Thầy giáo 9X hiến máu hơn 40 lần
App Hiến máu của thầy Văn Công Thư vừa hiển thị lần hiến máu thứ 37, cộng với 4 giấy chứng nhận ở nhà, thầy Thư liệt kê được 41 lần, trong đó có 30 lần hiến tiểu cầu.
Lần hiến máu gần nhất của thầy Văn Công Thư, 29 tuổi, giáo viên Giáo dục thể chất trường THCS Đông La, Hoài Đức, Hà Nội, là ngày 18/10 với 350 ml. “Do dịch bệnh, việc đi lại khó khăn, có lúc sức khỏe và công việc không cho phép, năm nay tôi mới hiến máu hai lần”, thầy Thư nói.
Thầy Thư thường xuyên hiến máu kể từ năm 2012 đến nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lần hiến máu tình nguyện đầu tiên của thầy Thư là năm 2012, khi đang học năm hai Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao. Khi đó, phong trào hiến máu chưa phát triển, khiến nhiều người còn ngần ngại.
Là bí thư của lớp, Thư chỉ nghĩ cần tiên phong tham gia phong trào do trường phát động. Cầm tờ giấy chứng nhận hiến 250 ml máu đầu tiên trên tay, anh hạnh phúc khi biết lượng máu mình hiến có thể góp phần cứu chữa cho bệnh nhân nào đó.
Sau lần đó, Thư còn tham gia hiến máu tình nguyện thêm một lần nữa vào năm 2012 và hai lần khác trong năm 2013.
Đến năm 2014-2015, sau khi ra trường, làm việc ở đường Hoàng Ngân, quận Cầu Giấy, ngay gần Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, thầy Thư có nhiều thời gian đi hiến máu hơn.
“Nếu hiến máu toàn phần, phải 12 tuần mới đến lần hiến tiếp theo nhưng tôi đủ điều kiện hiến tiểu cầu nên chỉ phải nghỉ ngơi 3 tuần sau mỗi lần. Vì vậy năm 2015, tôi có tới 11 lần hiến tiểu cầu”, thầy Thư nói.
Hiến tiểu cầu không giống như hiến máu toàn phần, mỗi lần phải mất khoảng 2 tiếng để hệ thống máy lấy máu, gạn tách tiểu cầu rồi truyền các thành phần máu còn lại về cơ thể. Để máy có thể gạn tách, người hiến phải chú ý không được ăn đồ béo trước khi tham gia.
Video đang HOT
Thầy Thư trong một lần hiến tiểu cầu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thầy giáo 9X cho biết bản thân không đặt ra mục tiêu một năm phải hiến máu bao nhiêu lần mà phụ thuộc vào sức khỏe, thời gian và công việc.
“Phải khi nào sức khỏe tốt, có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, công việc sau đó cũng nhẹ nhàng, không chịu nhiều áp lực, tôi mới đi hiến máu. Mình phải giữ sức khỏe bản thân trước mới có thể giúp đỡ người khác”, thầy Thư nói. 2-3 năm nay, mỗi năm thầy chỉ tham gia hiến máu 2-3 lần do công việc bận rộn.
Ngoài những lần hiến máu theo các chương trình của Viện Huyết học, thầy Thư cũng hỗ trợ những người cần máu gấp. Tham gia vào các hội nhóm về hiến máu trên Facebook, khi có người bị tai nạn cần máu gấp hay sản phụ cần dự phòng máu khi sinh, nếu rảnh và phù hợp để hỗ trợ, thầy sẽ tham gia. Thầy từng đi hiến máu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để giúp đỡ một người bị tai nạn.
“So với những người hay hiến máu, số lần của tôi chỉ ở mức trung bình, không phải quá nhiều. Dù vậy, tôi vẫn rất vui vì lượng máu và tiểu cầu mình hiến có thể giúp đỡ nhiều bệnh nhân”, thầy Thư chia sẻ, mong muốn mọi người đủ điều kiện có thể tham gia, đặc biệt trong những đợt kêu gọi lớn do ngân hàng máu cạn kiệt.
Thông tin số lần hiến máu của thầy Thư trên app Hiến máu. Ảnh chụp màn hình
Cô Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng THCS Đông La, bất ngờ trước số lần hiến máu của thầy giáo trẻ. Cô cho biết trong 6 năm gắn bó với nhà trường, thầy Thư tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, từng cùng nhà trường vào Quảng Trị ủng hộ cho 7 trường ở huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Hướng Hóa năm 2020.
