Thấy gì từ việc Bộ Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông?
Bộ Giao thông Vận tải vừa nhận trách nhiệm về chậm tiến độ, đội vốn tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thừa nhận, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư.
Điểm mặt các dự án chậm tiến độ, đội vốn
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong bản báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, 7, Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn của Bộ GTVT.
Cụ thể, trong báo cáo, Bộ GTVT điểm mặt những công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Đó là dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành; dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà Nội; dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên; dự án tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương.
Đặc biệt, trong số này còn có 2 dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư là dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông và dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi.
Bộ GTVT cho rằng, hầu hết các dự án trọng điểm đều là dự án quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp. Trong đó có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Ngoài ra, chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện; năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp.
Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn, vướng mắc không được xử lý triệt để, nhiều nội dung phải điều chỉnh, từ đó khiến các dự án rơi vào tình trạng kéo dài thời gian và đội vốn.
Ngoài các nguyên nhân chủ quan, những nguyên nhân khách quan khác như biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, tỷ giá hối đoái thay đổi làm tăng tổng mức đầu tư của dự án; công tác xử lý kỹ thuật, xử lý lún kéo dài, điều kiện địa chất phức tạp, thời tiết không thuận lợi cũng đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Theo Bộ GTVT, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng, các yếu tố chủ quan khác cũng là nguyên nhân chính gây ra việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.
Bộ GTVT cho rằng việc thiếu kinh nghiệm là một trong những nguyên nhân khiến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn. (Ảnh: Hòa Thắng)
Video đang HOT
Nhận trách nhiệm liệu đã đủ?
Nói riêng về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT cho biết đang tích cực chỉ đạo xây dựng kế hoạch bàn giao đưa dự án vào khai thác trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện.
Hiện công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý; vận hành thử toàn hệ thống và đánh giá an toàn hệ thống; khắc phục một số tồn tại để đảm bảo yêu cầu so với thiết kế làm cơ sở để tiến hành nghiệm thu dự án.
Đặc biệt, Bộ GTVT khẳng định, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Vì dịch bệnh này mà đến nay các nhân sự của Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh.
Lý giải về nguyên nhân khiến các dự án bị đội vốn, nhất là những dự án đường sắt đô thị, Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân chính do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư. Cụ thể là do chưa có kinh nghiệm với loại hình đường sắt đô thị nên tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu.
Một lần nữa, Bộ GTVT thừa nhận, việc để dự án đội vốn thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và tư vấn thực hiện dự án.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc NXB GTVT khẳng định, Bộ GTVT đương nhiên phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính về những vấn đề xảy ra tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
“Dự án này ngay từ đầu đã cho thấy sự bất cập một cách rõ ràng nhưng Bộ GTVT vẫn quyết tâm làm. Biết là lạc hậu mà vẫn làm, xong lại chậm tiến độ, đội vốn thì đương nhiên Bộ GTVT với tư cách là chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Theo nguyên Giám đốc NXB GTVT, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là hình ảnh tiêu biểu nhất về việc chậm tiến độ và đội vốn trong những dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Qua dự án này có thể thấy Bộ GTVT đã thiếu trách nhiệm trong việc điều hành, quản lý…
Lập tổ công tác gỡ vướng Cát Linh-Hà Đông: Không dễ...
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng vướng mắc thật sự của dự án có thể không nằm ở công nghệ, kỹ thuật mà nằm ở vấn đề tài chính, quyết toán.
Thành ủy Hà Nội và Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải vừa thống nhất lập Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo đánh giá, dự án hiện còn một số vấn đề kỹ thuật, đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao chưa thống nhất giữa Bộ Giao thông vận tải và Tổng thầu của dự án.
Lập tổ công tác gỡ vướng cho dự án Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Ngaynay
Xâu chuỗi toàn bộ diễn biến của dự án, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng những nguyên nhân vướng mắc tại dự án đang dần sáng rõ.
Theo đó, vị chuyên gia phân tích, từ năm 2019, Bộ GTVT, Ban quản lý dự án cũng như nhà thầu đều khẳng định dự án đã hoàn thành tới 99%, chỉ còn 1% khối lượng công việc chưa được hoàn thành. Đây là nguyên nhân khiến dự án bị kéo dài thời gian đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, từ 1% này đã gối qua hai năm nhưng tới nay, dư luận vẫn chông ngóng, và không hiểu vì sao cho tới bây giờ dự án vẫn chưa thể vận hành?
Từ câu hỏi trên, TS Nguyễn Xuân Thủy đặt ra hai giả thiết. Một là, 1% khối lượng công việc chưa hoàn thành này có thể chưa được định lượng đúng, tỉ lệ công việc chưa hoàn thành có thể cao hơn được công bố.
Thứ hai, nếu tỉ lệ công bố trên là chính xác thì cần làm rõ vướng mắc thật sự của dự án có phải nằm ở vấn đề kỹ thuật, xây dựng hay không?
Với kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu về lĩnh vực giao thông, vị chuyên gia khẳng định kỹ thuật không phải là vấn đề vướng mắc lớn ở dự án này.
