Thầy giáo TP.HCM mặc áo dài mỗi khi đi dạy
Thầy Hồ Minh Quang (hiện công tác tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đã lựa chọn áo dài truyền thống làm trang phục đi dạy hàng ngày.
Áo sơ mi, quần tây vốn là trang phục quen thuộc của nam công chức, người làm văn phòng. Tuy vậy, thầy Hồ Minh Quang – trưởng khoa Đông phương học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM – lại chọn áo dài the đen làm trang phục mỗi khi đứng lớp giảng dạy.
Trò chuyện , thầy Quang chia sẻ: “Tôi yêu tà áo dài truyền thống. Nhiều sinh viên tỏ ra thích thú khi thấy tôi mặc trang phục này”.
Áo dài mang lại cảm giác trang trọng
Thầy Hồ Minh Quang có điều kiện tiếp cận với áo dài truyền thống từ rất sớm.
Nói về nhân duyên với chiếc áo dài, thầy cho biết: “Khi còn là nghiên cứu sinh, tôi có dịp đi khảo sát về ngôn ngữ ở tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế. Trùng hợp lúc đó tại địa điểm tôi ghé qua đang diễn ra ngày lễ. Nhìn thấy mọi người mặc áo dài để làm lễ, cúng kiếng, tôi cảm thấy rất thiêng liêng”.
Thầy Hồ Minh Quang chọn áo dài the đen làm trang phục đi dạy. Ngoài ra, thầy còn mặc nó khi làm công việc về ngoại giao. Ảnh: NV cung cấp.
Trước đây, khi đi du học nước ngoài, thầy Quang phụ trách việc biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa với học sinh các nước khác.
“Áo dài thay cho câu trả lời khi được hỏi ‘Where are you from?’. Tôi không cần giải thích mình đến từ đất nước nào. Tình yêu với quốc phục của dân tộc dần hình thành trong tâm trí tôi. Khi về nước, tôi nghĩ nên duy trì thói quen mặc nó”, thầy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nam giảng viên còn lựa chọn mặc áo dài vào những dịp diễn ra các lễ nghi trang trọng tại gia đình mình.
Video đang HOT
Theo đó, thầy Quang mặc áo dài từ cách đây 18 năm. Thời gian đầu, thầy chưa có điều kiện để sử dụng thường xuyên vì chỉ có 1-2 bộ.
Giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nói với Zing : “Tôi bắt đầu mặc áo dài thường xuyên vào khoảng 5 năm trước. Tôi đi làm, để dành tiền trong một khoảng thời gian mới có thể sắm nhiều bộ áo dài khác nhau. Tôi diện chúng nhằm phục vụ cho việc đi dạy và một số dịp khác”.
Bộ trang phục áo dài mỗi khi lên lớp dạy học của thầy Quang gồm nhiều món đồ như áo bà ba (lớp trong), áo dài trắng (lớp giữa), áo dài the đen (lớp ngoài), quần dài, khăn xếp.
Tạo sự hứng thú cho sinh viên
Thầy Hồ Minh Quang thích diện trang phục tối màu khi đi dạy. Nam giảng viên chọn áo dài nhằm mang lại vẻ ngoài trang trọng, nghiêm túc.
“Sinh viên thích nhìn tôi với tà áo dài lúc đứng lớp. Điều này ít nhiều cũng tạo động lực giúp các em học tập nghiêm túc nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà trường”, thầy tâm sự.
Hình ảnh thầy Quang với tà áo dài truyền thống tạo dấu ấn cho sinh viên. Ảnh: NV cung cấp.
Thầy Quang cho biết khoa Đông phương học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thường xuyên đón tiếp khách nước ngoài.
Thầy nói: “Bên cạnh giảng dạy, tôi cũng chọn áo dài nhằm phục vụ cho những công việc ngoại giao. Mỗi lần gặp gỡ những vị tổng lãnh sự quán tại trường hoặc sang nước ngoài dạy học, tôi đều thích mặc áo dài.
Nam giảng viên mặc áo dài khi gặp gỡ những vị khách nước ngoài. Ảnh: NV cung cấp.
