Thay toàn bộ chỉ huy Trạm CSGT Phú Túc
Loạt bài “Những “ cây xăng quyền lực” trên quốc lộ 20″ đã được bạn đọc quan tâm và phản hồi mạnh mẽ. Cho đến nay tất cả cơ quan chức năng đều vào cuộc khẩn trương và quyết liệt: Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND các tỉnh làm rõ, Bộ Công an, Bộ Công Thương và Bộ GTVT cũng quyết liệt vào cuộc.
Thay chỉ huy Trạm Phú Túc, điều chuyển nhân viên trạm cân
Hôm qua, tổ công tác của Công an tỉnh Đồng Nai đã làm việc với tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM về các dấu hiệu câu kết bảo kê xe vi phạm mà báo nêu. Báo đã cung cấp những tài liệu liên quan đến hành vi nhận tiền chung chi cho Trạm CSGT Phú Túc (Trạm CSGT số 2, Phòng CSGT Đồng Nai) và Trạm cân Dầu Giây. Theo đó, các cây xăng bị phản ảnh gồm Huyền Hậu, Quang Trung, Thanh Sơn (huyện Thống Nhất), Nguyễn Văn An và Thiên Phát Đạt (thị trấn Tân Phú).
Cùng ngày, Phòng CSGT Đồng Nai đã yêu cầu toàn bộ ban chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ bốn đơn vị gồm Đội Tuần tra, Trạm Suối Tre, tổ CSGT Trạm cân Dầu Giây và Trạm Phú Túc làm tường trình nêu rõ nhận thức và sự liên quan nếu có đối với việc nhận tiền bảo kê từ các cây xăng. Nếu cán bộ, chiến sĩ nào không khai nhận, sau phát hiện ra sẽ xử lý ở mức nặng nhất, kể cả đề nghị giám đốc công an tỉnh tước quân tịch và xử lý theo pháp luật.
Trước mắt, Phòng CSGT đề xuất thay thế toàn bộ Ban chỉ huy Trạm Phú Túc và cử cán bộ chỉ huy khác điều hành công việc tại đơn vị này.
Liên quan đến dấu hiệu tiêu cực của Trạm cân Dầu Giây, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện cho biết bộ trưởng đã chỉ đạo quyết liệt làm rõ. Ngày 5/6/2013, tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ VII có công điện khẩn yêu cầu Trạm cân Dầu Giây báo cáo nhanh. Nơi này đã họp khẩn cấp chi bộ, lãnh đạo trạm và công đoàn cơ sở và quyết định điều chuyển bà Q. – nhân vật bị các lái xe phản ánh có liên quan đến việc bảo kê xe vào bộ phận bảo vệ chờ làm rõ. Theo Khu Quản lý đường bộ VII, với quy trình và công nghệ của trạm, nếu chỉ một mình bà Q. thì không thể đủ thẩm quyền và kỹ thuật thực hiện được hành vi bảo kê.
Những “cây xăng quyền lực” trải dài theo quốc lộ 20. Đồ họa: Song Phương
Cây xăng Thanh Sơn 1 xuất hóa đơn có cả tiền mãi lộ qua Trạm cân Dầu Giây 500.000 đồng/chuyến
Xử lý các cây xăng tiếp tay cho mãi lộ
Tại buổi họp báo nhanh về tình hình quản lý xăng dầu sáng 5/6, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết trước thông tin về những “cây xăng quyền lực” trên quốc lộ 20 (loạt bài điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM), Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu khẩn trương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu.
Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp lực lượng công an xác minh, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những cửa hàng có hành vi tiếp tay cho CSGT trên địa bàn, bảo kê thu tiền mãi lộ trên tuyến quốc lộ 20. Đồng thời, tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh, nhất là dọc quốc lộ 20 nhằm phát hiện, kiên quyết loại bỏ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của những cửa hàng xăng dầu vi phạm, không nằm trong quy hoạch.
Video đang HOT
“Sở dĩ có tình trạng này là do xuất phát từ việc quy hoạch mạng lưới xăng dầu dọc quốc lộ 20 là bất hợp lý dẫn đến tình trạng cây xăng mọc lên nhiều khiến cung vượt cầu. Vì vậy, các chủ cây xăng tìm đường kiếm thêm thu nhập bằng cách môi giới mãi lộ” – ông Quyền giải thích thêm.
