Thấy gì từ việc diễn viên 10 tuổi đánh bại Quốc Trường, Kiều Minh Tuấn
Diễn xuất lên gân của Quốc Trường trong “Bẫy ngọt ngào” và vai diễn nhẹ đô của Kiều Minh Tuấn trong “Chìa khóa trăm tỷ” đã khiến giải Cánh diều vàng gọi tên một diễn viên nhí.
Lễ trao giải Cánh diều lần thứ 19 của Hội Điện ảnh Việt Nam khép lại với chiến thắng ở hạng mục điện ảnh thuộc về Đêm tối rực rỡ. Tác phẩm chính kịch của đạo diễn Aaron Robert Toronto không chỉ giành giải cao nhất – Cánh diều vàng – mà còn thắng các hạng mục biên kịch, quay phim, diễn xuất.
Kết quả không thực sự bất ngờ. Bởi lẽ khi ra mắt hồi tháng 4 năm nay, tác phẩm nhận được khá nhiều lời khen từ giới phê bình lẫn khán giả. Chưa kể, đối đầu Đêm tối rực rỡ phần lớn là những dự án có chất lượng thấp, thậm chí khiến người xem phải thở dài ngao ngán vì nhiều vấn đề. Do đó, có thể nói dự án của Aaron Robert Toronto chiến thắng khá dễ dàng vì gần như không có đối thủ cân sức.
Cuộc chiến nhạt nhòa
Trong danh sách các tác phẩm tranh giải Phim truyện xuất sắc mảng điện ảnh, có đến 7/11 dự án thuần về giải trí. Số lượng phim tư nhân vẫn áp đảo so với phim nhà nước đặt hàng.
Đáng chú ý, có nhiều phim bị đánh giá thấp về chất lượng như Rừng thế mạng (Trần Hữu Tấn đạo diễn), Nhà không bán (Hoàng Tuấn Cường đạo diễn), Người lắng nghe: Lời thì thầm (Khoa Nguyễn đạo diễn). Điểm chung của cả ba là thuộc dòng phim kinh dị, khai thác một số khía cạnh mới nhưng kết quả không khả quan.
Người lắng nghe: Lời thì thầm là một trong số những phim có chất lượng thấp lọt vào danh sách đề cử Cánh diều vàng.
Được giới thiệu là phim sinh tồn, Rừng thế mạng có ý tưởng nhưng triển khai chưa tốt. Kịch bản bị khán giả đánh giá thấp khi tạo tình huống không hợp lý, tính cách nhân vật xây dựng quá đà, nhiều chi tiết gây tranh cãi như cảnh nhân vật chính thủ dâm trong rừng.
Ngoại trừ phần kịch bản có nỗ lực làm mới, Nhà không bán chưa thể làm hài lòng người xem vì nhiều điểm trừ. Cách khai thác đề tài còn cũ kỹ, đạo diễn lạm dụng yếu tố hài, chưa kiểm soát tốt kỹ thuật lẫn chỉ đạo diễn xuất hợp lý.
Người lắng nghe: Lời thì thầm cũng không khá hơn. Phim khai thác đề tài trị liệu tâm lý nhưng cốt truyện rối rắm, dài dòng và tham lam tình tiết. Cách đạo diễn dẫn dắt cũng chưa tốt, chủ yếu sử dụng thủ pháp jump scare cũ kỹ để hù dọa khán giả.
Hai tác phẩm Chìa khóa trăm tỉ và Nghề siêu dễ – đều do Võ Thành Hòa đạo diễn – lại là phim remake (làm lại). Dù doanh thu phòng vé khả quan, tính sáng tạo của cả hai tương đối thấp so với mặt bằng chung trong hạng mục.
Quy tụ phần lớn diễn viên hài, Chìa khóa trăm tỉ chỉ dừng ở mức phim chiếu tết, xem giải trí cho vui. Nghề siêu dễ thì lại có những thay đổi quá đà so với nguyên tác. Điển hình là cách đặt vấn đề khi biến nhân vật chính thành một cảnh sát về hưu, truy bắt tội phạm bằng cách kêu gọi nhiều thanh niên trong xóm về làm cộng sự.
Phim remake Nghề siêu dễ – Võ Thanh Hòa đạo diễn – nhận nhiều lời chê vì những tình tiết cải biên quá đà so với nguyên tác.
