Thấy gì từ chuyện lợi nhuận ngân hàng khởi sắc?
Tổng lợi nhuận của 12 ngân hàng trong diện khảo sát đã tăng 11,5% trong năm 2015, so với chỉ 5,2% của năm 2014.
Các ngân hàng vẫn phải đang trích lập dự phòng lớn cho những khoản vay xấu trước đây. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, đến thời điểm này những khoản vay tốt cũng mang lại nguồn lợi nhuận dồi dào cho các ngân hàng.
Lấy ví dụ về Eximbank, một ngân hàng gặp trục trặc trong vấn đề nợ xấu và đang phải tái cấu trúc. Năm 2015, tiếp nối vận rủi của năm trước đó, lợi nhuận của Eximbank chỉ vỏn vẹn 89 tỉ đồng. Tuy nhiên, mức lãi thu được từ việc cho vay vẫn lên đến gần 3.400 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015, tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần của ngân hàng này là 20%, trong khi năm ngoái chỉ hơn 3%.
Không chỉ Eximbank, nhiều ngân hàng khác cũng có tốc độ tăng trưởng lớn hơn 20% như ACB, Vietcombank, MBB, Techcombank, VIB và SHB. Trong số này, VPBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động cho vay ấn tượng nhất, lên đến gần gấp đôi.
Tốc độ tăng trưởng một số chỉ tiêu của các ngân hàng
Theo khảo sát 12 ngân hàng có quy mô tài sản chiếm 62% hệ thống ngân hàng thương mại, tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần trong năm nay trung bình là 19%, trong khi năm ngoái chỉ đạt mức 10%.
Giữa lúc thị trường bất động sản có những tín hiệu ấm lên, đây là những con số cho thấy các ngân hàng vẫn đang kinh doanh khá tốt, dù cho những trục trặc và khó khăn cơ bản là nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Vì sao thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng mạnh? Thu nhập lãi thuần đến từ hai thành phần quan trọng, đó là thu lãi từ những khoản vay và trả lãi những khoản tiền gửi. Chênh lệch lãi suất giữa đầu ra và đầu vào ảnh hưởng đến lợi nhuận của khoản thu nhập này.
Năm 2015, tỉ suất sinh lợi từ hoạt động cho vay của ngân hàng đã được cải thiện. Tỉ suất này được đo bằng hệ số NIM, tức đánh giá bằng chênh lệch giữa lãi suất cho vay đầu vào, đầu ra của ngân hàng. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, NIM bình quân của ngành ngân hàng là 2,74%, trong khi năm 2014 là 2,7%.
Video đang HOT
Khả năng sinh lời của các tổ chức tín dụng 2013-2015
Như vậy, sau nhiều năm theo chiều hướng giảm, NIM của ngân hàng đã bắt đầu đảo chiều. Điều đáng mừng là mặc dù NIM của ngành trong năm 2015 vẫn thua kém so với năm 2013, song tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) đã phục hồi đáng kể. Theo đó, ROE đã quay trở về ngang với năm 2013, ở mức 6,4%.
Ở khía cạnh khác, nhu cầu tín dụng bắt đầu tăng mạnh hơn, cả ở khối cá nhân lẫn doanh nghiệp. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), NIM của ngân hàng trong khoản vay cá nhân cao hơn là doanh nghiệp, nghĩa là cho vay cá nhân thường có lãi suất cao hơn và ngân hàng cũng được lợi. Dường như chiến lược tập trung nhiều vào cho vay cá nhân của các ngân hàng trong thời gian qua đang mang về kết quả khả quan.
Một yếu tố khác giúp tình hình ngân hàng được cải thiện trong năm qua là nhu cầu kinh tế và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế đã tốt lên, theo báo cáo khảo sát các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Có thể nói, thu nhập lãi thuần là một nguồn thu quan trọng đối với các ngân hàng khi đóng góp bình quân đến 80% cơ cấu doanh thu. Và nếu chỉ nhìn vào con số lợi nhuận gốc, khó mà thấy được xu hướng tăng trưởng “hữu cơ” của ngân hàng.
