Thấy gì từ vụ MB24?: Nhẹ dạ, “nặng” máu làm giàu
Không chỉ có bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa, không được tiếp cận với công nghệ thông tin trở thành nạn nhân của Muaban24 mà ngay tại Hà Nội, danh sách hội viên đến tố cáo công ty này có hành vi lừa đảo cũng ngày càng nối dài. Những hội viên bị mất tài sản dù đáng thương nhưng cũng thật đáng trách vì sự mù quáng đã tự biến mình thành nạn nhân.
Chỉ trong vòng 1 ngày đã có gần 30 trường hợp đến nộp đơn tố cáo Muaban24
“Mù” internet cũng làm chủ “gian hàng”
Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1969, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội). Sáng 3-8, thấy trên báo đài phản ánh về hoạt động vi phạm pháp luật của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến, bà Phúc đã thuê “ xe ôm” chở đến cơ quan công an để trình báo. Theo lá đơn tố cáo được bà Phúc soạn gửi Phòng CSHS thì trong thời gian đến thăm nhà con gái ở thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, người phụ nữ ngoài 40 tuổi này được một thanh niên ở gần nhà giới thiệu về lĩnh vực thương mại điện tử. “Lúc đầu, tôi như vịt nghe sấm, hoàn toàn mơ hồ về các khái niệm như “hội viên Vip”, “gian hàng trực tuyến”.
Thấy cậu ta ăn nói dễ nghe, cam đoan đầu tư sẽ sinh lời mà không mất thời gian nên tôi đã lấy toàn bộ tiền tiết kiệm mang đi nộp” – theo bà Phúc, sau khi nhờ tư vấn viên mở “gian hàng” có tên là “Hoàng hôn”, bà chưa bao giờ truy cập vào hệ thống. Như giải thích của bà Phúc thì ngoài việc không nhớ mật khẩu tài khoản, không biết gì về internet thì nạn nhân cũng chẳng có nhu cầu buôn bán, giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Bà Phúc lại giấu chồng con đầu tư “chui” nên càng không dám nhờ người quen đăng nhập để kiểm tra điểm tích lũy.
Cũng tá hỏa khi vừa biết mình bị lừa, một người phụ nữ đề nghị giấu tên ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, khóc sướt mướt khi kể lại toàn bộ sự việc với điều tra viên. Cách đây nửa năm, người phụ nữ này được một “hội viên Vip” chủ động làm quen. Ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ, nữ thành viên của Muaban24 đã tặng cho nạn nhân món quà có giá trị được quảng cáo trên website của công ty.
Theo “hội viên Vip” kia, chỉ cần bỏ ra 5,2 triệu đồng sẽ có cơ hội mua hàng hóa giá ưu đãi với số lượng không hạn chế. Để chứng minh cho lợi ích của việc tham gia vào “gian hàng điện tử”, nữ “hội viên Vip” còn dẫn nạn nhân về nhà và cho vay tiền để khám bệnh. “Hơn 30 triệu đồng của con trai đi xuất khẩu lao động gửi về, tôi nhờ chị ta mang đi đăng ký tài khoản. Chắc mẩm số tiền phải “đẻ” ra khá nhiều. Nhưng giờ thì một xu cũng khó đòi lại” – người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ tiếc của. Còn thê thảm hơn cả bà Phúc, nạn nhân này chưa từng được ghé thăm “gian hàng” của mình. Tài khoản, mật khẩu truy cập cũng do “hội viên Vip” kia quản lý. Nhưng gần một tuần nay, ngôi nhà của nhân viên Muaban24 đó luôn đóng cửa im ỉm.
Video đang HOT
Trả giá vì cả nể
Chỉ trong vòng 1 ngày sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra – CATP Hà Nội ra lệnh bắt khẩn cấp đối với 4 cán bộ đứng đầu Công ty Muaban24, đã có gần 30 trường hợp đến Phòng CSHS nộp đơn trình báo. Trong số này ngoài cán bộ, công chức Nhà nước còn có nhiều sinh viên, học sinh và người dân lao động. Cùng với tâm trạng bức xúc, các nạn nhân liên quan đến vụ việc này đều thừa nhận lý do họ bị mắc lừa là vì cả nể và mong muốn giàu có một cách nhanh chóng.