Sự xuất hiện của loạt phim trong hạng mục Phim truyện xuất sắc cho thấy tinh thần cởi mở của ban giám khảo, không phân biệt thể loại, remake hay phim gốc. Song, chất lượng các đề cử thấp lại là tín hiệu báo động cho điện ảnh Việt. Đáng buồn hơn khi nhìn qua nhìn lại, năm nay cũng không còn cái tên xứng đáng để thay thế.
Chiến thắng quá dễ dàng
So với năm ngoái, cuộc chiến giữa những cái tên như Bố già, Gái già lắm chiêu V,.. khá khó đoán khi loạt ứng viên đều ngang tài ngang sức. Các phim có chất lượng khá đồng đều, doanh thu cũng ở mức cao.
Trong khi đó, Đêm tối rực rỡ gần như là cái tên duy nhất cân bằng được hai yếu tố thương mại và nghệ thuật. Khi ra mắt, tác phẩm từng gây bất ngờ khi có cú lội ngược dòng tại phòng vé, được khán giả chú ý nhờ hiệu ứng truyền miệng trên mạng xã hội.
Kết quả, phim thu về hơn 20 tỷ đồng – con số mà nhiều dự án đầu tư kinh phí lớn trong năm nay vẫn chưa thể đạt được.
Chuyện phim xoay quanh đêm tang gia của một gia đình ở miền Nam. Khi các thành viên quây quần bên nhau cũng là lúc mâu thuẫn xảy ra giữa các thế hệ. Từ đó, kịch bản cài cắm thông điệp về bạo lực gia đình, vai trò của tình thân và cách chữa lành nỗi đau.
Đêm tối rực rỡ khai thác những mâu thuẫn xảy ra ở một tang gia.
Trước các ứng viên có chất lượng kém, chiến thắng của Đêm tối rực rỡ dường như quá dễ dàng. Đối thủ duy nhất chỉ có thể là Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác (đạo diễn Hàm Trần). Tuy nhiên dự án có phần thất thế vì thuộc thể loại thiếu nhi. Khi ra rạp, phim không được nhiều khán giả đón nhận dù chất lượng tốt. Doanh thu ở mức đáng buồn khi dừng chân ở con số hơn 6 tỷ, lỗ nặng so với kinh phí xấp xỉ 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đạo diễn Aaron Robert Toronto là người Mỹ còn Hàm Trần là người Mỹ gốc Việt. Cả hai đều được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm làm phim nhiều năm. Do đó, có thể nói các đạo diễn Việt vẫn đang ở vị thế kém hơn so với 2 đồng nghiệp.
Trong danh sách, khán giả đại chúng khó thể tiếp cận với các đại diện phim Nhà nước như B ình minh đỏ (NSND Nguyễn Thanh Vân và Trần Chí Thành đồng đạo diễn) hay Cơn giông (Trần Ngọc Phong đạo diễn).
Trái lại, hai dự án Lật mặt: 48h (Lý Hải đạo diễn) và Bẫy ngọt ngào (Đinh Hà Uyên Thư đạo diễn) đều thắng lớn phòng vé nhưng không thuyết phục được ban giám khảo. Dù còn hạn chế ở mặt kịch bản (nhất là cái kết), tác phẩm đầu tay vẫn giúp đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư mang về Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Phim của Lý Hải cũng đạt hiệu ứng tốt nhưng đáng tiếc lại trắng tay tại giải Cánh diều năm nay. Trong khi đó, tác phẩm được đánh giá là sự lên tay của Lý Hải trong vai trò đạo diễn. Phim cũng nhận được phản hồi tích cực của giới phê bình.
Hạng mục phụ ít bất ngờ
Chất lượng phim thấp khiến ban giảm khảo không gặp nhiều khó khăn khi chọn gương mặt chiến thắng hạng mục diễn xuất. Cụ thể, giải Nam chính xuất sắc gọi tên Trường Phú (Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác), Nữ phụ xuất sắc thuộc về Nhã Uyên ( Đêm tối rực rỡ).
Đặc biệt, diễn viên nhí Trường Phú (sinh năm 2012) đánh bại hoàn toàn những đồng nghiệp lớn tuổi như Quốc Trường ( Bẫy ngọt ngào), Kiều Minh Tuấn ( Chìa khóa trăm tỷ) để giành giải Cánh diều đầu tiên trong sự nghiệp.
Trường Phú (trái) và bạn diễn Chu Diệp Anh trong phim Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác.
Với vai cậu bé mồ côi mẹ trong Maika, Trường Phú gây ấn tượng với lối diễn tự nhiên, không cần kỹ thuật vẫn mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Trái lại, diễn xuất của Quốc Trường hơi quá đà, nhiều đoạn lên gân và tạo cảm giác kịch. Trong khi đó, vai của Kiều Minh Tuấn tương đối nhẹ đô và quen thuộc, không có nhiều thách thức so với năng lực diễn viên.
Chiến thắng của Trường Phú là tín hiệu tốt dành cho thế hệ diễn viên nhí Việt Nam. Điện ảnh nước nhà vẫn còn nhiều “mầm non” cần được phát hiện và đào tạo đúng cách. Bên cạnh Trường Phú, Maika cũng có hai gương mặt nhí đóng rất hay là Chu Diệp Anh và Tin Tin. Bộ ba chính là linh hồn, giúp cho tác phẩm gần gũi hơn với người xem.
Ở hạng mục nữ chính, Nhã Uyên là đối thủ nặng ký nên không gây bất ngờ khi được gọi tên. Cô vốn là vợ đạo diễn Aaron Robert Toronto, nữ chính kiêm biên kịch Đêm tối rực rỡ. Trước giải Cánh diều, Nhã Uyên từng thắng giải Best performance: female (Nữ diễn viên xuất sắc) tại liên hoan phim độc lập Santa Fe diễn ra ở Mỹ. Khi phim bấm máy, diễn viên đang mang bầu tám tháng nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc vai diễn, tạo được nhiều cảm xúc cho người xem.
Hai lựa chọn ở hạng mục diễn viên phụ cũng khá an toàn. Việc Bảo Hân thắng giải Nữ phụ xuất sắc ( Bình minh đỏ) hay Xuân Trang giành giải Nam phụ xuất sắc ( Đêm tối rực rỡ) dễ làm hài lòng số đông. Khó ai có thể phản đối hay chê bai khi hai gương mặt đều hoàn thành tốt vai diễn, góp phần làm nên thành công cho phim.
Nhìn chung, chiến thắng của Đêm tối rực rỡ, Trường Phú hay Nhã Uyên đều xứng đáng. Song, bộ phim hay những vai diễn đều chưa thực sự xuất sắc. Cánh diều vẫn phản ánh một phần diện mạo của điện ảnh Việt khi năm qua dịch bệnh, thị trường tương đối ảm đạm. Tuy nhiên để Cánh diều có thể bay cao thì chất lượng phim dự giải cũng phải thuyết phục hơn.
Cánh diều 2021: Đêm tối rực rỡ, 11 tháng 5 ngày thắng lớn
Không chỉ thắng hạng mục phim điện ảnh - phim truyền hình xuất sắc, "Đêm tối rực rỡ" và "11 tháng 5 ngày" còn giành nhiều Cánh diều vàng ở các hạng mục khác.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Cánh diều vàng 2021 hạng mục phim truyện điện ảnh xuất sắc cho phim "Đêm tối rực rỡ". (Ảnh: Người lao động)
Lễ trao giải Cánh diều lần thứ 19 - năm 2021 với chủ đề chính "Tiếp gió biển cho cánh diều bay cao" đã diễn ra Nha Trang, Khánh Hòa vào tối 13/9 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9. Ban tổ chức đã trao hơn 50 giải thưởng trong các hạng mục cho các tác phẩm, đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim xuất sắc.
Phát biểu khai mạc lễ trao giải, PGS. TS. Đỗ Lệnh Hồng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, năm nay có 147 tác phẩm dự thi ở các hạng mục. Các thành viên Ban giám khảo đã làm việc nhiệt tình, công tâm và thẩm định ra những tác phẩm xứng đáng để trao thưởng. Các tác phẩm tham dự Cánh diều 2021 có sự phong phú, đa dạng về đề tài, chủ đề, nội dung, hình thức thể hiện.
Nhã Uyên giành cú đúp, diễn viên nhí vượt qua Kiều Minh Tuấn, Quốc Trường
Các hạng mục giải thưởng thuộc thể loại Phim truyện điện ảnh luôn được đặc biệt quan tâm tại giải Cánh diều hàng năm. Năm nay, hạng mục này có 5 đề cử Cánh diều vàng gồm: Bẫy ngọt ngào, Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, Đêm tối rực rỡ, Bình minh đỏ và Phượng cháy.