“Người dân rất bức xúc với hình thức mãi lộ rất tinh vi. Hành vi này đặt ra chúng tôi câu hỏi: Trong quá trình kiểm tra kiểm soát, không chỉ là vấn đề kinh doanh mà còn chú ý đến những vấn đề quan hệ của các chủ doanh nghiệp và phải đề cao cảnh giác. Qua vụ việc này đòi hỏi quản lý thị trường phải tuyên truyền nhiều hơn cho các chủ cây xăng về các vấn đề tuân thủ các quy định khác của pháp luật chứ không chỉ là pháp luật về kinh doanh” – ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, nói.
Theo ông Lam, các cơ quan báo chí bằng nghiệp vụ điều tra đã cung cấp cho lực lượng quản lý thị trường nhiều thông tin, bằng chứng quan trọng để phục vụ cho công tác quản lý thị trường được tốt hơn.
Các chủ cây xăng “không nghe, không biết, không thấy”?
Hôm qua, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã trở lại các cây trước đó đã nhận tiền chung chi.
Cây xăng Huyền Hậu: Khoảng 8 giờ 30 ngày 6/5, chúng tôi đến cây xăng Huyền Hậu thì một nam quản lý của cây xăng này dò hỏi: “Đi khảo sát viết bài hả em?”. Bên cạnh thì hai nhân viên khác chụp ảnh chúng tôi. Khi đọc báo xong thì nam quản lý này quả quyết: “Không có đâu, bây giờ em làm việc ở đâu thì làm chứ anh không biết, còn riêng mà nói về ba cái chuyện chung chi thì sếp của anh cấm kỵ tuyệt đối, những cái vi phạm pháp luật thì cấm kỵ tuyệt đối. Cho nên anh hứa, anh dám chắc với em là ở đây là không có chuyện đó”. Khi được hỏi về tên của mình thì anh này trả lời cộc lốc: “Cái này chưa cần biết”.
Khi chúng tôi chất vấn về clip của nữ nhân viên tên Thêu của cây xăng này đang hướng dẫn tài xế để chung tiền cho Trạm CSGT Phú Túc thì nhân viên này cũng xác nhận trong clip là ảnh của mình nhưng vị quản lý vẫn nhận định: “Cái này anh không có biết, không bao giờ có chuyện này”. Nhân viên tên Thêu thì nói: “Đối thoại này em có thể nhận nhưng mà có người ở ngoài người ta nhờ em là có, khi nào có ai hay tài xế nào hỏi thì bảo em chỉ ra ngoài kia”.
Cây xăng Quang Trung: Bà Yến – chủ cây xăng nói: “Tôi không biết, ai nhận, ai chung chi. Chỉ biết là báo đăng như vậy thôi, còn ngoài ra tôi không biết gì hết”.
Khi hỏi bà có nhận định gì về việc một số tài xế sau khi đã chung tháng cho các chốt CSGT ở cây xăng của bà rồi khi gặp các chốt CSGT thì nháy đèn ưu tiên là chạy rất vô tư mà không bị thổi lại. Bà Yến nói: “Cái đó thì trên đường làm sao biết được. Nhân viên của tôi đứa nào làm thì đứa đó biết chứ tôi còn chưa biết tôi nữa sao mà biết tụi nó”.
Cây xăng Nhật Nam: Lúc 12 giờ 20 ngày 5/6, khi chúng tôi đến cây xăng này thì bà chủ chửi chúng tôi khá tục tằn. Bà cho rằng hôm đó chồng bà nhận tiền chung chi cho Trạm Madagui vì ông ấy say rượu. Dù rằng mới hôm trước cả hai vợ chồng bà đều có mặt và để “tiếp thị” bà còn khoe có người nhà làm công an và làm trạm cân
Theo 24h
Cây xăng quyền lực: Đại lý mãi lộ CSGT
Tài xế vào đổ xăng, chuyển tiền cho chủ cây xăng, nơi đây sẽ chuyển cho CSGT để bỏ qua các lỗi quá tải, quá tốc độ. Đồng thời, khi bị xử phạt, các chủ cây xăng này sẽ đứng ra làm trung gian lo lót để gỡ giấy tờ xe.
Giới tài xế xe tải rất sợ hãi khi chở hàng chạy tuyến quốc lộ (QL) 20. Tuyến này đường xấu, phí cầu đường cao mà tiền "lo lót" cho CSGT lại khủng khiếp. Họ đành mỗi người tìm một kiểu chi tiền cho CSGT để mua sự "bình yên".
