Thay máy bay “già” bằng máy bay “trẻ”, không quân Mỹ thiếu chuyên viên bảo trì
Đang tính thay máy bay già A-10 bằng máy bay “trẻ” F-35, không quân Mỹ thiếu chuyên viên bảo trì trầm trọng, trong lúc phải tiến hành các đợt không kích quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq.
Khoảng trống này đang gây lại căng thẳng giữa không quân với quốc hội Mỹ về cách điều hành lực lượng chiến đấu cơ của nước Mỹ.
Để duy trì máy bay tấn công IS, các quan chức không quân Mỹ phải ra lệnh điều động hàng trăm chuyên viên bảo trì trung cấp ra nước ngoài làm nhiệm vụ.
Lệnh điều động này buộc họ phải ngưng kế hoạch chuyển giao nhóm bảo trì của máy bay khác sang bảo trì loại “đồ chơi” đời mới nhất của không quân Mỹ, là chiếc chiến đấu cơ F-35.
Điều này có nghĩa có thể dẫn đến việc chậm triển khai thế hệ chiến đấu cơ mới này, nên các loại máy bay cũ cứ phải bay với tần suất cao.
Nữ bộ trưởng không quân Deborah Lee James than phiền: “Chúng tôi ngỡ được nghỉ ngơi một chút sau khi rút khỏi Afghanistan. Nay chúng tôi đang phải cho các chiến đấu cơ này bay suốt mà chưa thấy có dấu hiệu kết thúc”.
Hậu quả gay go này bóc trần những khó khăn từ việc Lầu Năm Góc bị cắt giảm khoản chi quân sự trong khi phải tính đến những khoản chi khác.
Không quân Mỹ tính chuyển nhóm chiến đấu cơ F-15 cũ cho không quân Vệ binh quốc gia, khiến có được 350 chuyên viên bảo trì chuyển qua chương trình F-35.
Nhưng khi chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama phải mở rộng hoạt động không quân ở châu Âu hồi đầu năm nay, không quân Mỹ phải giữ lại nhóm F-15 và nhóm chuyên viên bảo trì của loại máy bay này.
Video đang HOT
Việc triển khai nhóm F-16 qua Trung Đông đánh IS càng tạo thêm sức ép về số chuyên viên bảo trì.
Không quân Mỹ tính chuyện tuyên bố đưa F-35 vào hoạt động từ năm 2016. Nhưng việc thiếu chuyên viên bảo trì có thể khiến phải lùi chương trình này lại hai năm nữa, theo các quan chức cho biết.
Không quân Mỹ nay cũng phải tung nhiều chuyên viên bảo trì cho phi đội A-10 vốn sắp bị cho “nghỉ hưu” vì đã quá cũ, và phải huấn luyện lại các chuyên viên bảo trì giỏi để họ làm việc với chương trình F-35.
Nhưng quốc hội Mỹ năm ngoái lại quyết A-10 chưa được “hưu trí”, và cả Hạ lẫn Thượng viện Mỹ đều đã có những biện pháp buộc không quân nước này giữ nhóm A-10 tiếp tục bay.
Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte thuộc đảng Cộng hòa, nói: ” Việc cho rằng chúng tôi phải sớm rút lui nhóm A-10 để cung cấp thêm lực lượng bảo trì cho F-35 A là một lựa chọn sai lầm”.
Các chuyên gia ở quốc hội nói việc thiếu chuyên viên bảo trì chỉ là một vấn nạn ngắn hạn, vì chỉ mất chừng 2 năm để tái huấn luyện chuyên viên bảo trì trung cấp. Không quân có thể tăng tuyển dụng và các nhà thầu hợp đồng có thể lấp đầy khoảng trống.
Nhưng không quân nói không thể thực hiện giải pháp này.
Các chuyên gia ở quốc hội còn nói vấn nạn thiếu chuyên viên này do chính không quân Mỹ tạo ra, do họ đã cắt giảm quá nhiều chuyên viên bảo trì.
Các quan chức không quân từng nói năm 1994, rằng họ có 88.000 chuyên viên bảo trì, nay chỉ còn 64.000 người. Không quân nói việc khoản kinh phí quân sự hạn hẹp không cho phép họ cho bay cả hai loại máy bay A-10 và F-35.
Nữ Bộ trưởng không quân James nói: “Nếu bạn phải lựa chọn, thì lựa chọn đúng sẽ là cho hưu dần loại A-10. Chúng tôi cần đến khả năng của F-35.
Nhưng nhà phân tích quốc phòng Winslow Wheeler nói: việc loại A-10 cũ kỹ và ưu ái F-35 là một “âm mưu” của không quân muốn gạt bỏ một kiểu máy bay cũ và không mong muốn.
Ông khẳng định A-10 thể hiện được giá trị hỗ trợ quân bộ chiến đấu hiệu quả hơn các loại máy bay khác, và nó sẽ vẫn được cần đến để đánh IS trong tương lại.
Nhà phân tích quốc phòng Todd Harrison nói rút nhóm A-10 sẽ có ý nghĩa về tài chính: không quân đã nói loại máy bay này “về hưu” sẽ tiết kiệm được 4,2 tỉ USD trong vòng 5 năm tới.
Ông Harrison nói: dù gì A-10 cũng sẽ phải “về hưu” trong vài năm nữa, và nếu bắt đầu từ bây giờ thì sẽ giải phóng được một khoản tiền cho các mục tiêu khác.
Ông nói: “Không quân sẽ thu nhỏ, và nếu phải thu nhỏ, cách thông minh nhất là cho số máy bay già cũ nghỉ.
Trong khi các quan chức không quân nói việc chậm giao F-35 sẽ tăng chi phí, ông Harrison nói việc chậm triển khai F-35 có thể không phải là tệ:
Nếu không quân phải chọn giảm sản xuất loại này, họ cũng có thể tiếp tục thử nghiệm và giải quyết được các trục trặc trong thiết kế hiện tại, nếu sau này không muốn phải tốn hàng triệu USD để khắc phục những trục trặc ấy.
“Chờ và không mua thêm nhiều máy bay nữa sẽ tốt hơn, cho đến khi chúng ta hoàn thành xong chương trình bay thử, để chúng ta có thể tự tin hơn, rằng chiếc máy bay mà chúng ta đang mua sẽ không cần phải tái trang bị tốn kém thêm”, ông Harrison nói.
Theo Một Thế Giới
Lầu Năm Góc mua thêm 43 chiến đấu cơ F-35
Lầu Năm Góc sẽ mua thêm hàng chục chiến đấu cơ tàng hình F-35 theo hợp đồng trị giá khoảng 4 tỷ USD, trong đó một số chiếc sẽ được Washington chuyển giao cho đồng minh.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 có biệt danh Chim sắt. Ảnh: Wikipedia
Reuters dẫn thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết thông tin về chi phí sẽ được công bố một khi cơ quan này và tập đoàn Lockheed Martin hoàn thành thỏa thuận trong những tuần tới. Nhưng các nguồn tin am hiểu hợp đồng tuần trước cho biết thỏa thuận mua 43 chiếc F-35 trị giá khoảng 4 tỷ USD.
Chi phí trung bình cho một máy bay tàng hình "Chim sắt" sẽ thấp hơn khoảng 3,6% so với hợp đồng trước, thông cáo cho hay. Như vậy, theo ước tính, mỗi máy bay có giá khoảng 100 triệu USD, tuy nhiên giá bán dao động đối với từng loại trong số ba biến thể của máy bay này.
Theo Lầu Năm Góc, theo thỏa thuận mới nhất này, Lockheed Martin sẽ sản xuất thêm 29 máy bay cho Mỹ, hai chiếc F-35 đầu tiên cho Israel, 4 chiếc đầu tiên cho Nhật Bản. Ngoài ra, hợp đồng cũng sẽ chuyển giao cho Italy và Na Uy, mỗi nước hai chiếc F-35, và 4 chiếc cho Anh.
Hai bên đáng lẽ hy vọng đạt được thỏa thuận vào tháng 5 hoặc tháng 6, nhưng công tác đàm phán chậm lại sau một vụ cháy động cơ F-35 hôm 23/6, khiến không quân Mỹ đình bay toàn đội chiến đấu cơ này trong vài tuần.
Trọng Giáp
Theo VNE