Thấy gì sau các bức ảnh chụp vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên?
Các bức ảnh chụp vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên do truyền thông nước này công bố đã phần nào hé lộ một số chi tiết liên quan tới chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Kích cỡ
Bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tên lửa Hwasong-15 cho thấy độ lớn của tên lửa này (Ảnh: Reuters)
Triều Tiên ngày 29/11 đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới với tên gọi Hwasong-15. Các bức ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố cho thấy kích thước của Hwasong-15 lớn hơn đáng kể so với Hwasong-14 – tên lửa hiện đại nhất của Bình Nhưỡng từ trước đến nay.
“Triều Tiên muốn đạt được khả năng phóng tên lửa tới lục địa Mỹ, vì vậy họ muốn chế tạo một vật thể đủ lớn để làm được điều đó”, CNN dẫn lời David Schmerler, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin (CNS), cho biết.
Theo nhà nghiên cứu Michael Duitsman tại CNS: “Đây không chỉ là một tên lửa lớn đối với Triều Tiên mà còn là tên lửa lớn đối với thế giới nói chung. Hiện không có nhiều nước có thể chế tạo được tên lửa lớn như vậy và có thể vận hành nó”.
“Tên lửa mới của Triều Tiên có bề rộng lớn hơn rất nhiều, đặc biệt ở tầng thứ hai, so với các tên lửa đạn đạo liên lục địa trước đây”, nhà nghiên cứu Michael nhận xét về tên lửa Hwasong-15 sau khi quan sát các bức ảnh do Triều Tiên công bố.
Sau khi xem các bức ảnh chụp tên lửa Triều Tiên, Scott Lafoy, chuyên gia phân tích hình ảnh của NK News – trang mạng chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, cũng khẳng định “đây là tên lửa rất lớn, lớn hơn nhiều so với những gì tôi tưởng tượng”.
Đầu đạn
Cận cảnh đầu đạn tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Các bức ảnh chụp tên lửa Hwasong-15 cho thấy phần chóp của tên lửa này tù hơn so với tên lửa Hwasong-14. Các chuyên gia cho rằng thiết kế phần chóp như vậy sẽ giúp làm giảm nhẹ tốc độ bay của tên lửa khi xuyên qua bầu khí quyển, từ đó cho phép hạ thấp nhiệt độ bên trong tên lửa và giúp đầu đạn tên lửa không phải chịu sự biến đổi quá nhiều về nhiệt độ trong quá trình tên lửa di chuyển.
Video đang HOT
Theo Washington Post, phần chóp tù cũng được cho là giúp tên lửa Triều Tiên khắc phục các vấn đề liên quan tới giai đoạn hồi quyển, giúp bảo vệ đầu đạn tên lửa trong quá trình rời bệ phóng cũng như quay lại khí quyển Trái đất. Công nghệ hồi quyển cũng là một trong số những điểm yếu của tên lửa Triều Tiên trong các vụ phóng trước đây.
Mặc dù trong các vụ thử nghiệm trước đây, tên lửa Triều Tiên cho thấy tầm phóng xa đáng kể, song một số chuyên gia vẫn hoài nghi về việc liệu các tên lửa này có thể đạt được tầm phóng xa như vậy nếu được gắn thêm một đầu đạn hạt nhân khối lượng lớn nữa không.
Vụ phóng tên lửa Hwasong-15 vào sáng qua chính là lời giải đáp cho nghi vấn trên khi Triều Tiên tuyên bố tên lửa mới “có khả năng mang đầu đạn hạt nhân siêu nặng”. Bình Nhưỡng cho biết tên lửa mới “có nhiều ưu điểm hơn về các thông số công nghệ và chiến thuật cũng như các tính năng kỹ thuật so với tên lửa Hwasong-14″.
Liên quan tới đầu đạn hạt nhân trên tên lửa Hwasong-15, chuyên gia Schmerler cho biết sẽ rất khó để khẳng định rằng Triều Tiên đã gắn một vật nặng lên đầu tên lửa trong vụ phóng mới nhất nếu chỉ nhìn qua những bức ảnh. Tuy nhiên theo ông Schmerler, các nước nên xem xét nghiêm túc tuyên bố của Triều Tiên, rằng tên lửa Hwasong-15 có thể mang đầu đạn hạt nhân “siêu nặng”. Ông Shemerler phỏng đoán rất có thể Triều Tiên đã gắn một đầu đạn giả với khối lượng tương đương với một quả bom hạt nhân lên tên lửa Hwasong-15 trong vụ phóng sáng qua.
Theo Shea Cotton, một nhà nghiên cứu của CNS, “không có lý do gì Triều Tiên không phóng thử một tên lửa với đầu đạn khối lượng lớn, trong khi chúng ta đều chắc chắn rằng họ đã sở hữu một tên lửa có tầm phóng tới Mỹ”.
Động cơ
Giới phân tích chỉ ra vị trí 2 động cơ của tên lửa Hwasong-15 dựa trên các bức ảnh do Triều Tiên công bố (Ảnh: Washington Post)
Hwasong-14, tên lửa từng được xem là mạnh nhất của Triều Tiên trước khi Hwasong-15 xuất hiện, chỉ sử dụng một động cơ chính với 4 động cơ phụ để điều chỉnh hướng bay của tên lửa tới mục tiêu cần đến. Tuy nhiên, hình ảnh chụp tên lửa trong vụ phóng gần đây cho thấy Hwasong-15 dường như sử dụng 2 động cơ chính và không có bất kỳ động cơ phụ nào.
“Điều đó có nghĩa Triều Tiên có thể đã kết nối được các động cơ (chính) với nhau… đây là điều chúng ta chưa từng thấy Triều Tiên làm bao giờ. Nếu chúng ta nhận định đúng thì đây là điểm hoàn toàn mới của Triều Tiên”, chuyên gia Schmerler cho biết.
Theo chuyên gia Scott Lafoy, Hwasong-15 được trang bị động cơ mới nhưng cũng có thể là loại động cơ từng được sử dụng trước đây. Chuyên gia Lafoy cho rằng Hwasong-15 không sử dụng động cơ phụ để điều chỉnh hướng bay như Hwasong-12 và Hwasong-14.
Trong khi đó chuyên gia Schmerler cho rằng Triều Tiên có thể đã nhìn vào hệ thống tên lửa của các nước trên thế giới để học theo và áp dụng vào chính chương trình tên lửa của nước này. Một số nhà phân tích phỏng đoán động cơ tên lửa Hwasong-15 là động cơ của Titan II – một tên lửa do Mỹ phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đã dừng hoạt động từ năm 1987.
Titan II là tên lửa nặng nhất và lớn nhất mà Mỹ từng chế tạo, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 9 megaton bay xa 15.000 km với sức nổ gấp 600 lần so với sức nổ của quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Xe tải
Xe tải chở tên lửa Hwasong-15 tới địa điểm phóng ngày 29/11 (Ảnh: Reuters)
Theo NK News, trong các bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố, tên lửa Hwasong-15 được vận chuyển tới địa điểm phóng bằng loại xe tải gần giống các xe tải từng được Triều Tiên sử dụng để chở các tên lửa lớn hơn trước đây.
“Các xe tải này giống phiên bản nâng cấp của xe tải chở gỗ Trung Quốc WS51200, song được cải tiến để lắp thêm trục thứ 9 (do mỗi bên có 9 bánh xe) và Triều Tiên gọi đây là xe mang phóng tự hành 9 trục”, chuyên gia Lafoy cho biết.
Tuy nhiên, theo quan sát của ông Lafoy, các xe tải được Triều Tiên sử dụng để vận chuyển tên lửa Hwasong-15 trong vụ phóng sáng qua không phải là xe mang phóng (TEL) với hai chức năng vừa chở vừa phóng tên lửa như trong các vụ phóng trước đây, mà là xe mang dựng (T/E). T/E sẽ có nhiệm vụ vận chuyển tên lửa tới địa điểm phóng và dựng tên lửa này vào vị trí phóng. Khác với TEL, vụ phóng tên lửa sử dụng xe T/E không cần xe tải đứng bên cạnh. Ngoài ra, do xe T/E phải chuyển tên lửa tới, sau đó dựng tên lửa và rời tới vị trí khác nên thời gian triển khai và phóng tên lửa kéo dài hơn so với xe TEL.
Thành Đạt
Theo Dantri
Cơ hội vàng Triều Tiên phóng tên lửa ngay dịp đại hội đảng TQ?
Trung Quốc sắp bước vào kỳ đại hội đảng quan trọng và đây cũng có thể là cơ hội vàng để Triều Tiên phóng tên lửa, hoàn thiện chương trình hạt nhân.
Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên.
Theo trang mạng NDTV (Ấn Độ), Trung Quốc đang tăng cường an ninh trong nước để đảm bảo kỳ Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 diễn ra thành công tốt đẹp.
Những lệnh trừng phạt, cấm vận chưa từng có mà Trung Quốc áp đặt lên Triều Tiên kể từ đầu tháng này được cho là nhằm đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ không có hành động bất thường.
Nhưng ở ngoài phạm vi biên giới, không có gì đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ "im lặng" trong thời gian diễn ra sự kiện đặc biệt ở Bắc Kinh.
Một số nhà phân tích nhận định, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thậm chí còn thấy đây là "cơ hội vàng" để phóng tên lửa đạn đạo, thử hạt nhân.
Trên thực tế, Triều Tiên đã can thiệp vào hai hội nghị quốc tế quan trọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự vào năm nay.
Hồi tháng 5, đúng ngày ông Tập phát biểu trước các lãnh đạo thế giới ở Bắc Kinh về sáng kiến Vành đai và Con đường thì Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo.
Đến tháng 9, ông Tập cũng đang chuẩn bị phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Trung Quốc thì Triều Tiên thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa tìm ra cách giải quyết hiệu quả ván đề hạt nhân Triều Tiên.
Đây rõ ràng là thông điệp cứng rắn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trước những dấu hiệu đồng minh truyền thống Trung Quốc ngả về phía Mỹ.
Một vụ thử hạt nhân trong thời gian diễn ra đại hội đảng "còn tệ hơn cả mất mặt. Nó sẽ ảnh hưởng đến đảng cầm quyền Trung Quốc", Cheng Xiaohe, phó giáo sư về quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân, Bắc Kinh, nói. "Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến ông Tập trong thời điểm then chốt".
"Triều Tiên khả năng cao sẽ thử tên lửa đạn đạo tầm xa trong thời gian Trung Quốc tổ chức đại hội đảng", Zhao Tong, chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Trung tâm Carnegie - Tsinghua ở Bắc Kinh nhận định.
Ông Zhao cho rằng giờ là thích hợp để Bình Nhưỡng thực hiện một vụ thử, kiểm tra các vấn đề kỹ thuật còn lại và "kết thúc chương trình hạt nhân chiến lược sớm nhất có thể".
"Đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc lúc này có ít khả năng ứng phó hơn", theo Zhao. "Sau đại hội đảng, Trung Quốc sẽ tập trung vào vấn đề Triều Tiên. Bình Nhưỡng sẽ an toàn hơn nếu thực hiện thử từ trước".
Một yếu tố được giới phân tích nhấn mạnh đó là việc ông Tập chưa từng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un kể từ khi ông Kim lên nắm quyền năm 2011.
Quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Những đề xuất của Trung Quốc như Triều Tiên ngừng thử hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ-Hàn dừng tập trận cũng không được Bình Nhưỡng chú ý.
Theo Danviet
Liên Hợp Quốc: Tên lửa Triều Tiên đe dọa an toàn hàng không Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thuộc Liên Hợp Quốc cảnh báo các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của các chuyến bay hoạt động ở khu vực không phận quốc tế. Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters) Theo Kyodo, trong phiên họp tại trụ sở...