Thầy giáo tháo dép tặng người đàn ông đi chân trần về quê
Hình ảnh người đàn ông nghèo khổ đi bộ giữa trời mưa về quê được thầy giáo Hoàng Khanh tặng đôi dép, hỗ trợ lộ phí khiến nhiều người xúc động.
Cộng đồng mạng bày tỏ xúc động khi thấy hình ảnh thầy Khanh tặng dép cho người đàn ông đi bộ về quê (Ảnh cắt từ clip).
Những ngày qua, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ hình ảnh ghi lại cảnh một thanh niên tặng đôi dép đang đi cho người đàn ông chân trần về quê. Hình ảnh dù khá giản dị, nhưng nhận được nhiều lời khen do hành động nhân văn trong mùa dịch của nam thanh niên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sự việc được camera an ninh của một nhà dân gần đó ghi lại vào tháng 9, ở tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Người trao tặng dép là thầy Cù Phan Hoàng Khanh (sinh năm 1991) giáo viên trường THCS & THPT Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Thầy giáo tặng dép cho người đàn ông đi bộ về quê (Nguồn internet).
Theo chia sẻ của thầy Khanh, khoảng 17h ngày 9/9, khi đang đi tham gia hoạt động tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch về trên Quốc lộ 1A (đoạn qua thị trấn Bến Lức), anh phát hiện người đàn ông đi bộ một mình dưới mưa. Người đàn ông chưa đến 40 tuổi nhưng gương mặt khá khắc khổ, tay xách một túi nilon với vài bộ đồ cũ, mặc chiếc áo sơ mi cũ.
Thấy người đàn ông có vẻ lạ, thầy khanh dừng xe lại thăm hỏi và được biết người này đang đi bộ từ TP Tân An (tỉnh Long An) về quận 12 (TPHCM), quãng đường khoảng 80 km, để thăm vợ và 4 con nhỏ.
Khoảng 2 tháng trước, người đàn ông này rời phòng trọ ở quận 12 về Long An làm phụ hồ. Vừa làm được một tuần thì công trình ngưng hoạt động để phòng dịch nên ông bị thất nghiệp, đời sống khá khó khăn. Vì không thể cầm cự nổi và quá nhớ vợ, con, ông quyết định đi bộ về TPHCM.
Thầy Khanh thấy người đàn ông đi chân trần nên tặng luôn đôi dép mình đang đi và không ngờ sự việc được lan truyền rộng rãi.
“Sau khi hỏi thăm tình hình, tôi và người đàn ông đó đứng bên vệ đường để vẫy xe xin đi nhờ nhưng không được. Thấy người đàn ông quyết tâm lên đường nên tôi hỗ trợ anh một ít lộ phí, hộp cơm và ít khẩu trang”, thầy Khanh kể.
Khi thấy người đàn ông đi chân trần trên mặt đường nhựa thô, thầy Khanh đã tháo đôi dép mình đang đi để tặng. Khi nhận đôi dép, người đàn ông vui mừng xỏ vào chân rồi vẫy tay chào tạm biệt thầy giáo trẻ.
“Hỏi thăm thì người đàn ông này nói đi bộ nên bị đứt đôi dép rồi. Tôi không suy nghĩ mà tặng ngay đôi dép mình đang đi để hỗ trợ. Hy vọng có đôi dép, người đàn ông đi bộ sẽ đỡ đau chân hơn. Tôi không ngờ hành động nhỏ của mình được ghi lại, đây là việc nên làm, không có gì lớn lao cả. Đây cũng không phải lần đầu tiên tôi hỗ trợ người dân đi bộ về quê”.
Từ đầu dịch tới nay, thầy Khanh luôn năng nổ trong công tác hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch.
Thông tin về vụ việc trên, thầy Phạm Văn Vơn – Hiệu trưởng THCS & THPT Lương Hòa cho biết, thầy Khanh là người rất nhiệt tình trong công tác Đoàn, khi trường vận động tham gia công tác phòng, chống dịch, thầy Khanh tham gia từ đầu.
“Thời gian qua, thầy Khanh đã hỗ trợ nhu yếu phẩm đến nhiều người về quê. Hành động thầy tặng dép vô tình được ghi lại đã trở thành hành động tích cực đến đội ngũ giáo viên để nhân rộng mô hình người tốt, việc tốt. Hy vọng thời gian tới, thầy Khanh tiếp tục phát huy để tạo hình ảnh đẹp về việc học tập, làm theo gương Bác Hồ”, thầy Vơn thông tin.
Dù đã quay trở lại dạy trực tuyến nhưng những thời gian rảnh thầy Khanh vẫn tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Thầy Khanh công tác tại trường 5 năm, là giáo viên Toán, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Clip: Trên đường về quê cùng bố mẹ, cháu bé ngất xỉu vì đói và mưa lạnh khiến nhiều người xót xa
Nhịn đói đi xe máy cả nghìn km từ miền Nam về quê tránh dịch, cháu bé kiệt sức ngất xỉu ở đèo Hải Vân khiến nhiều người xót xa.
Sau khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, hàng nghìn người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chạy xe máy về lại các tỉnh miền Trung đi ra phía Bắc.
Hàng nghìn người chạy xe máy chở theo phụ nữ, trẻ em và cả vật dụng sinh hoạt dọc theo Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh hướng ngang qua các tỉnh miền Trung. Đa số bà con là lao động nghèo vào Nam mưu sinh kiếm sống.
Vì hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp nên họ quyết định về quê ngay khi các tỉnh miền Nam nới lỏng giãn cách xã hội.
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ lại hoàn cảnh của một em bé theo bố mẹ về quê nhà Nghệ An. Gia đình di chuyển về quê bằng xe máy, khi đang trên đèo Hải Vân thì cháu bé ngất xỉu vì đói và lạnh.
Clip: Cháu bé ngất xỉu khi trên đường theo bố mẹ về quê
Giữa đêm mưa xối xả, tiếng khóc của người mẹ khiến ai chứng kiến cũng thắt lòng. Trong lúc đó, các lực lượng trực chốt, cán bộ y tế đã có mặt kịp thời bế em bé đến chỗ thoáng đãng hơn.
Lực lượng chức năng trong đêm khuya đã bình tĩnh xử lý, an ủi động viên người mẹ: 'Cấp cứu cấp cứu vô. Bình tĩnh, bình tĩnh. Không sao cả, không việc gì hết đừng có khóc'.
Cháu bé hiện tại sức khỏe đã ổn định.
Hiện cháu bé đã tỉnh lại sau khi được sơ cứu và cho uống sữa. Được biết, gia đình cháu bé quê ở Diễn Châu, Nghệ An đang trên đường trở về sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách.
Hoàn cảnh xót xa của cháu bé và gia đình khiến nhiều người không kìm được nước mắt. Vì dịch bệnh, vì cuộc sống vất vả mưu sinh không thể trụ lại ở thành phố mà nhiều người quyết định đem con cái để về quê. Những đứa trẻ phải vật vờ trên xe nhiều ngày, chịu cái mưa lạnh, chịu đói khát.
Bên cạnh sự đồng cảm, xót xa với những hoàn cảnh của người dân nghèo mùa dịch, dân mạng còn bày tỏ sự cảm phục với các cán bộ y tế, lực lượng trực chốt đã xử lý tình huống kịp thời, giúp các gia đình an tâm về quê.
'Thất nghiệp, không còn gì ăn khiến họ phải tìm đường về quê. Mà về trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ thế này tội nghiệp các em nhỏ phải đi theo quá'.
'Chắc gia đình đều không có gì ăn, bé cũng không được ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ. Sức trẻ con làm sao mà chịu được chứ'.
'May bé không bị làm sao. Cảm ơn các lực lượng trực chốt đã có mặt kịp thời để giúp đỡ các gia đình về quê'.
Xôn xao clip công ty ở Bình Dương thưa thớt người dù đã hoạt động lại Từng là địa phương đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhưng đến nay Bình Dương đã dần kiểm soát được dịch, nhiều huyện, thị trấn, thành phố đủ điều kiện công bố "vùng xanh", trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công ty, cơ sở sản xuất tại Bình Dương đang rơi vào tình trạng thiếu...