"Kỹ thuật đường sắt cả thế giới đã sử dụng từ những năm đầu thế kỷ XX, các hạng mục kỹ thuật luôn bao gồm: Đường sắt, đoàn tàu, động cơ... tất cả đều không có gì bí ẩn cả. Khác nhau chỉ là kỹ thuật được nâng cấp chạy vận tốc nhanh hơn, công nghệ hiện đại hơn, vận hành an toàn hơn.
Trên thực tế, trong thông báo chung của Thành ủy Hà Nội và Ban cán sự Đảng Bộ GTVT về dự án này cũng khẳng định cơ bản hoàn thành các mục gồm: Công tác xây dựng 5/5 công trình thành phần; đã vận hành thử kỹ thuật một số chuyên ngành thiết bị từ cuối tháng 9/2018 đến tháng 3/2019.
TP Hà Nội đã hoàn thành 9/9 nội dung về chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để tiếp nhận bàn giao, đưa vào khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị này ngay sau khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá, kết luận chất lượng công trình đủ điều kiện theo quy định và cho phép bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, bảo đảm chất lượng kỹ thuật, an toàn...
Như vậy, nếu dự án được triển khai một cách trách nhiệm, khoa học, minh bạch, không có tiêu cực, lợi ích nhóm và dự án cũng không gặp vướng mắc về công nghệ, kỹ thuật như khẳng định thì vướng mắc chắc chắn nằm ở vấn đề khác.
Tôi tin Việt Nam có đủ khả năng, trình độ có thể kiểm tra, đánh giá để đưa đoàn tàu này vào vận hành, vì thế, vấn đề không phải là kỹ thuật", ông Thủy nói.
Bằng biện pháp loại trừ, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng vướng mắc thật sự của dự án có thể không nằm ở công nghệ, kỹ thuật mà có thể nằm ở vấn đề tài chính, quyết toán.
Đây cũng chính là vấn đề được nhắc tới trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thành ủy Hà Nội và Bộ GTVT. Cụ thể những vướng mắc này được Tổ công tác đề cập tới là khó khăn trong thực hiện yêu cầu kết luận của Kiểm toán Nhà nước về giảm trừ thanh toán, hoàn tất thủ tục liên quan...
Chính vì điểm mắc này nên hai bên đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở báo cáo cung cấp và giải trình của Bộ GTVT, rà soát lại kết luận kiểm toán để có thể xem xét, điều chỉnh đối với nội dung thuộc thẩm quyền.
Đối với những nội dung vượt thẩm quyền thì phối hợp với Tổ công tác, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo về các nội dung giảm trừ thanh toán, tránh nguy cơ xảy ra tranh chấp hợp đồng, làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
"Trên cơ sở báo cáo, vấn đề đã khá rõ, vướng mắc là ở đồng tiền, là vấn đề thực thu, thực chi có chính xác không, có đúng không? Đồng tiền có được sử dụng đúng công việc, đúng mục tiêu, mục đích của dự án là giảm ùn tắc giao thông hay không?
Có thể vấn đề nằm ở những cam kết, trong thỏa thuận ký kết hợp đồng vay vốn 400 triệu USD của Trung Quốc để triển khai dự án này chưa minh bạch, có khuất tất.
Cũng có thể có sự khuất tất, chưa minh bạch trong các khoản chi phí mua bán các thiết bị kỹ thuật, chi phí nhân công, tổng mức đầu tư... Vì thế đã có sự vênh nhau giữa Kiểm toán Nhà nước với nhà thầu Trung Quốc khiến dự án bị kéo dài, không đưa vào khai thác được", ông Thủy nêu giả thiết.
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng dính tới tài chính, tiền bạc là vấn đề rất phức tạp. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định mọi vấn đề đều có giải pháp nhưng đi cùng với giải pháp là phải có người dám chịu trách nhiệm về việc này.
Cho rằng việc thành lập Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho dự án là rất cần thiết nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động.
"Việc đầu tiên là tìm giải pháp gỡ vướng cho dự án thật hợp lý và tiết kiệm. Các phương án tài chính phải hợp lý, khoa học, phù hợp với thực tiễn.
Song song với đó là phải làm rõ những uẩn khúc liên quan chưa được tháo gỡ. Phải xem các cơ quan chức năng liên quan đã làm đúng, làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình tại dự án này hay chưa?
Mức đầu tư bình quân trên thế giới với tàu điện ngầm từ 60 - 100 triệu USD/km, đường sắt đô thị trên cao chỉ bằng 1/3 tức khoảng 20 - 30 triệu USD/km. Với 13 km đường sắt mà tổng mức đầu tư (dự kiến điều chỉnh) lên tới 891,92 triệu USD, tức mỗi kilomet tốn gần 70 triệu USD là quá đắt đỏ. Đó là còn chưa nói tới công nghệ, thiết bị cho đoàn tàu đã phải là thiết bị hiện đại, đắt nhất của Trung Quốc sản xuất hiện nay hay chưa thì chưa rõ.
Vì thế, phải xem xét lại trách nhiệm của các đơn vị thực hiện dự án, bởi gánh nặng tăng chi phí vốn vay sau này người dân sẽ phải chịu", ông Thủy nói.
Lam Nguyễn
7 dự án đường bộ, đường sắt chậm, tăng vốn vì đâu? Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có bảy dự án đường bộ, đường sắt chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư. Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội kết quả tổng hợp Nghị quyết số 113/2015 của Quốc hội và các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn. Theo Chính phủ, hiện nay có hai dự...