Tiền lãi bán xăng, tiền cò mãi lộ
Hàng trăm tài xế xe tải chở hoa, rau, củ quả, mật ong từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) về TP.HCM và các vùng phụ cận buộc phải tìm cách "mua đường" để không bị CSGT xử phạt lỗi quá tải. Bởi với lộ trình hơn 300 km, nếu xe không "cõng" hàng thì không thể đủ chi phí.
Ngoài việc chung tháng trực tiếp cho các chốt CSGT, một số tài xế phải đi đường vòng, chung chi thông qua các cây xăng dọc QL 20. Sau loạt bài "Nhức nhối nạn đóng hụi chết trên QL 20" trên Pháp Luật TP.HCM, các cây xăng trên cung đường này càng nhộn nhịp xe tải đổ xăng dầu để kết thân, nhờ làm cầu nối chung tháng cho CSGT.
Cây xăng Quang Trung 2 (xã Quang Trung, Thống Nhất, Đồng Nai), nơi có dấu hiệu làm "đại lý mãi lộ" của Trạm CSGT Phú Túc, Dầu Giây.
Theo giới tài xế xe tải, dọc QL 20 có hàng chục cây xăng nhưng không có nhiều phương tiện lưu thông. Chính vì vậy, chỉ những cây xăng nào thu hút được giới xe tải ghé đến thì cây xăng đó mới có thể tồn tại được. Anh Giáp, một tài xế lâu năm trên QL 20, cho biết ngoài mục đích chính là thu hút, ràng buộc nhiều xe tải đến đổ xăng dầu thì lợi nhuận thu được từ việc làm "cò" chung chi cũng rất lớn. Theo một nhân viên cây xăng thì nếu như cây xăng nhận của tài xế 2,5 triệu đồng để "bao" QL 20 qua địa phận Đồng Nai từ huyện Tân Phú về đến hết cầu Đồng Nai thì cây xăng chỉ chung cho CSGT 2 triệu đồng, số tiền còn lại cây xăng hưởng. Như vậy, rõ ràng ngoài việc ràng buộc được khách hàng đổ xăng mối, lợi nhuận từ việc "cò mua đường" cũng góp phần làm giàu nhanh chóng cho các chủ cây xăng.
ông chủ một cây xăng trên QL 20 cho rằng đã mở cây xăng trên tuyến này thì hoặc có người nhà làm lớn, hoặc phải kết thân với những nhân vật có "tầm vóc" trong lực lượng CSGT để có thể "bao" phần chung chi cho tài xế, có như vậy họ mới ghé đổ dầu cho mình. "Những cây xăng nào không chung tháng được cho tài xế thì thường rất ế ẩm, trước hay sau cũng sang tiệm" - anh Bình, một tài xế xe tải, khẳng định.
Gặp CSGT: Chỉ cần nói đã gửi tiền cho cây xăng
Theo phản ánh của giới tài xế, từ ngã tư Dầu Giây (Đồng Nai) đến đỉnh đèo Mimosa (Đà Lạt) có chín trạm xăng dầu được xem là "quyền lực" nhất. Trên địa bàn Đồng Nai có các cây xăng Huyền Hậu, Quang Trung, Thanh Sơn (huyện Thống Nhất), Nguyễn Văn An và Thiên Phát Đạt (thị trấn Tân Phú). Trong số đó, cây xăng Thanh Sơn được xem là quyền lực nhất.
Trên địa phận tỉnh Lâm Đồng, giới tài xế hầu hết tập trung đổ dầu ở các cây xăng Nhật Nam (huyện Đạ Huoai), Hồng Nhân (huyện Di Linh), Mai Sơn (huyện Đức Trọng) và cây xăng dầu Phúc Sơn (chân đèo Mimosa).
Ông chủ cây xăng Nhật Nam nhận tiền và ghi hóa đơn tiền "mua đứt" trạm Madagui trong một tháng cho hai xe tải loại 3,5 tấn.
Ông Nam đang xem biên bản vi phạm của tài xế.
