Thầy giáo già lập Quỹ thiện nguyện nổi tiếng nhờ câu nói bất ngờ từ người mẹ bị mù
Gắn bó trọn đời với nghề giáo và làm từ thiện, thầy Trần Quốc Thường được các thế hệ đồng nghiệp và học trò yêu mến, các mảnh đời bất hạnh tin yêu. Nhân ngày NGVN 20/11, Infonet xin được giới thiệu về nhà giáo, nhà từ thiện tận tâm Trần Quốc Thường.
Trường THCS Nguyễn Biểu vừa tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, thầy Thường đã làm hiệu trưởng tại đây 16 năm
Gần 30 năm làm quản lý giáo dục
Sinh năm 1958 tại làng Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh), một ngôi làng giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng. Đặc biệt dòng họ Trần tại đây đã sinh ra 13 giáo sư Tiến sĩ, 23 thạc sĩ. Nối gót tiền nhân, Trần Quốc Thường sớm bộc lộ là một học sinh có năng khiếu văn chương, luôn đứng ở vị trí đầu trong những học sinh cùng trang lứa.
Lớn lên, với ước mơ, hoài bão trở thành thầy giáo, từ năm 1975 đến 1978, chàng trai trẻ Trần Quốc Thường tham gia học tại Trường Sư phạm 10 3 Hà Tĩnh. Ra trường, được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Với trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ vững vàng, chẳng lâu sau thầy giáo trẻ Trần Quốc Thường được cử làm Tổ trưởng chuyên môn.
Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, năm 1983, thầy Thường được chuyển về Trường PTCS Trung Lễ (Đức Thọ, Hà Tĩnh), đây là một phân hiệu của Trường Năng khiếu Đức Thọ. Đến năm 1989 thì được đề bạt làm Phó hiệu trưởng của nhà trường.
Sau 1 năm làm hiệu phó, năm học 1989 – 1990, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường THCS Quang Vĩnh. Từ đây, thầy Trần Quốc Thường được điều động làm hiệu trưởng ở các trường như THCS Nguyễn Biểu, THCS Thanh Dũng, THCS Đức Lâm, Chuyên viên Phòng Giáo dục – Đào tạo Đức Thọ rồi trở về làm hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Biểu – một ngôi trường danh tiếng ở đất học Đức Thọ cho đến ngày 01/3/2018 thì nghỉ hưu theo chế độ.
Gia đình đã truyền cảm hứng cho thầy tham gia công tác thiện nguyện không biết mệt mỏi. Thầy Thường là người đứng bên trái (Ảnh trái)
Trong khoảng thời gian gần 30 năm làm công tác quản lý (từ 1989 đến 2018), thầy Trần Quốc Thường có 2 lần làm hiệu trưởng tại trường THCS Nguyễn Biểu. Điều vinh dự là ngôi trường này vừa tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường thì thầy Thường đã làm hiệu trưởng tại đây 16 năm, góp phần vào thành tích dạy và học của nhà trường.
Trên lĩnh vực chuyên môn, thầy Trần Quốc Thường được xem là người hiểu sâu biết rộng, đã từng đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh và chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Thường xuyên làm giám khảo, chấm thi giáo viên giỏi và sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện. Ở cương vị quản lý, thầy luôn coi trọng chất lượng giáo dục, phát huy tốt tinh thần đoàn kết, được bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao, nhân viên kính nể.
Ngoài ra thầy còn tham gia viết bài về lĩnh vực văn hóa giáo dục được đăng tải trên và các báo tạp chí Dân trí, Thế giới trong ta, giaoduc.net, Văn hóa Hà Tĩnh, Văn nghệ TP HCM….
Người bạn đời của thầy Trần Quốc Thường là cô Trần Thị Minh Hồng (SN 1959), một đồng nghiệp gần gũi, một người vợ thủy chung, một người con dâu hiếu thảo, một hậu phương vững chắc để thầy có thời gian phấn đấu cho sự nghiệp. Hiện cô thầy có hai con trai thành đạt, đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội.
Gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của thầy Trần Quốc Thường về sau này. Trước đây, phụ thân thầy từng làm cán bộ lâm nghiệp, cán bộ địa chất, Cụ rất gương mẫu và có uy tín trong tất cả các hoạt động ở địa phương, nhất là công tác từ thiện. Mẹ thầy là xã viên HTX, khi về già thì bị mù lòa và bại liệt. Chính hai cụ đã nêu gương và truyền cảm hứng cho thầy tham gia công tác thiện nguyện không biết mệt mỏi.
