Thay thế Nghị định 67 – Bài 1: Nợ xấu ở mức cao
Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) được ban hành nhằm khẩn trương xây dựng một đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại vừa phát triển kinh tế biển, vừa khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nghị định 67 có cơ chế hỗ trợ tương đối toàn diện để phát triển ngành thủy sản nói chung, đặc biệt hỗ trợ đóng mới tàu cá công suất lớn, có khả năng hoạt động khai thác xa bờ dài ngày với trang thiết bị công nghệ hiện đại.
Tàu cá neo đậu trên vùng biển huyện An Biê, tỉnh Kiên Giang. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Sau 7 năm triển khai thực hiện, mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được nhưng tổng dư nợ cho vay và nợ xấu ở mức cao, nhiều tàu cá nằm bờ, hiệu quả khai thác không cao. Nhằm tiếp tục hỗ trợ ngư dân bám biển, phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả cũng như khai thác tốt tiềm năng từ kinh tế biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 67.
Bài 1: Nợ xấu ở mức cao
Nghị định 67/2014/NĐ-CP tuy chỉ hỗ trợ trực tiếp trên 1.000 tàu cá đóng mới nhưng đã góp phần tạo ra khí thế mới đưa ngư dân vươn khơi bám biển với số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều tàu đóng mới, nâng cấp theo nghị định này hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, có những tàu phải nằm bờ. Về phía tổ chức tín dụng cho vay đóng mới tàu, nâng cấp tàu, nợ xấu cũng rất cao.
Với chính sách tín dụng của Nghị định 67, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với tàu vỏ thép, vỏ composite được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với tàu vỏ gỗ. Ngoài ra, còn có chính sách cho vay vốn lưu động để sản xuất: tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản và chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản với lãi suất cho vay là 6,5%/năm. Hay, các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm tàu cá, hỗ trợ đào tạo thuyền viên. Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu tự huy động vốn đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ composite…
Với những chính sách ưu đãi mạnh mẽ trên, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm 13,2%, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng 20,1% so với năm 2014; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Nghị định mới chỉ hỗ trợ đóng mới hơn 1.000 tàu nhưng đã tạo nguồn khí thế cho ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá xa bờ vươn khơi. Điều này góp phần hiện đại hóa tàu cá, giảm tàu mới khai thác gần bờ.
“Nhờ chính sách này, 1 triệu ngư dân trên biển, gắn với hơn 4 triệu lao động trên bờ có sinh kế bền vững”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, qua việc đầu tư hạ tầng thiết yếu đã góp phần nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cảng cá, lượng hàng hóa qua cảng tăng thêm 55.000 tấn/năm; công suất khu neo đầu tránh trú bão tăng thêm 2.200 tàu; diện tích nuôi trồng thủy sản cũng tăng thêm trên 4.100 ha.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các Ngân hàng Thương mại, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ còn 9.520 tỷ đồng của 1.132 tàu; trong đó, nợ xấu là 6.397 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,2%. Cụ thể, tàu cá vỏ thép với 176 tàu, chiếm 49% tổng số tàu vỏ thép đóng mới, chiếm 63,8% tổng nợ xấu của chính sách. Tàu cá vỏ gỗ với 188 tàu, chiếm 32% tổng số tàu gỗ đóng mới và chiếm 26,5% tổng nợ xấu của chính sách. Tàu cá vỏ composite với 36 tàu, chiếm 36,7% tổng số tàu composite đóng mới và 9,5% tổng nợ xấu của chính sách.
Nhiều tỉnh có tỷ lệ nợ xấu rất cao như: Trà Vinh, Thái Bình, à Nẵng, Nam ịnh, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Trị… Địa phương có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất là Hải Phòng, Ninh Thuận.