Chị Vũ Thu Thủy (35 tuổi, nhân viên công ty du lịch lữ hành) kể rằng đã vô tình quen một tư vấn viên của Muaban24 trên mạng xã hội. Qua trò chuyện, nhân viên công ty tâm sự: “Kiếm tiền dễ lắm chị ạ. Ngày xưa em chỉ bán rau, buôn hoa quả nhưng giờ chỉ ngồi một chỗ mà lương cao ngất ngưởng”. Sau vài lần tiếp xúc với nhân viên Muaban24, từ lúc nào đó, chị Thủy đã cho rằng “cách giải thích của họ là có cơ sở. Vừa không mất thời gian, vừa nhàn hạ nên tôi đã mang 31 triệu đồng đi mua 8 gian hàng” – chị Thủy nhớ lại. Nhưng cũng sau một tuần, nữ thành viên mới này đã nghi ngờ về sàn thương mại điện tử giống kinh doanh đa cấp này. “Nhưng cứ mỗi lần tôi đến trụ sở (của chi nhánh Muaban24 ở Thanh Xuân, địa chỉ 89 Khương Hạ, Hạ Đình) thì tư vấn viên lại mời đi ăn uống, hát karaoke. Và họ lại rót mật vào tai, xua đi nghi ngờ của tôi, níu kéo tiếp tục làm thành viên của sàn giao dịch điện tử” – nữ nhân viên công ty du lịch lữ hành giải thích về việc không quyết liệt tìm hiểu để đòi lại tài sản.
Trong khi đó, bạn thân của chị Thủy là Nguyễn Thu Trang (34 tuổi, ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cũng bị một thành viên khác của Muaban24 lôi kéo. Lần đầu tiên tham gia, chị Trang cũng đầu tư 8 gian hàng nhưng ngay sau đó đã nhận ra bản chất của hình thức nộp tiền đổi lấy điểm của Muaban24. Liên tục thúc giục nhân viên công ty hoàn trả hơn 40 triệu đồng đã nộp nhưng người phụ nữ này cũng chỉ nhận được lời giải thích về lợi nhuận sẽ đạt được bằng những lời có cánh. “Ngay cả khi chấp nhận mất số tiền để đổi lại hợp đồng quảng cáo trên website nhưng họ nhận catalog của công ty tôi rồi bỏ đấy, không hề liên lạc, hỏi thăm như thời gian đầu” – chị Thủy bực bội.
Trước đó, lý do nạn nhân này tìm đến Muaban24 là nghe tư vấn viên cho biết rằng nếu mua càng nhiều gian hàng càng được trả nhiều lợi nhuận (giống như hình thức tiết kiệm), trong khi có thể quảng bá cho công việc, sản phẩm đang làm miễn phí. Nhưng từ ngày chi nhánh Muaban 24 tại Phú Thọ bị phát hiện vi phạm pháp luật thì thành viên công ty nhận tiền của chị Thủy đã thẳng thừng thách thức: “Tiền đó không biết nộp cho ai và cũng không thể trả lại được. Nếu muốn thì cứ đi tố cáo”.
Sau những sự việc đã xảy ra, cái kết dành cho Muaban24 đã hiện ra trước mắt. Nhưng số tiền hàng trăm tỷ đồng đã chảy về đâu thì chưa biết? Và thực chất còn có bao nhiêu người dân đã tán gia bại sản, lâm vào cảnh nợ nần do đầu tư “gian hàng điện tử” thì vẫn chưa thể trả lời chính xác trong một sớm, một chiều.
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội thông báo, ai là nạn nhân liên quan đến vụ án Muaban24 đề nghị đến Phòng CSHS, địa chỉ số 7 Thiền Quang, Hà Nội để phối hợp giải quyết.
Sáng 3-8, Công an tỉnh Hà Nam đã kiểm tra chi nhánh Muaban24 có trụ sở tại số 203, đường Biên Hòa, phường Lương Khánh Thiện, tỉnh Hà Nam. Hiện các chi nhánh của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến tại Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An… cũng bắt đầu hoạt động cầm chừng, từ chối tư vấn, mời chào thành viên mới. Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn tiếp tục phối hợp cùng công an các tỉnh tiếp tục điều tra những vi phạm liên quan đến hệ thống chi nhánh Muaban24 trên địa bàn toàn quốc.
Theo ANTD
Thanh Hóa: Muaban24 có hơn 8.000 gian hàng, 99% là... ảo!
Đến thời điểm này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chính thức công khai làm việc với ban Giám đốc và các thành viên quản lý, cũng như những vi phạm tại Muaban24 - Chi nhánh Thanh Hóa sau một thời gian trinh sát, nắm bắt tình hình.
Đại tá Lê Huy Nghĩa - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Trưởng phòng CSĐT Tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hiện đơn vị đang tiến hành điều tra những vi phạm tại MB24 Chi nhánh Thanh Hóa.
Đại tá Lê Huy Nghĩa - Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT - Trưởng phòng CSĐT Tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Thanh Hóa.
"Cuối năm 2011, trên địa bàn Thanh Hóa đã có phát hiện hoạt động mua bán trực tuyến của Chi nhánh thuộc Công ty Cổ phần mua bán trực tuyến MB24, chính thức bắt đầu từ 12/8/2011. Thời gian đầu cũng có một số dấu hiệu không bình thường, hoạt động này có số lượng người tham gia ngày một đông thêm", Đại tá Nghĩa cho biết.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan CSĐT thì MB24 - Chi nhánh Thanh Hóa được Sở Kế hoạch - Đầu tư Thanh Hóa cấp giấy phép hoạt động ngày 9/8/2011, do Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1983, ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) làm Giám đốc Chi nhánh. Nguyễn Văn Huy vốn mới chỉ học hết lớp 9, sau đó vào Thành phố Hồ Chí Minh làm rồi quay ra Hà Nội và trở về Thanh Hóa làm công việc trên.
Trong quá trình hoạt động trên địa bàn Thanh Hóa, MB24 - Chi nhánh Thanh Hóa phát triển mạng lưới các hội viên tương đối nhanh. Sau khi phát hiện, cơ quan CSĐT đã trinh sát, nắm tình hình và báo cáo lên Bộ Công an.
Thống kê của cơ quan điều tra cho thấy, đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có 8.274 gian hàng ảo, tương đương với số tiền khoảng 43 tỷ đồng. Trên thực tế, chỉ khoảng 1% trong số đó là có sự tham gia quảng bá sản phẩm, giao dịch sản phẩm, còn lại chỉ là ảo.
Trụ sở Chi nhánh MB24 tại Thanh Hóa.
Hiện nay, Công an Thanh Hóa đang tiếp tục làm việc, điều tra, xác minh làm rõ những sai phạm của Giám đốc Chi nhánh và các thành viên Chi nhánh Thanh Hóa cũng như các vấn đề liên quan đến hoạt động của đơn vị này. Đồng thời phối hợp với Cục nghiệp vụ C50 - Bộ Công an tiến hành làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong hoạt động của Chi nhánh MB24 tại Thanh Hóa.
Tại khu vực quanh trụ sở Chi nhánh MB24 Thanh Hóa lúc nào cũng tập trung nhiều người đến tham gia.
"Chúng tôi đã tiến hành làm trực tiếp, đầu tiên là những vi phạm về hành vi trốn thuế của đơn vị này có địa chỉ tại số 110 - Khu Đông Bắc Ga - phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa. Hiện cơ quan chức năng cũng đang tiến hành làm việc với Giám đốc - Phó giám đốc và những người tham gia quản lý Chi nhánh MB24 tại Thanh Hóa và làm rõ các hành vi sai phạm tại đây", Đại tá Lê Huy Nghĩa khặng định.
"Số hội viên có thể lên đến hàng nghìn người, trong đó có cả giáo viên, công chức", Đại tá Nghĩa cho biết thêm.
Theo Dân Trí
"Sếp sòng" bị tạm giữ, Muaban24 vẫn ngang nhiên chèo kéo? Một ngày sau khi trụ sở Muaban24 tại Hà Nội bị khám xét và nhiều "lãnh đạo" đầu não bị tạm giữ, công ty này vẫn tiếp tục mở cửa với bộ máy "thuyết gia" đông đảo hoạt động hết công suất. Sau một ngày bị lực lượng điều tra tới khám xét trụ sở và tịch thu tài liệu thì tại trụ...