“Không chỉ năng nổ trong các phong trào, thầy còn rất vững chuyên môn nghiệp vụ khi nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp huyện, giúp đội tuyển thể dục thể thao của trường đạt nhiều thành tích ở các cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, thành phố”, cô Dung nói.
Kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe hiến máu, hiến tiểu cầu
Sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu cho điều trị của các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã bố trí hội trường rộng để phục vụ công tác tiếp nhận máu nhưng nhiều thời điểm luôn vắng người hiến máu. Ảnh: BVCC
Nhiều lịch hiến máu đã bị hoãn, hủy ở hầu hết các địa phương, đơn vị, kể cả ở các địa phương không thuộc phạm vi phong toả, cách ly y tế phòng chống dịch. Nhiều người dân dù đã đăng ký trước nhưng có tâm lý e ngại dịch bệnh nên đã không đến hiến máu.
Lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và nhiều trung tâm máu đang giảm mạnh do không có nguồn người hiến máu. Nguy cơ thiếu hụt nguồn máu phục vụ cho người bệnh xảy ra tại nhiều nơi trên toàn quốc và đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực phía Bắc.
Theo BSCKII. Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chỉ tính riêng tại Viện, từ 27/4 - 11/5, lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 30% so với kế hoạch. Đã có 47 lịch hiến máu với dự kiến tiếp nhận 25.000 đơn vị máu bị hoãn, hủy. Trong khi Viện là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với diện bao phủ là 40 triệu dân.
Trong 12 ngày đầu tháng 5, Viện chỉ tiếp nhận được 2.920 đơn vị máu, nhưng đã cung cấp 4.822 đơn vị máu. Tại thời điểm này, nhiều hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh đã được hạn chế để đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng trung bình mỗi ngày, Viện vẫn cần đến 1.000 đơn vị máu và gần 200 đơn vị tiểu cầu để cung cấp cho các cơ sở điều trị.
Nhân viên y tế và nhiều người sẵn sàng đến hiến tiểu cầu, nhưng chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu của người bệnh. Ảnh: BVCC
Lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Liên tiếp chúng tôi phải tiếp nhận thông tin của các đơn vị đề nghị hoãn lịch hiến máu. Đã có 23 lịch, tương đương 4.200 đơn vị máu không thể tiếp nhận theo kế hoạch. Lượng máu tiếp nhận nửa đầu tháng 5 chỉ đạt 50% so với kế hoạch và thấp hơn so với lượng máu cấp phát".
Trước tình hình này, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã có công văn báo cáo Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện để tăng cường các biện pháp đẩy mạnh hiến máu tình nguyện, đảm bảo dự trữ máu an toàn cứu chữa người bệnh.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương mong muốn các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì kế hoạch tổ chức hiến máu đã có, tăng cường các lịch tổ chức hiến máu ở những nơi không bị phong toả, không cách ly y tế. Quá trình tổ chức hiến máu cần thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế về phòng chống dịch.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đề nghị các bệnh viện cần chỉ định và sử dụng máu, chế phẩm máu hợp lý; tạm thời trì hoãn các phẫu thuật theo kế hoạch để tiết kiệm nguồn máu cho cấp cứu. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người nhà người bệnh ở những cơ sở y tế phong tỏa, cách ly y tế tham gia hiến máu.
Người dân đủ điều kiện sức khỏe, không có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 hãy tích cực đến hiến máu, hiến tiểu cầu để bảo vệ sức khỏe của những người bệnh đang cần đến máu để duy trì sự sống.
Tại các điểm hiến máu, các biện pháp phòng chống dịch được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và các đơn vị chuyên môn tiếp nhận máu thực hiện nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người hiến máu, người nhận máu, nhân viên y tế và những người làm công tác tuyên truyền, vận động, công tác tổ chức điểm hiến máu.
ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: tại tầng 2, Khoa Tiếp nhận máu (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).
Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội: từ 8h - 12h và 13h30 - 17h từ thứ 2 đến thứ 7. Vui lòng đến trước giờ kết thúc 45 phút để đăng ký và kiểm tra sức khỏe trước hiến máu.
26 Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm.
132 Quan Nhân, Thanh Xuân.
Số 10, Ngõ 122 Đường Láng, Đống Đa.
Kêu gọi hiến máu khẩn cấp Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư (Hà Nội) cho biết từ ngày 28.1 đến nay viện chỉ tiếp nhận được hơn 8.200 đơn vị máu hiến nhưng đã cung cấp gần 16.000 đơn vị máu (khối hồng cầu và các loại chế phẩm khác). Kho máu dự trữ tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đang cạn kiệt - ẢNH: CÔNG...