Ngày 23/5, trên đường theo xe tải chở sắt từ TP.HCM lên Đà Lạt chúng tôi tiếp cận cây xăng Nhật Nam, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Ông bà chủ luôn miệng khoe có "người nhà làm trong ngành" nên có thể xử lý tất cả các vấn đề mà giới tài xế xe tải vướng mắc, miễn là đổ dầu cho họ. Theo tìm hiểu của PV, ông Nam, chủ cây xăng Nhật Nam, có con trai hiện công tác ở Công an huyện Đạ Huoai.
Khi tài xế đặt vấn đề gửi gắm "mua đường", ông Nam ra giá luôn: "Riêng chốt Madagui (Trạm Kiểm soát giao thông Madagui thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng - PV), xe 3,5 tấn lấy 800, xe sáu tấn thì 1 triệu, tám tấn thì 1 triệu rưỡi". Để tăng thêm phần uy tín, vợ ông ngồi bên cạnh tiếp lời chồng: "Đồng Nai thằng con cô làm trên đó, nó làm ngay trạm cân đó".
Sau màn quảng cáo của ông bà chủ cây xăng, tài xế đề nghị: "Chú cho cháu trả tiền dầu 1 triệu, chiếc 3,5 tấn, cháu gửi luôn Madagui 800, số xe 60C-031...". Ông Nam đồng ý và ghi hóa đơn hẳn hoi. Cũng như hàng loạt "cây xăng quyền lực", khi chung tiền "mua đường", các cây xăng này đều ghi hóa đơn cho khách. Theo ông Nam thì: "Để cuối tháng tài xế quyết toán với chủ xe".
Đến ngày 27/5, chúng tôi gọi điện thoại cho ông Nam, cho biết chiếc xe đã chung tháng bị một CSGT ở trạm Madagui thổi lại. Ông Nam quát trong điện thoại: "Mày nói với nó là có gửi cho chỗ chú Nam rồi là được".
Dù ai cũng biết nhận tiền chung chi là bất hợp pháp nhưng chủ các cây xăng ra sức thể hiện uy lực của mình trong việc môi giới chung chi, bảo đảm an toàn cho những xe quá tải, quá khổ mỗi ngày vẫn cày nát Ql 20 vốn đã quá tệ. Họ còn thể hiện uy tín trong việc nhận giải quyết biên bản vi phạm cho cánh tài xế lỡ phạm phải những lỗi nặng, bị giam bằng dài ngày...
"Đại lý mãi lộ" lớn ở Đồng Nai
Tài xế P. cho hay mỗi tháng cứ đến ngày 15 thì các tài xế lại "nộp" cho cây xăng Quang Trung 2 (xã Quang Trung) để nhờ chung tháng cho trạm Phú Túc (Trạm CSGT số 2 thuộc phòng CSGT Đồng Nai - PV), Trạm Dầu Giây (Trạm CSGT Suối Tre, Đồng Nai - PV) và Phòng CSGT Đồng Nai.
Việc chung chi cho CSGT qua cây xăng này đã diễn ra nhiều năm nay.
Nhân viên cây xăng Quang Trung nhận tiền bao toàn tuyến cho xe tải. (Ảnh chụp ngày 17/10/2012) Sáng 17/10/2012, tại cây xăng dầu Quang Trung 2, sau khi thanh toán xong tiền đổ dầu, tài xế P. đưa 1 triệu rưỡi cho cô nhân viên của cây xăng để chung tháng cho Trạm Phú Túc và phòng CSGT (như lời cô nhân viên và tài xế, lơ xe trao đổi với nhau khi đưa tiền). Cô này gọi một cô nhân viên khác (phụ trách việc nhận tiền chung tháng cho CSGT) ra nhận tiền. Vừa cầm tiền, cô nhân viên này lôi trong tủ ra một cuốn sổ ghi chép để dò biển số xe và đánh dấu tiền chung tháng.
Trước đó, chúng tôi còn nghe cô nhân viên này nhắc nhở một phụ xe khác cũng đóng tiền chung tháng rằng xe tải của anh ta còn nợ tiền chung cho Trạm Phú Túc tháng trước.
Theo 24h
Xe quá tải ùn ùn né trạm Hàng loạt xe quá tải chở hàng cao ngất rẽ vào các con đường trong khu dân cư để né trạm cân Dầu Giây Cả ngày lẫn đêm, xe quá tải chui vào đường Hùng Vương sát nách Trạm cân Dầu Giây để né trạm nhưng không thấy CSGT xử phạt Trạm cân Dầu Giây vốn từ lâu đã xảy ra lắm chuyện...