Nhờ kết quả lợi nhuận tốt từ hoạt động cho vay, các ngân hàng vẫn có tiền nhiều để xử lý nợ xấu. Cũng theo khảo sát 12 ngân hàng ở trên, tổng lợi nhuận của các ngân hàng này đã tăng 11,5% trong năm 2015, trong khi con số của năm 2014 chỉ là 5,2%, mặc dù các ngân hàng vẫn mạnh tay trích lập dự phòng.
Năm 2016, phần lợi nhuận này được dự báo sẽ tăng lên, bởi trong năm qua các ngân hàng thậm chí còn cho vay mạnh hơn trước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã lên đến con số 18%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nhu cầu về vốn tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng mạnh hơn và đó sẽ là nguồn thu tốt đối với các ngân hàng trong tương lai.
Thêm nữa, cũng theo BVSC, các khoản cho vay bất động sản thường có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn so với cho vay các doanh nghiệp sản xuất. Trong khi đó, năm 2015 các ngân hàng rót vốn khá nhiều vào các dự án bất động sản. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 11 năm ngoái đã tăng gần 20%. Còn theo Ngân hàng Nhà nước, năm qua các ngân hàng tập trung cho vay khá nhiều đến các dự án bất động sản và dự án dài hạn.
Tín dụng tăng cao là cơ sở cho thu nhập lãi thuần trong tương lai. Tuy nhiên, điều này cũng có những rủi ro, nếu như phần lớn mức tăng này dựa trên nền tảng là bất động sản – ngành có giá trị tăng giảm quá mạnh, dễ dẫn tới nguy cơ bất ổn.
Trên thực tế, gần đây Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo về việc siết lại dòng vốn ngân hàng vào bất động sản, bằng cách giảm tỉ trọng các khoản vay trung và dài hạn, trong khi tăng mức độ rủi ro của các khoản vay bất động sản từ 150% lên tới 250%, như thông tư cũ chưa sửa đổi trước đây. Có lẽ hơn ai hết, ngân hàng thấm thía rõ nhất bài học đắt giá từ việc rót vốn vào bất động sản.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Lợi nhuận ngân hàng: Vẫn khả quan sau khi trích lập
Chuyện trích lập dự phòng cao không quá đáng ngại, bởi lẽ nó đồng nghĩa với việc các ngân hàng đã mạnh dạn đối mặt với thực trạng tài sản của mình.
Các ngân hàng tiếp tục trải qua một quý "vật lộn" với những khoản nợ xấu. Tại VPBank, chẳng hạn, chi phí trích lập dự phòng quý III/2015 đã tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái; Techcombank cũng tăng 77%. Song những con số trích lập dự phòng cho nợ xấu khó đòi chưa phản ánh đầy đủ bức tranh chung về tình hình kinh doanh của ngân hàng. VPBank dù chấp nhận hạch toán trừ lãi để xử lý nợ, ngân hàng này vẫn còn "dư dả" 2.328 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng đến 70% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, kết quả hoạt động kinh doanh thuần túy của các ngân hàng vẫn lạc quan, dù cho nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập. Nói về tình hình hoạt động của ngân hàng trong năm nay và năm tới, quỹ đầu tư Dragon Capital có cái nhìn tích cực. "Lợi nhuận ngân hàng tăng trong năm sau là chuyện có thể nhìn thấy được, dựa vào các yếu tố cơ bản", ông Lê Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế trưởng của Dragon Capital, dự báo.
Lợi nhuận giảm do trích lập
Điểm đáng chú ý trong báo cáo tài sản quý này ở các ngân hàng chính là việc hoạt động trích lập dự phòng của ngân hàng tiếp tục tăng cao, cao hơn cả tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Lấy ví dụ như Vietcombank, lợi nhuận tăng 22% trong khi chi phí dự phòng tăng đến 34%. Điều này cũng tương tự với nhiều ngân hàng khác.
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại vì chi phí trích lập dự phòng cao
Xét về con số tuyệt đối, từ đầu năm đến nay, trích lập dự phòng chiếm phần lớn trong lợi nhuận làm ra của ngân hàng. Tính trung bình ở 12 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm, tỉ lệ chi phí dự phòng trên lợi nhuận trung bình đã tăng từ mức 39% cùng kỳ năm ngoái lên mức 45% trong năm nay. Trong số này, có nhiều ngân hàng có tỉ lệ trên 50%, tức chi phí trích lập dự phòng chiếm hơn nửa lợi nhuận như Vietcombank, VPBank, ABBank và một vài ngân hàng có tỉ lệ rất cao như Techcombank (64%) hay VIB (70%).