Kết quả, phim Đêm tối rực rỡ (đạo diễn Aaron Toronto) giành Cánh diều vàng. Bình minh đỏ và Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác giành Cánh diều bạc. Bẫy ngọt ngào và Phượng cháy nhận bằng khen.
Hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc gọi tên Lý Nguyễn Nhã Uyên - phim Đêm tối rực rỡ. Như vậy, cô đã vượt qua Thu Trang - phim Chìa khóa trăm tỷ và diễn viên nhí Chu Diệp Anh - phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác. Đặc biệt, ngoài ra, Nhã Uyên còn giành Cánh diều vàng ở hạng mục Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh.
Hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc gồm 3 đề cử: Quốc Trường - phim Bẫy ngọt ngào, Lại Trường Phú - phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, Kiều Minh Tuấn vai Chìa khóa trăm tỷ. Và diễn viên nhí Trường Phú đã vượt qua hai diễn viênKiều Minh Tuấn và Quốc Trường giành Cánh diều vàng.
Diễn viên nhí Lại Trường Phú bật khóc xúc động khi nhận giải. (Ảnh: Người lao động)
Vẫn ở thể loại phim truyện truyền hình, giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc đã thuộc về diễn viên trẻ Bảo Hân với vai Sa - phim Bình minh đỏ. Nam diễn viên phụ xuất sắc là Xuân Trang (Đêm tối rực rỡ). Diễn viên trẻ triển vọng là Phạm Quỳnh Anh (Bình minh đỏ).
Diễn viên trẻ Bảo Hân thắng giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh.
Nhận giải đạo diễn xuất sắc phim truyện điện ảnh, đạo diễn Thanh Vân bày tỏ sự xúc động: "Ngay lúc này, tôi nhớ đến các cộng sự của mình. Sự cống hiến, tận tâm của các bạn trong những ngày khó khăn của dịch COVID-19 đã giúp tôi có giải thưởng này trong tay. Cảm ơn các bạn rất nhiều".
11 tháng 5 ngày và cặp nam nữ chính cùng giành Cánh diều vàng
Dù một năm chịu nhiều ảnh hưởng từ COVID-19 nhưng lĩnh vực phim truyện truyền hình năm 2021 ghi nhận nhiều bộ phim thành công, chinh phục khán giả. Trong đó, VFC bội thu giải thưởng ở nhiều hạng mục khác nhau. Đặc biệt, 11 tháng 5 ngày giành nhiều cánh diều vàng.
Phim Thương ngày nắng về phần 1 và 11 tháng 5 ngày cùng giành được Cánh diều vàng hạng mục Phim truyện truyền hình xuất sắc. Hai bộ phim "gây sốt", tạo hiệu ứng trên mạng xã hội - Hương vị tình thân và Cây táo nở hoa - giành Cánh diều bạc.
Cặp đôi chính của 11 tháng 5 ngày, Thanh Sơn - Khả Ngân cùng thắng giải Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc. Dù các đề cử khác ở hai hạng mục này đều rất nặng ký nhưng diễn xuất ăn ý khi lần đầu kết hợp của Thanh Sơn và Khả Ngân đã hoàn toàn thuyết phục khán giả.
Thanh Sơn và Khả Ngân - phim "11 Tháng 5 Ngày" đoạt giải nam, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim truyện truyền hình. (Ảnh: Người lao động)
Giải đạo diễn xuất sắc thuộc về đạo diễn Bùi Tiến Huy với Thương ngày nắng về. Nhóm biên kịch Phố trong làng giành chiến thắng ở hạng mục Biên kịch xuất sắc.
Cùng với đó, Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện truyền hình thuộc về NSƯT Võ Hoài Nam, vai ông Sinh, phim Hương vị tình thân. Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện truyền hình được trao chi Hương Giang, vai Tuyết, phim Mùa hoa tìm lại.
Ngoài những giải thưởng kể trên, Ban tổ chức còn trao giải ở các hạng mục phim ngắn, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình...
Giải Cánh diều 2021 có 147 tác phẩm tham dự giải, trong đó có 11 phim truyện điện ảnh, 14 phim truyện truyền hình, 45 phim tài liệu, 10 phim khoa học, 28 phim hoạt hình, 35 phim ngắn và 3 công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh.
01:42:24
Lễ trao Giải thưởng Cánh diều 2021 - 13/9/2022
DANH SÁCH GIẢI THƯỞNG TẠI LỄ TRAO GIẢI CẢNH DIỀU 2021
I. CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH ĐIỆN ẢNH
- CÁNH DIỀU VÀNG: Không có
- CÁNH DIỀU BẠC: Sách "Điện ảnh Việt Nam - Đường ra biển lớn"; Tác giả: Trần Việt Văn - Nhà xuất bản Hà Nội.
- BẰNG KHEN: Sách "Phim ảnh trong Truyền hình Khoa học - Giáo dục"; Tác giả: NSƯT Nguyễn Lê Văn - KS. Đỗ Ngọc Việt Dũng (Do.honza), Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam.
II. PHIM NGẮN
- CÁNH DIỀU VÀNG: Phim "Thành phố thẳng đứng" - Đạo diễn: Nguyễn Thị Bích Ngọc
- CÁNH DIỀU BẠC:
1. Phim "Người hộ tang" - Đạo diễn: Đỗ Quốc Trung
2. Phim "Nỗi đau đẹp nhất" - Đạo diễn: Lưu Hân
- BẰNG KHEN:
1. Phim "Lên tầng" - Đạo diễn: Nguyễn Tiến Thành
2. Phim "Nhìn!" - Đạo diễn: Phan Thị Mỹ Thắm - Trần Trí Tín
III. PHIM TÀI LIỆU
- CÁNH DIỀU VÀNG: Phim "Hai bàn tay" - Đạo diễn: Đặng Thị Linh
- CÁNH DIỀU BẠC:
1. Phim "Không sợ hãi" - Đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên
2. Phim "Con đường đã chọn" - Tổng đạo diễn: NSND Lê Thi và Nhóm tác giả
- BẰNG KHEN:
1. Phim "Ngày con chào đời" - Đạo diễn: Tạ Quỳnh Tư
2. Phim "Về đâu những cánh chim trời" - Đạo diễn: Nguyễn Tài Văn
3. Phim "Bốn mùa trong rừng thẳm" - Đạo diễn: Nguyễn Đức Đệ
- GIẢI CÁ NHÂN:
Đạo diễn xuất sắc phim tài liệu: Đặng Thị Linh, phim: "Hai bàn tay"
Quay phim xuất sắc phim tài liệu: Kiều Viết Phong, phim "Ngày con chào đời".
IV. PHIM KHOA HỌC
- CÁNH DIỀU VÀNG: Phim "Ghép tạng: Biến điều không thể thành có thể" - Đạo diễn: Nguyễn Hồng Việt
- CÁNH DIỀU BẠC:
1. Phim "Sự cân bằng hoàn hảo của đôi cánh" - Đạo diễn: Nguyễn Tài Văn
2. Phim "Rác chìm" - Đạo diễn: NSƯT Vũ Hoài Nam
- BẰNG KHEN:
1. Phim "Ngàn năm Sênh Phách" - Đạo diễn: NSND Việt Hương
2. Phim "Đất ô nhiễm" - Đạo diễn: Nguyễn Thu
- GIẢI CÁ NHÂN:
Đạo diễn xuất sắc phim khoa học: Nguyễn Tài Văn, phim: "Sự cân bằng hoàn hảo của đôi cánh"
Quay phim xuất sắc phim khoa học: Nguyễn Tài Văn - Nguyễn Tài Việt - Nguyễn Đình Hoàn
phim: "Sự cân bằng hoàn hảo của đôi cánh"
V. PHIM HOẠT HÌNH
- CÁNH DIỀU VÀNG: Phim "Bà của Đỗ đỏ" - Đạo diễn: Nguyễn Thị Hồng Linh
- CÁNH DIỀU BẠC:
1. Phim "Sương mù" - Đạo diễn: NSƯT Phạm Hồng Sơn
2. Phim "Nữ tướng Mê Linh" - Đạo diễn: NSƯT Phùng Văn Hà
- BẰNG KHEN:
1. Phim "Đi tìm Bác sỹ" - tập 4 - Đạo diễn: NSƯT Trần Khánh Duyên
2. Phim "Trái tim của Mẹ" - Đạo diễn: Đào Minh Uyển
- GIẢI CÁ NHÂN:
Đạo diễn xuất sắc phim hoạt hình: NSƯT Phạm Hồng Sơn, phim "Sương mù"
Đồng giải Họa sỹ chính xuất sắc phim hoạt hình: Nguyễn Thị Hồng Linh, phim "Bà của Đỗ đỏ" - NSƯT Lê Bình, phim "Bí mật của khu vườn".
