Thay đổi tư duy để đột phá
Ngày 17-1, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đến dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. Về phía Ban Kinh tế Trung ương có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, năm 2019, cơ quan này đã chủ trì tham mưu, giúp Bộ Chính trị ban hành 3 nghị quyết, 3 kết luận, nâng tổng số nghị quyết, kết luận được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tham mưu, đề xuất từ năm 2016 đến nay là 13 nghị quyết, kết luận. Những kết quả đạt được góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 và trong dài hạn.
Những chủ trương, đường lối do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành đều là những vấn đề mang tính chiến lược, thể hiện sự đổi mới sáng tạo theo kịp xu hướng phát triển của thời đại để vừa khắc phục khó khăn, thách thức vừa tận dụng cơ hội, xây dựng nền tảng vững chắc nhằm đưa nước ta đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển, giàu có và thịnh vượng…
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, công chức, người lao động Ban Kinh tế Trung ương. Sau 7 năm tái lập, đặc biệt năm 2019, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương đã ngày càng toàn diện; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Để thực hiện tốt nhiệm vụ do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là cực kỳ quan trọng; là cơ quan tham mưu chiến lược về kinh tế – xã hội của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, không chỉ chờ giao việc mới làm, mà phải chủ động đề xuất, tham mưu. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển đất nước thông qua việc thực hiện các đề xuất, kiến nghị của Ban thành nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, chỉ thị của Ban Bí thư; tiếp tục nghiên cứu đề xuất các vấn đề mang tầm chiến lược đất nước; phát huy tiềm năng to lớn kinh tế biển; tạo cơ chế đột phá để thúc đẩy kinh tế vùng; tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; những định hướng mới trong tổ chức bộ máy chính quyền để phát triển, ví dụ với TPHCM thì đâu là những giải pháp đột phá để đưa TPHCM nhanh chóng trở thành trung tâm tài chính quốc tế mới…
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nền kinh tế đang tồn tại nhiều nút thắt lớn, hạn chế phát triển, khiến tiềm năng không được giải phóng, trong đó thể chế được xem là nút thắt lớn. Song nút thắt lớn nhất là tư duy. Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì có điều chỉnh thể chế thì vẫn là thể chế cũ, bình mới rượu cũ, không thể đột phá. Nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, tinh thần chung là phải chủ động tích cực hơn, năng động sáng tạo hơn để đạt được kết quả tổng thể cao hơn trong năm sau.
TPHCM muốn thực hiện thí điểm mô hình kinh tế chia sẻ
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban Kinh tế Trung ương ngày 17-1, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo tổng kết năm và định hướng sắp tới của Ban Kinh tế Trung ương.
Ban Kinh tế Trung ương không chỉ làm chức năng tham mưu về chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho Đảng mà còn làm chức năng giám sát, thẩm định những văn kiện liên quan trình Bộ Chính trị. Sắp tới, theo phân công của Bộ Chính trị, TPHCM sẽ chuẩn bị đề án điều chỉnh tỷ lệ phân chia ngân sách, Ban Kinh tế Trung ương cũng là cơ quan của Đảng góp phần với TPHCM xây dựng báo cáo thẩm định để báo cáo Bộ Chính trị.
Video đang HOT
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị
Ảnh: VIẾT CHUNG
Về góc độ địa phương, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ một số nội dung. Vấn đề thứ nhất, về phát triển kinh tế của TPHCM, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, hầu hết các nước đang phát triển hiện nay dân số đang giảm, thiếu lao động, vì thế, có nguồn lao động dồi dào chất lượng cao là lợi thế rất quan trọng. Hiện nay, TPHCM có 60 viện, trường đại học, cơ sở nghiên cứu, là nơi cung cấp chất lượng lao động ngày càng cao với quy mô lớn. Đây là lợi thế của TPHCM. Động lực phát triển của TPHCM sẽ là nhân lực chất lượng cao ở tầm quốc tế với quy mô lớn.