Về hỗ trợ ngư dân, đến hết quý IV/2021, các ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 231 tàu cá với dư nợ 924 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay đối với 2 tàu với số tiền 2 tỷ đồng; thực hiện chuyển đổi chủ tàu đối với 20 tàu với dư nợ gần 99 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị định 67 tỷ lệ tàu cá và ngư dân tham gia chính sách bảo hiểm còn hạn chế. Các doanh nghiệp bảo hiểm được tham gia bán bảo hiểm theo nghị định từ cuối năm 2019 không thực hiện bán bảo hiểm cho ngư dân nên nhiều tàu cá không được hưởng chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho thuyền viên đi trên tàu vỏ thép, vật liệu mới hoặc ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm còn rất thấp, mới đạt khoảng 10% so với yêu cầu thực tế.
Về các tàu vỏ thép bị hư hỏng, đến nay đã giải quyết xong. Hiện nay số tàu trên đã đi vào hoạt động bình thường. Nhưng, nhiều chủ tàu không thực hiện thường xuyên duy tu, bảo dưỡng tàu cá, đặc biệt tàu vỏ thép theo quy trình, dẫn đến một số tàu bị gỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ, hoạt động của tàu. Trong khi đào tạo cho ngư dân tại các địa phương khi đóng mới tàu vỏ thép chưa làm tốt để người dân có kiến thức giám sát quá trình đóng, vận hành, duy tu bảo dưỡng tàu một cách hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, một số địa phương quá trình tham gia thực hiện còn thụ động, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh, chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới còn chưa đúng, chưa bám sát thực tế. Một số trường hợp chủ tàu không am hiểu về nghề.
Cùng đó, một số địa phương chưa xem xét kỹ các yếu tố tác động đến ngành nghề khai thác, dịch vụ hậu cần hoặc biến động nguồn lợi trước khi phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh, do đó một số tàu đi vào hoạt động hiệu quả thấp. Việc ngư dân muốn chuyển đổi nghề gặp nhiều khó khăn do không cho vay vốn bổ sung. Nếu chuyển đổi nghề lại không được hỗ trợ lãi suất do thay đổi phương án sản xuất kinh doanh đã phê duyệt.
Nhằm tháo gỡ những tồn tại trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo nghị định mới về một số chính sách phát triển thủy sản. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, những tồn tại, hạn chế cùng với những khó khăn thực trạng sẽ được Ban soạn thảo nghị định đánh giá rất kỹ. Kỳ vọng nghị định mới sẽ khắc phục được khó khăn, tồn tại; đồng thời khơi thông các nguồn lực để ngư dân khai thác hiệu quả, phát triển nuôi biển gắn với bảo vệ, bảo tồn biển, cũng như các lĩnh vực khác của hậu cần nghề cá.
Xử lý nợ xấu - Bài cuối: Nhanh chóng luật hóa xử lý nợ xấu
Chỉ còn thời gian ngắn nữa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực thi hành.
Mặc dù Nghị quyết đã tạo điều kiện xử lý khối lượng lớn nợ xấu nhưng trong cuộc trao đổi giữa phóng viên TTXVN với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho thấy vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
Ảnh minh họa: Minh Phương/Báo Tin tức
Nhìn lại gần 5 năm qua kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) ra đời và có hiệu lực, hoạt động xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã có những chuyển biến ra sao thưa ông? Và những vướng mắc nào vẫn còn tồn tại trong quá trình xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng?
Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý xử lý nợ xấu và đạt được kết quả nhất định. Theo đó, nhiều tổ chức tín dụng và khách hàng trên cơ sở Nghị quyết 42 tự thỏa thuận xử lý nợ xấu, thanh lý tài sản bảo đảm, chuyển giao tài sản bảo đảm.
Một sàn giao dịch mua bán nợ cũng đã được Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thành lập từ tháng 10/2021 và hoạt động đến nay.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 42 cũng thấy những tồn tại. Rõ nét nhất là sàn giao dịch mua bán nợ xấu hoạt động chưa hiệu quả do các vướng mắc luật lệ.
Chúng ta nên biết rằng, người mua nợ xấu không hướng đến khoản nợ mà là nhằm vào tài sản bảo đảm và muốn thủ tục chuyển giao từ tài sản đảm bảo phải thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên điều này hiện rất khó khăn. Chẳng hạn chỉ một thủ tục công chứng chuyển nhượng nợ cũng khó thực hiện vì những người làm công chứng chưa quen hoặc chưa biết việc mua bán nợ xấu.