Với những đóng góp của mình, thầy Trần Quốc Thường được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen.
Nhà thiện nguyện tận tâm
Thầy Thường chia sẻ: “Năm 2012, mẹ tôi từng nói: Con phải làm một điều gì đó để giúp đỡ những người có hoàn cảnh ốm đau, tàn tật như mẹ. Chính vì vậy, năm 2013, tôi đã chuyển Quỹ khuyến học (do tôi thành lập năm 1995, khi mới về làm Hiệu trưởng tại quê nhà, dành cho học sinh Trường THCS Nguyễn Biểu), thành Quỹ Nhân ái Hồng La, nhằm mở rộng phạm vi hoạt động, giúp đỡ, cưu mang những người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh để thỏa nguyện ước mơ của mẹ”.
Video đang HOT
Theo thầy Thường, đối tượng mà Quỹ Nhân ái Hồng La hướng đến là các cụ già cô đơn, bại liệt, mù lòa, tâm thần, trẻ mồ côi khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó.
“Xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, thấu hiểu những mảnh đời bất hạnh, nên tôi đã khâu nối những mạnh thường quân, những tổ chức, cá nhân với tấm lòng lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều để sẻ chia, đỡ đần để họ có cuộc sống tốt hơn”, thầy Thường chia sẻ.
Từ khi Quỹ Nhân ái Hồng La ra đời đến này đã xây dựng được 9 ngôi nhà tình thương, mỗi nhà từ 60 đến 85 triệu đồng; Trao quà cho 21 liệt sĩ Gạc Ma ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Phúc Thọ (Hà Nội), Phú Thọ với số tiền 168 triệu đồng.
Quỹ Nhân ái Hồng La còn cưu mang tiền ăn hàng tháng cho 40 đến 43 cụ già cô đơn, bại liệt, mù lòa, tâm thần và 40 em mồ côi, không nơi nương tựa với số tiền 300 ngàn/tháng; Tặng học bổng cho 11 em sinh viên với số tiền từ 12 đến 20 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong năm 2019, Quỹ Nhân ái Hồng La đã kết nối với anh Lương Nam, một Công ty ở Hà Nội, cưu mang 8 sinh viên với tổng số tiền 12 triệu đồng/năm cho đến hết khóa học.
Kỷ niệm chương về khuyến học, nhân đạo.
Bên cạnh đó, Quỹ Nhân ái Hồng La còn hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh tổ chức bữa cơm miễn phí suốt 2 năm (2016 – 2017). Riêng từ năm 2018 – 2019, hỗ trợ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đức Thọ 3 bữa cơm miễn phí vào các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần. Đồng thời, mỗi tháng 1 lần quỹ Nhân ái Hồng La phối hợp với Huyện Đoàn Đức Thọ, tổ chức một chương trình ca nhạc hát cho bệnh nhân nghe tại Bệnh viện Đức Thọ.
Không dừng lại ở đó, Quỹ Nhân ái Hồng La còn hỗ trợ cho Trung ương Hội người mù Việt Nam các cuộc hội thảo tại thành phố Buôn Mê Thuột và Trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng của Hội người mù Việt Nam 180 cái radio để nghe thời sự trị giá 45 triệu đồng; Tặng 25 tủ sách cho nhà trường, bệnh viện, làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, Trung tâm dạy trẻ khuyết tật, Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh.
Không những thế, Quỹ Nhân ái Hồng La còn triển khai chương trình 50 đàn gà cho em (áp dụng cho trẻ mồi côi) trị giá trên 25 triệu đồng; Tri ân thầy cô giáo nhân ngày 20/11; Chương trình tiếp sức đến trường (Mỗi chương trình từ 60 – 70 triệu); Trung thu yêu thương; Tủ quần áo miễn phí; Tặng ti vi cho khoa thận Bệnh viện Đức Thọ trị giá 8.500 ngàn đồng; Tặng thư viện tỉnh một dự án sách trị giá 25 triệu đồng (của Hội Nhà văn tặng Quỹ Nhân ái Hồng La).
