khả quan về sự “ấm nóng” dần của nền kinh tế tăng trưởng, nhưng vẫn còn khá lo ngại về thể trạng cũng như “ sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam bởi chưa loại bỏ được những rủi ro, bất ổn như lạm phát ở mức cao so với các nước khu vực, tỷ lệ dự trữ ngoại hối thấp.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhận xét, lẽ ra GDP năm 2012 của Việt Nam phải cao hơn 5,03%, song do nền kinh tế vẫn tồn tại những điểm yếu nội tại như nguy cơ nới lỏng chính sách tài khóa – tiền tệ của Chính phủ có thể “kích hoạt” lạm phát tăng trở lại. Các biện pháp kiểm soát hành chính có thể kìm giữ giá cả ổn định một thời gian ngắn, nhưng lại làm cho lạm phát trỗi dậy và mất ổn định trong trung và dài hạn. Trong khi đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng xấu đi. Quá trình thực hiện tái cơ cấu ba trụ cột của nền kinh tế, kể cả giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp Nhà nước đang là “tảng đá” lớn chắn ngang đường tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam cũng khuyến nghị chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ trong năm phải hết sức thận trọng, bởi vì “dư địa của các chính sách tài khóa của Việt Nam là rất hẹp, vì vậy nếu xảy ra một cú sốc nào đó thì Chính phủ sẽ khó đưa ra những quyết sách kịp thời. Trong khi đó, mặc dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được duy trì nhưng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đang tăng lên”.
Nhìn lại nền kinh tế năm 2012, xác định tiềm năng tăng trưởng năm 2013, song những cảnh báo, khuyến nghị những khó khăn, thách thức trước mặt và ở phía trước là hết sức cần thiết. Theo WB, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu năm nay yếu hơn nhiều so với kỳ vọng, cho nên không thể hy vọng sẽ tác động tới sự phục hồi của Việt Nam. Vì vậy, cần phải tỉnh táo thấy trước để bước qua.
Theo ANTD
Thách thức mới trong công tác xóa đói giảm nghèo
Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo đánh giá Nghèo Việt Nam 2012.
Báo cáo cho biết, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam giảm từ gần 60% xuống 20,7% trong 20 năm qua (1990 - 2010) với khoảng 30 triệu người. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo hơn 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%.
WB cho rằng, dù đạt được những tiến bộ đáng chú ý nhưng nhiệm vụ giảm nghèo của Việt Nam vẫn chưa hoàn tất và xét ở một số phương diện, nhiệm vụ đó hiện khó khăn hơn. Theo bà Valerie Kozel, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB, với mức độ đô thị hóa nhanh, nghèo đô thị cũng trở thành thách thức mới ở Việt Nam.
Theo ANTD
Trước ngưỡng cửa năm mới 2013: Hy vọng một nền kinh tế lành mạnh Như vậy một năm khó khăn đã đi qua. Nhìn lại những gì đạt được cùng tất cả những gánh nặng còn đè nặng lên nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân chúng ta cùng hy vọng một năm mới yên lành. Báo cáo tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết...