‘Thay máu’ nhân sự, cổ đông, đường ống sông Đà vẫn liên tiếp gặp sự cố
Trong nửa đầu năm 2016 vừa qua, trong nội bộ Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã diễn ra nhiều biến động về nhân sự cũng như cổ đông.
Như VietNamNet đã đưa tin về việc đường ống nước sạch sông Đà gặp sự cố lần thứ 20. Theo thông báo của Công ty nước sạch Hà Nội gửi một số đơn vị vào ngày 3/10 do Phó Tổng giám đốc Trần Quốc Hùng ký, vào lúc 21h ngày 2/10, đường ống dẫn nước sạch sông Đà của công ty đã gặp sự cố. Tuy nhiên, trên website của Viwasupco (tại địa chỉ http://www.viwasupco.com.vn/) không hề có thông báo về việc ngừng cấp nước do ảnh hưởng của sự cố. Phản ánh về vấn đề này, nhiều người dân cho biết dù bị mất nước nhưng khách hàng không nhận được bất cứ thông báo nào.
Dù có sự “thay máu” nhân sự, cổ đông, đường ống sông Đà vẫn liên tục gặp sự cố (Ảnh: Hồng Khanh)
Chị Nguyễn Thị M (phường Phú Đô – Nam Từ Liêm) cho biết, do gia đình lắp máy bơm tự động nên khi hết nước máy sẽ tự bơm nước lên. Ngày 3/10, thấy máy hoạt động nhưng không có nước gia đình mới biết bị mất nước. Hỏi ra thì nước bị mất từ ngày 2/10. Đến 21h ngày 4/10 máy bơm vẫn chưa thể bơm nước lên được. “Việc đường ống sông Đà vỡ rồi mất nước người dân nghe cũng quen quá rồi. Nhưng người dân lại không được thông báo. Chúng tôi là khách hàng khi mất nước hay có sự cố phải được thông báo để chúng tôi không chủ động trong việc sử dụng dự trữ nước” – chị M. bức xúc.
Ngày 5/10, trao đổi với PV VietNamNet qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Tốn – TGĐ Viwasupco cho biết, đây chỉ là bảo trì đường ống thường xuyên chứ không phải sự cố. Việc bảo trì chỉ có giảm áp trong mấy tiếng đồng hồ chứ không lâu.
Ông Lê Minh Quý – Giám đốc Ban quản lý dự án cho rằng: Chuyện cả tuyến ống lớn như vậy khi đơn vị phát hiện ra hiện tượng rò rỉ thì xử lý để cấp nước ổn định cho dân thời gian cắt nước ngắn là chuyện hết sức thông thường của đơn vị. Dừng một vài tiếng hoặc đôi ba tiếng để xử lý cho tuyến ống ổn định thì không ảnh hưởng nhiều.
Trong khi đó, theo thông báo của Công ty nước sạch Hà Nội do sự cố này nên công ty phải giảm lưu lượng cấp nước cho khu vực Bắc sông Hồng trong phạm vi của nhà máy nước Bắc Thăng Long thời gian từ ngày 3 – 6/10. Trong thời gian trên, Công ty nước sạch Hà Nội sẽ giảm cung cấp nước cho khu vực Khu công nghiệp Bắc Thăng Long; Công ty nước sạch số 2, các xã Kim Chung, Võng La, Đại Mạch, Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội).
Video đang HOT
Trước đó, ngày 14/9, đường ống nước sạch sông Đà gặp sự cố lần thứ 19 đoạn qua Km21 600, Đại lộ Thăng Long. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đường ống nước sông Đà đã 2 lần liên tục gặp sự cố. Việc đường ống nước sông Đà gặp sự cố tới lần thứ 20 đã khiến hàng vạn người dân thủ đô ngán ngẩm.
Người dân vẫn chỉ biết chờ dự án sớm được hoàn thành để không phải chịu cảnh “khát” giữa thủ đô (Ảnh: Phạm Hải)
“Kỳ tích” vỡ ống và công cuộc thay máu
Dự án cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Hiếu Môn – Hà Nội – Hà Đông (khu vực Tây Nam thành phố Hà Nội được phê duyệt vào năm 2003. Giai đoạn 1 với chiều dài 45,8km, công suất 300.000m3/ngày đêm, vốn 1.500 tỷ đồng được triển khai vào năm 2005 và hoàn tất vào năm 2009. Đây cũng là dự án nhiều tai tiếng của đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Đã có tới 20 lần đường ống nước Sông Đà gặp sự cố kể từ khi dự án này đi vào hoạt động. Nhiều cán bộ thuộc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex, Ban quản lý dự án cấp nước Sông Đà cùng một số đơn vị liên quan đã bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong nửa đầu năm 2016 vừa qua, trong nội bộ Viwasupco đã diễn ra nhiều biến động về nhân sự cũng như cổ đông. Theo đó, cuối tháng 3/2016, cổ đông ngoại Công ty Acuatico Pte Ltd – Singapore đã chuyển nhượng toàn bộ 43,6% vốn điều lệ cho CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh thái, qua đó kết thúc 5 năm rưỡi đầu tư vào doanh nghiệp nước sạch này. Đây là công ty con thuộc sở hữu của Công ty quản lý quỹ đầu tư Avenue (Avenue Capital Group), một quỹ đầu tư của Mỹ.
Acuatico là cổ đông chiến lược của công ty từ năm 2010 sau khi mua số cổ phần trên từ Tổng công ty Vinaconex. Trước đó, Vinaconex là công ty mẹ và nắm giữ gần như toàn bộ vốn tại Viwasupco.
Sau gần 6 năm gắn bó, Acuatico quyết định rút vốn khi Viwasupco đang chuẩn bị đầu tư Dự án đường ống nước Sông Đà giai đoạn 2. Trong những năm có sự hiện diện Acuatico, Viwasupco thua lỗ triền miên do chi phí vay lãi quá lớn. Đến năm 2014, công ty mới chính thức xóa lỗ lũy kế.
Năm 2015, doanh thu công ty tăng lên 404 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 147 tỷ đồng do được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu 439 tỷ, lợi nhuận sau thuế tăng lên 161 tỷ đồng. Mặc dù đã có lãi nhưng công ty vẫn tiếp tục chưa có kế hoạch trả cổ tức do cần tiền thực hiện giai đoạn 2 của công trình. Không nhận được cổ tức từ Viwasupco không có nghĩa là Acuatico thất bại trong khoản đầu tư này bởi đến nay giá trị chuyển nhượng của thương vụ này vẫn còn là một “ẩn số”.
Không chỉ thay máu cổ đông, Viwasupco cũng có sự thay đổi về nhân sự. Ông Bùi Minh Trường – Giám đốc Ban quản lý Dự án đường ống nước Sông Đà giai đoạn 2 chính thức bị miễn nhiệm từ ngày 25/4. Công ty bổ nhiệm ông Lê Minh Quý giữ chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án với thời gian bổ nhiệm 5 năm kể từ ngày 25/4.
Cuộc thoái lui của cổ đông ngoại gắn bó gần 6 năm với Viwasupco được thực hiện cùng lúc với thời gian Viwasupco chuẩn bị đầu tư vào giai đoạn 2 của Dự án đường ống nước Sông Đà. “Chương mới” của Viwasupco sẽ được viết cùng một nhà đầu tư Việt Nam – CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái.
Dù có sự “thay máu” nhân sự, cổ đông, đường ống sông Đà giai đoạn 2 vẫn chưa biết bao giờ sẽ được hoàn thành. Trong khi đó đường ống sông Đà số 1 vẫn liên tiếp gặp sự cố. Thậm chí chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đường ống nước sông Đà đã gặp sự cố 2 lần liên tục. Người dân vẫn chỉ biết chờ dự án sớm được hoàn thành để không phải chịu cảnh “khát” giữa thủ đô.
Theo Vietnamnet
Ống nước sông Đà vỡ 18 lần: Miễn xử lý hình sự lãnh đạo Vinaconex vì vi phạm lần đầu!
Cơ quan tố tụng xác định, ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân - nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT có dấu hiệu tội phạm nhưng khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Đến nay, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ đến lần thứ 18
Ngày 15.7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty CP xuất nhập khẩu VN (Vinaconex)", đồng thời chuyển hồ sơ tới Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 9 bị can gồm: Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc và Nguyễn Văn Khải, nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội (Ban Quản lý dự án); Trương Trần Hiển, nguyên Trưởng phòng Vật tư thiết bị Ban Quản lý dự án; Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc và Vũ Thanh Hải, nguyên Phó giám đốc Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex; Đỗ Đình Trì, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát của Công ty CP nước và môi trường VN - Bộ Xây dựng (Viwase); Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, đều nguyên cán bộ Công ty Viwase.
Trước đó, hồi tháng 11.2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND tối cao. Viện này đã ra cáo trạng truy tố 9 bị can và chuyển hồ sơ sang TAND TP.Hà Nội để xét xử. Đến ngày 31.5.2016, TAND TP.Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Kết quả điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, từ năm 2004, HĐQT Vinaconex lúc đó là các ông: Phí Thái Bình - Chủ tịch, Nguyễn Văn Tuân, Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên khi thực hiện vai trò nhiệm vụ của chủ đầu tư cấp nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite sợi thủy tinh khi chưa thẩm định; lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực và kinh nghiệm, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng nên công trình liên tục bị hư hỏng trong quá trình vận hành, khai thác. Cơ quan tố tụng xác định cả 5 người này đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu. Việc ra các quyết định trái quy định là muốn công trình nhanh, giá thành rẻ. Mặt khác kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi. Người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Văn Tuân mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu nên liên ngành tư pháp T.Ư thấy rằng không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên HĐQT Vinaconex.
Theo kết luận điều tra, từ khi công trình đưa vào sử dụng đến khi khởi tố vụ án (tháng 7.2014) đã có 9 lần vỡ ống và đến thời điểm có kết luận điều tra là 14 lần. Việc tuyến ống không đảm bảo chất lượng buộc doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư thêm số tiền lớn hơn 1.000 tỉ đồng để khẩn cấp xây dựng thêm tuyến ống mới.
Qua điều tra xác định 14 lần vỡ ống đã có 18 ống cốt sợi thủy tinh bị phá hủy, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp quản lý khai thác dự án sau đầu tư là Công ty CP nước sạch Vinaconex. Số tiền doanh nghiệp đã chi để khắc phục, sửa chữa thay thế các lần vỡ tuyến ống là hơn 13,458 tỉ đồng. Ngoài ra, việc tuyến ống liên tục bị vỡ phải dừng cấp nước sinh hoạt đã gây ảnh hưởng đến 177.000 hộ dân với lượng nước ngừng cấp hơn 1,5 triệu m3, thời gian ngừng cấp là 343 giờ.
Cho đến nay, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ đến lần thứ 18, lần gần nhất là ngày 11.7.
Theo Thanh Niên
Người Hà Nội sắp "quên" câu chuyện thiếu nước sạch? Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex khẳng định, khi 21km tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2 hoàn thành (dự kiến 30/5/2016) sẽ cung cấp ổn định, an toàn nguồn nước sạch cho khách hàng. Từ đó, người dân Hà Nội sẽ "quên" câu chuyện thiếu nước sạch như hiện nay. Hôm nay 7/10, Công ty...