Ngoài ra, còn khâu nối các tổ chức thiện nguyện trong nước và quốc tế, đồng tài trợ cho chương trình Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc; đám cưới của 65 cặp khuyết tật tổ chức tại Hà Nội; Cứu trợ lũ lụt lên đến hàng tỷ đồng; giới thiệu tư vấn việc làm cho sinh viên mới ra trường; Lo hậu sự cho một số cụ già cô đơn sau khi qua đời (hòm vỏ, lễ tang); Khâu nối để đưa trẻ mồ côi vào các trung tâm nuôi dưỡng.
Nhiều Bằng khen dành cho cá nhân thầy Trần Quốc Thường và Quỹ Nhân ái Hồng La
Nhóm Nhân ái Hồng La và thấy giáo Trần Quốc Thường đã được Trung ương Hội người mù, Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Trung ương Hội Khuyến học tặng bằng khen và kỷ niệm chương.
Tất cả mọi hoạt động đều gắn với chính quyền địa phương, nhất là các đoàn thể. Mọi chi tiêu được công khai minh bạch nên được các nhà hảo tâm tin tưởng và ủng hộ, nên mọi chương trình đều cán đích mỹ mãn.
Theo infonet
Nghề giáo nay đã là một nghề nguy hiểm
Có thể nói, giáo viên là bộ phận "thấp cổ bé họng" trong nhà trường, chỉ cần có ý kiến khó nghe một tí là rất dễ lọt vào tầm ngắm của những người ở trên.
Tháng 11, tháng của những lời tri ân từ các thế hệ học trò đến với người thầy, người cô của mình.
Tháng 11, tháng bộn bề cảm xúc của những người đang ngày đêm chèo lái con đò tri thức đưa từng thế hệ học trò cập bến tương lai.
Trên con đò ấy có nụ cười hạnh phúc, giọt nước mắt, thành công của những cô cậu học trò và cả sự lạc lõng của chính...người lái đò.
Có nhiều nguyên nhân khiến giáo viên cảm thấy lạc lõng trên chính cuộc hành trình của mình (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Carlo Gordoni từng nói một câu: "Kẻ lữ hành khôn ngoan không bao giờ chê đất nước của chính mình".
Ta có thể nhận thấy được ít nhiều sự liên tưởng về những người giáo viên trong nghĩa chuyển của câu nói trên.
Những người giáo viên có tâm họ sẽ luôn tin tưởng, nhiệt huyết với con đường mà mình đang đi. Họ sẽ luôn hoàn thành xuất sắc công việc, biết tạo niềm hạnh phúc đơn giản từ sự tiến bộ của học trò. Nhưng đôi khi, họ lại cảm thấy cô đơn trên chính hành trình của mình.
Người viết xin được nêu một vài nguyên nhân về vấn đề này.
Thứ nhất, tiếng nói của người giáo viên không còn có trọng lượng như trước
Sự thật đau lòng trong xã hội hiện nay là tình trạng giáo viên sợ học sinh. Nếu như trước đây giáo viên có thể phạt học trò của mình (trong chuẩn mực sư phạm) mỗi khi các em phạm phải sai lầm, thì bây giờ họ sẽ phải cân nhắc. Bởi, rất có thể những hành vi đó có thể đem đến phiền toái cho họ bất cứ lúc nào.
Vụ việc của thầy giáo dạy thể dục Nguyễn Việt Hưng (Long An) là một trường hợp điển hình. Thầy giáo đã phải chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh, bị cơ quan chức năng kỷ luật toàn ngành chỉ vì phạt học sinh thụt dầu 20 cái khi các em phạm lỗi.
Dần dần, những người giáo viên luôn đi dạy với phương châm ba không "Không được quát, không được phạt, không được từ chối dạy".
Họ như bị mắc kẹt giữa gọng kìm của dư luận, nếu quát phạt học trò thì lại vi phạm chủ trương "Trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Thứ hai, nghề giáo không nhàn hạ như xã hội nghĩ
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, giáo viên chỉ sáng lên lớp dạy vài tiết là xong, hè lại được nghỉ suốt ba tháng lận nhưng sự thật không phải như thế.
Hàng ngày ngoài lên lớp giảng dạy, giáo viên phải xử lý một khối lượng công việc không hề nhỏ như báo cáo chuyên đề, thao giảng, kiểm tra, sơ kết, đánh giá...
Ngoài ra, giáo viên còn phải học tập để thăng hạng, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao khả năng nghiệp vụ.
Thứ ba, nghề giáo là một nghề nguy hiểm
Tại sao nói nghề giáo là một nghề nguy hiểm?