Vấn đề tiếp theo là trong Nghị quyết 42 có quy định về thủ tục rút gọn xử lý nợ xấu của tòa án. Tuy nhiên thực tế, tòa án cũng khó xử lý nhanh được bởi việc điều tra các vấn đề pháp lý khoản nợ xấu cũng rất rắc rối.
Ngoài ra các vấn đề về thanh lý tài sản đảm bảo, thu giữ tài sản đảm bảo cũng chưa thực sự hiệu quả.
Nhiều ý kiến cảnh báo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao do dịch COVID-19, đồng thời cũng chính dịch bệnh đã khiến bản chất của nợ xấu có sự thay đổi. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Trong thời gian dịch bệnh vừa qua tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 12/2021 đã tăng đến 7,3% trên tổng dư nợ và bao gồm cả nợ nội bảng và nợ ngoại bảng. Vấn đề cần tính đến nữa là trong thời gian dịch bệnh COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ có thể phát sinh thêm các khoản nợ xấu mới.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng Thông tư này chỉ kéo dài đến thời điểm 30/6/2022. Trong khi đó, Nghị quyết 42 đến tháng 8/2022 cũng hết hiệu lực đồng nghĩa cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu cũng kết thúc. Như vậy vấn đề xử lý nợ xấu năm nay rất phức tạp.
Theo ông, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến năm 2025 có phải giải pháp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay?
Tôi nghĩ rằng nếu kéo dài Nghị quyết 42 thêm 3 năm nữa cũng không giải quyết được vấn đề nợ xấu. Nó cũng như dịch COVID không mất đi mà chúng ta phải "sống với lũ", bởi khi nào các ngân hàng còn cho vay thì còn nợ xấu. Nghị quyết 42 là nghị quyết mang tính thí điểm để học hỏi kinh nghiệm. Nếu có thể gia hạn cũng phải ít nhất là 5 năm. Nhưng vấn đề là gia hạn 3 hay 5 năm mà không bổ sung các thiếu sót của nghị quyết hiện tại thì không có ý nghĩa.
Theo tôi cần chuyển Nghị quyết 42 trở thành 1 luật và được bổ sung những điều khoản dựa trên những thực tế, kinh nghiệm đã trải nghiệm trong 5 năm qua để trở thành một luật với các cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu. Còn nếu không chuẩn bị kịp thì ít nhất là gia hạn.
Ông có đề xuất nào đối với các cơ quan quản lý nhằm tăng hiệu quả xử lý nợ xấu và tháo gỡ rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế?
Một trong những điểm mà tôi đề nghị với các cơ quan chức năng là thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo. Tại sao lại cứ phải đấu giá có 1 cái giá khởi điểm mà cái giá khởi điểm đó phải được sự đồng ý của tất cả các bên rồi nếu không được đồng ý của ngân hàng và khách hàng thì lại phải tổ chức một cuộc đấu giá với khởi điểm mới và cứ thế sẽ tiếp tục có các cuộc đấu giá nếu không thành công.
Vậy tại sao chúng ta không áp dụng giá khởi điểm bằng chính khoản nợ ngân hàng và cộng thêm một khoản tiền. Nếu ai đấu giá trên giá ngân hàng thì tài sản thuộc người đó và khoản tiền dư giá khởi điểm của ngân hàng có thể thanh toán chi phí đấu giá... Còn nếu không có ai đấu giá cao hơn ngân hàng thì ngân hàng là người nhận tài sản đảm bảo và được xử lý tài sản đó.
Điều thứ hai là tôi đề nghị Quốc hội nên có Luật phá sản cá nhân. Khi có Luật phá sản cá nhân, tòa án xem xét giữ lại tài sản cho nhu cầu thiết yếu của cá nhân đó, còn lại tài sản khác được xử lý nợ. Tuy nhiên, hình thức này có thể sẽ bị lạm dụng và không đạt được mục đích thu hồi nợ.
Xin cảm ơn ông!
Xử lý nợ xấu - Bài 1: Đưa dòng vốn luân chuyển vào nền kinh tế Nợ xấu vốn được coi là "cục máu đông" ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Quốc hội đã tạo hành lang...