Các ngân hàng đang chạy nước rút trong việc xử lý nợ xấu. Thời điểm cuối tháng 9 cũng là lúc mà các ngân hàng phải hoàn tất việc đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới mốc 3%, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa, họ cũng không còn được cơ cấu lại nợ theo cơ chế trước đây, mà buộc phải đưa về nhóm nợ xấu hơn và xử lý chúng.
Rõ ràng, trích lập dự phòng cao đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận ngân hàng trong kỳ, song nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận chung của ngân hàng thì chưa thấy được xu hướng tăng trưởng của ngành này.
Nếu "bóc" phần dự phòng ra, có thể thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng đang tăng trưởng rất tốt. "Đó mới là điều nên nhìn nhận", ông Tuấn nhận định.
Hãy trở lại với trường hợp của Vietcombank. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lại tăng trưởng đến 21%. Phần giảm này chính là do chi phí trích lập chiếm đến 50% lợi nhuận.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, ngoại trừ một số ngân hàng đang "bận rộn" giải quyết các vấn đề riêng như Eximbank, Sacombank (đang nhận sáp nhập) thì những ngân hàng tư nhân còn lại đều tăng trưởng rất mạnh xét về lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh như VPBank, ACB, Techcombank.
Trên thực tế, chuyện trích lập dự phòng cao không quá đáng ngại. Bởi lẽ, nó đồng nghĩa với việc các ngân hàng đã mạnh dạn đối mặt với tình trạng tài sản của mình, chấp nhận ghi mức lãi thấp để làm cho tài sản đẹp, sạch hơn.
2016: Ngân hàng sẽ phục hồi nhẹ
Khi được hỏi về tiềm năng lợi nhuận ngân hàng, ông Tuấn, Dragon Capital, tỏ ra rất lạc quan. Theo ông, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ phục hồi nhanh vào cuối năm 2015; các ngân hàng tương đối tốt thì sẽ phục hồi dần trong năm 2016, 2017. Vì thế, năm 2016 tiếp tục được cho là chu kỳ phục hồi nhẹ của ngành ngân hàng.
Hơn nữa, nợ xấu bắt đầu suy giảm một phần vì ngân hàng tích cực xử lý, phần khác cũng nhờ thị trường đã khả quan hơn. "Nợ xấu không phải đẹp ra, mà thị trường bất động sản phục hồi thì nợ xấu phải phục hồi", ông Tuấn nói.
Tiềm năng lợi nhuận ngân hàng còn nằm ở VAMC. Hai năm trở lại đây, VAMC chỉ tập trung vào việc mua lại nợ xấu. Sang năm, cơ quan này sẽ bắt đầu hình thành dần những khung pháp lý cho việc xử lý các khoản nợ đã mua lại. Hiện nay, VAMC đã mua được 10 tỉ USD giá trị tài sản và xử lý được khoảng 7% trong số đó. Theo đánh giá của ông Tuấn, "đó là điểm không tệ", nhất là trong bối cảnh Chính phủ nói chung và VAMC nói riêng có quá ít nguồn lực để xử lý.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng là lãi suất, vì phần lớn thu nhập của ngân hàng vẫn là phần chênh lệch giữa huy động đầu vào và cho vay đầu ra. Lãi suất trong năm sau dự kiến sẽ ổn định, có thể cộng thêm vài chục điểm cơ bản, theo ông Tuấn. Trong khi đó, báo cáo kinh tế mới nhất của HSBC dự kiến Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng lãi suất thêm 5 điểm phần trăm. "Khi lãi suất biến động đi lên thì tỉ suất lợi nhuận của ngân hàng cũng bắt đầu đi lên", ông Tuấn nói.
Theo NTD
Năm 2016, ĐHCĐ các ngân hàng sẽ tập trung trong tháng 4 và tháng 5 Vietcombank, LienVietPostBank, VIB... đã lên kế hoạch ĐHCĐ vào tháng 4/2016 trong khi nhiều ngân hàng khác cũng đang chuẩn bị chốt danh sách cổ đông. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 vào 15/4 tại Hà Nội. Thời gian chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham...