Thấy gì từ “quỹ đen” ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam?
Để có “ quỹ đen” ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, một số cá nhân đã buộc các nhà thầu phải trích nộp tiền cho chủ đầu tư từ 5% đến 20% giá trị gói thầu trong khi đó không luật nào cho phép…
Câu chuyện thu phần trăm giá trị gói thầu từ nhà thầu của Cục đường thủy nội địa Việt Nam lập “quỹ đen” đang thu hút sự chú ý của dư luận khi mới đây, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra nhiều sai phạm và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ GTVT chuyển kết quả xác minh vụ “quỹ đen” tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sang Bộ Công an để điều tra, xử lý.
Đến thời điểm hiện tại, chắc hẳn một số cá nhân liên quan trong vụ việc “quỹ đen” tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng chưa thể lý giải được vì sao thông tin về việc lập “quỹ đen” và “buổi chia chác tiền tỷ” lại có thể lộ, lọt ra ngoài. Bởi trước khi bị lộ lọt, “quỹ đen” này được hình thành từ những năm 2015, 2016 và tất nhiên những việc không trong sáng, thiếu minh bạch, mang màu sắc vụ lợi không ai dại gì mà “bô bô” lên cho thiên hạ biết, để rồi bị “nhòm ngó”.
Thế nhưng, “cái kim không giấu trong bọc được lâu”, chuyện tưởng như sẽ được “vùi sâu, chôn chặt” của những cá nhân liên quan tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam dần dần “rò rỉ” khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ và bước đầu hé lộ nhiều sai phạm.
Trụ sở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Ảnh: PLO.
Để có “quỹ đen”, một số cá nhân đã đề ra “luật bất thành văn”: Muốn được thi công những gói thầu do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư, các công ty trúng thầu phải trích nộp tiền cho chủ đầu tư từ 5% đến 20% giá trị gói thầu.
Theo kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ GTVT, từ cuối năm 2015 đến 2016, 15 nhà thầu đã đến phòng làm việc của ông Phạm Văn Thông – nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường thủy nội địa, đưa tiền cho ông Thông hơn 4,8 tỷ đồng.
Dù tới thời điểm này, có đến 14/15 nhà thầu mà ông Thông khai đã nhận tiền đều không thừa nhận nộp tiền cho ông Thông hay nhận chỉ đạo gì từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, và lời khai của ông Thông về việc thu tiền này là thực hiện theo chỉ đạo miệng của ông Trần Đức Hải – Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhưng tổ công tác chưa kiểm chứng được nên chưa đủ căn cứ pháp lý. Nhưng sự việc “quỹ đen” tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã dần sáng tỏ.
Minh chứng rõ nhất được kết luận thanh tra chỉ rõ, sau khi thu tiền từ các nhà thầu, ông Thông đã dùng số tiền thu được chi cho các cá nhân của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để tổ chức hội nghị, hội thao, tiền ăn cho cán bộ, công chức và người lao động… Đáng chú ý, việc chi đều được các lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa phê duyệt hoặc các cá nhân tự lấy tiền từ ông Thông.
Video đang HOT
Đã có 9 cá nhân là chuyên viên, trưởng các phòng nghiệp vụ đề xuất chi, sau đó lấy tiền từ ông Thông để chi phí chung cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam 406 triệu đồng.
Và thực tế, Bộ GTVT giao Thanh tra Bộ ban hành quyết định thu hồi số tiền 406 triệu đồng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và ban hành quyết định thu hồi 4,39 tỷ đồng của ông Thông.
Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo cơ quan tham mưu của Bộ tổ chức triển khai và xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm từ Cục trưởng đến các Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu Bộ GTVT chuyển kết quả xác minh vụ “quỹ đen” tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sang Bộ Công an để điều tra, xử lý.
Theo kết luận thanh tra, nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do lỗi chủ quan của các cá nhân tham mưu cùng lãnh đạo Cục, do sự thiếu hiểu biết pháp luật ở cả các cấp tham mưu.
Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng, việc thu tiền của nhà thầu và chi số tiền đó phải có sự thông đồng, móc nối của các cá nhân có liên quan và lộ rõ “lợi ích nhóm”. Bởi không một cá nhân nào lại cả gan tự “lập quỹ đen” rồi dùng quỹ đó cho việc chung của tập thể nếu họ không được hưởng lợi ích gì.
Để có “quỹ đen”, một số cá nhân đã buộc các nhà thầu phải trích nộp tiền cho chủ đầu tư từ 5% đến 20% giá trị gói thầu trong khi đó không luật nào cho phép cho thấy có sự thông đồng, móc ngoặc tiêu cực, làm lũng đoạn ngân sách Nhà nước để chiếm đoạt lợi ích riêng và lợi ích nhóm, cho từng cá nhân trong bộ phận cán bộ của Cục Đường thủy nội địa.
Việc các nhà thầu phải trích lại từ 5 – 20% giá trị gói thầu cũng đồng nghĩa dự án trúng thầu sẽ không mang lại nguồn lợi cho nhà thầu nếu làm ăn chân chính, buộc các nhà thầu phải tìm cách để bù đắp lại khoản tiền đã chi lại cho chủ đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và “tạo bột nở” làm phình các dự án. Rõ ràng họ phải được hưởng từ nguồn lợi dự án mới dám mạnh tay chi % giá trị gói thầu đến như vậy.
Vậy nên, Thanh tra Bộ GTVT trong kết luận cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do lỗi chủ quan của các cá nhân không nhận được sự đồng thuận từ dư luận…
Trên thực tế, việc lập “quỹ đen” không chỉ xảy ra ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam mà tại nhiều cơ quan đơn vị cũng có tình trạng tương tự. Tuy nhiên, không phải tất cả các vụ việc liên quan đến “quỹ đen” tại các đơn vị được phanh phui.
Thực tế tồn tại không ít cán bộ thoái hóa, biến chất, suy đồi đạo đức do làm trong môi trường nhiều cám dỗ và lãnh đạo thiếu giám sát, quản lý thậm chí còn xui khiến những việc làm sai trái để cùng nhau hưởng lợi. Và việc “quỹ đen” tồn tại như một điều hiển nhiên tại nhiều cơ quan đơn vị, trong khi cơ chế quản lý giám sát còn có nhiều lỏng lẻo.
Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo phải kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Việc này thể hiện sự cương quyết của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy, cán bộ nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng. Sự quyết tâm bài trừ tham nhũng của Đảng, Nhà nước được minh chứng bởi hàng loạt vụ đại án được đưa ra xét xử, nhiều lãnh đạo Ban, Bộ, ngành bị xử lý.
Dư luận mong muốn, vụ việc “quỹ đen” tại Cục đường thủy nội địa Việt Nam sẽ sớm được làm rõ, nếu cá nhân nào sai phạm phải xử lý nghiêm mình để răn đe một số cán bộ nuôi ý định lợi dụng nghề nghiệp để chuộc lợi cho cá nhân hãy dừng ngay những việc làm vi phạm pháp luật. Bởi cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ phải lòi ra.
Thiên Nga
Theo kienthuc
Nghi vấn 'quỹ đen' ở Cục Đường thủy: Thật hay...đùa?
Về nghi vấn có quỹ đen ở Cục Đường thủy, Bộ trưởng GTVT đã yêu cầu thanh tra bộ vào cuộc làm rõ những hiện tượng bị nêu trên báo chí.
Tranh minh họa
Câu chuyện nghi vấn "quỹ đen" ở Cục Đường thủy đang gân xôn xao dư luận ngày hôm qua. Theo thông tin ban đầu, một số cá nhân thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã thu 5-20% để lập "quỹ đen" từ các gói thầu các công trình do Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa và các dự án do Cục làm chủ đầu tư...
