Thầy giáo mầm non: Chỉ yêu chứ không muốn… cưới
Bốn chữ “ thầy giáo mầm non” khiến nhiều người ngạc nhiên xen lẫn tò mò về nghề vốn được nghĩ chỉ “dành riêng” cho phụ nữ và cũng vì vậy mà các thầy giáo mầm khó tìm được mái ấm riêng.
Nghe đến cưới là chạy “mất dép”
Đó là kết quả mối tình hơn 2 năm với một cô gái cùng quê của thầy giáo mầm non Ngọc Văn Nạp (Sơn Động, Bắc Giang). Dù còn yêu nhau nhưng phía gia đình nhà gái không thích công việc mà thầy Nạp đang làm, không muốn con gái mình lấy chồng là một người làm thầy giáo mầm non.
“Hồi đó tôi và cô ấy yêu nhau được hai năm và định tiến đến hôn nhân rồi. Nhưng ngày hai bên họ hàng gặp gỡ nhau thì người ta lại chê rằng mình là giáo viên mầm non. Thế rồi cả 2 quyết định chia tay vì biết không thể đến được với nhau, cũng tiếc nhưng nếu gia đình hai bên không thích thì cũng khó để có hạnh phúc được”, thầy Nạp ngậm ngùi nhớ lại.
Công việc mầm non khiến thầy giáo Nạp từng bị từ chối tình yêu
Việc nhiều người không thích nghề thầy giáo mầm non khiến thầy giáo trẻ buồn một thời gian và cũng mất đi phần nào sự tự tin về nghề.Thầy giáo Nạp cho biết đã nhiều lần muốn viết đơn xin nghỉ việc, bỏ nghề và kiếm công việc nào khác để mọi người chòm xóm không xì xào nữa. Nhưng nỗi nhớ những đứa bé hồn nhiên, ngây thơ trên lớp học lại không thể dứt ra được.
“Ngày ấy cứ nghĩ là giờ theo nghề thì khó kiếm vợ, cũng sống trong môi trường mà mọi người chỉ trỏ này nọ cũng mệt lắm, áp lực từ bố mẹ và gia đình. Tôi tìm được người nghĩ là thích hợp thì khi trò chuyện, chia sẻ về nghề nghiệp, nói là làm nghề giáo viên mầm non thì họ đều không muốn nói chuyện nữa”, thầy Nạp nghĩ lại khoảng thời gian đi tìm cho mình một người hiểu và thông cảm cho mình.
Năm 27 tuổi thầy Nạp vẫn chưa đưa cô gái nào về ra mắt, trong khi đó bạn bè đều đã có gia đình riêng, có người đã có 2-3 đứa con và đều đã đi học. Ở nông thôn nên phần lớn các gia đình đều đặt nặng việc dựng vợ gả chồng sớm cho con cái.
Video đang HOT
Vợ của thầy – cô giáo mầm non Chu Thị Lan giúp thầy Nạp san sẻ được nhiều lo toan trong cuộc sống.
Thời gian bù đắp sự mong mỏi của thầy giáo trẻ và cả gia đình, thầy giáo Nạp quen và cưới một cô giáo mầm non kém 6 tuổi. Theo thầy giáo Nạp, hai người thật sự tìm được tiếng nói chung vì cùng là đồng nghiệp. “Cô ấy làm cùng ngành nên biết được tôi cần gì, nghĩ gì, thấy được sự mặc cảm của mọi người xung quanh về nghề của tôi, hiểu được tôi yêu trẻ như thế nào nên lại càng tôn trọng tôi hơn”, thầy giáo mầm non chia sẻ.
“Tôi muốn đi đâu xa vài ngày cũng chẳng có gì phải lo lắng vì vợ cáng đáng, lo toan mọi thứ. Vợ hiền lành, tháo vát lại hợp tính cả nhà nên dù có lấy vợ muộn nhưng tôi vẫn cảm thấy mình là người rất may mắn”, thầy Nạp hào hứng khi kể về người vợ giáo viên mầm non của mình.
Thầy Nguyễn Thanh Bình và những học trò của mình.
Những câu hỏi hoài nghi về giới tính
Bị mọi người hoài nghi về giới tính cũng là vấn đề mà thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, trường mầm non Đồng Cam, Cẩm Khê, Phú Thọ thường xuyên gặp phải.
“Đàn ông con trai phải chủ động, mà công việc một ngày trọn vẹn ở trường rồi, đến tối lại còn một tá sổ sách, giáo án, kế hoạch nên cũng khó chủ động để hẹn ai đó đi chơi.
Hơn nữa, thu nhập từ nghề thấp nên những thầy giáo trẻ như tôi lại càng khó có điều kiện tìm được người yêu. Hàng ngày chỉ biết đến trường dạy học, chăm sóc bé rồi lại quay vào công việc nên nếu có được người yêu thì cũng phải rất lâu, sau khi sự nghiệp đã ổn định”, thầy giáo Bình chia sẻ.
“Thầy giáo mầm non cần phải khéo, hay không có thì phải học cách để khéo léo hơn. Hát hay, múa dẻo, ăn nói dịu dàng, vui tính và hay tếu táo là những điều mà thầy giáo mầm non phải có được. Bởi vì như vậy các bé mới thấy thích thú và nghe lời, cũng là kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cần có. Có lẽ dịu dàng quá chăng mà khiến mọi người xung quanh đặt câu hỏi về giới tính”, thầy giáo mầm non tâm sự.
Mọi lời xì xào, bàn tán thường rộ lên sau mỗi lần thầy giáo Bình dạy các trẻ múa. Việc múa dẻo hơn cả các cô giáo mầm non khác cũng khiến thầy càng là tâm điểm của những lời bàn tán. Thầy giáo trẻ cho biết, những lần đi đường có người thậm chí đã hỏi thẳng thầy về giới tính thật.
“Tôi cũng chỉ nghĩ là họ hỏi đùa vui thôi nên cũng vào hùa để làm trò cho mọi người. Đó cũng là cách để quên đi những mệt mỏi sau những giờ trông trẻ trên lớp. Lâu dần rồi bản thân cũng chẳng muốn giải thích với những người đã thân thiết với mình. Tôi thực sự yêu nghề, yêu bọn trẻ”, thầy giáo Bình vui vẻ chia sẻ về bản thân và tình yêu với nghề.
Theo Huyền Trần (Đời sống & Pháp lý)
Thầy giáo xin ra khỏi biên chế ở Quảng Ninh: Lãnh đạo huyện nói gì?
Liên quan đến vụ việc thầy giáo Đoàn Hùng Cường (người có gần 16 năm đứng lớp) viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục tại một huyện nghèo của tỉnh Quảng Ninh, chiều 12.9, Dân Việt đã nhận được câu trả lời của lãnh đạo huyện Bình Liêu và Phòng Giáo dục huyện.
Trong đơn, thầy Cường nêu rõ lý do: "Tôi đã công tác trong ngành giáo dục huyện Bình Liêu được gần 16 năm, gia đình tôi ở quá xa, tại TP.Uông Bí cách nơi công tác 140km. Tôi phải thường xuyên xa nhà. Nay cha mẹ tôi đã già yếu, con cái thơ dại đang cần người chăm sóc. Bản thân tôi ở Bình Liêu phải sống trong cảnh nhà trọ ọp ẹp, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, thiếu thốn, khiến sức khỏe của tôi ngày càng suy sụp".
Bà Đào Ngọc Anh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu - cho biết: Thầy Đoàn Hùng Cường sinh năm 1979, quê ở Thái Bình, gia đình trú tại phường Quang Trung, TP.Uông Bí (Quảng Ninh). Ngày 24.8, thầy giáo Đoàn Hùng Cường viết đơn gửi Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú Bình Liêu và Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục
Theo thông tin gửi Dân Việt, UBND huyện Bình Liêu xác nhận, báo đăng "tốt nghiệp đại học và sau 1 năm (2001) thì thầy chính thức được nhận dạy tại Trường THCS thị trấn Bình Liêu". Nhưng theo hồ sơ xin việc của thầy Cường, chỉ có bằng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Văn - Địa, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh. Theo quyết định tuyển dụng ngày 1.1.2003, thầy Đoàn Hùng Cường công tác tại Trường THCS thị trấn Bình Liêu, trình độ Cao đẳng sư phạm Văn - Địa, hưởng lương bậc 1, hệ số 1,78.Về sự việc một số báo đăng tải, ông Đặng Bá Bắc - Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu - cho rằng, có một số nội dung phản ánh không chính xác.
Từ năm 2006 - 2009, thầy Cường đi học tại chức Đại học sư phạm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh. Năm 2010, theo nguyện vọng cá nhân, UBND huyện đã có quyết định 1517 cử thầy Đoàn Hùng Cường đi học thạc sĩ hệ tập trung 2 năm. Trong thời gian đi học, thầy Cường được hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định và vẫn được tăng lương (từ 2,72 lên 3,33).
"Việc thầy Cường không được hưởng chế độ khuyến khích của tỉnh theo Quyết định 2971 là do không thuộc đối tượng được hưởng" - bà Đào Ngọc Anh nói.
Căn phòng trọ của thầy Cường khi còn dạy học tại Bình Liêu. (Ảnh: Infornet)
Về số tiền lương cụ thể của thầy Cường, bà Anh cho biết: Sau khi học xong thạc sĩ, tháng 10.2012, thầy Cường về Trường THCS Tình Húc tiếp tục công tác, được hưởng hệ số lương 3,33, với tổng số tiền lương là 9.266.250 đồng/tháng. Trước khi thôi việc, lương của thầy Cường là hệ số 3,99, tổng lương là 10.186.700 đồng/tháng..
Ngoài ra, theo báo cáo của UBND huyện Bình Liêu, trong thời gian công tác tại Trường THCS Tình Húc, nhà trường đã bố trí cho thầy Cường phòng ở nhưng do nguyện vọng cá nhân, thầy Cường thuê phòng trọ ở ngoài.
"Việc thầy Đoàn Hùng Cường viết đơn xin thôi việc xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, mặc dù đã được ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp, cán bộ tổ chức Phòng Giáo dục huyện động viên, chia sẻ, làm công tác tư tưởng, nhưng thầy vẫn kiên quyết nộp đơn xin thôi việc" - lãnh đạo huyện Bình Liêu khẳng định.
Theo Danviet
"Cảm ơn thầy Nga, người đã truyền lửa cho con tôi..." "Để có thành tích như ngày hôm nay, gia đình tôi luôn thầm cảm ơn thầy giáo Trần Văn Nga - Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (thầy giáo bồi dưỡng), người luôn dìu dắt, truyền lửa cho cháu, để cháu xuất sắc mang tấm HCV Olympic Vật lý Quốc tế (IMO) về cho tổ quốc...", chị Vũ Thị Hoa...