Như đã chia sẻ ở trên, tà áo dài thay cho lời giới thiệu ‘Xin chào! Tôi đến từ Việt Nam’. Bên cạnh đó, khi nghe tôi trình bày với trang phục áo dài, người dân ở nước bạn cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa của dân tộc, đất nước chúng ta. Từ đó, hình ảnh, ngôn từ của mình cũng được người ta chú ý và trân trọng hơn”.
Mỗi tuần, thầy Hồ Minh Quang lên lớp 4-5 buổi. Những lúc đi dạy, thầy chọn áo dài, kết hợp với khăn xếp và guốc mộc. Còn khi làm công việc giấy tờ tại văn phòng, thầy diện áo sơ mi, quần tây đơn giản.
“Trong các dịp lễ hội, hội thảo quốc tế, sự kiện giao lưu văn hóa ở trường, tôi mặc áo dài màu để tiếp khách nước ngoài. Còn khi đi dạy học, tôi sẽ sử dụng áo dài the đen”, nam giảng viên tiết lộ.
Nam giới không nhất thiết phải mặc áo dài
Thầy Hồ Minh Quang trao đổi cùng Zing : “Nếu mặc đúng theo hình thức truyền thống, áo dài có nhiều lớp sẽ tạo cảm giác nóng bức. Tuy nhiên, tôi là người chịu được nóng nên không cảm thấy quá khó chịu. Lúc tôi đi dạy ở những nơi có thời tiết lạnh, mát mẻ như Đà Lạt, mặc áo dài sẽ thoải mái hơn”.
Giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng không nên quá đòi hỏi nam giới, nhất là các bạn nam trẻ tuổi, mặc áo dài nếu họ cảm thấy không thoải mái.
“Nam sinh thường có tính cách năng động, ưa chạy nhảy. Tôi nghĩ áo dài sẽ khiến các em gặp bất tiện khi sử dụng.
Với nam sinh, có thể các em thích thể hiện tình yêu với áo dài bằng suy nghĩ, không nhất thiết thông qua hành động ngay tức thì. Một lúc nào đó, các em ấy sẽ tự khoác lên mình áo dài truyền thống khi cảm thấy sẵn sàng, không cần ai thúc ép”, thầy nói.
Thầy Quang cho rằng các nam sinh sẽ mặc áo dài khi họ thật sự sẵn sàng. Ảnh: NV cung cấp.
“Tôi không nghĩ mình sẽ trở thành hình mẫu để lan tỏa tình yêu về áo dài. Đây là trang phục của lễ nghi. Mọi hành động đi, đứng, ngồi hay các hình thức sinh hoạt khác cùng áo dài đều có quy tắc hành xử đi kèm”, thầy Quang chia sẻ thêm.
Nam công chức có nên mặc áo dài truyền thống
Hình ảnh nam công chức tỉnh Thừa Thiên Huế trong bộ áo dài ngũ thân truyền thống đến công sở làm việc vào buổi chào cờ đầu tháng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Công chức Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài chào cờ đầu tuần. Ảnh: TL
1. Áo dài ngũ thân được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, được xem là tiền thân áo dài ngày nay. Các nhà thiết kế cho rằng, áo dài ngũ thân nữ và nam đều may giống nhau, chỉ khác vài điểm. Theo nhà thiết kế Quang Hòa (TP Huế), áo dài ngũ thân được may hai lớp, gồm lớp bên ngoài và lớp lót bên trong, thoải mái, tiện lợi, gọn gàng, kín đáo khi mặc. Kiểu dáng, kết cấu áo có công năng sử dụng cao, tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong. Với áo nữ có thể tôn dáng, che khuyết điểm cơ thể. Tuy vậy, may áo dài ngũ thân rất kỳ công, giá thành lại cao hơn so áo dài thông thường.
Nói đến giá trị của áo dài ngũ thân nam truyền thống, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng: Cách may, mặc áo dài ngũ thân, nhất là với áo dài nam thể hiện rõ các đặc tính: Khiêm nhường, kín đáo, phong thái đĩnh đạc, thẩm mỹ tinh tế.
2. Sự việc được dư luận quan tâm khi cán bộ, nhân viên của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên Huế mặc trang phục áo dài truyền thống đến công sở làm việc trong buổi sáng đầu tháng. Không chỉ nữ giới, cả nam giới từ nhân viên đến lãnh đạo tham gia buổi lễ chào cờ vào đầu tháng 9 vừa qua đều mặc áo dài ngũ thân truyền thống, khăn đóng và đi giày Tây. Đơn vị này sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng nhưng chỉ đối với công chức khối văn phòng, không áp dụng đối với những người thường đi ra ngoài làm việc. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban của đơn vị.
Có ý kiến cho rằng, nam giới mặc áo dài nơi công sở thì nên cân nhắc bởi lâu nay, trang phục này thường chỉ sử dụng trên sân khấu hoặc trong lễ cưới. Trang phục công sở đã được Nhà nước quy định từ lâu, việc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành thêm quy định mới này là không phù hợp. "Trang phục đi làm cần tiện lợi, thoải mái, chứ lụng thụng, vướng víu rất dễ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc" là quan điểm của một số cư dân mạng. Nếu mặc trong chốc lát và để chụp ảnh thì không sao nhưng nếu triển khai đồng bộ thì phải cân nhắc. Ngoài ra, việc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế khuyến khích người lao động mặc áo dài vào một ngày trong tháng sẽ phát sinh chi phí không cần thiết.
Về vấn đề này, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Huế là Kinh đô của áo dài và với mong muốn hình ảnh áo dài được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, đơn vị đã tiến hành cho một bộ phận công chức gồm cả nam và nữ trong cơ quan mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng trong buổi chào cờ khoảng một tiếng. Sau đó, mọi người lại thay trang phục công sở để làm việc bình thường. Tuy nhiên, Sở VH-TT khuyến khích nam giới mặc áo dài truyền thống chứ không ép buộc phải mặc áo dài khi làm việc. Còn kinh phí may áo dài không lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước mà nhận được sự hỗ trợ của các nhà may và lãnh đạo sở bỏ tiền túi để góp thêm cho chi phí mua vải.
3. Bên cạnh những ý kiến phản đối thì cũng có nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định mặc áo dài nam truyền thống, đồng ý với ông Hải về việc mỗi tháng chỉ mặc một lần thì vẫn có thể làm được. Chưa kể, với chất liệu và kiểu dáng thì ngay trong thời hiện đại này, chiếc áo dài ngũ thân vẫn khiến cho các nam công chức toát lên được vẻ ngoài lịch lãm, chỉn chu. Các nhà thiết kế nhìn nhận câu chuyện mặc áo dài nam ở Huế theo góc độ tích cực hơn. Tức là, việc nam công chức ở Huế mặc áo dài ngũ thân sẽ tạo thêm nét đặc sắc về vùng đất này, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và mang về nguồn lợi cho người dân nơi đây bằng cách tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập.
Có một thực tế, áo dài ngũ thân nam bắt đầu được quan tâm với sự ra đời của các nhóm yêu thích cổ phục trên khắp cả nước, như: CLB Đình làng Việt, Đại Việt cổ phong, Việt Nam cổ phục hội... Từ đó, nhen nhóm sự quan tâm, yêu thích chiếc áo dài ngũ thân của những người yêu văn hóa và một bộ phận giới trẻ ở Huế. Trở lại vấn đề mặc áo dài nơi công sở, theo ông Phan Thanh Hải, sở chỉ khuyến khích các nhân viên diện áo dài vào một ngày nhất định trong tháng. Đây chưa trở thành quy định mang tính bắt buộc với người lao động.
'Nam công chức Hà Nội sẽ không mặc áo dài đi làm' Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết không có chủ trương nam cán bộ diện áo dài ở nơi làm việc. Trao đổi , ông Trần Tuấn Anh - Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội - cho biết hiện chưa có thông tin về việc nam công chức của sở sẽ mặc...