Việc thu "quỹ đen" này được thực hiện vào tháng đầu năm, là thời điểm hoàn tất hồ sơ quyết toán, giải ngân toàn bộ ngân sách của năm trước.
Theo thông tin điều tra trên báo Pháp luật TP. HCM, ví dụ, một công ty trúng thầu để thi công một gói thầu là 1 tỷ đồng, công ty được trừ 10% gọi là thuế thu nhập, còn lại 900 triệu đồng. Sau đó, số tiền phía công ty phải nộp cho Cục là 5%-20%. Việc thu quỹ này cũng còn phụ thuộc vào các gói thầu lớn hay nhỏ nhưng ít nhất là 5%, nhiều thì 20%. Nếu công ty tạm ứng trước khi trúng thầu thì lúc nộp công ty tự trừ đi.
Theo các tài liệu PV Báo Pháp luật TP.HCM thu thập được, trong những năm 2015-2017 có hàng chục công ty trúng thầu thi công các công trình như nạo vét, phá đá, rà phá bom mìn, khảo sát thông báo luồng... do Ban QLDA và Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư, đã "trích chi" vào "quỹ đen" ở Cục Đường thủy nội địa VN.
Số tiền mỗi công ty, đơn vị nộp "quỹ đen" ít nhất 90 triệu đồng, nhiều nhất là vài trăm triệu đồng. Tiền "quỹ đen" mà Cục Đường thủy nội địa thu của công ty hàng năm được sử dụng vào việc đi ngoại giao, thanh toán công tác phí, đi quà sinh nhật cho các sếp cấp trên...
Nếu những thông tin báo Pháp luật TP.HCM đăng tải là đúng sự thật và kết quả điều tra của Thanh tra Bộ GTVT làm rõ điều này, thì quả là một "cú sốc" với dư luận.
Cơ quan Nhà nước mà cũng ngang nhiên coi việc "cắt phế", "lại quả" là đương nhiên như những cú làm ăn ngoài chợ trời thì đúng là không còn gì để nói.
Tiền dự án là tiền ngân sách, tức tiền thuế của dân, hoặc là tiền đi vay thì sau này ngân sách cũng phải bỏ ra chi trả. Ấy thế nhưng lại có chuyện Cục đứng ra lập quỹ để "quay vòng", "luộc" tiền ngân sách theo kiểu này, thì người dân khó mà tưởng tượng nổi.
Vậy là những dự án đưa ra đấu thầu, chắc chắn sẽ có chuyện bị "thổi giá" lên cao hơn, để bên trúng thầu còn cắt phần trăm mà nộp cho Cục. Vậy thì đã rõ, chất lượng công trình ra sao, lượng tiền thất thoát thế nào. Và cuối cùng, nhà nước và người dân cùng gánh chịu hậu quả, thiệt đơn thiệt kép trong khi tiền bỏ ra mà chất lượng thu về không tương xứng.
Cần phải điều tra, làm rõ hiện tượng này. Nếu đúng thì phải xử lý nghiêm, đưa ngay những kẻ lập ra quỹ đen ra trước pháp luật. Còn nếu sai, thì phải lấy lại danh dự và uy tín cho các cán bộ Cục Đường thủy.
Thử tưởng tượng và đặt một giả thuyết, không chỉ có ở Cục Đường thủy mới có "quỹ đen" mà nhiều lĩnh vực, nhiều ngành chỗ nào cũng có một cái "quỹ đen" thế này thì sao nhỉ?
Mi An
Theo baodatviet
Không thể rút kinh nghiệm tập thể trong vụ "quỹ đen" tại Cục Đường thủy nội địa "Cần phải xác minh rõ ràng, công khai, minh bạch vụ việc để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân chứ không thể quy trách nhiệm tập thể theo kiểu chung chung". Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải khẩn trương kiểm tra làm rõ nghi vấn "quỹ đen" ở Cục Đường...