VI. PHIM TRUYỆN TRUYỀN HÌNH
ĐỒNG CÁNH DIỀU VÀNG:
1. Phim "Thương ngày nắng về" (Phần 1) - Đạo diễn: Bùi Tiến Huy - NSƯT Vũ Trương Khoa
2. Phim "11 tháng 5 ngày" - Đạo diễn: Nguyễn Đức Hiếu - Lê Đỗ Ngọc Linh
CÁNH DIỀU BẠC:
1. Phim "Cây táo nở hoa" - Đạo diễn: Võ Thạch Thảo
2. Phim "Hương vị tình thân" - Đạo diễn: NSƯT Nguyễn Danh Dũng
BẰNG KHEN:
1. Phim "Mẹ trùm" - Đạo diễn: Nguyễn Hồng Chi
2. Phim "Phố trong làng" - Đạo diễn: NSƯT Nguyễn Mai Hiền - Trần Trọng Khôi
3. Phim "Bão ngầm" - Đạo diễn: Đinh Thái Thụy
GIẢI CÁ NHÂN:
1. Biên kịch xuất sắc phim truyện truyền hình: Đặng Thị Diệu Hương - Lê Thu Thủy - Nguyễn Mạnh Cường, phim "Phố trong làng"
2. Đạo diễn xuất sắc phim truyện truyền hình: Bùi Tiến Huy, phim "Thương ngày nắng về" (Phần 1)
3. Quay phim xuất sắc phim truyện truyền hình: Vũ Trung Kiên, phim "Hãy nói lời yêu" và "Mặt nạ gương"
4. Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện truyền hình: Thanh Sơn, vai Đăng, phim "11 tháng 5 ngày"
5. Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện truyền hình: Khả Ngân, vai Tuệ Nhi, phim "11 tháng 5 ngày"
6. Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện truyền hình: NSƯT Võ Hoài Nam, vai ông Sinh, phim "Hương vị tình thân"
7. Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện truyền hình: Hương Giang, vai Tuyết, phim "Mùa hoa tìm lại".
VII. PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH
CÁNH DIỀU VÀNG:
1. Phim "Đêm tối rực rỡ" - Đạo diễn: Aaron Robert Toronto
CÁNH DIỀU BẠC:
1. Phim "Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác" - Đạo diễn: Hàm Trần - Nguyễn Phan Quang Bình
2. Phim "Bình minh đỏ" - Đạo diễn: NSND Nguyễn Thanh Vân - Trần Chí Thành
BẰNG KHEN:
1. Phim "Bẫy ngọt ngào" - Đạo diễn: Đinh Hà Uyên Thư
2. Phim "Phượng cháy" - Đạo diễn: Nguyễn Mạnh Hà
GIẢI CÁ NHÂN:
1. Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh: Lý Nguyễn Nhã Uyên, phim "Đêm tối rực rỡ"
2. Đạo diễn xuất sắc phim truyện điện ảnh: NSND Nguyễn Thanh Vân - Trần Chí Thành, phim "Bình minh đỏ"
3. Quay phim xuất sắc phim truyện điện ảnh: Nguyễn Khắc Nhật, phim "Đêm tối rực rỡ"
4. Thiết kế mỹ thuật xuất sắc phim truyện điện ảnh: NSƯT Nguyễn Nguyên Vũ, phim "Bình minh đỏ"
5. Âm nhạc xuất sắc phim truyện điện ảnh: Đặng Hữu Phúc, phim "Bình minh đỏ"
6. Âm thanh xuất sắc phim truyện điện ảnh: Hoàng Thu Thủy - Nguyễn Đình Cảnh, phim "Bình minh đỏ"
7. Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh: Lại Trường Phú, vai Hùng, phim "Maika - cô bé đến từ hành tinh khác"
8. Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh: Lý Nguyễn Nhã Uyên, vai Xuân Thanh, phim "Đêm tối rực rỡ"
9. Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: Xuân Trang, vai Kim Hoàng, phim "Đêm tối rực rỡ"
10. Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: Phạm Bảo Hân, vai Sa, phim "Bình minh đỏ"
THTT Lễ trao giải Cánh diều 2021: Chờ đón chủ nhân các giải thưởng Chủ nhân các hạng mục giải thưởng Cánh diều 2021 sẽ được lộ diện trong chương trình lễ trao giải THTT vào 20h10 hôm nay (13/9) trên kênh VTV9. Lễ trao giải Cánh diều lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào tối 13/9. Với chủ đề chính "Tiếp gió biển cho cánh diều bay...