Hàng ngày, đến trường giáo viên luôn mang theo những nỗi sợ vô hình như có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, bị thanh tra đột xuất, tập diễn, bị chính học sinh của mình dọa nạt...thậm chí có thể bị hành hung.
Câu chuyện thầy giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh bị đánh chảy máu đầu khi xử lý học sinh vi phạm nội quy đồng phục hay thầy giáo ở Quảng Bình bị học sinh chặn đường đâm dao nhọn vào bụng khi nhắc nhở học sinh xóa hình xăm... còn ám ảnh cho tới bây giờ và thật đáng để chúng ta suy ngẫm.
Từ đó, có thể thấy được nghề giáo luôn đi kèm với những nguy hiểm.
Thứ tư, giáo viên bị ép vào khuôn khổ, thân cô thế cô, không được bảo vệ những lúc cần thiết
Giáo viên là đối tượng phải chịu đủ mọi thứ áp lực nhất. Từ hiệu trưởng, phụ huynh, học sinh rộng hơn nữa là cái nhìn khắt khe của toàn xã hội.
Mặc định người giáo viên phải luôn luôn khuôn phép, mẫu mực. Họ bị cô lập và tự tạo vỏ ốc an toàn cho mình. Lâu dần hệ lụy kéo theo là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh giảm sút, nảy sinh hiện tượng thờ ơ, vô cảm chốn học đường...
Có thể nói, giáo viên là bộ phận "thấp cổ bé họng" trong nhà trường, chỉ cần có ý kiến khó nghe một tí là rất dễ bị lọt vào tầm ngắm của những người ở trên.
Giáo viên cũng là nơi mà những người nắm trong tay "quyền sinh quyền sát" có thể đổ hết mọi trách nhiệm vào đó.
Khi họ đạt thành tích tạo được tiếng thơm cho nhà trường, người người ra mặt tán dương. Người đại diện vỗ ngực, "ăn to nói lớn" trước bàn dân thiên hạ. Đến lúc họ cần được bảo vệ thì tất cả lặng thinh.
Vụ phụ huynh bắt cô giáo quỳ trước mặt ở trường tiểu học Bình Chánh tuyệt nhiên không có ai dám đứng ra bảo vệ cô. Đó là một trong những câu chuyện hết sức đau lòng nhưng vẫn diễn ra hiển hiện ngay trước mặt.
Thứ 5, giáo viên không dám sáng tạo
Chính sự sáng tạo của giáo viên đang bị cái rập khuôn trong chương trình sách giáo khoa ràng buộc. Những người quản lý họ luôn hô hào đổi mới, nhưng chính họ lại ngại đổi mới, sáng tạo.
Giáo viên nào mà có cách dạy không giống ai, không theo chuẩn sách giáo khoa thì hiển nhiên họ không được đánh giá cao và tất nhiên tiết dạy đó không đạt yêu cầu, kèm theo đó là sự nhắc nhở và lời hứa sẽ phải khắc phục.
Thứ 6, nghề giáo không còn thu hút được nhiều sinh viên giỏi
Người viết nghĩ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên cảm thấy lạc lõng trên chính cuộc hành trình của mình.
Tại sao vậy?
Khi ngành sư phạm không có sức hút bằng các nghành như kinh tế, y dược, quân đội... dẫn đến điểm đầu vào luôn nằm ở ngưỡng sàn. Học sinh có học lực giỏi không mặn mà với nghề, số ít học sinh đam mê thì bị gia đình cấm cản.
Từ con mắt của xã hội đối với nghề giáo như thế khiến những giáo viên chân chính phần nào tự ti, không nhận được sự đồng hành và cảm thấy lạc lõng.
Lại một mùa tri ân nữa sắp về, điều mong mỏi của một người giáo viên chân chính không phải nằm ở giá trị của những món quà. Điều cần nhất đối với họ ngay lúc này là sự đồng hành của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Hãy tiếp sức cùng họ thực hiện nhiệm vụ giáo dục một cách đúng nghĩa.
Lê Văn Thân
Theo giaoduc.net
"Với tôi, buổi chia tay xúc động tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là một tài sản vô giá" Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV Nguyễn Anh Trí lần đầu tiên chia sẻ với phóng viên về buổi chia tay đầy xúc động khi về nghỉ hưu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Từ câu chuyện này, ông muốn nhấn mạnh, vấn đề giáo dục trong cơ quan là hết sức quan trọng. Bởi, thời gian ở cơ...