Thứ hai, vấn đề yếu kém lâu nay của chúng ta là việc kết nối giữa: doanh nghiệp khoa học công nghệ – đào tạo chất lượng cao – các công ty tài chính – quản lý nhà nước. Tứ giác phát triển này chúng ta nói nhiều nhưng còn thiếu chặt chẽ. Thành phố coi bên cạnh cơ chế chung cần thực hiện sự kết nối này ở quy mô cụ thể, thông qua việc xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Ở đây có khu công nghệ cao thành công bậc nhất cả nước khi thu hút 7 tỷ USD, xuất khẩu 8 tỷ USD; có mật độ trường đại học vào hàng cao nhất cả nước với trên 100.000 sinh viên, 2.000 tiến sĩ, là trung tâm đào tạo rất lớn. Ở quận 2 với khu đô thị mới sẽ thành lập trung tâm tài chính. Như vậy, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức hiện nay đã hình thành 3 cực: sản xuất công nghệ cao; đào tạo, nghiên cứu trình độ cao; công nghệ mới và đã tích hợp lại thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Khu vực này chiếm 11% diện tích thành phố, 11% dân số, triển vọng sẽ đóng góp ít nhất 30% tổng sản phẩm kinh tế của TPHCM, hiện thực hóa sự tương tác giữa 4 bên một cách chặt chẽ về không gian.
Vấn đề thứ ba là về phương thức kinh tế mới, kinh tế chia sẻ. TPHCM với đặc điểm dân số quy mô lớn, kinh tế lớn có nhiều đặc thù. Hiện trên địa bàn có 315.000 xe máy và ô tô kết nối qua dịch vụ xe. Mô hình kinh tế chia sẻ phát triển mạnh ở TPHCM.
Thứ tư là nhận thức lại về kinh tế biển. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng trong vòng 100km từ bờ biển trở vào là vùng đất có nguồn lực và tài nguyên rất lợi thế để phát triển kinh tế biển. Ở Mỹ, 85% kinh tế Mỹ nằm ở khoảng diện tích 100km từ bờ biển trở vào. TPHCM có chiều dài từ biển là 88km, lâu nay nghĩ kinh tế biển là Cần Giờ nhưng thực tế cả TPHCM nằm trong khu vực kinh tế biển. Như vậy, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ phải ngồi lại với nhau hoạch định lại phương thức phát triển. Ở Việt Nam, các tỉnh có biển chiếm 40% diện tích, đóng góp hơn 60% GDP.
Vấn đề thứ năm là hợp tác kinh tế vùng. Thành phố lâu nay cũng hợp tác với các địa phương với suy nghĩ là giúp bạn nhưng nhận thức lại: việc hợp tác với địa phương chính là giúp thành phố phát triển. Hiện nay, cứ 5 năm, dân số thành phố có thêm 1 triệu người, nghĩa là cứ 5 năm phải có việc làm cho 1 triệu người, nhà ở, xe máy. Nếu không giúp các địa phương xung quanh phát triển, đặc biệt đô thị hóa ở các tỉnh thì đô thị hóa sẽ dồn vào TPHCM, không cách nào ngăn được quá trình này. “Chúng tôi nhận thức lại rằng, TPHCM đô thị hóa nhưng cũng phải giúp các địa phương đô thị hóa. TPHCM sẽ hợp tác với các tỉnh Tây Nam bộ về du lịch, giao thông… Hợp tác là giúp cho chính mình và để cả nước cùng phát triển”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói.
Vấn đề thứ sáu, TPHCM xác định muốn phát triển thì phải dựa vào tri thức, chuyên gia, nguồn vốn nước ngoài. TPHCM đã chọn 15 thành phố tại 15 nước chúng ta có quan hệ tốt để hợp tác chiến lược.
Cuối cùng là văn hóa. Đại hội Đảng sắp tới chúng ta nhấn mạnh về nhân lực. Trong đó, con người là nguồn lực chính cho phát triển kinh tế và con người giỏi thì phải có sức mạnh. Bên cạnh sức khỏe, trí tuệ thì sức mạnh văn hóa hết sức quan trọng, là nơi giữ cho xã hội thăng bằng. “Trong Đại hội Đảng sắp tới, chúng tôi đặt vấn đề văn hóa là hướng phát triển ưu tiên, là tiền đề phát triển kinh tế”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM cam kết, bên cạnh đảm bảo an ninh, TPHCM đảm bảo đóng góp ngân sách. Năm 2019, TPHCM đóng góp hơn 409.000 tỷ đồng cho ngân sách và sắp tới giao bao nhiêu, TPHCM phấn đấu đạt bấy nhiêu. Còn về các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, TPHCM đề nghị được thực hiện thí điểm cho cả nước.
HÀ MY
Theo SGGP
Đồng chí Trần Quốc Vượng mong muốn VSIP Nghệ An sẽ góp phần tạo ra cú hích cho tỉnh
Làm việc với VSIP Nghệ An, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng gửi gắm và kỳ vọng thời gian tới VSIP Nghệ An sẽ góp phần tạo ra cú hích cho kinh tế Nghệ An, góp phần xây dựng tỉnh thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ.
Chiều 6/12, trong chương trình thăm và làm việc tại Nghệ An, đồng chí Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An.
Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Văn Chính - Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương; Nguyễn Lam - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương. Ảnh: Thành Cường
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.
Thu hút hơn 345 triệu USD vào VSIP Nghệ An
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo VSIP đã giới thiệu tổng thể về dự án đầu tư tại Nghệ An, cũng như tiến độ thu hút các nhà đầu tư. Theo đó, hiện nay, VSIP Nghệ An có 25 nhà đầu tư trên tổng diện tích 133 ha, trong đó có 13 nhà đầu tư nước ngoài. Số vốn đăng ký chỉ tính riêng 20 nhà đầu tư là hơn 345 triệu USD; đã có 8 nhà đầu tư đi vào hoạt động, 8 nhà đầu tư khác đang xây dựng nhà máy, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2020.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh báo cáo đánh giá về hiệu quả thu hút đầu tư của VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Ông Nguyễn Thế Vũ - Giám đốc phát triển Dự án VSIP cho biết: Hiện nay, việc thu hút các nhà đầu tư đang tiến triển tốt và VSIP đang xin mở rộng diện tích để đầu tư giai đoạn 2 của VSIP Nghệ An.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cũng đã báo cáo một số nét khái quát về công tác thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó những năm qua tỉnh đã tập trung thu hút các nhà đầu tư về hạ tầng khu công nghiệp như: VSIP Nghệ An, WHA Hemaraj Nghệ An, Hoàng Thịnh Đạt... để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
VSIP Nghệ An có tổng diện tích 750 ha, trong đó khu công nghiệp 368 ha; khu đô thị, dịch vụ 382 ha. Các ngành nghề thu hút đầu tư vào khu công nghiệp là may mặc, thực phẩm và đồ uống, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác, điện và điện tử, các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, xem đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, Nghệ An đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, trong đó có sự phối hợp với các nhà đầu tư về hạ tầng khu công nghiệp với tỉnh trong công tác này.
Trong đó, đối với Dự án VSIP Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá cao sự chia sẻ, đồng hành với tỉnh trong quá trình đầu tư vào tỉnh, thu hút đầu tư. Dù giai đoạn đầu có khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, song hiện nay nhiều nhà đầu tư đang đến với VSIP, và hoàn toàn tin tưởng diện tích khu công nghiệp sẽ được lấp đầy trong thời gian ngắn sắp tới.
Lãnh đạo VSIP phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Cường
Về khó khăn của Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nút thắt lớn nhất của tỉnh trong công tác thu hút đầu tư là chưa có cảng nước sâu. Hiện nay đã có nhà đầu tư sẽ đầu tư cảng nước sâu với quy hoạch hiện đại, nhưng khó khăn nhất là hợp phần đê chắn sóng cho cảng nước sâu phải do Nhà nước đầu tư.
Đây là nội dung được tỉnh kiến nghị với các đoàn công tác của Trung ương và đã được ghi nhận. Thời gian tới, Nghệ An làm việc với các bộ, ngành để cố gắng thực hiện được dự án đê chắn sóng cho cảng nước sâu, qua đó tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cần ưu tiên nhà ở cho công nhân
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng ghi nhận những nỗ lực của Nghệ An trong công tác thu hút đầu tư, trong đó đối với VSIP Nghệ An đã có những nỗ lực lớn vì sau 2 năm trở lại thăm, dự án đã có những thay đổi rõ rệt.
Đồng chí Trần Quốc Vượng kỳ vọng VSIP Nghệ An sẽ góp phần tạo ra cú hích cho kinh tế tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá VSIP là nhà đầu tư có uy tín và tin tưởng trong tương lai gần sẽ thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư vào VSIP Nghệ An.
Tuy nhiên, bên cạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, đồng chí cũng đề nghị, đối với dự án xây dựng khu đô thị, VSIP Nghệ An nên dành ưu tiên nhà ở cho công nhân để họ yên tâm làm việc, như vậy vừa có lợi cho nhà đầu tư, vừa có lợi cho người lao động và cả tỉnh.
"Tôi biết VSIP có nhiều kinh nghiệm, mong tiếp tục đồng hành với tỉnh để có thành quả" - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng gửi gắm và kỳ vọng VSIP Nghệ An sẽ góp phần tạo ra cú hích thời gian tới cho kinh tế Nghệ An, góp phần xây dựng tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ và cũng là góp phần xây dựng quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thành Duy
Theo Baonghean
Tỉnh Hòa Bình có tân Phó Bí thư Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình. Ngày 3-7, tại tỉnh Hòa Bình, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ. Ông Nguyễn Văn Bình...